Từ Cuba tới Nam Phi: Dịch bệnh và sự bất bình

DANH ĐỨC 25/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Hiếm hoi nhưng cũng đã xảy ra, những cuộc biểu tình lan rộng ở Cuba hôm chủ nhật 11-7, mà một số báo gọi là “lịch sử”, bắt nguồn từ đâu? Liệu đây là những dồn nén từ lâu của một đất nước gặp quá nhiều khó khăn hay còn do bức xúc trước mắt?Từ thị trấn nhỏ San Antonio de los Baños cách thủ đô La Havana khoảng 25km, hàng trăm người xuống đường phản đối việc bị cúp điện kéo dài và đòi được chích ngừa COVID, nhưng sau đó kêu gọi “tự do” và thay đổi chính trị.

Cuộc biểu tình lan truyền trên mạng xã hội rồi bùng nổ ở La Havana và nhiều nơi khác. Chính phủ Miguel Díaz-Canel tố cáo bàn tay của các thế lực mafia - Cuba lưu vong - Mỹ trong việc tạo ra “hình ảnh hỗn loạn”, El Pais ngày 12-7 tóm tắt tình hình.

 
 Quân đội Nam Phi được triển khai để ngăn chặn những vụ bạo động và cướp bóc các trung tâm thương mại. Ảnh: wsj.com

 Từ La Havana...

Một tuần sau biến cố ngày 11-7, nhiều cuộc mittinh được tổ chức tại Cuba, đồng phục áo đỏ nhuộm màu các quảng trường. 

Một chi tiết trong mẩu tin của Granma về cuộc mittinh phản biểu tình chủ nhật 18-7 nhắc lại một thực tế nóng bỏng: “Không phải tất cả những người muốn tham dự đều có thể có mặt. Điều kiện dịch tễ không cho phép...”. 

Đại dịch COVID-19 quả đang hoành hành ở đây, trở thành mối bận tâm hay tai họa chung của cả nhân dân và nhà nước. 

Tin tức chính thống của Cuba cho biết tới ngày 18-7, nước này đã có hơn 280.000 ca dương tính. 

Dù Cuba đã công bố bào chế được vắc xin với hiệu quả 92%, Granma dẫn lời tiến sĩ khoa học Vicente Vérez Bencomo, giám đốc Viện vắc xin IFV, nói: “Chúng tôi còn nhiều việc phải làm, và chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi toàn bộ người dân được chủng ngừa bằng vaccine của Cuba”. 

Tức chuyện chích ngừa cho 11,3 triệu dân còn dang dở.

Theo El Pais ngày 12-7, phản đối bùng nổ hôm 11-7 còn bởi những bực dọc cho rằng nhà nước công bố quá thấp số ca nhiễm và tử vong do đại dịch. 

Đáng lưu ý là các vụ biểu tình nổ ra sau làn sóng dịch thứ ba chủ yếu tập trung ở La Havana, nơi mà trong nhiều tháng nhà chức trách y tế đã quản lý tốt việc kiểm soát virus, giữ sự lây nhiễm ở mức độ vài chục ca, nhưng trong những tuần gần đây lại phải đếm đến con số nghìn. 

El Pais cho biết các dịch vụ y tế ở nhiều nơi đã hết công suất, trong khi các loại thuốc cơ bản như kháng sinh hay thuốc giảm đau trở nên khan hiếm.

Một hôm sau ngày chủ nhật biểu tình, Bộ trưởng Y tế công cộng José Angel Portal Miranda đã phát biểu tại Cung cách mạng: “Chúng ta đã đối mặt với đại dịch trong 486 ngày, và tại thời điểm này, cường độ lây truyền COVID-19 đang lộ rõ. Điều này đã tạo ra tình trạng quá tải trong hệ thống y tế”. 

Bộ trưởng cũng nói về sự gia tăng số ca tử vong trong ba tuần qua, từ trung bình 10 lên 27 ca mỗi ngày. Cuba có tỉ lệ tử vong là 0,64%, con số mà ông thừa nhận là thấp do số trường hợp chưa được báo cáo. 

Ông cũng thừa nhận việc trẻ em không được đưa vào chiến lược tiêm chủng khiến chúng trở thành nhóm dễ bị tổn thương hơn.

Nhà nước Cuba, ngay sau các cuộc biểu tình, đã ban hành nghị quyết 380, được Bộ trưởng Tài chánh và giá cả Meisi Bolaños Weiss giải thích là ngoại lệ và tạm thời chỉ từ ngày 19-7 tới 31-12-2021 mà thôi. 

Ông Weiss cho biết: “Chiếu bối cảnh kinh tế phức tạp ngăn cản việc đảm bảo sự ổn định của việc cung cấp lương thực và các sản phẩm cơ bản khác cho người dân, và do sự tăng cường chính sách thù địch của Chính phủ Hoa Kỳ, cùng tác động tiêu cực của COVID-19, Cuba sẽ tạm thời nhập khẩu thực phẩm, vệ sinh và thuốc men cho cả pháp nhân, và phi thương mại, dưới dạng hành lý đi kèm các hành khách”.

Một nguyên nhân khác khiến dân Cuba nổi nóng xuống đường là nạn cúp điện. 

Điều này Liên minh Điện lực (UNE) của Cuba giải thích trên Granma ngày 17-7 rằng sau khi đồng bộ hóa (hòa mạng) với hệ thống điện quốc gia (SEN), Nhà máy nhiệt điện Antonio Guiteras đang hoạt động ổn định với công suất 260 megawatt (MW). 

Tuy nhiên, do sự cố nên Nhà máy nhiệt điện Otto Parellada (ở thủ đô), đơn vị số 2 của Nhà máy Ernesto Guevara (ở Mayabeque), và đơn vị số 3 của Nhà máy Antonio Maceo (ở Santiago de Cuba) vẫn không hoạt động, làm giảm sản lượng nhiệt điện tương đương 574MW, hiện đang sửa chữa.

Du lịch sa sút vì dịch bệnh, điều kiện sống của người dân gặp khó khăn, nhu yếu phẩm đôi khi không bảo đảm... là những vấn đề kinh tế - xã hội không chỉ riêng của Cuba. 

Nhưng Chính phủ La Havana vẫn tự tin kiểm soát được tình hình. Granma khẳng định niềm tin đó: “Khắp nơi tại Cuba, những hành động hậu thuẫn cách mạng. Ngoài đường phố và trên các quảng trường, nhân dân bày tỏ ủng hộ cách mạng. “Cuba thuộc về toàn dân”, “Nói không với phong tỏa [của Mỹ]”, “Nói không với can thiệp”, đó là những khẳng định mà nhân dân đã nói ra và lặp lại lâu nay trên mọi diễn đàn”. 

Công đoàn Lao động Cuba cùng các liên đoàn trực thuộc cũng như các ủy ban bảo vệ cách mạng cũng nhấn mạnh đang “quy tụ hàng triệu nam nữ nhân dân Cuba, lên án mạnh mẽ các hành vi phá hoại kích động hôm 11-7 từ phía Hoa Kỳ”.

... Đến Johannesburg

Cùng thời gian với những vụ xuống đường ở Cuba, tại Nam Phi từ hôm 8-7 cũng đã nổ ra bạo động và bất tuân dân sự, bao gồm cả những vụ xuống đường và cướp bóc, hôi của trong các tỉnh Gauteng và KwaZulu-Natal (KZN) khiến ít nhất 212 người chết và hơn 2.200 người bị thương.

Trước đó, cựu tổng thống Jacob Zuma bị truy tố về tội tham nhũng 2 tỉ USD “lại quả” trong các vụ mua vũ khí khi ông còn tại chức những năm 1990. 

Bị triệu đến điều tra, ông này đã không thèm ra nên bị kết án 15 tháng tù vào ngày 29-6 vì tội coi thường công lý. Cảnh sát hạn cho ông tới cuối ngày 4-7 phải ra trình diện bằng không sẽ bắt giữ ông trước ngày 7-7.

Lực lượng trung thành với ông Zuma chuẩn bị nổi loạn trước hạn chót đó, kéo tới nhà ông để hễ cảnh sát tới bắt ông thì ra tay. Song, đúng hôm 7-7, ông Zuma đã ra trình diện và bị tống giam. Phe của ông tung ra chiến dịch “Giải cứu Jacob Zuma, đóng cửa tỉnh KZN”. 

Phe của ông Zuma nổ súng hôm 11-7, với mục tiêu là các khu biệt thự người giàu và trung tâm thương mại trong hai tỉnh Gauteng và KZN. Con gái ông Zuma, Duduzile Zuma-Sambudla, cầm đầu phe “giải cứu” này; vấn đề là cứ nhắm các trung tâm thương mại mà giải cứu.

Tổng thống Nam Phi đương chức Cyril Ramaphosa, nhân danh hiến pháp, kêu gọi phe “giải cứu” nói chuyện, đưa ra nhiều lý lẽ thuyết phục, nào là hậu quả của loạn lạc với việc chống dịch COVID, kinh tế đang bất ổn, lương thực và dược phẩm thiếu thốn..., song phe bạo động để ngoài tai. Ông Ramaphosa bèn cảnh cáo sẽ sử dụng quân đội để giải tán.

Sang đến ngày thứ sáu của cuộc bạo động, quân đội đã triển khai 5.000 binh sĩ, song không đủ để ngăn cướp bóc và loạn lạc, khiến người dân Nam Phi lo sợ rằng sẽ thiếu xăng và nhu yếu phẩm. 

Hôm 14-7, Bộ trưởng Quốc phòng Nosiviwe Mapisa-Nqakula cho biết bà đã đệ trình Quốc hội yêu cầu cho phép triển khai khoảng 25.000 binh sĩ để vãn hồi an ninh trật tự.

Tình hình xấu đến nỗi nhà máy lọc dầu lớn nhất nước trong tỉnh KZN, nơi cung cấp 1/3 lượng xăng dầu toàn quốc, phải đóng cửa. Các cây xăng ngừng hoạt động. 

Nông dân cũng không tài nào đưa hàng hóa lên thủ đô Johannesburg cùng các tỉnh miền tây. Các ruộng mía trong tỉnh KZN bị đốt. Trung tâm thương mại Vosloorus bị cướp và đốt phá. Tài xế taxi tự vũ trang và chống trả. Cuối cùng, Tổng thống Ramaphosa đã phải gọi quân đội tới thật hôm 15-7.

Vụ nổi loạn ở Nam Phi tương ứng với thứ hạng bất an ở nước này: hạng 5 từ dưới đếm lên trên 144 quốc gia, chỉ an ninh hơn Liberia, Venezuela, Gabon và hạng chót là Afghanistan, theo xếp hạng chỉ số luật pháp và trật tự của Viện Gallup công bố tháng 11-2020. 

Kết quả thăm dò cho thấy chỉ 29% người dân Nam Phi cảm thấy an toàn khi đi bộ một mình, tức tuyệt đại đa số dân chúng sống trong sợ hãi và không tin tưởng mấy nhà chức trách địa phương.

COVID-19 tỏ ra là thứ kinh khủng nhất làm trầm trọng thêm các vấn nạn xã hội vốn đã dai dẳng ở những nước còn khó khăn như Nam Phi và Cuba. Vì đại dịch, tỉ lệ thất nghiệp ở tỉnh KZN lên tới 32% ngay trước loạn lạc. Rộng hơn, gần 2,3 triệu người Nam Phi đã nhiễm bệnh, và số tử vong là gần 67.000.

Như nhiều nước đang phát triển, Nam Phi khởi sự chích vaccine muộn, mới từ hôm 1-4, bắt đầu với nhân viên y tế, nhưng năng lực triển khai sau khá ấn tượng, phản ánh khá sát trình độ phát triển của nước này (GDP hạng 32 thế giới). 

Tính đến ngày 18-7, Nam Phi đã chích vaccine được cho hơn 5 triệu người đủ hai liều. Có cảm giác như ở đây, tình trạng loạn lạc, bất an vừa qua không tương thích với trình độ quản lý nhà nước, hạng 48/167 theo khảo sát của Gallup.

Nói tóm lại, dù mỗi quốc gia một hoàn cảnh, và việc liên tưởng tình hình Cuba với Nam Phi chỉ có ý nghĩa tương đối, bài học chung ở đây là sự bất mãn của dân chúng có thể sẽ rất khó lường trong một đại dịch toàn cầu.■

Trước dịch, trong khoảng thời gian một năm từ tháng 4-2019 tới tháng 3-2020, đã có tới hơn 21.000 vụ giết người ở Nam Phi, tức trung bình mỗi ngày có 58 người bị sát hại, tương ứng tỉ lệ 35,8 người bị giết mỗi 100.000 dân, cho một dân số hơn 58 triệu người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận