Các liên đoàn thể thao quốc gia còn thiếu hiệu quả

KHƯƠNG XUÂN 25/01/2021 02:00 GMT+7

TTCT - Nhìn qua con số thuần túy, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) là liên đoàn hoạt động hiệu quả nhất trong số mấy chục liên đoàn thể thao quốc gia VN. Theo báo cáo tài chính của VFF, nguồn thu của đơn vị này trong năm 2020 là 205 tỉ đồng. Mục tiêu của VFF trong năm 2021 là thu về 259 tỉ đồng.

Hiện hầu hết các môn thể thao tại VN đều đã có liên đoàn thể thao quốc gia như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, bóng bàn, cầu lông, taekwondo, karatedo, judo, điền kinh, bơi lội, thể dục, bắn súng, cử tạ - thể hình, boxing… 

Dù vậy, chỉ có một vài liên đoàn hoạt động hiệu quả, số còn lại rất nhạt nhòa, không thực sự kiếm được tiền để hỗ trợ môn thể thao của mình phát triển.

Thương hiệu đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam lớn mạnh nhờ thành tích tốt ở các giải lớn. Ảnh: Nguyên Khôi

Bóng đá là môn thể thao vua được người hâm mộ yêu mến nhất, vì vậy VFF trở thành liên đoàn phát triển mạnh nhất trong số các môn thể thao tại VN cũng là dễ hiểu. 

Với trên 70 nhân sự, VFF hiện chỉ có hai công chức nhà nước là ông Lê Khánh Hải (chủ tịch VFF), đang là phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, và ông Trần Quốc Tuấn (phó chủ tịch thường trực), đang mang hàm vụ trưởng tại Tổng cục TDTT. Toàn bộ nhân sự còn lại của VFF được trả lương từ chính nguồn thu từ của VFF, chứ không phải từ ngân sách.

Theo báo cáo tài chính của VFF, nguồn thu đến từ hoạt động tài trợ của VFF trong nhiệm kỳ 7 (2014-2018) là 247 tỉ đồng. Trong 3 năm qua, bóng đá VN đã có những thành tích vượt bậc nên nguồn thu cũng tăng vọt. 

Năm 2019 VFF đặt chỉ tiêu thu 165 tỉ đồng nhưng đến cuối năm đã thu được tới 240 tỉ đồng. Năm 2020, VFF dự kiến thu về 256 tỉ đồng nhưng vì dịch COVID-19, cuối năm chỉ đạt 205 tỉ đồng. Chỉ tiêu đề ra trong năm 2021 là thu về 259 tỉ đồng.

Bên cạnh VFF, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng được đánh giá là một trong hai liên đoàn có nguồn thu khá nhất. Theo báo cáo tài chính của VFV nhiệm kỳ 2008-2015, mỗi năm liên đoàn này thu trung bình 11-17 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Thành, chủ tịch VFV và hiện kiêm phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF, cho biết: “Bộ máy của VFV đều là hợp đồng và được trả lương từ các nguồn thu của liên đoàn, chứ Tổng cục TDTT không chi tiền cho bộ máy liên đoàn.

 Hằng năm Tổng cục TDTT chi tiền cho các đội tuyển bóng chuyền quốc gia để tập huấn, thi đấu, thuê chuyên gia, và tiền này được Tổng cục TDTT rót thẳng xuống các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia chứ liên đoàn không liên quan đến khoản này. 

Nguồn thu tài trợ của xã hội cho Liên đoàn Bóng chuyền được dùng để hỗ trợ việc tổ chức các giải đấu, hỗ trợ khen thưởng cho các đội tuyển quốc gia và vận hành bộ máy liên đoàn”.

Các liên đoàn thể thao quốc gia là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các môn thể thao, nhằm tạo sân chơi, tìm kiếm nguồn lực để phát triển môn thể thao đó. Hiện Tổng cục TDTT không chi tiền để duy trì bộ máy các liên đoàn này, nhưng tổng cục có cho phép nhân lực của mình - là cán bộ chuyên môn ở các bộ môn - tham gia bộ máy các liên đoàn.

Ngoài bóng đá, bóng chuyền, quần vợt… là những liên đoàn hoạt động tương đối hiệu quả, đa số các liên đoàn rất yếu trong khâu vận động xã hội. Do yếu về nhân lực, thụ động trong cách làm, các liên đoàn không kiếm được tiền để hỗ trợ ngân sách đầu tư cho các đội tuyển thể thao quốc gia.

Điền kinh là môn thể thao nữ hoàng, đội tuyển điền kinh VN năm 2019 từng giành 16 HCV SEA Games và đứng số 1 Đông Nam Á, nhưng Liên đoàn Điền kinh lại là một trong những liên đoàn hoạt động kém hiệu quả nhất. 

Nhiều năm qua, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam chỉ giúp đội tuyển điền kinh VN kiếm được một gói tài trợ trang phục từ thương hiệu thể thao Lining (Trung Quốc) và trao thưởng cho các VĐV giành thành tích quốc tế. Ngoài ra các VĐV điền kinh quốc gia không được gì nhiều từ hoạt động của liên đoàn.

Nguồn thu mỗi năm của một liên đoàn lớn như điền kinh cũng chỉ 1-2 tỉ đồng, chủ yếu từ tiền đóng lệ phí thi đấu của các đoàn tham dự các giải điền kinh quốc gia. Ngay cả mức thu này đã là tăng trưởng mạnh, bởi trong giai đoạn nhiệm kỳ 6 (2014-2018), mỗi năm Liên đoàn Điền kinh VN thu được chưa tới 500 triệu đồng tiền tài trợ.

Nguồn thu của các liên đoàn thể thao khác cũng rất thấp. Cụ thể, năm 2019, Liên đoàn Cử tạ - thể hình thu được vỏn vẹn 996 triệu đồng; Liên đoàn Cầu lông thu được 24,6 tỉ đồng suốt giai đoạn 2011 - 2017; Liên đoàn Bắn súng thu được trung bình khoảng 1 tỉ/năm, riêng năm 2016 khi có HCV Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thì thu được 6 tỉ đồng; Liên đoàn Cờ thu được trung bình từ 2-5 tỉ đồng/năm…

Nguồn thu của Ủy ban Olympic VN (VOC) cũng không khả quan hơn các liên đoàn. Theo số liệu của năm 2018 thì VOC thu được 14,6 tỉ đồng. Vai trò của VOC trong công tác thu hút nguồn lực xã hội chủ yếu được nhìn thấy qua việc kêu gọi tài trợ tiền thưởng nóng cho đoàn thể thao VN tham dự các đại hội thể thao quốc tế hằng năm, chứ chưa có những kế hoạch xây dựng hình ảnh, thương hiệu thể thao quốc gia lâu dài, bền vững.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận