​Hà Nội là một ngôi làng

MICHAEL WAIBEL 07/04/2015 18:04 GMT+7

TTCT - Trong cuốn sách ảnh Hanoi: capital city vừa ra mắt, Michael Waibel và các cộng sự “bày biện” hơn 600 tấm ảnh được chụp từ năm 2002 đến nay về một Hà Nội từ nhiều góc độ, chủ đề khác nhau, phô bày cuộc sống nhiều mặt của một thành phố sống động mà họ tin rằng đồng thời là một trong những đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.

Khu vực quanh hồ Gươm từ trên cao - Ảnh: Phillippe Lê

Nhưng đó cũng là một Hà Nội của quá nhiều đổi thay và biến động, của những mảng màu xanh lá đã đi đâu mất...

Hà Nội chắc chắn là một trong những đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á. Khi mới thành lập năm 1010, nơi này có tên là “Thăng Long”, là kinh đô của vua Lý Thái Tổ và nằm giữa đồng bằng sông Hồng.

Nơi đây có dấu ấn của nhiều thời kỳ lịch sử, làm nên sự pha trộn đầy cuốn hút của nhiều nền kiến trúc khác nhau: di tích của những công trình uy nghiêm tráng lệ từ thời phong kiến, những con phố thoáng đãng, rợp bóng cây xanh có từ thời Pháp, những biệt thự hoành tráng nằm giữa các khu vườn yên tĩnh, vô số chùa chiền với không gian tĩnh mịch, rất nhiều công trình có từ thời kinh tế kế hoạch hóa, những công trình mới thì thể hiện dấu ấn của nền kinh tế thị trường và thời kỳ đổi mới.

Với mục tiêu biến Hà Nội thành đô thị hiện đại và văn minh, nhà nước đưa ra những kế hoạch đầy tham vọng.

Đặc trưng rõ nét nhất là mật độ xây dựng cực lớn của thành phố ở hầu như mọi khu vực của thủ đô. Ngay cả ở quận Hoàn Kiếm, với những đại lộ lớn từ thời Pháp, những tòa nhà đan xen dày đặc, dù thường ở dưới chúng ta không thấy rõ, nhưng có thể thấy ngay lập tức từ trên cao.

Quang cảnh từ trên cao cũng làm toát lên hiện tượng mà giới học thuật gọi là sự “phân rã không gian xã hội”, có thể nhận thấy từ sự đan xen tương phản giữa nhà cao tầng với thấp tầng, mật độ cao với mật độ thấp, có quy hoạch với không quy hoạch, hiện đại với truyền thống...

Những thay đổi ở một khu nhà trên đường Lý Thường Kiệt (xerm ảnh dưới) - Ảnh: Michael Waibel
Ảnh: Michael Waibel

Hà Nội là một “ngôi làng”. Lý do không chỉ là vì trên thực tế nhiều khu dân cư vẫn tự gọi mình là làng, dù từ lâu đã bị vây quanh bởi bêtông, sắt thép, mà còn chính là những người dân, những góc phố, những ngôi nhà và cuộc sống nơi đây.

Hà Nội là một ngôi làng, tôi nói vậy không có nghĩa chê bai, miệt thị gì. Ngay cả khi người dân thủ đô coi mình là tinh túy đất nước hay thậm chí là trung tâm của thế giới thì Hà Nội, thành phố thủ đô này vẫn không đem đến cảm giác đây là đô thị lớn thật sự. Và điều đó thật may mắn làm sao.

... Ở đây xe cộ nườm nượp, những công trình xây dựng, những tòa nhà cao vút, những khu nhà chung cư xám xịt. Nhưng dù có những dấu hiệu đô thị đó, Hà Nội vẫn giữ chất thôn quê của mình.

Người bán rau với chiếc xe đạp đầy rau cồng kềnh chắn cả đường đi, những cư dân trong các tòa nhà cao ốc đốt vàng mã ngoài hành lang ngay trước căn hộ của mình, những khối nhà đơn điệu bỗng có sức sống nhờ những hàng quán mọc lên như nấm, quần áo treo đầy trước cửa, các cửa chính và cửa sổ lúc nào cũng luôn rộng mở.

Hà Nội có thể lúc nào cũng ngồn ngộn, lúc ồn ào, hỗn độn, có lúc khó chịu đến mức đinh tai nhức óc, nhưng nó luôn sống động.

Khu đô thị Trung Hòa năm 2004 và năm 2014 (ảnh dưới) - Ảnh: Michael Waibel
Ảnh: Michael Waibel

Rồi cả nhịp điệu cuộc sống hằng ngày của người Hà Nội, nhiều người dậy sớm từ tờ mờ sáng để tập thể dục, đi chợ, đi bán hàng hay ăn sáng - đây không phải là thứ nhịp điệu của dân đô thị, những người mà sau giờ làm thường đi nhà hát, rạp chiếu phim hay quán bar, mà là nhịp sống của những người dân trồng lúa...

Những ai thật sự muốn cảm nhận về Hà Nội “cổ” phải đến những nơi tưởng như không có gì để xem, những nơi mà người bán hoa quả vẫn còn là người bán hoa quả thật sự (chứ không phải chỉ tìm cách kiếm tiền từ du khách nước ngoài), nơi có những quán cà phê mà bạn ít khi nhìn thấy một chữ tiếng Anh nào (trừ một từ đã được Việt Nam hóa là “WiFi free”), nơi mà bạn sẽ gặp những người Hà Nội thật sự.

Hà Nội “thôn quê” này rồi cũng sẽ dần mai một, chìm trong dòng xoáy của những iPad, xe SUV và giới trẻ mới giàu, những người không muốn biết đến việc làm ruộng. Nhưng những ai sáng sớm thức dậy vì tiếng gà gáy trước nhà vẫn luôn chắc chắn một điều rằng Hà Nội vẫn là một “ngôi làng lớn”.

Bất cứ ai muốn đến thăm thành phố thủ đô của Việt Nam nên đến ngay. Cho đến giờ, ta vẫn có thể còn được chứng kiến một đô thị châu Á đang đồng hóa một cách hài hòa những giai đoạn có hơi hướng châu Âu trước đây, cũng như cảm nhận sự thư thái, dễ chịu đôi lúc còn thoáng qua của thành phố này. Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp. Khi đó, Hà Nội sẽ có khoảng 10 triệu dân.    

Michael Waibel, tiến sĩ chuyên ngành địa lý, là nghiên cứu viên chính và trưởng nhóm dự án tại khoa địa lý Đại học Hamburg, CHLB Đức. Sau lần đầu tiên đến Hà Nội vào năm 1996, đến nay ông đã có tới 60 chuyến thăm và làm việc tại Hà Nội.

Năm 2002, với chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên trong đời, ông bắt đầu ghi nhận lại những thay đổi về không gian và tiến trình phát triển đô thị của Hà Nội và TP.HCM.

Mặt tiền một ngôi nhà thời Pháp trên phố Nhà Chung - Ảnh: Michael Waibel

Các nghiên cứu của ông tập trung vào những chủ đề như đô thị hóa, các chính sách giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu, các chính sách về công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, những nếp sống chú trọng đến bảo vệ môi trường, các thói quen và hành vi của tầng lớp trung lưu đô thị cũng như tăng trưởng xanh và quản lý đô thị xanh.

Năm 2013, ông biên tập và cho xuất bản một loạt ấn phẩm về tình hình phát triển đô thị ở TP.HCM trong những năm gần đây (Nhà xuất bản Regiospectra tại Berlin) với gần 100 bức ảnh minh họa, chủ yếu là ảnh đen trắng. Sau đó, ông tiếp tục xuất bản ấn phẩm dày 300 trang Đại đô thị TP.HCM cùng tác giả Henning Hilbert vào đầu năm 2014.

Hanoi: capital city với sự hỗ trợ của Viện Goethe là tác phẩm thứ hai vừa ra đời với mục tiêu phác thảo quá trình phát triển đô thị của thủ đô Hà Nội.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận