Lãng phí và trục lợi trong đại dịch

TRUNG TRẦN 11/10/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Trong một tình huống khẩn cấp như đại dịch, các cơ chế thị trường không phải lúc nào cũng vận hành như mong đợi. Vấn đề là Nhà nước sẽ can thiệp tới đâu và can thiệp những gì.

Bắt đầu từ nhu cầu bắt buộc đầu tiên khi dịch mới chớm bùng phát, là chiếc khẩu trang, rồi tới dung dịch sát trùng, sau đấy là những than phiền về việc phun khử trùng tràn lan trong khi tác dụng còn bỏ ngỏ, rồi tới việc một số quan chức y tế của các CDC lao lý vì nâng giá đến 3 lần thiết bị xét nghiệm, và mới đây nhất là vấn đề giá cả, số lượng và cách thức sử dụng các bộ kit xét nghiệm khiến dư luận chất vấn mấy tuần nay. 

Nhìn chung, sự lãng phí và trục lợi trong đại dịch gây ra bất an trong dân chúng không kém chính con virus tai ác.

 
 Ảnh: medium.com

 Nhìn dưới góc độ tiêu dùng, các vật tư, thiết bị, sinh phẩm chống dịch có đặc điểm của các sản phẩm khuyến dụng, tức là người dân dù có muốn hay không cũng bắt buộc phải sử dụng, không chỉ để bảo vệ chính họ mà còn vì những mục đích có lợi cho toàn xã hội (dù với một cá nhân cụ thể thì chưa chắc, giống như mũ bảo hiểm hay... bao cao su). 

Một đặc điểm khác của sản phẩm khuyến dụng là miễn phí hay giá rất rẻ và nó thường được chi trả từ thuế của công dân đóng - ví dụ như tiêm vaccine hằng năm cho trẻ con. 

Điểm khác biệt của các vật tư, thiết bị, sinh phẩm chống dịch là tính tức thời của chi phí và lợi nhuận cơ hội. Ở điểm này, nó giống như thiệp Giáng sinh và phong bao đựng lì xì. Tức là sau ngày đấy thì sẽ không ai mua nữa hoặc nhu cầu sẽ rất ít.

Không phải mình Việt Nam

Trong lý thuyết kinh tế và tham nhũng công, dịch bệnh là một tình huống mà ở đó các điều kiện để phát sinh tham nhũng, hối lộ là rõ ràng và thuận lợi nhất.

Ủy ban Phòng chống tham nhũng của Liên minh châu Âu (EU) năm 2020 đã đưa ra các cảnh báo về nguy cơ tham nhũng có thể xảy ra trong đại dịch:

(1) Đơn giản hóa quy trình mua sắm công do tính cấp bách của công tác chống dịch. Điều này tạo nhiều khe hở cho việc trục lợi do thiếu công bằng trong cách tiếp cận nguồn mua, nguồn cung cấp.

(2) Hối lộ để được ưu tiên các dịch vụ y tế do nhu cầu xã hội cao và sự thiếu hụt của nhân sự và thiết bị trong các cơ sở y tế.

(3) Tham nhũng lãng phí trong nghiên cứu, phát triển các sinh phẩm chống dịch.

(4) Gian lận và giả mạo trong cung cấp vật tư, sinh phẩm chống dịch.

(5) Gian lận và hối lộ từ các đơn vị kinh tế tư nhân để được Nhà nước cấp phép sai quy định cho các quy trình chống dịch.

Phải thấy rằng tất cả những “cảnh báo” đó đều đã trở thành hiện thực, ở các mức độ và quy mô khác nhau, tại Việt Nam!

Thẳng thắn hơn, văn phòng Ấn Độ của Tổ chức Minh bạch quốc tế cho rằng: “Mọi khía cạnh của đại dịch COVID-19 đều là cơ hội cho sự trục lợi”. Tổ chức này còn coi tham nhũng trong thời COVID-19 là một đại dịch thứ hai của Ấn Độ.

Và không chỉ có Ấn Độ, nhìn trong khu vực Đông Nam Á, Bộ trưởng Y tế Philippines hồi tháng 8 đã phải lên truyền thông thanh minh về việc không có chuyện “hơn 1 tỉ đôla đã bị lãng phí trong công cuộc chống dịch”.

Hay như ngài Bộ trưởng Các vấn đề xã hội Indonesia Juliari Peter Batubara tháng 12-2020 đã bị bắt vì tội nhận hối lộ để ưu tiên cho một số công ty tư nhân quyền cung cấp gói cứu trợ cho người dân. Ông này vừa bị tuyên 12 năm tù hồi tháng 8 vừa qua.

Nói thế để cùng hiểu rằng, việc tham nhũng, hối lộ, trục lợi trong đại dịch là điều có thể và đã xảy ra bất cứ ở đâu trên thế giới. Thậm chí có thể nói đó là một hành vi kinh tế mang tính phổ quát.

Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Kinh tế thị trường đúng nghĩa không phải là trục lợi

Nếu áp dụng các hướng dẫn phòng chống tham nhũng của EU vào câu chuyện số lượng sử dụng và giá cả kit xét nghiệm, chúng ta có thể thấy được các điểm: Việc mua sắm kit xét nghiệm (có thể) không minh bạch, không công bằng và (có thể) bị ảnh hưởng bởi vận động hành lang của các nhóm tư nhân. 

Tiếp đến, tần suất và số lượng test mẫu, vốn là chuyện của các nhà chuyên môn, người dân khó lòng có được chỉ một câu trả lời duy nhất.

Nhưng nếu như có một sự liên thông về số liệu thì các tổ chức kiểm toán nhà nước có thể biết được số lượng tồn kho và đặt hàng của các nguồn cung kit xét nghiệm là bao nhiêu, đối chiếu với nhu cầu sử dụng thật. 

Từ đó phần nào biết được: (1) Liệu có phải vì một số công ty nhập quá nhiều nên ngành y tế yêu cần người dân phải test thật nhiều cho hết tồn kho?; và (2) Chi phí test có quá cao so với mặt bằng chung?

Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại.

Việc kiểm định mức giá mua vào và mức giá đến tay “người tiêu dùng”, ở đây là người được xét nghiệm, như thế nào cũng là của các cơ quan chuyên môn, người dân sẽ không đủ kiến thức và dữ liệu để phán định như thế nào là rẻ, như thế nào là đắt. 

Những thông tin trên báo chí rằng công ty nước ngoài chào bán chỉ 35.000 đồng trong khi giá đấu thầu lên đến 70.000 - 80.000 đồng cho một bộ kit xét nghiệm nhanh nên được nhìn nhận ở góc độ chi phí - lợi nhuận một cách thận trọng.

Một sự thật không chỉ ở Việt Nam mà là ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới là việc mua bán các sản phẩm có hàm lượng R&D cao như sinh phẩm y tế, năng lực đàm phán mua hàng nằm ở các công ty tư nhân có kinh nghiệm và thông thạo quy trình mua bán chứ không ở cơ quan mua sắm công của Nhà nước.

Mua vaccine là một ví dụ khác. Không một cơ quan nhà nước nào có đủ quyền và quy trình để bỏ tiền ra mua vaccine khi nó chưa có kết quả thử nghiệm thành công. 

Trong khi một doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể “đặt cược” trên cơ sở thuận mua - vừa bán, có bảo hiểm rủi ro, có chấp nhận tổn thất.

Việc của cơ quan công quyền, mà cụ thể ở đây là Bộ Y tế và các cơ quan thanh tra kiểm toán, là đưa ra được bộ công cụ kiểm soát đủ mạnh, có khả năng thực thi, có năng lực nhìn thấy trước, để giảm thiểu tình trạng trục lợi trong việc mua bán, cung cấp sinh phẩm, thiết bị y tế trong điều kiện đặc biệt như dịch bệnh.

Theo như thông báo của Bộ Y tế thì ngày 11-8, bộ này ra công văn số 6547/BYT-TB-TC đề nghị nghiêm cấm việc tăng giá, đầu cơ, tích trữ..., đồng thời bản thân bộ chỉ tiếp nhận vật tư, sinh phẩm y tế... qua nguồn tài trợ - viện trợ hợp pháp. Nhưng lúc này, mọi sự hầu như đã rồi.

Trong một nền kinh tế thị trường tự do thật sự, phải chấp nhận việc mua - bán thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế... là cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, cũng phải thấy đó là một trạng huống không phải “thuận mua vừa bán” như thông thường, mà là tình thế người tiêu dùng cuối cùng không có quyền trả giá, ít ra là trong ngắn hạn.

Thời cơ đấy với các doanh nghiệp tư nhân sẽ biến mất rất nhanh, đồng nghĩa nguy cơ tham nhũng, hối lộ, trục lợi là điều có thể thấy trước, trong tất cả các khâu, nhập khẩu, người mua trung gian, người ra quyết sách phòng dịch..., để người bán bảo đảm rằng họ giữ được giá bán cao nhất trong thời gian lâu nhất có thể mà người tiêu dùng không có quyền từ chối. 

Sự trục lợi như thế rõ ràng là phi thị trường và chỉ có thể giảm thiểu khi cơ quan nhà nước có sẵn và thực thi hiệu quả những bộ quy tắc về minh bạch và đạo đức.

Kết quả, người thua thiệt là người đóng thuế, thông qua việc ngân sách nhà nước bị lãng phí. Tầng lớp bị thiệt hại nhiều nhất là những người dễ bị tổn thương nhất trong dịch, những người mà cho đến giờ nếu cần đi làm mà chưa đủ hai mũi tiêm thì buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính.

Những điều tốt đẹp mà y bác sĩ và nhân viên của Bộ Y tế đã tận hiến cho công cuộc chống dịch đáng cho hàng chục triệu người tri ân. 

Còn những gì mà một số người có thể đã trục lợi bằng cách cấu kết bất chính, gây lãng phí ngân sách của quốc gia, tức tiền thuế của nhân dân, và làm lung lay niềm tin của người dân, cũng cần được nhà chức trách điều tra và đưa ra kết luận. 

Đấy phải được xem là một tiến trình cần phải thực hiện ngay cả khi dịch chưa chấm dứt, ít nhất là nếu nhìn từ nhận thức và sự thông hiểu của người dân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận