Học từ tinh túy để đi đến những tinh túy khác

THANH TUẤN 22/06/2015 22:06 GMT+7

TTCT - “Tôi là nhà báo dạo, làm không danh hiệu”. Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải đã nói như vậy khi được hỏi về mình.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải. Ảnh Hồng Nguyên

Ở tuổi 71 và với 45 năm làm báo, bà Nguyễn Thị Ngọc Hải tạo ra dấu ấn riêng của một cây bút ký họa chân dung, một nhà phỏng vấn lột tả được cái thần của người đối diện. Những bài đối thoại với Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Khải... của bà có thể coi như kinh điển của thể loại này.

Ở mảng sách, bà cũng là nhà văn đầu tiên “lôi” được tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn ra khỏi bóng tối với Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời, cuốn sách được Larry Berman hay Thomas Bass sau này coi là chỉ dấu cho các cuốn sách của họ về “điệp viên hoàn hảo”. Lần này, TTCT mời bà ngồi “ghế nóng” để nói về những thay đổi của báo chí hiện đại và cách tồn tại trong nền báo chí mới.

 Khi độc giả tư duy theo phương thức smartphone...

Cơ hội của nhà báo chân chính

Vì sao giờ đây những khoảnh khắc tôi cảm thấy hạnh phúc, thấy yêu và tự hào về nghề lại hiếm hoi? Hồi xưa, mỗi lần viết được, đọc được một bài báo có góc nhìn sâu sắc, một câu chuyện xúc động về tình người, cảm xúc lâng lâng đeo bám mãi. Hay cảm giác sung sướng khi báo mình hay báo bạn đã thắng trong một cuộc đấu tranh chống tiêu cực, chống cái ác, giúp được một phận người nhỏ bé nào đó cất lên tiếng nói đòi lẽ công bằng. Phần thưởng tinh thần đặc biệt đó giúp nhà báo có khi đối diện với hiểm nguy nhưng không hề thấy sợ hãi, bởi trong sâu xa có một niềm tin cháy bỏng rằng mình đã làm theo lẽ phải.

Trước đây, tiêu chí của một bài báo hay là thông tin độc quyền, chính xác, góc nhìn sâu sắc hay câu chuyện giàu tính nhân văn. Bây giờ, tiêu chí duy nhất của không ít tờ báo, nhà báo là “pageview”. Tôi vẫn tin và vẫn thấy có những nhà báo tử tế, tờ báo tử tế. Nhưng họ dường như đang đơn độc quá trước sự tấn công như vũ bão của cách làm báo “ăn xổi, câu view”. Suy cho cùng, báo chí cũng là một lát cắt phản chiếu xã hội mà chúng ta đang sống, một xã hội mà những giá trị tử tế đang bị mài mòn, bị ngờ vực.

Dù vậy, tôi không bi quan. Cơ sở để niềm tin ấy không trở nên mù quáng là bạn đọc. Vài tuần trước, một bài viết đầy trăn trở về chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Việt Nam, cuộc bàn tròn về cải cách thể chế, về giá trị sống tử tế của VietNamNet nhận được hàng ngàn chia sẻ, bình luận của độc giả. Bạn đọc đâu có quay lưng với những giá trị tử tế. Trong cuộc chạy đua hỗn loạn của thông tin, khi bạn đọc không còn biết tin vào đâu thì đó chính là cơ hội để những người làm báo chân chính, những tờ báo nghiêm túc, vì sự thật, vì những giá trị nhân văn khẳng định chỗ đứng của mình.

    Nhà báo Việt Lâm (VietNamNet)

Bà thấy báo chí giờ thay đổi thế nào so với hồi xưa bà làm báo?

- Thay đổi quá sức tưởng tượng. Biến đổi quá nhanh mà kể cả anh nỗ lực cũng chưa chắc theo kịp.

Dù rằng mình có chiều sâu, có một đời làm báo sau lưng và rất nỗ lực nhưng bản thân tôi cũng không thấy tự tin. Tôi chỉ cố gắng để làm sao không bị vứt vào sọt rác.

Vì sao bà thấy thiếu tự tin? Tôi luôn thấy ở bà sự chắc chắn, tin tưởng của người đã hơn 40 năm làm nghề.

- Tôi thiếu tự tin vì biết mình có giỏi mấy chăng nữa cũng khó đáp ứng được nhu cầu mới của thời đại.

Bây giờ người ta đọc khác, phương thức truyền tải khác, tư duy thay đổi. Có một lực lượng người đọc hoàn toàn đi theo phương thức khác. Họ có kỹ năng hiện đại hơn mình nhưng cũng có những cái lại thiếu, hổng hơn mình rất nhiều. Mình thấy mà không biết làm thế nào để đáp ứng họ.

Báo chí hiện nay chưa phải đã đáp ứng tốt đâu, chất lượng của báo chí hiện nay không phải đã tốt hơn thời kỳ chúng tôi. Chất lượng là cái tôi vẫn tự tin - báo chí giờ chưa chắc đã sâu, chưa chắc đã làm tốt cho con người bằng thời kỳ mà mình vật vã, hết lòng với nó.

Cụ thể công việc hằng ngày của bà thay đổi ra sao?

- Giờ tôi dùng máy tính, ngày xưa chỉ có quyển sổ và cây bút. Thậm chí ở Đại hội Đảng lần thứ IV tôi ngồi viết ngay tại chỗ. Anh liên lạc đứng ngoài cửa. Viết xong tôi đưa ra để anh đem về.

Tôi từng phải đi viết tường thuật những chỗ bom Mỹ thả, tác nghiệp rất khổ cực với các nhà báo nước ngoài, các phóng viên gạo cội của thế giới.

Ví dụ như đi lên biên giới phía Bắc phỏng vấn tù binh Trung Quốc được trao trả sau chiến tranh 1979, hay đi đưa trả phi công Mỹ ra máy bay. Những lúc ấy mà có phương tiện như bây giờ thì tốt biết bao. Nhưng khi đó lại chẳng có cái ảnh nào, không ghi âm được một lời nào của Tây, Mỹ dù hỏi họ nhiều lắm. Có những phương tiện như bây giờ mình sẽ làm báo hay hơn nhiều.

Bây giờ tôi lại không tận dụng được hết ưu thế công nghệ. Ví dụ các nhà báo trẻ giờ có thể phỏng vấn trực tiếp ra nước ngoài. Những kỹ thuật về máy tính thì tôi chỉ biết đủ dùng. Tiếng Anh, tôi đọc và hiểu vẫn rất tốt nhưng nghe nói thì chết rồi!

Bà vừa nói báo chí bây giờ chất lượng thấp hơn. Phải chăng do nhu cầu của bạn đọc giờ đã khác đi? Ví dụ họ chọn những thứ lá cải, dễ dãi hơn...

- Cái đó không thể đổ cho bạn đọc. Bạn đọc cũng phân hóa ghê lắm. Người làm báo, người làm nghề cũng bị phân hóa. Phải có nghiên cứu rất khoa học mới trả lời được điều đó.

Ai cũng nói bạn đọc thích báo lá cải. Tôi quan sát thấy báo lá cải giờ cũng không bán được nữa rồi.

Người đọc bây giờ xài những phương tiện này (chỉ vào laptop), tư duy của họ cũng theo phương thức smartphone và họ không còn là người tự do nữa. Nó tạo ra nhu cầu và tự nhiên ta phải chạy theo nó. Ngày xưa người ta có thể đọc báo ở cơ quan, nghe đài phát thanh đêm khuya, đọc truyện, nghe thơ, người ta thong thả hoặc sâu lắng...

Bây giờ cuộc sống ào ào, con người bị phụ thuộc vào máy móc. Những máy móc này tác động, tạo thành nếp tư duy khác của anh. Anh trở thành một con người khác.

Nhưng anh vẫn còn những nhu cầu căn bản. Anh vẫn cần hiểu biết xã hội, anh vẫn có lòng nhân ái. Anh vẫn sốc trước những tin dữ, vẫn vui mừng trước những con người có ý tưởng. Những nhu cầu đó không bao giờ thay đổi.

Tại sao người Sài Gòn vẫn có những chòi nước uống miễn phí kiểu chủ nghĩa cộng sản trong ngõ hẻm. Người ta vẫn có căn tính của con người và người ta cần những thứ đó. Chỉ có điều người ta có ý thức về điều đấy hay không. Nhiều khi cuộc sống dồn dập họ và họ quên ý thức đấy. Vai trò của nhà báo là đánh thức nó.

Khi dạy sinh viên thì bà nói gì để các em biết về khó khăn của nghề hiện nay?

- Tôi luôn cố để các em không ảo tưởng về nghề. Phần lớn thời gian tôi nói về các thách đố, những thất bại, khó khăn kinh người để các em lựa chọn. Chứ tôi không nói kiểu nghề báo là nghề cao quý, quyền lực thứ tư...

Có người sẽ nói nghề nào chả khó, nhưng thật sự nghề báo là nghề nguy hiểm. Nguy hiểm không chỉ là chuyện bắt bớ mà cả chuyện bào mòn sức khỏe của mình, gây cho thần kinh của mình những bệnh nghề nghiệp, trả giá bằng tuổi thọ chứ không đơn giản. Tại sao có những đêm hôm mình quằn quại không ngủ được. Con mình sốt hừng hực, mình ngồi trong màn rồi vẫn còn phải đang viết bài. Thế thì cái lao động đó là cái gì?

Nhưng bây giờ sinh viên cũng không chịu học báo chí nhiều đâu. Họ chỉ thích làm PR. Không nên so sánh, nhưng tôi đánh giá cao nghề báo vì đòi hỏi cao hơn về mặt trí tuệ, về mặt văn hóa, đòi hỏi phông nền sâu hơn.

Tôi đậu lại ở cái tôi phát hiện

Người làm báo mới, theo bà, phải có những kỹ năng gì?

- Ngoài kỹ thuật vi tính, tiếng Anh, họ vẫn phải trang bị cho mình lối tư duy tốt. Ví dụ người ta nói ông Phạm Xuân Ẩn “ngửi được sự thật”, cái tài đặc biệt của người làm nghề. Hay người ta nói “A nose for news” - đánh hơi được tin tức. Nếu không có năng khiếu đấy thì đánh vật trong nghề này khổ lắm.

Bên cạnh năng khiếu còn cần lao động. Như tôi thì năng khiếu ít thôi nhưng tôi lao động rất nhiều, nỗ lực kinh khủng, học suốt cả một đời. Cách học của tôi mọi rợ lắm nhưng rất hiệu quả.

Ví dụ như thế nào?

- Các nhà báo thường ghi hết các bài hay lại vào máy tính nên lúc nào họ cũng có rất nhiều thông tin. Tôi thì khác. Một bài hay thường có hai ba dòng tinh túy nhất, hai ba dòng đó tôi ghi lại vào sổ.

Tôi có những quyển sổ ghi chép mà giờ thỉnh thoảng lãnh đạo thành phố vẫn mượn để xem gần đây có gì đáng chú ý. Tôi ghi tất lại. Khi mình có ba bốn ý chính của họ là có thể triển khai được hết. Đó là cách học những cái tinh túy nhất - nhất là trong cái biển thông tin bây giờ.

Khi viết thì mình lấy xuất phát điểm bằng tinh túy ngay để có thể đi đến một tinh túy khác. Đấy là cách tôi lọc thông tin. Rồi anh phải rèn luyện tư duy. Bất cứ cái gì tôi viết đều dựa trên tính khoa học, tính phản biện và tính hài hước.

Một câu rất cũ: nghề báo cho bà được gì?

- Tôi biết được nhiều người, mà tiếp xúc con người lại là điểm yếu của tôi. Tôi không phải là người thích lố nhố ở đám đông. Tôi thích cái nghề yên tĩnh. Nghề báo sửa đi con người tôi, sửa cái tật xấu lớn nhất là tính nhút nhát. Tôi rất sợ người như cái bệnh mà Nam Cao từng viết đấy. Gặp người lạ thì phải can đảm lắm tôi mới bình tĩnh được. Cái nghề này suốt ngày phải gặp những người mới lạ, những người tôi phải đối mặt như bài toán đố. Đi dạy học thì suốt ngày phải đối mặt với bao cặp mắt nhìn lên. Nghề báo đã cho tôi như vậy. Nhưng đó là cho hay là giết tôi, tôi không biết.

Hiện tại một tháng bà viết chừng bao nhiêu bài? Làm sao bà vẫn giữ được sức làm việc miệt mài như vậy?

- Tôi dựa vào chiều sâu văn hóa để viết những tản văn, những mẩu về văn hóa, về tư duy con người, về những ngộ nghĩnh trong cuộc đời này. Ngày xưa một năm tôi viết cũng phải cả trăm bài. Giờ thì chắc ăn nhất một tuần cũng chừng ba bài.

Đời tôi hình như suốt ngày miệt mài viết, không biết làm nghề gì khác cả. Hễ đụng vào bất cứ nghề nào khác tôi đều cảm thấy kém cỏi. Chỉ có mỗi việc này mình làm được và người ta chấp nhận mình.

Một trong những việc bà làm rất tài là phỏng vấn nhân vật, chộp được cái thần của họ. Làm sao bà có được kỹ năng này?

- Tôi nghĩ nó xuất phát từ tình yêu mến của mình. Gặp ai cũng cảm thấy có niềm vui và tò mò không biết người này sẽ như thế nào. Thường tôi nhìn con người rất tích cực, luôn thấy trong họ có cái gì đó bí mật mà mình muốn tìm. Từ đấy mình có thể giao hòa được với họ và họ cảm được cái khao khát hiểu của tôi.

Nhiều nhà báo cứ hỏi tôi không ai khai thác được ông Phạm Xuân Ẩn, sao chỉ có tôi. Ông Ẩn là người cao siêu như thế tự nhiên lại nói cho cái bà già, cái người rất chân chất và bình thường (như tôi)? Có lẽ ông “ngửi” được ở tôi sự chân thành.

Tôi đậu lại ở cái tôi phát hiện. Nghề báo thì cái gì khó nhất? Với con người mình gặp thì thứ nhất là anh phát hiện họ và thứ hai là làm họ mở miệng ra nói với mình. Đó là hai điều khó và căn bản nhất. Tôi làm được bởi họ cảm thấy được sự khao khát của tôi. Viết hay được là nhờ mình viết theo niềm tin thật của mình.

Chân thành cảm ơn bà.                

 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận