Khi ngân hàng Đức lâm nạn

HỒ QUỐC TUẤN 28/10/2016 02:10 GMT+7

TTCT - Trong vài tuần qua, thị trường tài chính thế giới lưu tâm một cách cẩn trọng sự việc ngân hàng Deutsche Bank bị bộ Tư pháp Mỹ đòi phạt 14 tỉ USD, mức phạt có thể dẫn đến ngân hàng này mất khả năng thanh toán. Sự việc gây chú ý bởi quy mô của nó có thể gây khủng hoảng toàn cầu.

Tòa nhà Deutsche Bank ở Frankfurt - biểu tượng của trung tâm tài chính Đức
Tòa nhà Deutsche Bank ở Frankfurt - biểu tượng của trung tâm tài chính Đức

Nguyên nhân phạt là vì Deutsche Bank đã tham gia tích cực vào việc tạo ra và bán các chứng khoán đảm bảo bằng các khoản cho vay mua nhà (mortgaged-back securities), một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. 

Ngân hàng hàng đầu nước Đức này cho biết họ không kham nổi khoản tiền phạt 14 tỉ USD - Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) công bố.

Có khủng hoảng hệ thống?

Nói đơn giản là ngân hàng này gom một lượng lớn các khoản cho vay mua nhà chất lượng cao lẫn chất lượng thấp lại, “trộn” lẫn với nhau rồi phát hành chứng khoán là một chứng chỉ cho phép nhà đầu tư hưởng lợi từ nguồn lãi thu được từ cho vay mua nhà (giống như nhà đầu tư gián tiếp cho vay mua nhà vậy).

Việc pha trộn này tệ tới mức là trộn toàn những khoản cho vay chất lượng thấp lại nhưng vẫn tạo ấn tượng cho khách hàng là những khoản cho vay chất lượng cao, “dụ” khách hàng bỏ tiền ra mua các chứng khoán đó (nhiều người ví von giống như đem đồng hồ dỏm ra bán với giá đồng hồ Rolex thật).

Nhiều ngân hàng ở Mỹ cũng đã bị phạt vì tham gia thị trường này với nhiều hành vi không trung thực. Ở châu Âu thì Deutsche Bank là trường hợp đầu tiên bắt đầu thương thảo với DoJ. Sẽ có nhiều ngân hàng lớn của châu Âu nữa như Barclays và UBS cũng có liên quan.

Sự kiện này được chú ý vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, liệu nó có dẫn đến sự sụp đổ của Deutsche Bank và xa hơn nữa là tạo ra một cuộc khủng hoảng phạm vi khu vực hay toàn cầu?

Đây là một ngân hàng mà một số tổ chức quốc tế (trong đó có IMF và những tổ chức giám sát an toàn hệ thống ngân hàng của Mỹ và Anh) cho là có thể ảnh hưởng tới rủi ro hệ thống, nghĩa là nếu sụp đổ có thể kéo theo sự sụp đổ hoặc khó khăn về thanh khoản của nhiều ngân hàng khác.

Vì vậy, sự kiện Deutsche Bank không chỉ là một tít báo đơn giản “một ngân hàng nữa lại ra đi” sau khủng hoảng tài chính. 

Nó là câu hỏi: liệu có xảy ra khủng hoảng ngân hàng toàn cầu hay cục bộ hay không? Khi mà nhiều ngân hàng cũng lớn dù ít quan trọng hơn ở Ý đang trong tình trạng cần “cấp cứu”, và sẽ có thêm ngân hàng của Anh và Thụy Sĩ bị DoJ phạt tương tự, vụ việc của Deutsche Bank là một cú đấm vào hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn ở châu Âu.

Và đừng quên quy mô của ngân hàng này: nó có tổng tài sản vào khoảng 1,8 nghìn tỉ euro, lớn hơn một nửa nền kinh tế Đức.

Deutsche Bank là một ngân hàng đầu tư có mạng lưới giao dịch rất rộng, kết nối với rất nhiều ngân hàng lớn và nhỏ trên toàn thế giới thông qua mạng lưới giao dịch và đầu tư.

Trong một báo cáo vào tháng 6, IMF nhận định rằng trong số các ngân hàng có tầm ảnh hưởng toàn cầu, Deutsche Bank là một trong những ngân hàng quan trọng nhất có thể tạo ảnh hưởng đến rủi ro toàn hệ thống (xếp trên cả HSBC và Credit Suisse về mặt này).

Vì Deutsche Bank có kết nối với hầu hết các ngân hàng quan trọng khác của các thị trường đã phát triển và mới nổi trọng yếu, nếu Deutsche Bank mất khả năng thanh toán thì rất nhiều hợp đồng giao dịch, tài trợ vốn và kinh doanh tiền tệ của các ngân hàng khác sẽ không được thực hiện. 

Mức độ tổn thất đến đâu cho toàn hệ thống là một câu hỏi không ai biết câu trả lời chính xác.

Điều này giống như trong một chuỗi thanh toán liên hệ lẫn nhau trong một cái chợ, người này cho người kia mượn một ít tiền hay cho mua chịu thanh toán sau, và tất cả ít nhiều thông qua một ông bán thịt làm trung gian giao dịch, ký gửi tiền, hàng, hỗ trợ thanh toán, và nhiều người còn cho ông bán thịt mượn tiền...

Một ngày đẹp trời, ông bán thịt tuyên bố bị công an phạt vì bán thịt chất lượng kém, dẫn đến mất khả năng thanh toán, có thể phải dẹp tiệm, thì các đối tác khác trong chuỗi thanh toán của chợ cũng bị vạ lây. Vấn đề tổn thất đến đâu không ai dám nói vì chỉ có từng người mới biết mình giao dịch lớn cỡ nào với ông bán thịt.

Vì vậy, khi Deutsche Bank xảy ra vấn đề, người ta đã ngay lập tức đặt câu hỏi liệu rằng ngân hàng ở toàn châu Âu “có bị làm sao không”?

Đến giờ, nhiều nhà phân tích đã lên tiếng trấn an rằng hệ thống ngân hàng thế giới hiện đã chắc chắn hơn nhiều kể từ sau khủng hoảng (dù cũng còn không ít “con bệnh”) nên không đến nỗi nào đâu. 

Hơn nữa, các nhà chức trách của Đức, Mỹ và châu Âu cũng theo dõi vụ này lâu rồi và đang thương thảo để vụ việc không gây ra hoảng loạn ở tầm toàn cầu.

Cho đến khi người viết đang viết bài này thì có tin đồn là Deutsche Bank sẽ chỉ cần trả 5 tỉ USD. Đây cũng là tình huống từng xảy ra với nhiều ngân hàng Mỹ khác cùng bị phạt như Deutsche Bank.

DoJ “kêu giá” phạt rất cao nhưng cuối cùng thì kết cục phạt chỉ 1/3 hay 1/2 số tiền ban đầu được đề cập. Deutsche Bank đã có dự toán sẵn 5,5 tỉ USD để trả tiền kiện tụng cho rất nhiều vụ kiện hiện đang vướng vào.

Tài chính hay chính trị?

Điều đáng chú ý thứ hai của sự kiện Deutsche Bank là chuyện cứu ngân hàng và chính trị. Đây là một vụ đầu tiên trong các vụ việc mà DoJ của Mỹ phạt các ngân hàng châu Âu. Tất nhiên là các ngân hàng châu Âu sẽ đi so sánh xem DoJ phạt các ngân hàng Mỹ bao nhiêu tiền?

Nếu ngân hàng thuộc loại “anh cả” như Goldman Sachs chỉ phải trả 5,1 tỉ USD mà buộc Deutsche trả chừng 8-10 tỉ USD thôi thì Deutsche Bank hay giới chính trị gia châu Âu cũng không dễ gì chấp nhận. 

Mặt khác, nếu Deutsche Bank mất khả năng thanh toán thật sự và đe dọa an toàn hệ thống, liệu Chính phủ Đức sẽ bỏ tiền ra cứu?

Trong khi Đức vừa gây sức ép để Chính phủ Ý không bỏ tiền ra cứu ngân hàng của họ, liệu Đức sẽ ăn nói thế nào trong trường hợp này? 

Và liệu dân Đức sẽ hài lòng khi chính phủ làm vậy? Một số nhà phân tích chính trị cho rằng đây sẽ là tình thế vô cùng khó khăn nếu chính phủ đứng trước sức ép phải bỏ tiền ra cứu một ngân hàng trong khi đảng lãnh đạo đang bị mất lòng tin nghiêm trọng và thời điểm bầu cử đang đến gần.

Từ câu chuyện Deutsche Bank tới Việt Nam

Chuyện của Deutsche Bank có nhiều điều thú vị để giới quan chức Việt Nam, những người làm trong lĩnh vực tài chính và người dân theo dõi.

Chẳng hạn là về chuyện phạt và cứu ngân hàng. Ngân hàng làm ăn không tốt hay gây ra những vụ bê bối, khi bị phạt hay lỡ phá sản thì tất nhiên là cổ đông phải chịu. 

Tuy nhiên, có mấy khi những người lãnh đạo ngân hàng chịu phạt chung? Bao nhiêu trong số những người thật sự ra quyết định dẫn đến tổn thất của những ngân hàng Việt Nam đã phải chịu trách nhiệm gì?

Có một đồng nghiệp của tôi là một giáo sư sắp về hưu cho rằng mỗi khi có ngân hàng gây ra chuyện gì thì phần lớn là kiếm một nhân viên cấp trung hay cấp dưới ra chịu mà thôi (vì họ trực tiếp liên quan tới vụ việc), chẳng hạn như những vụ việc bê bối dàn xếp lãi suất liên ngân hàng Libor hay những vụ giao dịch gây tổn thất lớn cho ngân hàng.

Thỉnh thoảng vài vụ rất lớn như Lehman thì thấy ai đó trong số lãnh đạo ra tòa nhưng nhiều người có vai trò rất lớn thì vẫn “tỉnh bơ”. Tổn thất của các ngân hàng do giám sát thiếu chặt chẽ thì bao nhiêu quan chức sẽ mất chức?

Vụ việc của Deutsche Bank và Wells Fargo gần đây cho thấy việc đầu tiên là mấy trăm cho đến mấy ngàn nhân viên mất việc vì nhiều lý do khác nhau, chứ ban lãnh đạo thì vẫn hoặc ngồi lại hoặc hạ cánh an toàn với mấy chục triệu cho đến mấy trăm triệu USD tiền lương thưởng bồi thường ở nhiều dạng khác nhau (trong khi ngân hàng thì không có tiền trả mấy tỉ tiền phạt).

Nói tóm lại, khi một vụ bê bối ngân hàng xảy ra, nhân viên nhỏ ở ngân hàng và cổ đông nhỏ là có rủi ro lớn nhất, còn quan chức có liên quan và những người thật sự ra quyết định dẫn đến tổn thất có lẽ đã “đi đâu mất”.

Ngoài ra, ngân hàng là một lĩnh vực nhạy cảm mà việc cứu hay không cứu một ngân hàng luôn là một vấn đề chính trị chứ không phải kinh tế. 

Tuy cách nhìn của rất nhiều nhà kinh tế là muốn cứu ngân hàng mà không phải dùng đến tiền nhà nước là rất khó, dù ở bất cứ nước nào, nhưng dùng tiền nhà nước cứu ngân hàng phải tính đến yếu tố thời điểm, phương pháp và lòng dân.

Như trong trường hợp Deutsche Bank, đã có người đề xuất giải pháp cho Chính phủ Đức là thay vì làm mất lòng dân bằng cách bơm tiền cho Deutsche Bank (nếu họ thật sự cần), hãy dùng một ngân hàng nhà nước mà Chính phủ Đức có sở hữu cổ phần (không ít ngân hàng Đức là như vậy) để mua lại Deutsche Bank.

Nói tóm lại, trong câu chuyện giải quyết những vấn đề của ngân hàng, cần phải rất thận trọng nhưng cũng phải rất minh bạch. 

Những khuất tất bên trong là nguyên nhân chính khiến người dân từ lâu rất nghi ngờ khi chính phủ ra tay giúp một ngân hàng nào đó. Sự kiện của Deutsche Bank là một bài học rất rõ ràng: nếu Deutsche Bank mà cần tiền chính phủ lúc này, chính phủ sẽ làm sao để ăn nói với dân mà không bị mất uy tín?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận