Gian truân từ khâu đăng ký

LTS: Nhân việc viện phí tăng từ tháng này, TTCT thực hiện một khảo sát nhỏ ở khâu đăng ký khám bệnh - phân khúc được xem là quá tải và lộn xộn nhất hiện nay ở các bệnh viện. Quả thật, nâng chất lượng ngay ở khâu đầu tiên này vẫn là chuyện nan giải.

Ở Cần Thơ, người dân thường đến bệnh viện lấy số thứ tự trực tiếp là chính-CHÍ QUỐC
Ở Cần Thơ, người dân thường đến bệnh viện lấy số thứ tự trực tiếp là chính-CHÍ QUỐC

Hơn 10g sáng 28-10, các hàng ghế ở khoa khám bệnh tự nguyện Bệnh viện Tim Hà Nội kín đặc người chờ. Chị Nguyễn Thị Tâm ở Lương Tài, Bắc Ninh cho biết chị rời nhà lúc 4g sáng, 5g30 đến bệnh viện và 6g thuộc nhóm bệnh nhân lấy số khám đầu tiên. “Bệnh viện dặn tôi 9g lấy kết quả, nhưng đợi đến 10g là đợt lấy kết quả thứ hai vẫn không thấy tên tôi” - chị Tâm than.

Chị Tâm chỉ là một trong số hàng triệu người đi khám bệnh trên khắp Việt Nam gặp cảnh “hẹn hò - chờ đợi” này.

Bốn người đi, một người khám

Có kinh nghiệm đi khám bệnh tại tuyến trung ương nên mỗi lần đi khám, ông Phan Văn Hệ - 57 tuổi, ở Hưng Yên - đã “kéo” cả ba người thân cùng đi theo. “Mỗi người đứng chờ ở một cửa, người đóng tiền, người lấy số.

Cùng lúc xếp hàng ở những phòng khám khác nhau, nếu phòng nào đến lượt trước thì thông báo cho tôi khám trước, như vậy tôi không phải mất công đi lại, chờ đợi ở từng phòng” - ông Hệ nói. Một người đi khám, ba người đi theo là bốn, rất mất công mất việc nhưng vì người bệnh, gia đình ông Hệ chấp nhận mất thời gian, công sức của nhiều người.

Lên xe khách từ 8g tối hôm trước, đến 5g sáng hôm sau ông Nguyễn Đắc Vinh - 54 tuổi, ở Cao Bằng - mới có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai. Những tưởng là sớm, nhưng đến bệnh viện mới biết xếp hàng để làm thủ tục trước ông đã có hàng chục người.

Chờ đợi được bác sĩ thăm khám, chỉ định làm các xét nghiệm rồi xếp hàng nộp tiền lấy hóa đơn, đến khoảng 10g ông Vinh mới có thể làm thủ tục đầu tiên là xét nghiệm máu và nước tiểu, một tiếng sau đó mới được làm điện tâm đồ trong khi còn khoảng ba loại dịch vụ cần thực hiện là chụp X-quang phổi, siêu âm ổ bụng, siêu âm tim phải chờ đến chiều.

Nếu may mắn, ông Vinh có thể lấy được kết quả khám trong ngày, nhưng nhiều bệnh nhân khác phải chờ đến hôm sau. Tình cảnh bệnh viện lúc nào cũng đầy người vạ vật chờ đợi, nhất là những ngày đông bệnh nhân, phổ biến 28/30 ngày trong tháng, còn ngày rằm và mùng 1 bệnh viện... vắng tanh khá phổ biến ở Hà Nội.

Từ năm năm nay, Bệnh viện Mắt T.Ư đã mở một đường dây điện thoại để sẵn sàng nhận lịch hẹn khám, hẹn phẫu thuật với bệnh nhân nhưng hiệu quả rất thấp. Theo bác sĩ Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt T.Ư, chỉ có 10-20% bệnh nhân gọi đến là đúng mục đích hẹn lịch khám, lịch phẫu thuật, số còn lại thường hỏi lịch khám ở bệnh viện của bác sĩ mà họ biết tên, hoặc hỏi về chi phí phẫu thuật, khám bệnh.

Chẳng khác tình hình ở Hà Nội mấy, tại Cần Thơ, chị Vy - ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, đi khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cho biết chị đến “bốc” số thứ tự vào buổi sáng rồi đến chiều vô khám vì lượng người tới đây khám rất đông. Chị Vy nói muốn được khám sớm phải trực từ tờ mờ sáng hoặc nhờ người thân đến sớm “bốc” số thứ tự...

Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cũng tổ chức bốc số thứ tự cho bệnh nhân, nhưng thông tin bệnh nhân sẽ được hiển thị tại màn hình tivi để tiện theo dõi. Màn hình cũng chỉ hiển thị tên và số thứ tự bệnh nhân-CHÍ QUỐC
Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cũng tổ chức bốc số thứ tự cho bệnh nhân, nhưng thông tin bệnh nhân sẽ được hiển thị tại màn hình tivi để tiện theo dõi. Màn hình cũng chỉ hiển thị tên và số thứ tự bệnh nhân-CHÍ QUỐC

11 bước mới tới được... bác sĩ!

Ông Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết bệnh viện đã áp dụng việc đặt lịch khám bệnh trực tuyến và qua số điện thoại được ba năm, thế nhưng số người đến khám qua các kênh này không nhiều. “Lý do có thể người bệnh không biết số điện thoại hoặc không có kỹ năng thao tác tốt trên máy tính” - ông Kính phân trần.

Một số bệnh viện lớn khác tại Hà Nội cũng có dịch vụ đặt lịch khám qua số điện thoại nhưng hiệu quả rất hạn chế. “Mặc dù bệnh nhân đã đặt lịch hẹn nhưng bác sĩ vẫn phải mất nhiều thời gian chờ đợi bệnh nhân đến khám, trong khi đó bệnh nhân chờ ngoài cửa phòng khám lại rất đông” - một bác sĩ cho biết.

Tương tự, Bệnh viện Phụ sản T.Ư cũng đã có dịch vụ đặt lịch hẹn qua điện thoại nhưng chỉ triển khai ở phòng khám dịch vụ. Quy trình khám đối với bệnh nhân có đặt lịch trước sẽ là xếp hàng lấy số thứ tự, xếp hàng lấy phiếu khám, lại xếp hàng lấy hóa đơn, tiếp tục xếp hàng chờ tại phòng khám, nếu có chỉ định xét nghiệm máu hay siêu âm người bệnh phải quay lại bàn đăng ký ban đầu để làm lại tất cả thủ tục: lấy số, lấy phiếu, lấy hóa đơn...

Tuy nhiên khi được hỏi, nhiều bệnh nhân tỏ ra nghi ngờ về lịch đặt khám qua điện thoại bởi họ vẫn phải chờ. “Người ta có bệnh nhân quen biết gửi, chen vào giữa chúng tôi cũng chả biết. Nên cứ đến trực tiếp chờ cho chắc ăn” - một bệnh nhân nhận xét.

Vì không có sự tách bạch ở nơi tiếp đón, quy trình làm thủ tục khám đối với người hẹn lịch qua điện thoại và người đến trực tiếp khám nên về cơ bản quỹ thời gian chờ đợi làm thủ tục giữa hai nhóm đối tượng này giống nhau, chỉ khác là bệnh nhân đặt lịch hẹn trước được ưu tiên lấy số phiếu khám trước.

Chị Ngọc Vân - 30 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội - cho biết từng đặt lịch khám nhiều lần ở phòng khám dịch vụ của Bệnh viện Phụ sản T.Ư, lần nào cũng phải mất 2-3 giờ để được siêu âm và khám thai, nếu như có chỉ định xét nghiệm máu, nước tiểu phải mất thêm một giờ chờ đợi.

Một quy trình tổng thể khám dịch vụ tại bệnh viện này sẽ phải qua bảy bước, còn nếu khám có bảo hiểm y tế thì người bệnh sẽ phải thực hiện... 11 bước. Trong khi từ lâu nay Bộ Y tế đã yêu cầu chỉ 4-5 bước là phải hoàn tất quy trình.

Theo ông Lê Hoàng Tú - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội, khi viện phí tăng thì bệnh viện sẽ cải tạo, tu bổ để cải tiến chất lượng dịch vụ, nhưng mới chỉ mang tính tạm thời như quét vôi toàn bộ khoa phòng, treo bảng biểu hướng dẫn rõ ràng, dễ thấy, đóng mới giường bệnh tránh để bệnh nhân phải nằm ghép...

“Để nâng cao chất lượng phục vụ, vài năm trở lại đây bệnh viện đã rà soát quy trình khám bệnh, giảm từ 11 bước còn 7 bước, nâng thêm số khoa phòng khám bệnh, bố trí, sắp xếp khoa phòng sao cho thuận lợi nhất cho bệnh nhân” - ông Tú cho biết.

Qua khảo sát của phóng viên TTCT tại các bệnh viện từ Hà Nội đến Huế, TP.HCM hay Cần Thơ... ở đa số bệnh viện việc “hiện đại hóa” khâu đăng ký chỉ đến mức... trang bị phần mềm “bốc số” điện tử hoặc đăng ký qua tổng đài điện thoại, hoặc nhắn tin (dịch vụ).

Ngay tại TP.HCM - nơi được coi là tiên phong trong các khâu cải cách hành chính, việc ứng dụng đăng ký khám bệnh online cũng rất hạn chế. Một số bệnh viện đã triển khai thì nay phải dừng lại, chủ yếu vẫn dùng tổng đài điện thoại. Còn ở Cần Thơ, tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ có tổ chức đăng ký khám bệnh qua tổng đài 1080 nhưng không phải người dân nào cũng biết.

Bác sĩ Lâm Thị Nhàn - phó giám đốc bệnh viện - cho biết bệnh nhân đến khám sẽ nhấn số tự động và theo dõi số thứ tự trên màn hình. Tại quầy đăng ký khám chữa bệnh, người bệnh chờ nhập thông tin hoặc xuất trình thẻ bảo hiểm y tế, sau đó nhập số thứ tự để đến phòng khám. Bệnh nhân đến phòng khám, bác sĩ khám cấp toa thuốc hoặc chỉ định cận lâm sàng (xét nghiệm, siêu âm, X-quang...), nếu có thực hiện cận lâm sàng thì người bệnh chờ làm xong và quay lại phòng khám để bác sĩ tư vấn và nhận toa thuốc...

Theo bác sĩ Nhàn, khảo sát của bệnh viện cho thấy thời gian chờ đợi đối với một bệnh nhân chỉ khám bệnh và nhận toa thuốc trung bình 61 phút, có thực hiện cận lâm sàng thì thời gian chờ là 82 phút.

Trong khi đó, bác sĩ Võ Hồng Sở, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết bệnh viện đang sử dụng phần mềm quản lý cấp thuốc cho bệnh nhân, tất cả bệnh nhân đến đăng ký khám và chỉ định thuốc, cận lâm sàng, trả kết quả đều được in và trả bằng máy, bác sĩ không phải viết tay như trước.

Theo bác sĩ Sở, bệnh viện cũng vừa mua thêm phần mềm bốc số tự động, máy quét mã vạch trên thẻ bảo hiểm y tế. Bệnh nhân đến khám tự bốc số thứ tự, sau đó hệ thống máy sẽ chạy trên màn hình số thứ tự vào phòng khám nào, bác sĩ khám xong nhập tên hoặc quét thẻ bảo hiểm y tế trên máy, hệ thống cũng sẽ hiện lên màn hình tên bệnh nhân vào cửa nào nhận thuốc hoặc khám tiếp theo ở khu vực cận lâm sàng... “Nếu một bệnh nhân khám đơn thuần và nhận thuốc chỉ mất thời gian khoảng 30 phút, nếu bác sĩ chỉ định làm thêm xét nghiệm, cận lâm sàng thì trong thời gian một buổi sẽ kết thúc và nhận kết quả” - bác sĩ Sở nói.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận