Lạm phát: Cẩn trọng không thừa

SƠN NGUYỄN 10/12/2021 18:00 GMT+7

TTTC - 2,11% là mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 vừa rồi so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, CPI chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. So với mục tiêu kiểm soát lạm phát hằng năm dưới 4% của Ngân hàng Nhà nước, dường như năm nay lạm phát chưa phải vấn đề đáng lo ngại bất chấp giá xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng chóng mặt.

Thực tế, mức tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ tháng 11 có thể chưa phản ánh hết các áp lực tăng giá đang dồn nén trong nền kinh tế. 

Hiện các doanh nghiệp đang đối mặt bài toán chi phí nguồn nguyên liệu đầu vào tăng mạnh nhưng vẫn chưa dám chuyển mức tăng đó vào giá bán sản phẩm đến người dùng cuối vì e ngại nhu cầu thị trường vẫn còn yếu ớt.

Ảnh: Smallcase.com

 

Nhưng thời gian chịu đựng của họ có thể không kéo dài. 

Tại Công ty Thủy sản Cần Thơ, mặc dù doanh thu xuất khẩu có tăng nhưng cước tàu biển tăng gấp đôi so với cùng kỳ và chiếm 58% tổng chi phí bán hàng đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Sau khi trừ chi phí, công ty ghi nhận lỗ ròng 4,7 tỉ đồng trong quý 3-2021.

Ở miền Tây Nam Bộ, giá phân bón tiếp tục neo cao, gây khó khăn cho nông dân và các doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm và làm gia tăng nguy cơ thua lỗ nếu giá bán đầu ra không tăng. 

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu là do các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất phân bón như than, khí tự nhiên, lưu huỳnh, ammoniac… sụt giảm nguồn cung, giá cả tăng cao trên thị trường thế giới. Đồng thời, giá vận tải biển tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua. 

Trong nước, do ảnh hưởng của dịch, nhiều nhà máy ngưng hoặc giảm công suất, khiến chi phí sản xuất tăng.

Các chỉ số về giá cả sản xuất đang phản ánh nguy cơ lạm phát tiềm ẩn. Ghi nhận của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý 3-2021 tăng 1,12% so với quý trước và tăng đến 3,71% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 9 tháng đầu năm nay, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng mạnh 12,7%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,18%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đều tăng 1,32%.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 năm nay ghi nhận chi phí đầu vào đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4-2011 và là một trong những mức tăng mạnh nhất trong lịch sử khảo sát. Chi phí vận tải tăng mạnh là yếu tố được các doanh nghiệp phản ảnh nhiều nhất.

Khó có thể thả lỏng trước nguy cơ lạm phát. Các tháng đầu năm 2022 có thể sẽ chứng kiến cơn sốt mới về giá cả, nhất là trong dịp cuối năm và Tết, khi mà các chuỗi cung ứng vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì diễn biến khó lường của dịch COVID. 

Theo ông Frederic Neumann, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của Ngân hàng HSBC, giá năng lượng tăng có thể đẩy lạm phát lên ở các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ như Việt Nam và làm chậm sự phục hồi tăng trưởng. 

Ông cho biết giá năng lượng có thể tăng trong những tháng mùa đông tới, dự kiến sẽ cải thiện vào tháng 3-2022, và chỉ từ nửa cuối 2022 thì lạm phát mới có thể ổn định trở lại.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng đánh giá rủi ro lạm phát trong năm 2022 vẫn còn rất lớn. 

Lý do là lạm phát tại Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu… tăng đáng kể trong thời gian qua, khi giá cả hàng hóa thế giới đang có xu hướng ngóc lên vào lúc nền kinh tế dần hồi phục. 

Thống kê của Ngân hàng Thế giới đến hết tháng 10 cho thấy nhiều nhóm hàng hóa tăng giá mạnh so với đầu năm như năng lượng tăng 56,1%, sản phẩm nông nghiệp 6,46%, phân bón 79,8%, kim loại cơ bản và khoáng chất 14,6%...

Trên thế giới, một số ngân hàng trung ương đang cân nhắc hành động mạnh tay. 

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết hôm sẽ bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản vào cuối tháng 11 - bước đầu tiên để thu hồi lại lượng tiền khổng lồ đã bơm vào thị trường và nền kinh tế thời gian qua. FED cũng ghi nhận thực tế là mức tăng giá đang cao nhất trong 30 năm qua ở Mỹ, dù vẫn giữ quan điểm áp lực này chỉ là tạm thời. 

“Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn."

Bà Nguyễn Thị Hồng, thống đốc Ngân hàng Nhà nước


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận