Tiến bộ trong ghép tạng và ghép chi ở Việt Nam: Ưu tiên cho mục tiêu cứu sống con người 

LAN ANH THỰC HIỆN 20/03/2020 21:03 GMT+7

TTCT - VN đã ghép thận lần đầu năm 1992, năm 2004 ghép gan, sau đó VN đã ghép tim, phổi, ghép khối tim phổi, gần đây nhất là ca ghép tay từ người hiến còn sống (lần đầu tiên trên thế giới). Các tiến bộ trong ghép tạng và ghép chi thể đã chứng minh trình độ của các thầy thuốc trong nước. Đã có hàng ngàn người được cứu sống nhờ ghép tạng.

Ảnh: L.Anh
Ảnh: L.Anh

GS.TS Phạm Gia Khánh - chủ tịch Hội Ghép tạng VN - cho biết: Ghép chi thể tự thân đã được thực hiện từ lâu, cả trên thế giới và VN đã thực hiện nhiều. Tuy nhiên ghép chi từ người hiến chết não thì ít, mới 89 trường hợp trên toàn thế giới, nhiều nhất ở Mỹ (trên 20 trường hợp), vài nước khác khoảng chục trường hợp. Riêng ghép tay từ người cho còn sống thì VN là đầu tiên. 

Lý do chính dẫn đến sự hiếm hoi này là tổn thương tay đến mức không sử dụng để ghép lại cho mình là hiếm gặp. Mặt khác những tổn thương này có thể tiến hành ghép cho người khác ngay cũng không phải dễ dàng, khi bệnh nhân vào viện thông thường phải tập trung cứu bệnh nhân, chưa chuẩn bị người nhận để ghép.

VN làm được vì các bác sĩ đã có ý tưởng và có chuẩn bị. Bệnh viện Trung ương quân đội 108 có ý định triển khai ghép chi cho bệnh nhân và đã có danh sách chuẩn bị bệnh nhân, có các kiểm tra nhóm máu, miễn dịch sẵn để khi có cơ hội là triển khai ghép được ngay. Đây là điều tôi đánh giá rất cao, cả về kỹ thuật và về chuẩn bị, kiến thức rất sâu về ghép chi.

Từ những ca ghép tạng đầu tiên ở VN, ông đánh giá thế nào về những bước tiến của ngành ghép tạng VN cho đến nay?

- Ghép tạng là một điều kỳ diệu của y học, là 1 trong 10 thành tựu vĩ đại nhất của y học trong thế kỷ 20, phát minh về ghép tạng giống như các phát minh ra máy tính, máy bay, truyền hình... Nó chỉ thực hiện được ở những nước có nền y học tiên tiến. VN thực hiện được ghép tạng chứng tỏ nền y học VN đã đạt ở trình độ cao.

Ghép tạng và ghép tay cùng là ghép nhưng khái niệm khác nhau, trong đó ghép tạng là ghép 6 tạng (thận, gan, tim, phổi, tụy và ruột), mục đích là cứu sống bệnh nhân vì không ghép bệnh nhân có thể tử vong. Còn ghép chi và các bộ phận khác như tử cung, dương vật... là nâng cao chất lượng cuộc sống.

VN đến nay đã ghép được các tạng, phổ biến nhất là thận (ghép đầu tiên và nhiều nhất), sau đó đến gan, tim, tụy và phổi, riêng ruột ta chưa làm, không phải vì quá khó không làm được mà ghép ruột chỉ định rất hiếm, rất ít người thiếu ruột dẫn đến tử vong, vì thế ghép ruột chưa thực hiện.

Nhưng trong chương trình nghiên cứu phát triển y học VN có dự án nghiên cứu ghép ruột, khi có bệnh nhân cần ghép chúng ta sẽ triển khai. 28 năm qua, VN đã ghép nhiều gan, tim, thận, nhưng mới ghép phổi cho 7 người và tụy cho 1 người.

Chúng ta có tiến bộ nhanh trong ghép tạng, ví dụ ghép thận và gan, tim đạt trình độ tương đương các nước trên thế giới. Riêng ghép phổi và ghép tụy thì số lượng chưa nhiều nên VN chưa có nhiều kinh nghiệm. Riêng những kỹ thuật phức tạp nhất của ghép thận, ghép gan, ghép tim VN đều đã thực hiện được.

Anh Phạm Văn Vương nhận hoa chúc mừng của các bác sĩ (bên phải là GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng - phẫu thuật viên chính của ca ghép tay cho anh). Ảnh: L.Anh
Anh Phạm Văn Vương nhận hoa chúc mừng của các bác sĩ (bên phải là GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng - phẫu thuật viên chính của ca ghép tay cho anh). Ảnh: L.Anh

Như GS nói thì có nhiều kỹ thuật trong ghép tạng VN đã có bước tiến, nhưng số ca ghép vẫn còn ít ỏi, ghép phổi và tụy chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì sao vậy?

- Trong ghép tạng có phổi và tụy ta làm chưa nhiều, do thời gian xuất phát ghép tạng của VN đi sau thế giới gần 40 năm (thế giới ghép thận từ năm 1954, VN mãi đến năm 1992 mới ghép thận ca đầu tiên). Thế giới đã đi chặng đường 66 năm ghép tạng, chặng đường của VN chưa bằng 1/2. Muốn đuổi kịp thì tốc độ phải nhanh mới đuổi kịp được. Một lý do quan trọng nữa là VN còn thiếu nguồn tạng hiến.

Trong các kỹ thuật ghép tạng, có kỹ thuật nào mới, VN có thể hoặc có cơ hội thực hiện, đem lại cơ hội sống cho bệnh nhân, thưa GS?

- Các kỹ thuật thế giới đã thực hiện, kể cả ghép chi VN đều đã thực hiện được. Nhưng khó khăn nhất không chỉ VN mà thế giới cũng gặp phải là thiếu nguồn tạng để ghép. Mỗi năm số người chết não hiến tạng tại VN khoảng 10 người. Với người cho sống chỉ thực hiện được với ghép thận và gan.

Cuộc vận động hiến tạng được tiến hành từ lâu nhưng hiệu quả còn chưa cao, một phần do ý nghĩ “chết phải toàn thây” đã được lưu truyền nhiều đời. Nhưng từ khi cháu Hải An 7 tuổi hiến tạng khi qua đời (đầu năm 2018) thì số người đăng ký hiến tạng đã tăng cao, dù vẫn chưa nhiều.

Trở lại ca ghép tay vừa được thực hiện, giáo sư thấy điều gì quan trọng nhất trong việc các thầy thuốc thực hiện một ca ghép khó và thành công?

- Ca ghép này là mang dấu ấn của một tập thể thầy thuốc, nhiều thầy thuốc các chuyên ngành gây mê, hồi sức, chăm sóc bệnh nhân..., trong đó vai trò quan trọng nhất là của người đề xuất, chuẩn bị và thực hiện là GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng. Bệnh viện Trung ương quân đội 108 có nhiều phẫu thuật viên đã triển khai ghép chi tự thân, còn GS Hoàng đã có thời gian nghiên cứu và thực hiện ca ghép ở Đức, nơi có nền y học tiên tiến, khi về nước GS Hoàng đã có cơ hội thực hiện nhiều ca ghép khó, trong đó có ca ghép tay vừa rồi.

Tôi đánh giá rất cao sự say mê, tâm huyết, trách nhiệm người thầy thuốc là GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng. Đây không phải là sự chuẩn bị vài tháng vài năm mà là hàng chục năm, nếu không chuẩn bị tốt thì ta không có cơ hội đâu. ■

Ca ghép tay đặc biệt

Vài ngày trước Tết Nguyên đán vừa qua, êkip phẫu thuật của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 do GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng chủ trì đã tiến hành ca ghép tay từ người hiến còn sống. Người hiến tay bị tai nạn dẫn đến giập nát phần cánh tay hôm 3-1.

Các bác sĩ đã tiến hành điều trị bảo tồn tích cực trong 18 ngày sau đó nhưng cánh tay của bệnh nhân vẫn bị hoại tử, nguy cơ bị nhiễm trùng máu. Các bác sĩ đã hội chẩn và thống nhất chỉ định cắt bỏ tay, tuy nhiên phần thừa của tay bị cắt bỏ có thể sử dụng ghép cho bệnh nhân có chỉ định phù hợp.

Bệnh nhân có chỉ định phù hợp là Phạm Văn Vương, 31 tuổi. Năm 2016 Vương bị tai nạn và bị cụt phần cẳng tay và bàn tay trái. Ngày 24-2 vừa qua, gần 1 tháng sau ca ghép, Vương đã bình phục: có thể bắt tay, cầm hoa, giơ tay chào... bằng bàn tay mới được ghép. “Tôi cảm ơn người đã tặng cho tôi bàn tay và tôi sẽ tích cực tập luyện phục hồi chức năng theo hướng dẫn của bác sĩ để có thể tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình” - anh Vương nói với báo chí.

Năm 2008 khi còn học tập và làm việc ở Đức, GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng từng là 1 trong 5 phẫu thuật viên đã tham gia ca ghép tay đầu tiên cho 1 người Đức. Đó là ca ghép tay đầu tiên trên thế giới. Bệnh nhân khi đó cũng bị tai nạn dẫn đến mất hai tay.

Theo GS Hoàng, ngoài điều kiện về thiết bị y tế và sự đồng bộ trong điều kiện cấp cứu, ca ghép cho bệnh nhân người Đức còn có những thuận lợi như mạch máu to và phần cánh tay được ghép có ít cơ hơn, trong khi với bệnh nhân Vương thì phần cẳng tay và bàn tay được ghép có tới 43 khối cơ, mỗi khối lại có một chức năng riêng.

Việc ghép tay cũng khác ghép các tổ chức đơn độc khác ở chỗ: ghép tay liên quan đến rất nhiều bộ phận của cơ thể như xương, mạch máu, thần kinh, mỡ, sụn, dịch khớp... Anh Vương cũng đã cắt bỏ tay bị tai nạn 4 năm nay và các khối cơ được khâu vào nhau.

Anh Vương sẽ phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời, nhưng việc anh nhận được 1 bàn tay - điều mà trước đây anh không thể tưởng tượng được - đã khiến anh luôn thấy mình nhận được rất nhiều tình yêu từ cuộc sống.

Chúng ta đã thực hiện nhiều ca ghép nhưng chưa thực hiện ghép tử cung, ghép mặt, ghép dương vật... (dù thế giới đã làm). Chúng ta tập trung ghép tạng vì mục tiêu cứu sống con người, đặc biệt là ghép những tạng phổ biến. Với việc ghép bộ phận cơ thể người, VN đang đi những bước tương tự, triển khai ghép những bộ phận cơ thể có thể triển khai rộng, cho nhiều người trước, các bộ phận khác thì chưa có nhiều người có nhu cầu (ghép ruột thì chưa có người có chỉ định ghép song đề tài này thực hiện ở Bệnh viện Quân y 103 và đã có chuẩn bị).

Chúng tôi trân trọng những người, những gia đình đã hiến tặng mô tạng cho người bệnh. Không có họ thì không thể có kỹ thuật ghép tạng và sẽ không có những người bệnh được cứu sống nhờ ghép tạng

GSTS PHẠM GIA KHÁNH

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận