Giữa luật và việc

MAI HƯƠNG 30/10/2013 21:10 GMT+7

TTCT - Dù trực tiếp liên quan đến vấn đề thiết thân nhất của hàng chục triệu lao động - công ăn việc làm - nhưng dự thảo cuối cùng của Luật việc làm trình Quốc hội kỳ họp này (*) vẫn bị đánh giá là còn “nhiều bất cập”. Ghi nhận thực tế thảo luận tại Quốc hội cho thấy mối quan tâm của đại biểu đối với dự luật này cũng không cao.

Quá trưa rồi mà nhóm lao động này vẫn chưa có người đến thuê (ảnh chụp tại chợ lao động Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) - Ảnh: Hoàng Điệp

Ra đời trong bối cảnh suy thoái kinh tế, tình trạng thất nghiệp căng thẳng, dự thảo Luật việc làm dăm lần bảy lượt được sửa chữa mà vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng quan trọng nhất của người lao động là tạo ra một hành lang pháp lý căn cơ để mọi công dân có khả năng lao động đều được hỗ trợ có việc làm nhằm nuôi sống bản thân, gia đình và tạo ra của cải cho xã hội. 

Trước đó, dự thảo luật này từng bị Quốc hội “bác” do không đáp ứng yêu cầu chất lượng.

Suy thoái thật, việc làm ảo

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội chín tháng đầu năm đưa ra những con số: chín tháng đầu năm 2013, ước giải quyết việc làm cho khoảng 1,128 triệu lao động, tức chỉ giảm 0,07% so với cùng kỳ năm 2012. Chính phủ ước tính cả năm 2013 số lao động được tạo việc làm đạt 1,54 triệu người, tức gần hoàn thành kế hoạch đề ra (1,6 triệu người).

Cũng trong báo cáo này, Chính phủ phải nhìn nhận sức khỏe èo uột của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chín tháng đầu năm tăng tới gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Họ không tiếp cận được vốn tín dụng mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể. Hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tháo gỡ khó khăn, giảm hàng tồn kho còn nhiều hạn chế.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra mâu thuẫn này trong báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và ba năm 2011-2013. 

Báo cáo thẩm tra nêu rõ: “Tỉ lệ thất nghiệp chung theo báo cáo là giảm, nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức đã phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, đồng thời nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định”.

Cũng theo Quốc hội, tốc độ tăng năng suất lao động có xu hướng chậm lại, trong giai đoạn 2003-2007 tốc độ tăng năng suất lao động đạt khoảng 5,17% mỗi năm, giai đoạn 2008-2012 chỉ còn khoảng 3,08% mỗi năm.

Nhiều ý kiến đã cho rằng với thực trạng nền kinh tế và tình hình doanh nghiệp vô vàn khó khăn như những năm qua thì việc số liệu liên quan đến việc làm, thất nghiệp không có biến động lớn là “chưa thỏa đáng”. 

Do vậy, Quốc hội yêu cầu cần tiếp tục “đánh giá thực chất hơn, làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp với chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp”.

Ngay trong kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XIII vừa qua, đại biểu Quốc hội đã phát hiện nhiều điều bất hợp lý ngay trên chính báo cáo kinh tế - xã hội năm 2012 của Chính phủ, trong đó có vấn đề việc làm.

Báo cáo của đoàn thư ký tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội nêu rõ vấn đề: Tình trạng thất nghiệp chưa được cải thiện. Số lượng lao động mất việc làm không được thống kê đầy đủ, chính xác… Thực trạng tình hình đào tạo nghề và giải quyết việc làm khó khăn, nhiều sinh viên ra trường không được bố trí việc làm...

Quốc hội nhận định: “Tỉ lệ thất nghiệp theo báo cáo giảm so với kế hoạch đặt ra nhưng số liệu trên chưa phản ánh đúng tình hình thực tế” và yêu cầu Chính phủ “giải thích sự mâu thuẫn giữa việc doanh nghiệp giải thể tăng và chỉ tiêu tạo việc làm gần đạt”.

Thực tế cũng góp vào mối nghi ngờ này những dẫn chứng cụ thể cho tình hình việc làm ngày một căng thẳng. Tháng 4-2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải xây dựng một chương trình khẩn cấp cho tình trạng có tới 25.000 cử nhân ra trường mà thất nghiệp. Hàng nghìn cử nhân khác thất nghiệp ở Nghệ An.

Còn ở Đà Nẵng, chủ một doanh nghiệp đã kinh ngạc khi rao tuyển công nhân phổ thông mà nhận được đơn xin việc của cả nghìn cử nhân. Trước đó thì Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thậm chí đã phải ra một công văn gửi các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thành, thị về việc “tạm dừng thực hiện chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi” do có gần 12.000 người có trình độ từ trung cấp trở lên còn chưa có việc.

Còn theo số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước tại thời điểm 1-7-2013 ước tính 53,3 triệu người. Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi sáu tháng đầu năm 2013 ước tính là 2,28%.

Tỉ lệ thiếu việc làm của lao động độ tuổi này trong sáu tháng đầu năm ước tính là 2,95%, tất cả số liệu tương ứng đều tăng so với năm 2012. Riêng với thanh niên (15-24 tuổi), tỉ lệ thất nghiệp sáu tháng đầu năm ước tính là 6,07%. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị của thanh niên gấp 4,5 lần tỉ lệ thất nghiệp của người lớn.

Thất vọng với dự luật ôm đồm

Ngay từ vòng lấy ý kiến góp ý ở cơ sở, nhiều ý kiến đã phàn nàn rằng dự thảo Luật việc làm đã được xây dựng “thập cẩm” khi kết hợp trong đó một chút của Luật bảo hiểm xã hội (về bảo hiểm thất nghiệp), một chút của Luật dạy nghề (quy định về các trung tâm dạy nghề và đào tạo nghề), một chút của Luật lao động (phần về chức năng cho thuê lại lao động), trong khi lại chưa giải quyết được căn cơ những vấn đề về tạo việc làm, quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là xóa bỏ được những thông tin việc làm ảo.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính thẳng thắn gọi tình trạng “việc làm ảo” là do bệnh thành tích mà ra.

“Một anh làm đơn gửi phường xin xác nhận lý lịch để đi xin việc, phường ghi vào thành tích giới thiệu được một việc làm. Đến khi hồ sơ của anh này lên tới trung tâm việc làm của quận thì lại được quận ghi nhận là giới thiệu được một việc làm mới. Nếu anh này còn là hội viên hội nông dân, thanh niên... mà mỗi nơi đều ghi là mình giới thiệu được việc làm, tổng cộng trên giấy tờ thống kê của các tổ chức thì đã có tới tận... bốn việc làm mới.

Dù thực tế, anh này có thể được giới thiệu vào một doanh nghiệp thử việc vài ngày mà không làm được nên nghỉ. Khi anh này tiếp tục đi xin việc lần thứ hai, lần thứ ba..., con số việc làm cứ thế đội lên mà không ai kiểm tra, giám sát” - ông Chính mô tả quy trình “ảo”.

Do vậy, ông Chính đề nghị ngay trong mục thông tin về thị trường lao động của dự luật cần bổ sung quy định: định kỳ mỗi năm hoặc sáu tháng một lần, Chính phủ phải công bố tỉ lệ thất nghiệp. “Hiện nay nhiều quốc gia đã công bố tỉ lệ thất nghiệp hằng năm, thậm chí hằng tháng, trong khi ở ta chưa biết bao giờ mới có”.

Dù đặt ra một mục tiêu rất lớn “quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về việc làm” và áp dụng cho mọi lao động từ 15 tuổi trở lên, dự thảo Luật việc làm lại tạo ra trước hết một cuộc tranh cãi chủ yếu quanh vấn đề “ai giải quyết thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp”.

Những quy định cho phép trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm quản lý thực hiện cả chức năng giải quyết các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp khiến các chuyên gia về vấn đề lao động như đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai) lo ngại vì “ôm đồm quá” và “làm như vậy chỉ tạo thêm điểm nghẽn”.

Ông Tùng nêu vấn đề: Nếu một tỉnh chỉ có một trung tâm giải quyết việc làm thì làm sao? Nhiều tỉnh địa bàn rộng, người lao động phải đi cả trăm cây số xuống làm thủ tục, mà đâu phải chỉ đi một lần là xong. Đưa chức năng này về trung tâm việc làm lại sẽ phình thêm bộ máy trong khi hiện xã nào, huyện nào cũng đã có cơ quan bảo hiểm xã hội.

Tại phiên thảo luận ở hội trường chiều 21-10 vừa rồi, có 12 đại biểu đăng ký phát biểu về dự thảo Luật việc làm. Cả 12 người đều được phát biểu trong vòng hơn một giờ đồng hồ song các ý kiến phát biểu đều phân tán và ít đi vào trọng tâm.

Trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu cho biết do nhận được tài liệu muộn, lại vừa phải di chuyển từ xa về Hà Nội nên “chưa có điều kiện nghiên cứu”. Trong kỳ họp thứ 5, phần thảo luận tại tổ của dự thảo Luật việc làm được ghép chung với nội dung thảo luận về Luật thi đua khen thưởng.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế thảo luận tại các tổ cho thấy mối quan tâm của đại biểu đối với dự thảo Luật việc làm cũng không cao. Do vậy, dù góp thêm vào “rừng văn bản” liên quan vấn đề lao động và việc làm, dự luật vẫn chủ yếu đáp ứng yêu cầu quản lý thay vì thúc đẩy vấn đề tạo việc làm, góp phần giảm tình trạng thất nghiệp đang nóng bỏng bên ngoài nghị trường như kỳ vọng.

Ngay cả khái niệm “việc làm” vẫn còn lờ mờ đến độ đại biểu Quốc hội Phạm Đức Châu (Quảng Trị) yêu cầu luật phải làm rõ khái niệm này. “Thu nhập hợp pháp ở mức tối thiểu nào đó mới được gọi là có việc làm. Nếu thu nhập mà dưới mức hộ nghèo thì không thể được. Khi làm rõ khái niệm có việc làm cũng sẽ làm rõ được như thế nào là người thất nghiệp” - ông đề nghị.

Điều này cũng góp phần hạn chế việc thống kê tràn lan, đẩy số liệu người có việc làm lên cao nhưng thực chất công việc mà họ có không ổn định và không đủ sống. 

(*): Theo chương trình dự kiến của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Luật việc làm sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 16-11-2013.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận