Hồ sơ: "Giặt rửa" tiền bẩn

TRẦN ĐỨC TÀI (TỔNG HỢP) 06/06/2012 19:06 GMT+7

TTCT - Mỗi năm, nhiều tỉ đôla nguồn gốc mờ ám được bơm vào nền kinh tế hợp pháp, làm suy đồi nhiều định chế tài chính và quan chức. Là một vấn nạn toàn cầu, nhưng nạn rửa tiền vẫn là điều gây tranh cãi về quy mô chính xác của nó.

Kỳ 1:  Khi ngân hàng đồng lõa

Ảnh: © 2005 HowStuffWorks

Từ năm 1996, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính lượng tiền có nguồn gốc tội phạm đã được hợp pháp hóa qua các hình thức rửa tiền chiếm từ 2-5% tổng GDP toàn thế giới. Tuy nhiên, cơ quan liên chính phủ chống rửa tiền Financial Action Task Force (FATF) do nhóm G7 thành lập lại báo cáo: “Nhìn chung, không thể nào đưa ra một ước tính đáng tin cậy về lượng tiền đã được tẩy sạch nguồn gốc”.

Ước tính mà giới truyền thông đưa ra là 1.500 tỉ USD/năm, nhưng TS Dionysios Demetis, tác giả cuốn Technology and anti-money laundering xuất bản năm 2010, lại hoài nghi con số này vì “hệ thống rộng lớn của các hoạt động rửa tiền chỉ bộc lộ một phần nhỏ mức độ phức tạp của nó nên không thể nào xác định được số lượng tiền đã được tẩy rửa”.

Ba giai đoạn của quy trình rửa tiền

Tại Mỹ, chỉ cần giao dịch hơn 10.000 USD là ngân hàng phải báo cáo với chính quyền. Do đó, lượng tiền bẩn lớn thường được chia nhỏ ra dưới mức 10.000 USD để tránh bị nghi ngờ và được gửi vào một hay nhiều tài khoản.

Những đối tượng rửa tiền nằm trong bốn nhóm chính: các công ty đa quốc gia có hoạt động lừa đảo, các chính phủ tham nhũng cùng các chính khách nhận hối lộ, các tổ chức tội ác chuyên buôn bán ma túy, vũ khí cùng các loại hàng hóa phi pháp khác và các tổ chức khủng bố. Các tổ chức buôn bán ma túy cần có hệ thống rửa tiền hữu hiệu hơn ai hết vì họ hầu như chỉ giao dịch bằng tiền mặt - nguyên nhân của nhiều vấn đề vận chuyển.

Tiền mặt không chỉ thu hút sự chú ý của các cơ quan công lực mà còn rất nặng nề. Một lượng cocaine trị giá 1 triệu USD theo giá thị trường chỉ nặng 20kg, nhưng một lượng giấy bạc đôla Mỹ tổng trị giá tương đương lại nặng tới 116kg!

Dù mang nhiều hình thức và thủ đoạn, đồng tiền bẩn luôn được thuyên chuyển qua nhiều quốc gia để che giấu xuất xứ. Quy trình rửa tiền chia thành ba giai đoạn. Đầu tiên là gửi tiền. Ở giai đoạn này, đối tượng rửa tiền đưa tiền bẩn vào các định chế tài chính hợp pháp thông qua các tài khoản tiền mặt. Đây cũng là giai đoạn rủi ro nhất vì lượng tiền mặt lớn dễ gây chú ý.

Tại Mỹ, chỉ cần giao dịch hơn 10.000 USD là ngân hàng phải báo cáo với chính quyền. Do đó, lượng tiền bẩn lớn thường được chia nhỏ ra dưới mức 10.000 USD để tránh bị nghi ngờ và được gửi vào một hay nhiều tài khoản do nhiều người chuyển tiền khác nhau hoặc do một người duy nhất chuyển chậm trong thời gian dài.

Giai đoạn kế tiếp là phân tán, trong đó bao gồm nhiều giao dịch chuyển khoản giữa các ngân hàng, điện chuyển tiền giữa các tài khoản khác nhau với tên chủ tài khoản khác nhau ở nhiều quốc gia, gửi và rút tiền để liên tục thay đổi lượng tiền trong tài tkhoản, đổi sang ngoại tệ, mua những món hàng trị giá cao (du thuyền, bất động sản, kim cương, tác phẩm mỹ thuật...) để thay đổi hình thức đồng tiền.

Cuối cùng là hợp nhất. Ở giai đoạn này, số tiền phi pháp sẽ được đưa vào nền kinh tế qua những giao dịch hợp pháp. Đó có thể là một chuyển khoản cuối cùng vào tài khoản của một doanh nghiệp địa phương mà đối tượng rửa tiền đang “đầu tư” để đổi lại một phần chia lợi nhuận, hay bán lại chiếc du thuyền đã mua trong giai đoạn phân tán...

Thủ đoạn khôn lường

Trong khoảng cuối những năm 1980 và đầu 1990, chuyên gia kinh tế tốt nghiệp ĐH Harvard Franklin Jurado đã vạch ra một kế hoạch tinh vi để phân tán 36 triệu USD cho trùm ma túy Colombia Jose Santacruz-Londono.

Dùng tiền bán ma túy tại Mỹ, Jurado mở nhiều tài khoản ngân hàng ở Panama để chuyển tiền cho hơn 100 tài khoản ở 68 ngân hàng thuộc chín nước châu Âu. Những giao dịch luôn có trị giá dưới 10.000 USD để tránh bị nghi ngờ. Các tài khoản được lập ra dưới tên giả của các nhân tình và thành viên gia đình Santacruz-Londono. Jurado sau đó lập ra nhiều công ty bình phong ở châu Âu để tạo chứng từ thu nhập hợp pháp cho nguồn tiền này.

Giai đoạn hợp nhất cuối cùng là chuyển tiền về Colombia, nơi Santacruz-Londono sẽ sử dụng để tài trợ cho vô số doanh nghiệp hợp pháp của y tại đây. Nhưng chưa kịp chuyển tiền thì Jurado bị bắt sau khi một ngân hàng Monaco sụp đổ. Kiểm toán sau đó cho thấy nhiều tài khoản đều bắt nguồn từ Jurado. Cùng lúc đó, hàng xóm của Jurado ở Luxembourg đệ đơn kiện vì đêm nào nhà Jurado cũng phát ra tiếng ồn khó chịu. Đó là tiếng máy đếm tiền chạy không ngừng suốt đêm! Nhà chức trách địa phương đi điều tra và Jurado lọt lưới.

Cùng thời gian đó, Eddie Antar, một doanh nhân Mỹ, lại rửa tiền trốn thuế một cách tinh vi để kiếm lợi nhuận. Là chủ Công ty Crazy Eddie's Electronics, Antar đã ém nhẹm nhiều triệu đôla để trốn thuế. Kế hoạch ban đầu là vậy, nhưng sau đó Antar và đồng bọn nhận thấy có thể sinh lợi nhiều hơn nếu gửi ngược lại về công ty dưới lớp vỏ ngụy trang là doanh thu, nhờ đó sẽ thổi phồng giá trị của công ty này khi chuẩn bị lên sàn chứng khoán.

Với hàng loạt chuyến bay đến Israel, Antar mang theo nhiều triệu đôla giấu trong người và trong các vali. Antar mở nhiều tài khoản tiền gửi trong một ngân hàng, thậm chí có chuyến mở tới 12 tài khoản chỉ trong một ngày. Trước khi nhà chức trách Mỹ hay Israel kịp để ý những thay đổi lớn trong số dư, Antar cho ngân hàng Israel ấy chuyển toàn bộ số tiền sang Panama. Từ nơi này, Antar có thể chuyển tiền nặc danh cho nhiều tài khoản ở các nước khác, để rồi cuối cùng chuyển tiền về tài khoản hợp pháp của Crazy Eddie's Electronics, nơi đồng tiền mờ ám được trộn lẫn với tiền hợp lệ và được chứng nhận như doanh thu.

Công ty Crazy Eddie's Electronics trở thành nơi rửa riền cho hơn 8 triệu USD gian lận của Antar. Mưu đồ của Antar là đẩy cao giá cổ phiếu trong đợt phát hành đầu tiên để công ty có trị giá cao hơn thực tế 40 triệu USD. Antar sau đó bán sạch cổ phiếu của mình và ra đi với 30 triệu USD tiền lãi. Ông ta trốn tránh ở Israel cho đến khi bị nhà chức trách bắt giữ năm 1992 và dẫn độ về Mỹ xét xử.

Hai trường hợp trên chỉ cho thấy một vài thủ đoạn trong quá trình tẩy sạch tiền bẩn hết sức đa dạng. Cơ quan quốc tế chống rửa tiền FATF hằng năm đều công bố báo cáo hàng trăm vụ rửa tiền đã phát hiện cùng những thủ đoạn mới trong quy trình “giặt tẩy”. Bất kể những biện pháp kiểm soát ngày càng thắt chặt, các ngân hàng hợp pháp vẫn là “máy giặt tiền bẩn” lớn nhất.

Ngân hàng “chịu đấm ăn xôi”

Các đối tượng rửa tiền thường chuyển tiền tới đủ loại “tài khoản nước ngoài” ở những quốc gia có luật bí mật ngân hàng cho phép giao dịch nặc danh. Theo IMF, những “trung tâm giao dịch chính” gồm Bahamas, Bahrain, Cayman Islands, Hong Kong, Antilles, Panama và Singapore.

Nhưng ở các nước có luật định kiểm soát chặt chẽ nạn rửa tiền, nhiều ngân hàng hợp pháp vẫn dính chàm, kể cả ở Mỹ. Ngân hàng Wachovia ở Miami trong năm 2009 đã nhận trách nhiệm chuyển đi 420 tỉ USD cho nhiều chủ tài khoản có khả năng liên can đến chuyện rửa tiền từ ma túy. Một số lượng tiền được theo dõi đã dùng để mua máy bay vận chuyển lậu hơn 22 tấn cocaine.

Jeffrey Sloman, ủy viên công tố liên bang, nói: “Việc Ngân hàng Wachovia ngang nhiên vi phạm các luật định ngân hàng đã giúp các tập đoàn ma túy quốc tế toàn quyền cung ứng tài chính cho các hoạt động của chúng”. Thế nhưng, số tiền phạt 160 triệu USD mà Ngân hàng Wachovia phải chịu chỉ chiếm 2% trong tổng lợi nhuận 12,3 tỉ USD của ngân hàng này trong năm 2009.

Ngân hàng Bank of New York cũng bị phạt một khoản tiền nực cười là 38 triệu USD vào năm 2005, sau một cuộc điều tra kéo dài sáu năm về nghi vấn rửa tiền cho các tài khoản Mỹ và Nga đáng ngờ cùng nhiều giao dịch có tính chất lừa đảo khác. Ngân hàng này chỉ thừa nhận đã không kiểm tra thích đáng và báo cáo các tài khoản có nghi vấn, rồi “nhận trách nhiệm về cách quản lý sai trái” và nhanh chóng đóng tiền phạt.

Nhiều trường hợp tương tự đã diễn ra khiến thanh tra tài chính Eric Lewis năm 2010 phải cảnh báo trước Quốc hội Mỹ rằng các công cụ mạnh mẽ để ngăn chặn rửa tiền đã không được sử dụng “một cách kiên quyết như mong đợi”. Lewis chỉ trích giới tài chính Phố Wall, cho rằng “phòng tuyến đầu tiên này” thường thất bại vì các ngân hàng “có động cơ lớn để ngoảnh mặt làm ngơ”. Cũng theo Lewis, chừng nào còn duy trì mức phạt quá thấp hiện nay thì các ngân hàng Mỹ sẽ không thể là lực lượng cảnh giới chống rửa tiền.

Nghiên cứu các báo cáo thường niên của tổ chức quốc tế chống rửa tiền FATF, hai tác giả của cuốn Chasing dirty money: the fight against money laundering (xuất bản năm 2004) là Peter Reuter và Edwin M. Truman nhận thấy xu hướng rửa tiền thông qua các hệ thống giao dịch phi ngân hàng dần dần phát triển mạnh hơn. Đó là các thị trường chợ đen và tổ chức chuyển tiền ngầm.

Các tổ chức ma túy chuộng cách rửa tiền bằng thị trường chợ đen vì ít rủi ro khi gửi tiền và tổng chi phí cho việc rửa tiền thấp hơn rửa tiền qua các hệ thống ngân hàng hợp pháp. Mặt khác, lượng tiền bẩn càng lớn thì chi phí càng thấp. Theo Reuter và Truman, một môi giới trung gian Colombia đã cho biết người này từng kiếm được hoa hồng từ 600.000-700.000 USD cho một phi vụ trị giá 12 triệu USD mà ông ta phải xử lý mất hai tháng theo cách này.

__________

Kỳ 2: Chuyển tiền ngầm ở châu Á

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận