Tử vong cao ở những nước nghèo

HỒNG VÂN 16/07/2020 18:07 GMT+7

TTCT - Trong lịch sử, bệnh bạch hầu là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất trên thế giới. Bệnh dịch từng xảy ra ở Mỹ và châu Âu với tỉ lệ tử vong lên tới 40%. Bệnh bạch hầu là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em trước khi có vắcxin phòng bệnh vào đầu thế kỷ 20.

Dưới ống kính chụp ảnh quang học, vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae gram dương được nhuộm màu xanh methylene. Ảnh: CDC Mỹ
Dưới ống kính chụp ảnh quang học, vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae gram dương được nhuộm màu xanh methylene. Ảnh: CDC Mỹ

Bệnh bạch hầu thường bắt đầu với những triệu chứng như cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan hay viêm thanh quản và có thể có biểu hiện như bệnh nhiễm trùng da.

Tỉ lệ tử vong 5-10%

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người mắc bệnh bạch hầu thường bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Độc tố bạch hầu gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng 6 ngày. Tỉ lệ tử vong 5-10%.

Đầu những năm 1980, đã có bằng chứng bệnh bạch hầu quay lại ở nhiều khu vực trên thế giới. Khảo sát huyết thanh học cho thấy từ 20% đến hơn 50% thanh thiếu niên và người trưởng thành ở Mỹ không có đủ miễn dịch với độc tố bạch hầu ở một số khu vực, mức độ đặc biệt thấp ở người cao tuổi.

Trong năm 2020, ngành y tế của Cộng hòa Haiti ghi nhận 20 ca nhiễm bạch hầu, trong đó có 4 ca tử vong vào tháng 4-2020. 46,4% bệnh nhân trong độ tuổi 6-14 và 34% trên 15 tuổi. Ngoài ra, Haiti còn có 56 trường hợp nghi nhiễm bạch hầu.

So với cùng kỳ năm 2018 và 2019, số ca bệnh của Haiti có giảm đi. Vào năm 2014, nước này có đến hơn 1.000 ca nghi nhiễm bạch hầu, 345 ca xác nhận dương tính và 67 ca tử vong, tỉ lệ tử vong lên đến 19%.

Bạch hầu là dịch bệnh đặc hữu ở những quốc gia hoặc những khu vực còn nghèo khó với tỉ lệ bao phủ của tiêm chủng còn hạn chế. Dịch bạch hầu lớn nhất trong những năm gần đây xảy ra từ năm 1990-1998 tại các nước thuộc Liên Xô cũ với hơn 157.000 trường hợp mắc bệnh và 5.000 người tử vong. Từ năm 2011 đến 2015, có hơn 18.000 trường hợp nhiễm bệnh bạch hầu ở Ấn Độ.

Tháng 11-2017, WHO cấp vắcxin cho 300.000 trẻ em do dịch bệnh bạch hầu xuất hiện ở Yemen, một đất nước bị chiến tranh tàn phá - nơi trẻ em bị suy dinh dưỡng và có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Dịch bạch hầu cũng xảy ra ở Pakistan, Bangladesh và Nepal trong những cộng đồng nghèo.

Tại Bangladesh, theo Tổ chức Bác sĩ không biên giới (Médecins Sans Frontières), từ tháng 12-2017 đến ngày 1-3-2018 họ đã điều trị cho hơn 4.700 bệnh nhân bạch hầu tại bệnh viện của tổ chức này ở Cox's Bazar, Bangladesh.

Khu vực này có gần 700.000 người tị nạn Rohingya sống trong các trại tị nạn trong hoàn cảnh thiếu thốn. Sự kết hợp giữa điều kiện sống thiếu vệ sinh, thiếu dinh dưỡng, trẻ em không được tiêm chủng đã dẫn đến kết quả là bùng phát dịch bạch hầu ở khu tị nạn.

Tại các nước đang phát triển, mặc dù có tiêm chủng mở rộng, dịch bạch hầu vẫn xuất hiện tại nhiều vùng ở châu Phi, Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam, Nam Mỹ trong 10 năm trở lại đây với tỉ lệ tử vong cao, nhiều ca bệnh phức tạp ở cả người lớn và thanh niên.

Vết loét bạch hầu ở chân một bệnh nhân.-Ảnh: CDC Mỹ
Vết loét bạch hầu ở chân một bệnh nhân.-Ảnh: CDC Mỹ

Không có khả năng miễn dịch suốt đời

Hiện nay đã có thuốc điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Tỉ lệ tử vong đối với bệnh bạch hầu cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỉ lệ 3%.

Vắcxin ngừa bệnh là phương pháp điều trị dự phòng được khuyến cáo bởi cơ quan y tế các nước vì làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong và tỉ lệ mắc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, bệnh bạch hầu vẫn là vấn đề sức khỏe trẻ em đáng báo động ở các quốc gia có độ bao phủ tiêm chủng kém.

Tại Mỹ, theo Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC), có 4 loại vắcxin được sử dụng để ngăn ngừa bạch hầu là DTaP, Tdap, DT và Td. Mỗi loại vắcxin này có thể ngăn ngừa bạch hầu và uốn ván. Vắcxin DTaP và Tdap còn có thể ngăn ngừa ho gà.

Theo WHO, ở các quốc gia có dịch bạch hầu, bệnh xảy ra chủ yếu dưới dạng các trường hợp lẻ tẻ hoặc các vụ dịch nhỏ. Điều trị bao gồm dùng thuốc chống bạch hầu để trung hòa tác dụng của độc tố cũng như kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.

Mặc dù bệnh thường không truyền nhiễm trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh, nhưng cần đảm bảo ngăn ngừa những giọt dịch hô hấp đến khi bệnh nhân hoàn thành liệu trình kháng sinh và âm tính trở lại trong 2 lần xét nghiệm cách nhau 24 giờ sau khi hoàn thành liệu trình kháng sinh. Đối với bạch hầu ở da, điều trị bằng kháng sinh thường mang lại hiệu quả mà không cần thiết phải dùng đến thuốc kháng độc.

Người đã bị bệnh bạch hầu không chắc sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời. Tỉ lệ tái nhiễm bệnh ở những người bị suy giảm miễn dịch là 2 - 5%. Miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắcxin thường kéo dài khoảng 10 năm. Mặc dù hiệu quả bảo vệ của vắcxin lên đến 97% nhưng lại giảm dần theo thời gian, do đó người lớn cần tiêm nhắc lại liều bạch hầu. ■

Vắcxin bạch hầu cho người lớn. Ảnh: WHO
Vắcxin bạch hầu cho người lớn. Ảnh: WHO

Dịch COVID-19 làm gián đoạn tiêm chủng

Theo WHO, bệnh bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae gây viêm họng và đường hô hấp trên. Vi khuẩn bạch hầu có 3 loại là Gravis, Mitis và Intermedius. Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện gồm:

- Bệnh bạch hầu mũi trước: Bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy, đôi khi có lẫn máu. Có thể có màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.

- Bệnh bạch hầu họng và amidan: Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Thể bệnh này các độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây tình trạng nhiễm độc toàn thân. Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê, có thể tử vong trong vòng 6-10 ngày.

- Bạch hầu thanh quản: Đây là thể bệnh tiến triển nhanh và rất nguy hiểm. Bệnh nhân bị sốt, khàn tiếng, ho thành tràng. Nếu không được xử trí kịp thời, các giả mạc tại ngay thanh quản hoặc từ hầu họng trở xuống có thể gây tắc đường thở làm bệnh nhân suy hô hấp và có nguy cơ tử vong nhanh chóng.

- Bạch hầu các vị trí khác: Thường rất hiếm gặp và nhẹ, vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét ở da, niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai.

Ít nhất 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi trên thế giới có nguy cơ bị mắc các bệnh bạch hầu, sởi và bại liệt vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là cảnh báo của WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc đưa ra cuối tháng 5-2020.

Dịch bệnh COVID-19 đã làm gián đoạn dịch vụ tiêm chủng định kỳ trên khắp thế giới, đặt hàng triệu trẻ em ở nước giàu cũng như nước ngoài vào rủi ro. Kể từ tháng 3-2020, dịch vụ tiêm chủng định kỳ cho trẻ em bị gián đoạn ở quy mô toàn cầu, với ít nhất 68 quốc gia báo cáo sự gián đoạn ở mức trung bình đến nghiêm trọng hoặc phải ngừng hoàn toàn dịch vụ tiêm ngừa từ trong tháng 3 và tháng 4-2020.

Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc dự báo có thể bệnh bại liệt sẽ quay lại sau mấy thập kỷ nhân loại gần như đã xóa sổ được bệnh này với số tiền chi phí hàng tỉ USD.

Đến nay, virus duy nhất đã bị diệt trong tự nhiên là virus gây bệnh đậu mùa.

Bệnh bạch hầu ở VN: 0,05/100.000 dân

Chương trình Tiêm chủng mở rộng triển khai tại VN từ năm 1981, do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc. Sau thời gian thí điểm, từ năm 1985 đến nay toàn bộ trẻ dưới 1 tuổi trên toàn quốc có cơ hội được tiếp cận với chương trình.

Năm 2020 đã có vắcxin phòng 10 bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm được đưa vào tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, rubella. Đến năm 2025, có thể có thêm 2 vắcxin mới được đưa vào chương trình.

Sau 35 năm thực hiện tiêm chủng mở rộng toàn quốc, hiện mỗi năm có 40 triệu mũi tiêm miễn phí cho các đối tượng tiêm chủng. Nhờ tiêm chủng đạt tỉ lệ cao trên 90%, VN đã thanh toán bệnh bại liệt năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005 và đến nay vẫn duy trì thành quả này.

So sánh năm 2016 với 1984, tỉ lệ mắc các bệnh có vắcxin tiêm chủng/100.000 dân giảm rõ rệt, như bạch hầu giảm 410 lần, ho gà giảm 844 lần, sởi giảm 3.010 lần. So với năm 1991, uốn ván sơ sinh giảm 23 lần.

Tuy nhiên, từ năm 2019 một số bệnh có xu hướng xuất hiện trở lại. Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia ghi nhận số mắc bạch hầu ở mức 0,05/100.000 dân, ho gà 1,06/100.000 dân, đặc biệt tỉ lệ mắc sởi là 15,3/100.000 dân, cao hơn 3,73 lần so với năm 2018 (4,1/100.000 dân) và cao hơn 11 lần so với 2017 (0,22/100.000 dân). Gần đây, bệnh bạch hầu đã xuất hiện trở lại tại 3 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum, làm 3 trẻ em tử vong.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết sẽ triển khai tiêm nhắc vắcxin ngừa bạch hầu và uốn ván (vắcxin Td) tại 35 tỉnh thành có nguy cơ cao, cho toàn bộ trẻ em vào lớp 2. Thời gian triển khai từ quý 4-2020 đến quý 1- 2021.

LAN ANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận