Kinh tế Việt Nam: COVID-19 cũng có thể là cơ hội

DAVID DAPICE (*) 09/05/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Việt Nam đã tăng trưởng gần 3% trong năm 2020, và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán rằng mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ là 6,5% trong năm 2021. Như vậy tăng trưởng trong hai năm sẽ rơi vào khoảng 9,5%.

Cũng hợp lý nếu cộng tăng trưởng năm 2021 và 2020 với nhau, vì việc phục hồi kinh tế từ tình trạng của năm 2020 sẽ bù đắp cho sự sụt giảm của nhiều nước. 

Giáo sư David Dapice. Ảnh: Trung tâm Ash

 

Trong số các nền kinh tế lớn, chỉ Trung Quốc có lẽ đang thể hiện tốt hơn VN. Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và Philippines sẽ chật vật để đạt được tăng trưởng bằng 1/3 mức của VN nếu cộng gộp hai năm như trên.

Dự báo tăng trưởng tích cực của VN trước hết nhờ vào thành công trong kiểm soát đại dịch do virus corona chủng mới (COVID-19). 

Thêm vào đó, VN đã tăng cường xuất khẩu vào thời điểm nhu cầu thế giới tăng cao. Đó cũng là giai đoạn Trung Quốc gặp khó khăn trong việc vận hành như bình thường, đặc biệt vào quý 1-2020. 

Thứ ba, VN đã đẩy mạnh các khoản đầu tư và bù đắp cho sự sụt giảm cầu ở một số lĩnh vực dịch vụ. 

Điểm cuối cùng, nền kinh tế VN không quá lệ thuộc vào du lịch như Thái Lan hay Campuchia. Xét tổng quan, VN đã thể hiện ấn tượng, và đang thực sự thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

IMF ước tính GDP dựa theo sức mua tương đương, và trong một báo cáo gần đây, tổ chức này cho rằng GDP năm 2021 của VN sẽ rơi vào khoảng 1,15 ngàn tỉ USD, trong khi Malaysia và Philippines là khoảng 1 ngàn tỉ USD. Theo cách tính này, VN sẽ có GDP cao hơn hai nước láng giềng trong năm nay.

Tính theo bình quân đầu người, Malaysia với dân số ít hơn nhiều vẫn có GDP bình quân cao hơn hẳn, ở mức 30.000 USD. Trong khi VN được dự báo đạt mức 11.667 USD, cao hơn Philippines (9.000 USD) - quốc gia có GDP “rớt” gần 10% trong năm 2020.

Nếu VN duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 6-7%, họ có thể vượt qua cả Indonesia về thu nhập bình quân đầu người. Hiện Indonesia có GDP bình quân khoảng 12.900 USD, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm (trừ năm 2020), cùng tốc độ gia tăng dân số nhanh hơn. Một khi VN giữ được mức tăng GDP như đã nói, dự báo họ sẽ vượt qua Indonesia vào cuối thập kỷ này.

Tuy vậy, để tiếp tục đà tăng trưởng, VN cần giải quyết một số vướng mắc quan trọng. Hiện VN tiêu thụ nhiều năng lượng và điện trên một đơn vị sản lượng, với mức tiêu tốn thậm chí cao hơn cả Trung Quốc. 

Trong tình huống rất có thể sẽ xảy ra là thế giới nhất trí được việc áp giá phát thải carbon - khi chính quyền mới ở Mỹ quan tâm hơn tới biến đổi khí hậu - VN sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy VN cần phát triển một chính sách môi trường mạnh mẽ hơn.

Các vấn đề môi trường, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long, có thể gây tổn hại lớn và làm mất cân bằng khu vực Đông Nam Bộ vì tình trạng di dời chỗ ở bắt buộc do biến đổi khí hậu. Điều này cần sự phối hợp tốt hơn giữa công nghệ, đầu tư, và chính sách.

Còn để phát triển nền công nghiệp 4.0, việc chỉ dựa vào một số công ty quốc gia là không đủ, mà cần thêm các chính sách tốt hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự kết hợp trong chính sách phải bao gồm nguyên tắc cởi mở để thu hút FDI chất lượng cao, cũng như các chuyên gia nhằm cải thiện công ty địa phương. 

Nếu công ty địa phương cải thiện năng suất vốn đang khá thấp hiện nay, họ sẽ có thể trả thêm tiền cho lao động tay nghề cao, và điều này sẽ gây áp lực lên hệ thống giáo dục - đòi hỏi phải đáp ứng tốt hơn nhu cầu kỹ năng ngày càng tăng.

VN đủ thức thời và thực tế để tiếp tục xử lý và vượt qua các vấn đề hiện nay. Thỏa thuận với Mỹ gần đây để tránh được các khoản thuế vì cáo buộc thao túng tiền tệ là một ví dụ. Nó cho thấy phía VN sẵn sàng tham gia những cuộc thảo luận nghiêm túc theo một cách thức hợp tình hợp lý và dựa trên bằng chứng.■

NHẬT ĐĂNG (dịch)

(*): Giáo sư, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về quản trị dân chủ và đổi mới, Trường Quản lý nhà nước John F Kennedy, ĐH Harvard.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận