Nhà nước chi bao nhiêu tiền cho thể thao?

KHƯƠNG XUÂN 25/01/2021 03:00 GMT+7

TTCT - Thể thao Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong 5 năm qua khi lần đầu tiên giành HCV Olympic 2016, đứng thứ 17 tại Asiad 2018, thứ hai tại SEA Games 2019. Đặc biệt bóng đá nam đã giành HCV AFF Cup, SEA Games, HCB vòng chung kết U23 châu Á trong hai năm 2018 - 2019. Để có thành quả đó có sự đầu tư rất lớn từ ngân sách nhà nước và cả xã hội.

Bắt đầu từ ngày 1-1-2021, các VĐV, HLV thể thao được hưởng chế độ dinh dưỡng mới theo thông tư 86 của Bộ Tài chính. Theo đó, VĐV và HLV đội tuyển quốc gia được hưởng tiền ăn lên tới 320.000 đồng/người/ngày.

Ngân sách tăng từng năm

Những môn thể thao trọng yếu như điền kinh cần nhiều nguồn lực hơn và vẫn còn nhiều "đất" để phát triển. Ảnh: Như Đạt

Để thể thao có được thành tích như vậy, mỗi năm Nhà nước đầu tư cho ngành thể thao bao nhiêu tiền? Đó là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm. Tiền chi cho thể thao hay các lĩnh vực khác từ ngân sách được lấy từ chính sức lao động của người dân thông qua việc đóng thuế. Vì vậy, dù là một đồng, nó cũng hết sức quý giá và cần phải được tiêu xài hợp lý.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, dự toán chi ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan trung ương theo lĩnh vực năm 2021 thì Bộ VH-TT&DL được chi tổng số là 3.390 tỉ đồng. Trong số này, khoản chi thường xuyên là 2.560 tỉ đồng, có 830 tỉ đồng là chi cho đầu tư phát triển (sửa chữa, xây dựng mới cơ sở vật chất như nhà thi đấu, sân vận động, nhà hát…).

Trong tổng số tiền chi thường xuyên cho sự nghiệp của Bộ VH-TT&DL, chi thường xuyên cho riêng lĩnh vực thể thao là 857 tỉ đồng - con số cao nhất từ trước tới nay. Để có thể hình dung, chi phí đầu tư 1km cao tốc Bắc - Nam 4-6 làn xe là khoảng 215 tỉ đồng (theo vantaiquocgia.com.vn).

Nhìn vào số liệu 3 năm từ 2019 - 2021 thì thấy ngân sách trung ương chi cho lĩnh vực thể thao tăng đều từ 572 lên 780, rồi 857 tỉ đồng. 2021 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn với kinh tế Việt Nam và toàn cầu bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Nhưng ngân sách nhà nước cấp cho thể thao vẫn tăng mạnh, cho thấy sự quan tâm của Nhà nước với thể thao ngày càng lớn.

VĐV hưởng gì từ ngân sách?

Ngân sách chi cho sự nghiệp thể thao tăng lên đồng nghĩa với việc đời sống của VĐV, HLV sẽ tốt hơn. Điều này được thể hiện qua việc VĐV, HLV thể thao được tăng tiền ăn, tiền lương. 

Với các bộ môn được đầu tư trọng điểm như điền kinh, bắn súng, thể dục, cử tạ…, có thêm tiền tức là các VĐV có thêm cơ hội được đi tập huấn nước ngoài và tham dự các giải đấu uy tín để nâng cao trình độ.

Ông Lê Quang Tùng - vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Tổng cục TDTT) - cho biết ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động thể dục thể thao được chi vào các hạng mục tiền ăn và tiền công của VĐV, HLV; tiền thuê chuyên gia nước ngoài; mua sắm trang thiết bị tập luyện và thi đấu; chi phí đi tập huấn nước ngoài cho các đội tuyển; tổ chức các giải đấu thể thao; chi trả lương cho bộ máy ngành thể thao… 

Nhu cầu thì vô hạn, nhưng mức chi những năm qua của Nhà nước cho thể thao theo ông Tùng là tương đối tốt, đáp ứng cơ bản nhu cầu của hoạt động thể thao.

“Tiền đầu tư cho hoạt động thể thao được đến thẳng các VĐV, HLV vì đó hầu hết là tiền ăn và tiền công. Hiện nay các VĐV, HLV đang thực hiện chế độ tiền công theo nghị định 152 của Chính phủ và mức tiền công này tương đối tốt. 

Bắn súng là môn được đầu tư trọng điểm. Ảnh: Như Đạt

Cụ thể HLV trưởng đội tuyển quốc gia được hưởng lương 505.000 đồng/người/ngày, HLV là 375.000 đồng/người/ngày. Tiền lương của VĐV đội tuyển quốc gia là 270.000 đồng/người/ngày, đội tuyển trẻ quốc gia là 215.000 đồng/người/ngày.

Những năm qua trung bình từ 4-5 năm, VĐV, HLV thể thao sẽ được tăng tiền ăn và tiền công một lần. Điều này được căn cứ trên tình hình trượt giá thực tế, trên cơ sở đó Bộ VH-TT&DL sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định để nâng tiền cho VĐV. 

Dù ngân sách còn phải chi cho nhiều lĩnh vực quan trọng của đất nước, nhưng rõ ràng Nhà nước có quan tâm và tạo điều kiện cho lĩnh vực thể thao”, ông Tùng cho biết.

Bắt đầu từ 1-1-2021, tiền ăn của VĐV cũng được tăng lên theo thông tư 86 của Bộ Tài chính. Cụ thể, VĐV đội tuyển quốc gia và đội trẻ quốc gia được hưởng chế độ dinh dưỡng 320.000 đồng/người/ngày. 

Như vậy tổng số tiền ăn và tiền công hằng tháng mà một VĐV quốc gia nhận được trung bình khoảng 15 triệu đồng (tính trung bình 26 ngày/tháng). Đó là chưa kể đến các VĐV trọng điểm đặc biệt được Tổng cục TDTT đầu tư có thể được hưởng chế độ dinh dưỡng và tiền lương lên tới hơn 1 triệu đồng/người/ngày.

Cần thu hút nguồn lực xã hội

Với lĩnh vực thể thao của các địa phương, hội đồng nhân dân là nơi thông qua số tiền chi cho sự nghiệp thể thao. Đơn cử năm 2020, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định chi cho thể thao Hà Nội 659 tỉ đồng (không kém là bao so với số tiền của Tổng cục TDTT được cấp là 780 tỉ đồng). 

Chi phí để đào tạo và rèn luyện cho một VĐV đỉnh cao rất lớn. Ảnh: Như Đạt

Thành phố lớn nhất cả nước, TP.HCM, chi cho lĩnh vực thể thao năm 2020 là 503 tỉ đồng, thấp hơn Hà Nội.

Mặc dù ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp thể thao của trung ương và các tỉnh thành có tăng, nhưng muốn thể thao Việt Nam phát triển mạnh và bền vững thì cần nhiều nguồn lực hơn thế rất nhiều. 

Ví dụ như điền kinh - môn thể thao trọng điểm Olympic, năm 2019 từng giành đến 16 HCV SEA Games, đứng số 1 Đông Nam Á, nhưng năm 2020 chỉ được cấp kinh phí 150.000 USD cho công tác tập huấn và thi đấu nước ngoài. 

Số tiền này với bộ môn bắn súng là 200.000 USD. Do không có đủ kinh phí cần thiết, các chuyến tập huấn nước ngoài, thi đấu quốc tế của các bộ môn chỉ có một số rất ít VĐV trọng điểm được tham gia.

Thiếu kinh phí, năm 2021 dù chuẩn bị cho SEA Games 31, ở nhiều môn VĐV không được tập trung lên đội tuyển quốc gia từ ngày 1-1 để nâng cao thành tích. 

Chỉ một số ít VĐV trọng điểm được gọi lên đội tuyển quốc gia từ ngày 1-1, số còn lại phải đến 1-3 mới lên tuyển, để Tổng cục TDTT bớt gánh nặng tài chính. Với các đội trẻ quốc gia, nhiều thời điểm trong những năm qua Tổng cục TDTT đã phải cắt giảm quân số, giải tán ở các thời điểm nhất định vì… thiếu tiền tập huấn VĐV.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, một trưởng bộ môn nói: “Dù là đội tuyển quốc gia, chúng tôi luôn phải khống chế số lượng VĐV được gọi lên bởi không đủ kinh phí tập huấn. Do thắt chặt số lượng nên hệ thống đội trẻ rất yếu, vì thế thiếu nguồn bổ sung cho đội quốc gia. Đi tập huấn nước ngoài thì càng thắt chặt, có khi chỉ có 1-2 VĐV đi vì thiếu tiền”.

Để bổ sung nguồn lực cho thể thao, không có cách nào khác là phải huy động các nguồn lực xã hội thông qua các liên đoàn thể thao, thay vì tình trạng hầu hết các liên đoàn có cũng như không như hiện nay. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) là liên đoàn được xã hội hóa mạnh nhất cả nước. 

Vì vậy mỗi năm, ngoài kinh phí có hạn từ Tổng cục TDTT cấp cho các đội tuyển làm nhiệm vụ quốc gia, VFF còn huy động từ xã hội số kinh phí hàng trăm tỉ đồng cho các hoạt động của bóng đá. Vì vậy khi đội tuyển quốc gia lên tập trung, VFF có tiền để trả thêm tiền công cho cầu thủ và HLV, đội tuyển cũng được ở khách sạn tốt.

Được biết số tiền Tổng cục TDTT cấp cho VFF để thực hiện các nhiệm vụ của bóng đá VN trung bình khoảng trên dưới 10 tỉ đồng/năm, tùy nhiệm vụ mỗi năm nhiều hay ít. Hiện toàn bộ lương cho HLV trưởng Park Hang Seo, Tổng cục TDTT không hỗ trợ. Tuy nhiên Tổng cục TDTT hỗ trợ VFF một phần để trả lương cho đội ngũ trợ lý của ông Park.■

HCV Olympic được thưởng tới 490 triệu đồng

Theo nghị định 152 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 24-12-2018, người giành HCV Olympic có thể được thưởng lên tới 490 triệu đồng. Trong đó 350 triệu đồng cho HCV và 140 triệu đồng nếu VĐV đó phá kỷ lục đại hội. HCB Olympic được thưởng 220 triệu đồng và 140 triệu đồng cho HCĐ. 

Cũng theo nghị định 152, HCV Asiad được thưởng 140 triệu đồng, 80 triệu đồng cho HCB, 55 triệu đồng cho HCĐ. HCV SEA Games được thưởng 45 triệu đồng, 25 triệu đồng cho HCB và 20 triệu đồng cho HCĐ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận