Phục hồi kinh tế: Nhìn xa hơn đại dịch

NAM MINH 14/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Bên cạnh các công cụ kích thích bằng tài khóa và tiền tệ, Việt Nam cần nghiên cứu chiến lược phục hồi kinh tế thông minh hơn sau đại dịch để nhanh chóng vực dậy và đón bắt các cơ hội tăng trưởng trong dài hạn.

Cùng chiến dịch tiêm vắc xin quyết liệt, hầu hết các quốc gia đã lên kịch bản để phục hồi các hoạt động kinh tế sau đại dịch. 

Trong bối cảnh nhiều nước vẫn đang vật lộn với làn sóng thứ tư, nước nào sớm mở cửa trở lại sẽ có cơ hội vượt lên, chiếm lấy khoảng trống mà các đối thủ khác để lại.

COVID-19 có thể là một cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế. Ảnh: Nikkei Asian Review

 

Cuộc đua tái khởi động kinh tế

Trong khu vực ASEAN, Singapore có lẽ là quốc gia mạnh dạn nhất trong việc mở cửa lại biên giới khi đến tháng 7, dự kiến 2/3 dân số nước này sẽ được tiêm một liều vắc xin. 

Chính phủ Singapore cũng đã dự trù việc coi COVID-19 như một phần đời sống sinh hoạt thường nhật, không khác gì cúm mùa khi cân nhắc ngừng công bố các ca nhiễm mới. Người dân có thể đi làm, du lịch và mua sắm mà không cần cách ly ngay cả khi virus vẫn hiện diện.

Singapore cũng dự kiến chi khoảng 800 triệu đôla cho các biện pháp hỗ trợ người lao động và các công ty bị ảnh hưởng. 

Gói hỗ trợ sẽ bao gồm Đề án hỗ trợ việc làm (JSS) cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng, hỗ trợ tiền thuê cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và tổ chức phi lợi nhuận (NPO) ở các bất động sản thương mại và Đề án COVID-19 Recovery Grant (CRG-T).

Thái Lan cũng đang ráo riết mở lại ngành then chốt của nền kinh tế nước này là du lịch - họ từng đón đến 40 triệu lượt du khách vào năm 2019. 

Địa điểm được mở lại đầu tiên sẽ là Phuket với cơ chế miễn xét nghiệm cho khách du lịch đã tiêm phòng. 

Nhà vua Thái Lan cũng vừa thông qua kế hoạch vay 500 tỉ baht (khoảng 15,8 tỉ USD) của chính phủ để đối phó ảnh hưởng đại dịch, bao gồm 300 tỉ dành cho các biện pháp cứu trợ, 170 tỉ phục hồi nền kinh tế và 30 tỉ cho công tác ứng phó COVID-19.

Ở Việt Nam, theo cùng tiến trình tiêm vắc xin cho toàn dân từ đây đến năm 2022, Chính phủ cũng đã có những kế hoạch kích thích, đưa nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao. 

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất Chính phủ cần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, khơi thông dòng vốn đến các doanh nghiệp và hộ gia đình. 

Bộ cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung thông tư 01/2020 theo hướng cho phép cơ cấu nợ vay, giãn nợ với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 - 2021, không chuyển nhóm nợ cho đến cuối năm.

Trên khía cạnh tài khóa, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, tiền thuê đất, thuế xuất nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí bảo trì đường bộ, áp dụng các chính sách hỗ trợ dừng và giãn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn... 

Tổng giá trị gói kích thích đợt này vào khoảng 26.000 tỉ đồng (1,13 tỉ đôla).

Nhìn chung, việc tung ra gói hỗ trợ mới vào thời điểm này là phù hợp khi nợ công của Việt Nam đang ở ngưỡng khá an toàn (55,8% GDP cuối năm 2020). 

Nhưng cũng đã phải tính tới các phương án tăng đầu tư công, dần mở cửa lại du lịch cho khách quốc tế, nối lại các hoạt động xuất khẩu, và mở rộng thị trường để hâm nóng trở lại nền kinh tế.

Cơn sốt đầu tư chứng khoán và bất động sản thời gian qua phản ánh lượng vốn trong dân vẫn còn dồi dào. 

Nếu Ngân hàng Nhà nước có cơ chế đủ hấp dẫn thu hút dòng vốn này để tái phân bổ vào các lĩnh vực sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, người lao động... thì quá trình phục hồi của nền kinh tế hy vọng sẽ được cải thiện đáng kể.

Cơ hội để tái cấu trúc

Trước mắt, việc cấp thiết là hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đang kiệt sức, nhưng về lâu dài, Chính phủ và bản thân các doanh nghiệp cần xem đại dịch là một cơ hội để nhìn lại bản thân, xác định hạn chế yếu kém, thực hiện cải cách sâu rộng để đảm bảo năng lực cạnh tranh trong dài hạn.

Theo khuyến nghị của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), việc hoàn thiện thể chế, xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển liêm chính phải là khâu đột phá chiến lược của Việt Nam trong 10 năm tới. 

Điều này càng trở nên cấp thiết khi những động lực truyền thống cho tăng trưởng đã gần như tới hạn, và được đẩy nhanh hơn bởi COVID-19.

Bản thân các ngành nghề và doanh nghiệp cũng phải tự đổi mới, khắc phục những điểm nghẽn đã tồn tại trước dịch.

Đơn cử, nghiên cứu của Ernst & Young Việt Nam cho thấy COVID-19 đã làm lộ rõ điểm yếu trong chuỗi cung ứng của ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm, khi tình trạng gián đoạn thị trường xảy ra liên tục. 

Hệ thống kho vận kém phát triển, kênh phân phối chính vẫn là xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới và chợ truyền thống, thiếu hẳn việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và khả năng truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế. 

Đó còn là hạn chế về năng lực R&D giúp tham gia các hoạt động mang giá trị cao hơn hay khâu xây dựng thương hiệu còn bỏ ngỏ.

Một ví dụ khác là ngành du lịch, vốn cũng đang đứng trước yêu cầu phải cơ cấu lại theo mô hình mới cân bằng và linh hoạt hơn. 

Theo McKinsey, khi viễn cảnh phục hồi về trạng thái trước COVID-19 còn rất xa vời, ngành này cần chú trọng khách trong nước để phục hồi trong ngắn hạn. 

Năm 2019, khách du lịch người Việt Nam chi ra 15,5 tỉ USD, nhưng đến 5,9 tỉ USD (38%) trong số đó “bay” ra nước ngoài.

Một hướng chuyển đổi khác cho ngành du lịch trong khi chờ hết dịch là những nỗ lực số hóa. Năm 2018, đặt chỗ trực tuyến đã chiếm đến 19% tổng số tour và quy mô thị trường. 

“Hợp tác chiến lược, ví dụ các công ty đại lý lữ hành trực tuyến cung cấp dịch vụ đặt vé qua tin nhắn hoặc các nền tảng mạng xã hội, là cơ hội giúp tăng khả năng thâm nhập thị trường”, McKinsey khuyến nghị.

Đại dịch quét qua đã bộc lộ nhiều hạn chế của mô hình phát triển ở Việt Nam, vốn vẫn quá chú trọng vào tăng trưởng, xem nhẹ ảnh hưởng đến môi trường và cộng đồng. 

Ngay lúc này trong khi chống dịch, Chính phủ đồng thời cần nghiên cứu các chính sách thúc đẩy hoạt động đầu tư có trách nhiệm với môi trường, xã hội, và quản trị - điều mà nhiều quốc gia khác đã triển khai rồi.

Mới đây ở Singapore, một nhà phát triển bất động sản nhận được cam kết rót vốn gần 700 triệu USD từ các định chế tài chính toàn cầu. 

Nhưng khác với các khoản vay trước đó, điều kiện mà các ngân hàng đặt ra là doanh nghiệp phải đạt được các mục tiêu về môi trường, xã hội, và quản trị, chứ không chỉ lợi nhuận - bao gồm cải tiến liên tục trong việc giảm phát thải khí nhà kính, tiêu thụ điện, chất thải thực phẩm và ứng dụng năng lượng mặt trời, đồng thời doanh nghiệp này còn buộc phải duy trì các chứng nhận về công trình xanh đã đạt trước đó.

Thiết nghĩ kinh nghiệm đầu tư có trách nhiệm đó hoàn toàn có thể triển khai ở Việt Nam, gắn với các gói hỗ trợ kinh tế cho doanh nghiệp hiện giờ. Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và đầu tư không chỉ có trách nhiệm hơn, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn hơn trong dài hạn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận