​Văcxin Ebola: Hi vọng của  cả một thế hệ

HẢI MINH 12/08/2015 20:08 GMT+7

Một loại văcxin có thể bảo vệ những người dễ bị lây nhiễm virút Ebola với tỉ lệ 100% sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta đối phó với đại dịch đáng sợ này.

Việc tiêm chủng không được thực hiện đại trà mà theo “vòng lây nhiễm” - Ảnh: thewestsidestory.net

Cho tới trước những thông báo mới nhất về hiệu quả của loại văcxin mới này, đã không có loại thuốc chữa trị hay văcxin nào có thể đối phó với virút Ebola được xác nhận kể từ đợt bùng phát dịch bệnh Ebola lớn nhất trong lịch sử vào tháng 12-2013 ở Guinea.

Thay đổi cục diện trong cuộc chiến với Ebola

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói những thành tựu mới này, được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành Lancet, có thể có ý nghĩa “thay đổi cục diện”. Thử nghiệm mới tập trung vào loại văcxin với tên gọi VSV-EBOV, được nghiên cứu đầu tiên ở Cục y tế công cộng Canada, rồi phát triển thêm ở Hãng dược phẩm Merck. Loại văcxin kết hợp một phần của virút Ebola với một loại virút an toàn hơn để “đào tạo” cho hệ miễn dịch của người chống lại Ebola.

VSV là viết tắt của Vesicular Stomatitis Virus, loại virút gây ra bệnh cho gia súc nhưng không phải cho người, với các protein bề mặt của virút Ebola gắn vào. Đây là một trong hai loại văcxin Ebola đang được thử nghiệm ở các nước Tây Phi (loại kia do hãng dược tư nhân của Anh GlaxoSmithKline (GSK) phát triển).

Trong khi đó, nghiên cứu của Merck do Ana Maria Henao-Restrepo của WHO đứng đầu, cùng với các đồng nghiệp của bà tại Viện y tế công cộng Na Uy ở Oslo và Bộ y tế Guinea.

Thử nghiệm ban đầu có ý nghĩa đột phá được thực hiện ở Guinea. Khi một bệnh nhân được phát hiện, bạn bè, hàng xóm và người thân của bệnh nhân này đã được tiêm chủng để tạo ra một “vành đai bảo vệ”.

Một trăm bệnh nhân đã được xác định và tham gia thử nghiệm từ tháng 4 tới tháng 7, những người thân của họ hoặc được tiêm chủng ngay lập tức, hoặc trong vòng ba tuần sau đó. Trong số 2.014 người có liên hệ gần gũi được tiêm văcxin ngay lập tức, không người nào nhiễm bệnh. Trong số những người được tiêm chủng muộn hơn, có 16 trường hợp nhiễm bệnh.

WHO nói con số đó cho thấy văcxin có hiệu quả 100%, dù con số có thể thay đổi nếu họ thu thập thêm dữ liệu. Những người tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân Ebola ở Guinea giờ sẽ được tiêm chủng ngay lập tức. Vì văcxin có thể coi là tương đối an toàn, các bác sĩ đã cân nhắc mở rộng việc tiêm chủng cho cả trẻ em.

Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) cũng tham gia nghiên cứu, đóng vai trò tích cực trong việc cung cấp và huấn luyện nhân viên chăm sóc y tế ở tuyến đầu để tiến hành việc tiêm chủng và xác minh các trường hợp có nguy cơ nhiễm cao. Giám đốc dược của MSF Bertrand Draguez nói kết quả nghiên cứu trên Lancet sẽ dẫn tới những hành động ngay lập tức.

“Với hiệu quả cao như thế, tất cả các nước có dịch nên ngay lập tức bắt đầu mở rộng việc tiêm chủng để tạo ra hàng loạt vòng bảo vệ nhằm phá vỡ các chuỗi lây bệnh cũng như tiêm chủng cho mọi nhân viên y tế làm việc ở tiền tuyến” - Draguez nói với BBC. Marie-Paule Kieny, trợ lý tổng giám đốc WHO, nói: “Phát hiện này chắc chắn rất hứa hẹn. Chúng ta đã thấy nơi những vòng bảo vệ được thiết lập, việc lây nhiễm đã bị chặn lại.

Trước khi tiêm chủng, các vụ nhiễm mới chồng chất. Nhưng sau 10 ngày tiêm chủng, các ca nhiễm mới đã dừng lại. Đây có thể là bước tiến làm thay đổi cục diện vì trước đó chưa hề có thứ gì thế này, dù căn bệnh đã được phát hiện 40 năm trước. Khi có một đợt bùng phát mới, loại văcxin này có thể ngăn một thảm họa như chúng ta từng trải qua”.

Hơn 11.000 người đã thiệt mạng vì Ebola và gần 28.000 người nhiễm bệnh trong đợt dịch mới nhất. Quy mô của đợt dịch 2014-2015 là lý do quan trọng dẫn tới những nỗ lực chưa có tiền lệ để tìm một loại văcxin, và các nhà khoa học đã “làm công việc của một thập kỷ chỉ trong 10 tháng”, theo Lancet. Số ca nhiễm mới đã giảm mạnh, và trong tuần lễ trước ngày 26-7 chỉ có bốn trường hợp nhiễm mới ở Guinea và ba tại Sierra Leone.

 

Những câu hỏi còn lại

Giáo sư John Edmunds thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ và các bệnh nhiệt đới London, đã tham gia hỗ trợ thiết kế chương trình thử văcxin, nói: “Những diễn biến này diễn ra với tốc độ chưa từng có tiền lệ. Đây là tin rất tốt, dịch bệnh vẫn còn dai dẳng nhưng giờ chúng ta đã có thứ vũ khí đầy triển vọng. Việc thử nghiệm sẽ được tiếp tục, những kết quả này mới chỉ có ý nghĩa trung gian và cần được xác nhận lại nhưng ánh sáng đã xuất hiện cuối đường hầm”.

Quyết định bắt đầu thử nghiệm là từ tháng 10-2014, nhưng chỉ thật sự tăng tốc vào tháng 3-2015. Khi đó số ca nhiễm mới Ebola đã bắt đầu giảm mạnh và phân tán ra một vùng rộng lớn ở Guinea. Lẽ ra để đánh giá hiệu quả với việc tiêm văcxin một cách ngẫu nhiên, những nhà nghiên cứu phải sử dụng một lực lượng các nhân viên y tế lớn hơn nhiều.

Nhưng các bác sĩ đã nghĩ ra một cách rất thông minh, “tiêm chủng theo vòng bảo vệ”, trong đó chỉ những người tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm mới Ebola và những người tiếp xúc với những người tiếp xúc đó được tiêm chủng.

Các vòng như thế được chọn ngẫu nhiên. Trong 48 vòng tiêm chủng, việc tiêm văcxin được tiến hành ngay lập tức. Trong 42 vòng khác, việc tiêm văcxin được lùi lại ba tuần. Những nhà nghiên cứu sau đó đếm số ca Ebola nhiễm mới trong mỗi vòng, vì họ không chắc phải mất bao lâu để văcxin phát huy tác dụng, họ chỉ tính những trường hợp nhiễm mới ít nhất 10 ngày sau khi được tiêm văcxin trong phân tích dữ liệu.

Trong 2.014 người được tiêm chủng ngay lập tức, số ca nhiễm mới là con số không, trong khi với 2.380 người được tiêm ba tuần sau đó, có 16 người nhiễm mới.

Ý tưởng về tiêm chủng theo vòng chưa bao giờ được sử dụng trong một nghiên cứu văcxin trước đó “là cực kỳ sáng tạo” - theo lời Michael Osterholm, giáo sư, tiến sĩ về y tế công cộng tại Đại học Minnesota, Mỹ. Việc tiêm chủng này cũng cho phép các nhà nghiên cứu bám sát dịch bệnh.

Jeremy Farrar, giám đốc Quỹ từ thiện Wellcome Trust, đồng tài trợ cho nghiên cứu, cho biết: “Tôi ngạc nhiên về việc có thể can thiệp bằng văcxin nhanh chóng và hiệu quả như thế. Điều đó càng đáng khâm phục khi việc tiêm chủng diễn ra trong một môi trường rất, rất phức tạp cả về chủng tộc, xã hội, văn hóa và khoa học”.

Trong một cuộc họp báo tuần trước, tổng giám đốc WHO Margaret Chan đã nói nghiên cứu mới “thật đáng trông đợi”, nhưng cũng cảnh báo cần thận trọng và cần thêm các nghiên cứu sâu hơn. “Chúng ta hi vọng điều này sẽ giúp thay đổi cách xử trí với dịch bệnh Ebola hiện giờ và các đợt bùng phát dịch trong tương lai” - Reuters dẫn lời bà Chan.

Cả tuần trước chỉ có thêm bảy ca nhiễm mới Ebola, thấp nhất trong hơn một năm qua, nhưng WHO cảnh báo dịch bệnh vẫn có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Hồi tháng 5 từng có tuần chỉ ghi nhận được 12 ca nhiễm mới, nhưng loại virút chết người này lại quay lại vào tháng 7 với trung bình hơn 30 ca nhiễm mới mỗi tuần.

Tiến sĩ Amesh Adalja thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh y tế của Đại học Pittsburg (Mỹ) phân tích trên trang Live Science rằng việc tiêm chủng theo vòng quan trọng là vì “bạn không phải tiêm văcxin cho toàn bộ dân số, mà chỉ cần ưu tiên cho những người tiếp xúc với người đã nhiễm bệnh”. “Như thế dễ dàng hơn nhiều để ngăn chặn một đại dịch. Đó cũng chính là cách chúng ta đã đánh bại bệnh đậu mùa trước kia” - tiến sĩ Adalja nói.

Tuy nhiên, vẫn còn lại một số câu hỏi quan trọng. Chẳng hạn, hơn 1.000 người trong nghiên cứu đã không được tiêm văcxin, một số người không đồng ý với việc tiêm chủng, những người khác đơn giản là không có mặt ở điểm tiêm chủng đúng hẹn. Trong phân tích của các nhà nghiên cứu, những người này thuộc nhóm được tiêm văcxin muộn, nhưng không rõ điều đó có ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng hay không.

Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu xác nhận người có triệu chứng Ebola trong nghiên cứu của họ thông qua các phương pháp thông thường vẫn được sử dụng. Nhưng cách làm này từng bỏ sót nhiều trường hợp nhiễm mới trong quá khứ, nhất là với những ca nhiễm virút nhưng bệnh không quá nặng.

Dẫu sao cho tới giờ, các nhà nghiên cứu khẳng định họ đã theo dõi được tất cả những người tham gia nghiên cứu, khiến cho kết quả của họ vẫn có cơ sở vững chắc, theo lời Adalja. Cuối cùng, Adalja cho rằng cần phải có thêm các nghiên cứu về tác dụng phụ của văcxin, bởi chính nghiên cứu về tiêm chủng nói một số người đã bị sốt nhẹ sau khi được tiêm văcxin. 

Phi lợi nhuận?

Hãng dược phẩm Merck (Mỹ) đã cung cấp văcxin Ebola cho thử nghiệm không hi vọng lợi nhuận từ sản phẩm này của họ, và chính chương trình của họ nhận rất nhiều tài trợ từ cả các tổ chức thiện nguyện lẫn chính quyền liên bang Mỹ.

Công ty không tiết lộ chi tiết chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển văcxin, nhưng nói họ có tham gia một gói thầu trị giá 30 triệu USD của Bộ y tế Mỹ tìm kiếm các giải pháp cho bệnh Ebola. “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra loại văcxin sẵn sàng đưa vào sử dụng và có chi phí thấp do các nước bị dịch bệnh nặng nề nhất chủ yếu là những nước có thu nhập thấp” - một đại diện của Merck tuyên bố. Hồi tháng

11-2014, Merck cũng đã thông báo sẽ trả cho đơn vị đối tác nghiên cứu văcxin New Link khoản tiền 50 triệu USD kèm theo các đảm bảo tài chính khác để đổi lấy độc quyền khai thác văcxin Ebola.

Trong khi đó tuần trước, các chuyên gia y tế toàn cầu ước tính sẽ cần 2 tỉ USD để lập được một quỹ phát triển văcxin và thuốc điều trị cho các dịch bệnh khẩn cấp hiện giờ trên thế giới như Ebola, MERS và virút tây sông Nile. Khoản tiền đó là để thu hẹp khoảng cách giữa các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và việc ứng dụng các loại thuốc và văcxin trên thực tế một cách kịp thời.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận