Khi bốn học sinh không nhận tiền khen thưởng

TTCT - Hội đồng Quốc gia về đánh giá hệ thống trường học (Cnesco) của Pháp cho rằng những bất bình đẳng học đường ở nước này xuất phát từ những bất bình đẳng về xã hội. Kết quả học tập không tốt dẫn đến việc khó tìm được việc làm tốt/ổn định để cải thiện đời sống. Và khó khăn này sẽ còn gây hệ lụy đến các thế hệ sau, tạo nên một vòng luẩn quẩn.

Cách đây 10 năm, khi chúng tôi bày tỏ ý định sẽ đón con sang Pháp (lúc này cháu mới 4 tuổi), một người bạn Pháp đã chân thành khuyên vợ chồng chúng tôi hãy chọn thuê nhà ở một khu “tử tế”, tuy giá thuê nhà sẽ cao hơn nhưng chúng tôi sẽ không phải hối hận. Lý do chính là khi ở những khu này, con của chúng tôi sẽ được vào một ngôi trường tốt, và chúng tôi sẽ không phải lo lắng bất cứ điều gì.

Trẻ em xếp hàng chờ vào trường học ở vùng Strasbourg (Pháp) trong đại dịch COVID-19. -Ảnh: AFP

Tôi khá ngạc nhiên trước lời khuyên, bởi những tưởng rằng ở một đất nước phát triển như Pháp, những khác biệt về chất lượng trường học không còn quá rõ ràng nữa. Nhưng bạn tôi trả lời mặc dù khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” được tô đậm ở tất cả các ngôi trường, nhưng sự bất bình đẳng ngấm ngầm tồn tại ở khắp nơi.

Đúng là dưới chiếc mũ “bình đẳng, bác ái”, hầu như các trường phổ thông ở Pháp đều có cấu trúc như nhau về sĩ số, về tỉ lệ giáo viên/học sinh, về khung chương trình, về cơ sở vật chất... Mỗi đứa trẻ sống trên đất Pháp đều có quyền đến trường, kể cả khi bố mẹ của những đứa trẻ đó đang cư trú bất hợp pháp.

Từ 3 tuổi trở đi, các em học ở hệ thống trường công của nước Pháp được đi học miễn phí, chỉ phải đóng tiền ăn trưa. Tuy nhiên, tiền ăn được tính dựa trên mức thu nhập của bố mẹ, chia thành 8 mức khác nhau. Những gia đình có thu nhập thấp được cấp một khoản tiền đầu năm học mới, bắt đầu từ cấp tiểu học, đủ để mua đồ dùng học tập, giày dép và quần áo tới trường.

Những khoảng cách vô hình

Vậy bất bình đẳng giáo dục hiển hiện ở xã hội Pháp ra sao?

Hiện nay, 17% trong tổng số 63.000 trường học ở nước Pháp là trường tư. Riêng thủ đô Paris có 886 trường công và 332 trường tư. Trong nhiều năm qua, các gia đình Pháp ngày càng thích gửi con vào trường tư. Những trường này, ngoài chất lượng, phương pháp đào tạo tốt hơn, còn được là môi trường tốt hơn cho các học sinh với các chương trình ngoại khóa đa dạng và cao cấp hơn, tùy mức học phí mà phụ huynh đóng. Các mức học phí ở trường tư cũng khác nhau, từ khoảng 2.000 euro/năm (tương đương 60 triệu đồng/năm) tới 8.000 euro/năm (tương đương 220 triệu/năm).

Mức học phí nói lên điều kiện tài chính của các gia đình, phần lớn là những gia đình khá giả, có trình độ học vấn cao và địa vị xã hội cao. Năm 2016, số lượng học sinh đăng ký học ở trường cấp 1 tư thục tăng lên 13.600. Theo số liệu của DEPP (Ban Đánh giá, triển vọng và hiệu suất thuộc Bộ Giáo dục Pháp), trong các trường cấp 2 tư thục chỉ có 19% phụ huynh là thành phần lao động chân tay, trong khi số lượng này ở trường công là 41,6%.

Ngay cả khi sĩ số trung bình ở trường cấp 2 tư thục cao hơn trường công (26 so với 24 học sinh/lớp), phụ huynh vẫn muốn cho con vào trường tư hơn: cứ 5 phụ huynh lại có 1 người đăng ký cho con vào hệ thống tư thục.

Công - tư khác nhau đã đành, bất bình đẳng cũng hiển hiện qua chính hệ thống trường công. Muốn chọn trường công tốt cho con, chỉ có một cách là chọn mua nhà ở khu vực tốt. Trẻ em nhà ở đâu thì học ở trường thuộc “tuyến” đó. Khu vực nhà ở tốt được xác định là khu vực an ninh tốt, không có nhiều người nhập cư hay lao động trái phép, thậm chí nhiều người còn xem rằng khu vực nào càng ít người da màu thì khu vực đó tốt hơn. Đây là những luật “bất thành văn” trong kinh nghiệm chọn nhà được truyền miệng.

Dĩ nhiên, nhà ở khu vực tốt chưa bao giờ là nhà giá rẻ. Đấy cũng là lý do tại sao chỉ những người có công việc tốt, có thu nhập cao mới có thể đến đây mua nhà, từ đó tạo nên một tập hợp “phụ huynh chất lượng”. Ngược lại, những người nhập cư, lao động chân tay thường tìm về những khu nhà giá rẻ, tập hợp thành một hệ phụ huynh không “chất lượng” bằng. Những trường học ở khu này thường là những trường mới thành lập, khó thu hút được giáo viên giàu kinh nghiệm, vì thế chất lượng đào tạo cũng không thể sánh bằng. Phân hóa xã hội cứ thế mà tiếp tục.

Nguyên nhân của bất bình đẳng xã hội

Điều có tác động mạnh mẽ nhất lên kết quả học tập của học sinh chính là hoàn cảnh/điều kiện kinh tế - xã hội của gia đình. Bộ Giáo dục của Pháp đã nhận ra điều này ngay từ ở cấp tiểu học, khi so sánh kết quả khảo sát học tập của các học sinh lớp 3 vào năm 2017: điểm toán trung bình của những học sinh đến từ gia đình khó khăn là 58/100, điểm tiếng Pháp là 57/100 so với 85/100 và 87/100 của những học sinh đến từ gia đình khá giả.

Ở cuối cấp 2, học sinh Pháp có hai lựa chọn là học tiếp lên trung học phổ thông hoặc đi học nghề. Số liệu Bộ Giáo dục Pháp năm 2012 cho thấy những 84,8% học sinh đến từ gia đình có điều kiện tốt sẽ học tiếp phổ thông trung học, trong khi 42,4% học sinh khó khăn sẽ chọn học nghề.

Lên tới cấp đại học, khoảng cách này còn lớn hơn: số lượng con cái của những công chức cấp cao vào đại học gấp 2,9 lần so với con cái của những người lao động chân tay (Bộ Giáo dục Pháp 2017-2018) và chiếm gần một nửa tổng số sinh viên. Đặc biệt, những sinh viên đến từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn chỉ chiếm 7% trong các lớp dự bị cho trường Lớn - là những trường đại học danh tiếng của Pháp.

So với các nước láng giềng, nước Pháp cho thấy một khoảng cách khá lớn giữa học lực của những học sinh đến từ gia đình thuận lợi và khó khăn. Điều này được thể hiện thông qua kết quả kỳ thi PISA năm 2018, số điểm cách biệt giữa hai tập hợp học sinh của nước Pháp là 107 so với mức trung bình 87 của các nước khác.

Chính phủ Pháp đã đặt mục tiêu giảm sự khác biệt về thành tích học tập giữa các học sinh xuống dưới 10%. Từ năm 2014, Bộ Giáo dục Pháp khởi động chương trình giáo dục ưu tiên, dành cho các trường học thuộc khu dân cư “nhạy cảm”, nơi có nhiều phụ huynh khó khăn và tỉ lệ học sinh bị đúp cao ở cấp tiểu học.

Một số biện pháp được áp dụng như giảm sĩ số học sinh của lớp 1 và lớp 2 xuống còn 12 học sinh/lớp; tăng thêm mỗi trường học một giáo viên để hỗ trợ xác định nhu cầu cụ thể của học sinh nhằm đưa ra những phương pháp đào tạo thích hợp; hỗ trợ học sinh lớp 6 làm bài tập, đồng thời cung cấp phương tiện để phục vụ cho các nhu cầu học tập cá nhân hóa. Mỗi học sinh lớp 6 được hỗ trợ thêm 2 tiếng/tuần cho những hoạt động giáo dục số hóa.

Nhưng những nỗ lực đó của Chính phủ Pháp chưa được đánh giá cao. Theo Tòa án kiểm toán Pháp, chương trình giáo dục ưu tiên chưa đạt được mục tiêu. Sự khác biệt về thành tích học tập giữa 2 nhóm học sinh vẫn ở mức 20-35% thay vì 10% như kỳ vọng của Bộ Giáo dục. Nguyên nhân là mặc dù các trường học thuộc khu vực “nhạy cảm” được tăng cường thêm nguồn lực, nhân lực, sĩ số lớp giảm nhiều, nhưng hệ giáo viên ở những trường này lại là những người thiếu kinh nghiệm giảng dạy. Số giáo viên dưới 30 tuổi ở những trường ưu tiên chiếm tới 17% so với 9% ở những khu vực khác.

“Học sinh có hoàn cảnh khó khăn không được tiếp cận với phương pháp giảng dạy giống như những học sinh có hoàn cảnh thuận lợi. Ví dụ đối với môn toán, các bài tập thường dễ hơn, kỳ vọng thấp hơn, môi trường giảng dạy kém thuận lợi. Và sự khác biệt trong cách đối xử này ở Pháp lớn hơn bất kỳ nơi đâu” - nhà xã hội học Nathalie Mons, chủ tịch Cnesco, nhấn mạnh.

Câu chuyện thay lời kết

Năm 2017, kết thúc kỳ thi tú tài với bằng loại xuất sắc, 4 học sinh của thành phố Lyon được trao tặng 500 euro/người. Cả 4 đều từ chối không nhận số tiền này, với giải thích rằng các em không thấy kết quả của kỳ thi thể hiện hết được nỗ lực của học sinh và việc khen thưởng dựa trên thành tích này là không công bằng và tốn kém. Chưa kể, họ xuất thân từ những gia đình có điều kiện thuận lợi hơn so với nhiều học sinh khác. Vì thế, họ đã tặng lại số tiền này cho Nhà văn hóa Thanh niên thành phố.■

(*) Thành viên Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)

Con virus corona đào sâu bất bình đẳng giáo dục

Khi nhanh chóng chuyển sang hình thức đào tạo trực tuyến để đối phó tình trạng phong tỏa do đại dịch, nước Pháp nhận ra thêm một cấp độ mới của bất bình đẳng giáo dục. Bộ Giáo dục Pháp ghi nhận rằng trung bình 5-8%, tức là 500.000 học sinh đã không thể tiếp cận giáo dục trong thời gian phong tỏa trên toàn nước Pháp. 

Có tới 30% hộ gia đình nghèo không có máy tính, so với 10% gia đình giàu có. "Kể cả khi có máy tính và có kết nối Internet, nhưng nếu không có người hỗ trợ thì kết quả cũng không đáng kể, đây chính là một trong những yếu tố gây nên bất bình đẳng học tập" - ông Rodrigo Arenas, chủ tịch Liên hiệp phụ huynh học sinh, cho hay.

Các học sinh phải ở nhà do đại dịch phải đối mặt với những vấn đề mới: trông em, giúp đỡ bố mẹ việc nhà, dùng chung chiếc máy tính/điện thoại thông minh duy nhất với anh, chị em. Thậm chí, nhiều em còn không đủ ăn, ngược với thời kỳ bình thường, các em vẫn được ăn trưa tại căng-tin trường học.

Theo khảo sát của Ipsos, một tập đoàn nghiên cứu thị trường toàn cầu, 52% phụ huynh thuộc tầng lớp lao động chân tay gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu được tài liệu học tập của con. Trong khi đó, 60% phụ huynh có chức vụ là quản lý cấp cao tin rằng con cái họ có thể nâng cao kiến thức trong thời kỳ phong tỏa, so với chỉ 50% cha mẹ là công chức và 48% cha mẹ là lao động phổ thông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận