Xuất khẩu lao động: Kiếm tiền, xây nhà và thất nghiệp

TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN 15/05/2012 01:05 GMT+7

TTCT - Chính sách xuất khẩu lao động mang trong nó hai mục tiêu lớn: giải quyết việc làm và đào tạo nguồn lực cho đất nước. Nhưng khi sứ mệnh “giảm nghèo cho vùng khó khăn, làm giàu cho vùng thuận lợi” hoàn tất, một số đông lao động chất lượng cao về nước trở lại cảnh thất nghiệp hoặc chờ một cơ hội ra đi khác. Ở đâu một chiến lược huy động, sử dụng hợp lý nguồn lực tài chính và con người do xuất khẩu lao động mang lại?

Chen chân vất vả tìm cơ hội sang Hàn Quốc, song ngày về có thể tay nghề vẫn không có chốn sử dụng (ảnh chụp một điểm thi tiếng Hàn ở Hà Nội) - Ảnh: Quang Thế

Sau gần hai thập niên xuất khẩu lao động (XKLĐ) trở thành một chính sách quan trọng, dọc đất nước, nhiều làng quê nghèo đã trở thành những “làng Hàn Quốc”, “làng Đài Loan” phô ra vẻ sầm uất với những căn nhà xây kiên cố, hàng quán xôm tụ. 

Nhưng ẩn sau vẻ giàu có dễ thấy ấy lại là câu chuyện buồn của hàng trăm thanh niên thất nghiệp dù túi vẫn rủng rỉnh tiền bạc có được từ những lần đi XKLĐ.

Mai một làng nghề vì... xuất khẩu lao động

Chúng tôi về Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) - một xã nay được dân lân cận gọi là “làng Hàn Quốc” - ngay dưới chân dãy núi Hồng Lĩnh. Từ đầu làng đến cuối thôn, đâu đâu cũng thấy nhà lầu hai, ba tầng kiểu Hàn Quốc chạy dọc các ngõ thôn, đường làng ngõ xóm gần như đã được trải nhựa hết, hàng quán, chợ búa nhộn nhịp không khác gì những khu phố thị. 

Phó chủ tịch UBND xã Cương Gián Hoàng Văn Tiến cho biết tất cả sự giàu có này là nhờ phong trào XKLĐ mang lại.

15 năm về trước, Cương Gián là một xã thuộc diện khó khăn đặc biệt với gần 50% hộ nghèo, nay nhờ đưa được nhiều lao động sang Hàn Quốc, Cương Gián đã thay da đổi thịt, trở thành “làng Hàn Quốc” với sự giàu có, sầm uất vào diện bậc nhất ở huyện Nghi Xuân.

“Nhưng hiện nay Cương Gián chúng tôi đang tiềm ẩn nhiều bất ổn về cơ cấu lao động. Hàng trăm thanh niên trở về từ Hàn Quốc đang thất nghiệp nhưng không muốn trở lại nghề biển, nghề nông. Lớp thanh niên chưa đi XKLĐ bỏ việc đồng áng, nghề biển chờ đợi cơ hội sang Hàn Quốc đổi đời dù Cương Gián đang nằm trong diện tạm ngưng thi tuyển tiếng Hàn” - ông Tiến trăn trở và cho biết chưa tìm được lối ra cho sự bất ổn này.

Anh Trần Văn Tỉnh, một người dân Cương Gián, cho biết anh từng có ba năm làm nghề dệt vải tại Hàn Quốc với thu nhập 800-1.000 USD/tháng. Trở về làng, anh bỏ hẳn nghề biển truyền thống của gia đình, dồn tiền thu nhập ba năm xây một căn nhà hai tầng khang trang và nay tiếp tục tìm kiếm cơ hội sang Hàn Quốc dù “nhiều lần mất tiền với “cò” vẫn không đi được”. 

Đến nay, tiền tích lũy từ XKLĐ đã hết mà nghề nghiệp trong tay cũng không có, gia đình anh phải vay tiền mở tạm quán nhậu bình dân để sống qua ngày.

“Ở Hàn Quốc tôi học được nghề dệt vải cứng tay, nhưng về địa phương thì không thể dùng được vì không có nhà máy dệt. Lên Hà Nội hay vào Sài Gòn tìm việc thì xa nhà mà thu nhập nghe nói cũng chỉ dăm ba triệu, vậy đi làm gì” - anh Tỉnh tâm sự.

Cùng chung nghề dệt với anh Tỉnh còn có hai vợ chồng Nguyễn Thanh Minh - Nguyễn Thị Mai Hương. Hai vợ chồng kẻ trước người sau sang Hàn Quốc làm thợ dệt gần 10 năm, vừa trở về cuối năm 2010. Họ cho biết tích lũy mang về từ Hàn Quốc hơn 30.000 USD và đang tính chuyện xây một căn nhà lớn để ở. 

“Từ ngày về đến giờ tôi chỉ ở nhà chăm sóc con cái, còn chồng tôi mở một tiệm cơ khí nhỏ, chỉ kiếm đủ ăn qua ngày để khỏi ăn vào đồng vốn tích lũy” - chị Hương nói và cho biết ở Hàn Quốc, tay nghề của hai vợ chồng được đánh giá rất cao.

Hầu hết thanh niên trở về từ Hàn Quốc mà chúng tôi gặp ở xã Cương Gián có chung tình cảnh. Bao nhiêu tiền dành dụm được họ đều dồn xây nhà thật to, thật đẹp và chờ cơ hội tiếp tục đi Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. 

Không ai trong họ muốn quay về nghề nông, nghề biển từng là chỗ dựa mưu sinh trước đây. Cương Gián là xã có truyền thống đánh bắt thủy sản với hàng nghìn ghe lớn nhỏ đậu kín biển, nhưng kể từ khi phong trào XKLĐ rầm rộ về làng thì nhiều gia đình gác chèo, bỏ ghe, đưa lao động chủ lực của gia đình đi XKLĐ.

Ông Hoàng Văn Tiến ngậm ngùi cho biết truyền thống nghề biển, nghề nông của làng đang mai một vì thanh niên - nguồn nhân lực chính của làng nghề - đã quay lưng. Xã đang cố gắng khôi phục các nghề truyền thống, mở thêm các lớp dạy chế biến nước mắm, đan mây tre xuất khẩu... nhưng xem ra không mấy hiệu quả vì hấp lực từ XKLĐ khiến không mấy thanh niên đăng ký học.

Anh Nguyễn Văn Phiên (Bắc Giang) sau 8 năm đi Hàn Quốc trở về làm nghề chế tác vàng bạc tại nhà - Ảnh: Đức Bình

Công nhân kỹ thuật đi buôn... rùa, rắn

Ở xã Đông Phú (huyện Lục Nam, Bắc Giang) nay lại có một “làng Đài Loan” ngay trung tâm xã với khu chợ sầm uất, hai dãy nhà lầu khang trang chạy dài theo trục đường chính.

Bước vào ngôi nhà hai tầng vừa xây còn thơm mùi sơn, anh Lương Văn Luyến - chủ nhà - cho biết ngôi nhà được xây với 400 triệu đồng từ số tiền tích lũy hơn 600 triệu sau chín năm làm việc ở Đài Loan. 

Trước khi đi XKLĐ, anh Luyến là thanh niên chân lấm tay bùn với nghề nông, cả gia đình sống nhờ vào mấy sào ruộng đắp đổi qua ngày. Nhưng khi Luyến cùng hai chị gái và một em trai đi XKLĐ thì cuộc sống thay đổi hẳn, cả gia đình không còn làm ruộng mà cho người khác thuê lại. 

Luyến nói chín năm làm việc ở Đài Loan anh đã học được tay nghề giỏi và trở thành công nhân kỹ thuật bậc cao chế biến đồ nhựa. “Khi trở về tôi cũng có ý định mở xưởng sản xuất đồ nhựa, nhưng khi đi mua máy thì thấy công nghệ của mình rất lạc hậu, khác xa ở Đài Loan nên thôi vì sợ thất bại”. 

Không mở xưởng, Luyến vào Đồng Nai góp vốn với bạn mở tiệm cầm đồ, làm một thời gian thì chán, lại về quê tìm việc. Nay anh cho hay đang “buôn rùa, rắn bỏ mối cho các nhà hàng”.

Cạnh nhà Luyến là ngôi nhà hai tầng của vợ chồng anh Phạm Quang Khoa, cũng là những lao động trở về từ Đài Loan. Trước khi đi XKLĐ, Khoa là thợ sửa xe máy, còn vợ buôn bán nhỏ ở chợ. Bốn năm (2008-2011) làm việc ở Đài Loan, hai vợ chồng tích cóp được 700 triệu đồng rồi về mua đất xây nhà tại trung tâm xã.

“Bao nhiêu tiền chúng tôi dồn xây nhà hết, giờ tôi tiếp tục làm thợ sửa xe máy, vợ tôi chỉ phụ loanh quanh và chăm con nhỏ” - anh Khoa kể và cho biết tiền tích lũy đã hết mà công việc sửa xe máy thu nhập bấp bênh nên hai vợ chồng đang tính chuyện gửi con nhỏ để tiếp tục trở lại Đài Loan làm việc. “Nghề dệt học được ở Đài Loan chẳng biết áp dụng vào đâu, xung quanh chẳng có nhà máy dệt may gì”.

Anh Phạm Quang Khoa sau 4 năm làm việc ở Đài Loan giờ về nhà mở tiệm sửa xe - Ảnh: Đức Bình

Theo ông Vũ Đức Việt - phó chủ tịch UBND xã Đông Phú, mỗi năm xã có từ 120 lao động trở lên xuất ngoại làm việc. Hầu hết trở về đều khá giả về kinh tế nên ai cũng đầu tư xây cất nhà to, đẹp. Số thì đầu tư dịch vụ buôn bán, số khác lại mang tiền vào TP.HCM mua đất xây nhà trọ cho công nhân thuê.

“Đông Phú là xã thuần nông, gia đình nào có con em đi XKLĐ Đài Loan về đều bỏ nghề nông và cho thuê lại ruộng đất. Diện tích ruộng đất vẫn còn giữ được, nhưng lực lượng lao động cho nghề nông thì ngày một hao hụt vì thanh niên đi XKLĐ trở về đều không chịu cày ải trên đồng ruộng nữa” - ông Việt băn khoăn.

“Xuất khẩu lao động không chỉ là giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo mà còn nhằm mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước...”.

 (Chỉ thị 41-CT/TW ngày 22-9-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII)

__________

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH gửi Văn phòng Trung ương Đảng mới đây cho biết giai đoạn 1999-2010 đã có hơn 758.000 lao động Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, báo cáo này không nói gì đến tỉ lệ lao động trở về tìm được việc làm hay được giới thiệu việc làm trong nước.

Anh Nguyễn Thanh Minh sau 9 năm làm việc ở Hàn Quốc về Cương Gián hùn hạp mở xưởng cơ khí - Ảnh: Hồ Văn

Lãng phí rất lớn

Trong một hội thảo với các cơ quan thuộc Bộ LĐ-TB&XH, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã “đánh động” Việt Nam về điều này khi cho rằng Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực đã “hầu như không quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho người đi XKLĐ trở về”. 

Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân của tình trạng lao động bỏ trốn ở lại khi hết hợp đồng. Hơn hết, nó thể hiện sự lãng phí rất lớn đối với một nguồn lực chất lượng cao (như lao động đi Nhật, Hàn về).

Ông Masumi Higuma, trưởng đại diện Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) tại Việt Nam, cũng chung đánh giá về sự “không chú ý” của Việt Nam đối với chuyện giải quyết việc làm cho người lao động khi họ trở về.

“Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, vấn đề được đặt lên hàng đầu trong chiến lược XKLĐ là đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề để trở về phục vụ chiến lược phát triển trong nước. Các bạn phải tự đặt câu hỏi tại sao lao động ra nước ngoài làm việc luôn tìm cách bỏ trốn ở lại. Đó chính là vấn đề của hậu XKLĐ” - ông Higuma nói và cho rằng giải thích việc lao động tìm mọi cách ở lại là do họ có thu nhập ở nước ngoài cao, về nước thì thu nhập thấp là không hẳn đúng.

“Ở thị trường Nhật, lao động bỏ trốn rất ít và đang giảm dần bởi ngay từ khâu tuyển dụng, chúng tôi đặt điều kiện phải tốt nghiệp từ THPT trở lên. Quá trình đào tạo phải từ sáu tháng trở lên để tạo cho lao động có ý thức với chính bản thân, nhận thức được qua Nhật làm việc không chỉ kiếm tiền mà là một cơ hội học hỏi để trở về lập nghiệp. Nhiều lao động về từ Nhật được chúng tôi giới thiệu vào các doanh nghiệp Nhật đang đầu tư ở Việt Nam với mức lương 5-10 triệu đồng, họ đều đồng ý đi làm”.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết hầu hết các địa phương đều thành lập ban chỉ đạo XKLĐ từ cấp tỉnh đến cấp xã để phát triển chiến lược XKLĐ. Nhưng ngay trong các ban chỉ đạo này, vấn đề giải quyết việc làm sau XKLĐ hầu như không được đề cập.

Bà Hoàng Kim Ngọc, cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), thừa nhận vấn đề sử dụng lao động về nước hầu như chưa được quan tâm dù trong nhiều chỉ thị, nghị định, nghị quyết đã nói tới vấn đề này. 

Chỉ sau khi thấy rõ những bất ổn từ thị trường Hàn Quốc, Đài Loan về vấn đề lao động bỏ trốn dẫn đến nguy cơ mất thị trường, “Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo gấp rút triển khai các dự án hỗ trợ người XKLĐ khi họ về nước, trước để ngăn ngừa tình trạng bỏ trốn, sau là hình thành một chiến lược hậu XKLĐ có chiều dài lẫn chiều sâu. Rõ ràng người lao động đang mất phương hướng, còn các cơ quan quản lý chưa có chiến lược hỗ trợ cụ thể cho người lao động về nước”, theo bà Ngọc.

Chưa có ngân hàng dữ liệu về lao động xuất khẩu

Có lần, một cán bộ của trung tâm giới thiệu việc làm ở TP.HCM hỏi chúng tôi muốn tìm dữ liệu hay “săn lùng” nguồn nhân lực đi XKLĐ trở về thì tìm ở đâu, liên hệ với ai...? 

Vị cán bộ này cho biết các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam rất muốn tìm nguồn lao động có chất lượng, đã qua đào tạo nghề từ nước ngoài nhưng chưa có cầu nối nào để doanh nghiệp và người lao động trở về tìm được nhau.

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh thừa nhận trong quá trình triển khai công tác XKLĐ thì “vấn đề này bị bỏ ngỏ”.

Đến năm 2011, các cơ quan quản lý mới bàn đến và đang thiết lập hệ thống ngân hàng dữ liệu về nguồn nhân lực XKLĐ. Nếu thiết lập được ngân hàng dữ liệu này thì phân cấp về các địa phương để giải quyết việc làm ngay cho lao động hậu XKLĐ tại địa phương.

“Theo tôi, doanh nghiệp XKLĐ có lợi thế nhất trong việc này vì họ phái cử lao động ra nước ngoài, đồng thời quản lý lao động nên mọi thông tin về người lao động đã có sẵn. Nên chăng khuyến khích các doanh nghiệp XKLĐ thành lập luôn trung tâm giới thiệu việc làm trong nước để cùng thực hiện công tác hậu XKLĐ?” - bà Ngọc đề xuất.

Trung tâm lao động ngoài nước đang có đề án thành lập phòng giải quyết việc làm cho người đi làm việc ở Hàn Quốc về nước. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với Nhật Bản, Hàn Quốc mở các lớp đào tạo, hướng dẫn chuyển đổi nghề nghiệp, khởi sự doanh nghiệp cho người đi XKLĐ trở về và cả những người chuẩn bị đi XKLĐ... 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hòa - thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, đó cũng chỉ là những biện pháp tình thế nhằm ngăn ngừa và hạn chế lao động bỏ trốn khi hết hợp đồng.

__________

“Đúng là ta chưa có chính sách huy động, bố trí, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính và con người do XKLĐ mang lại. Vấn đề này cũng do ý thức và tầm nhận thức của ta chưa thấu đáo trong quá trình triển khai chiến lược XKLĐ” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa thừa nhận.

Ông Nguyễn Thanh Hòa - Ảnh: Đức Bình

* Trong chiến lược XKLĐ, vì sao Bộ LĐ-TB&XH hầu như bỏ ngỏ công tác giải quyết việc làm cho người lao động khi họ trở về?

- Luật người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài có nêu rõ: sở LĐ-TB&XH các địa phương có trách nhiệm thống kê, theo dõi nguồn nhân lực đi XKLĐ để lập dữ liệu giao các trung tâm giới thiệu việc làm để giới thiệu cho các doanh nghiệp. Nhưng thực tế chưa thấy ai triển khai.

Còn trong các cuộc họp về XKLĐ có hai luồng ý kiến khác nhau: một luồng ý kiến ủng hộ phải triển khai vấn đề giải quyết hậu XKLĐ nhưng chưa nêu được cụ thể cách giải quyết ra sao, cần chính sách gì; một luồng ý kiến lại cho rằng chúng ta còn có nhiều đối tượng lao động trong nước để lo, nguồn nhân lực từ XKLĐ trở về có nên là ưu tiên hay không trong vấn đề giải quyết việc làm. Nhưng theo tôi, đây là nguồn nhân lực được đào tạo, có kỹ năng, cần phải có kế hoạch sử dụng hợp lý.

* Vậy Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện kế hoạch sử dụng nguồn lao động này như thế nào?

- Trước mắt, chúng tôi cần phải thiết lập một kênh thông tin riêng về nguồn nhân lực này để phục vụ mục đích giải quyết việc làm hậu XKLĐ. Kênh thông tin này sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Tôi đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước thực hiện việc này.

Đối với lao động trở về từ thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, chúng tôi đã có chương trình riêng như thí điểm đào tạo khởi sự doanh nghiệp. Tại sao phải làm cái này? Vì người lao động đi Hàn, Nhật về có nguồn thu nhập khá cao, có khả năng thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tiễn cho thấy số lao động đi hai thị trường này về mở doanh nghiệp nhiều hơn các thị trường khác. Riêng Trung Đông, Malaysia, Đài Loan... ta không làm thế mà chỉ lập dữ liệu cung cấp cho các địa phương số lượng lao động về nước, các loại ngành nghề để họ có thông tin giới thiệu cho các doanh nghiệp.

Trung tâm lao động ngoài nước cũng đang triển khai một kênh thông tin riêng về nguồn lao động tại Hàn Quốc, nối mạng từ bên Hàn Quốc với 2.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam để người lao động và doanh nghiệp khi có nhu cầu có thể gặp nhau.

* Những phương án mà ông vừa cho biết đang được triển khai hay vẫn nằm trên giấy?

- Có cái làm rồi (mở lớp khởi sự doanh nghiệp), có cái đang làm (xây dựng kênh thông tin dữ liệu về nguồn lao động) và cũng có cái đang là đề án.

* Nhưng so với lịch sử XKLĐ của nước ta, vì sao các chương trình này triển khai không đồng bộ và có thể nói là quá chậm?

- Chậm thì có chậm nhưng chưa phải là muộn, vì chúng ta còn nhiều việc phải làm cho lao động trong nước hơn là ưu tiên giải quyết việc làm cho người đi XKLĐ về nước. Phải nhìn thấy người đi XKLĐ đã hưởng nhiều quyền lợi hơn người lao động trong nước vì có thu nhập cao, tích lũy được số vốn khá khi về nước. Thực tế, công tác hậu XKLĐ cũng đưa ra bàn nhiều trong các cuộc họp, hội thảo. Có nhiều ý kiến đòi hỏi chính sách cho vấn đề này nhiều hơn nữa nhưng theo tôi thì chưa cấp bách lắm, còn về lâu dài thì nên có.

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế của chúng ta, doanh nghiệp của chúng ta chưa tiêu hóa được nguồn lao động này, đấy là vấn đề lớn.

Một vấn đề nữa: có làm được hay không lại phụ thuộc vào quỹ hỗ trợ việc làm trong nước. Như Philippines, quỹ hỗ trợ việc làm trong nước của họ nhiều tiền lắm vì người ta làm lâu rồi. Ta thì quỹ mới xây dựng nên chỉ có khoảng 100 tỉ đồng, ngân sách nhà nước eo hẹp nên làm sao đòi hỏi nhiều.

* Ông nghĩ gì về ý kiến của ông Masumi Higuma, trưởng đại diện IM Japan tại Việt Nam: “Chiến lược XKLĐ của Việt Nam chỉ đạt được mục đích kiếm tiền, còn vấn đề hậu XKLĐ lại bỏ ngỏ”?

- Nói như vậy cũng có lý, nhưng thử hỏi xem các doanh nghiệp ta hiện có cần nguồn nhân lực ấy không, đó là một vế. Một vế nữa: người lao động khi về lại không muốn làm công nhân với mức lương thấp. Tôi từng hỏi một giám đốc người Nhật tại sao cùng một công ty bên Nhật ông trả cao nhưng ở Việt Nam lại trả thấp, vị giám đốc này không trả lời được. Điều đó cho thấy triển khai công tác hậu XKLĐ còn nhiều nan giải và phải thực hiện bền bỉ, kiên nhẫn từng bước hợp lý.

__________

Trong khi cơ quan quản lý còn loay hoay, Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) và doanh nghiệp XKLĐ trong nước đã có những bước đi nhập cuộc hữu dụng để giải quyết câu chuyện “hậu XKLĐ”.

Một chiến lược “hậu XKLĐ” tốt sẽ tận dụng được nguồn lao động chất lượng cao mà đất nước đang cần. Trong ảnh: thi tuyển đi XKLĐ ở Hàn Quốc - Ảnh: Đình Dân

Người Nhật “vác tù và hàng tổng”

Cuối năm 2011, 21 tu nghiệp sinh hoàn thành chương trình tu nghiệp và thực tập kỹ năng ba năm tại Nhật về nước đã được IM Japan làm lễ tuyên dương và trao cho mỗi người 600.000 yen (tương đương 180 triệu đồng) “hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng”. 

Sau đó, IM Japan kết nối với 11 doanh nghiệp Nhật đang đầu tư tại khu vực phía Nam tổ chức phỏng vấn và tuyển dụng luôn 21 tu nghiệp sinh này.

Trước đó, 19 tu nghiệp sinh khác về nước đã được IM Japan giới thiệu cho các công ty Nhật tại TP.HCM và Bình Dương. Phải nói thêm, tất cả tu nghiệp sinh này được IM Japan đưa đi Nhật thực tập kỹ năng hoàn toàn miễn phí dịch vụ và hưởng mức lương tại Nhật từ 25 triệu đồng/tháng trở lên tùy kinh nghiệm và công việc.

Đầu tháng 11-2011, lãnh đạo Tập đoàn Kanto - một trong những tập đoàn tiếp nhận hàng ngàn lao động của Việt Nam sang làm việc ở Nhật - đã qua Việt Nam tổ chức buổi giao lưu tại TP.HCM với 200 lao động từng làm việc cho họ. 

Tại buổi giao lưu, ông Fukuda - tổng giám đốc tập đoàn - chia sẻ nỗi buồn khi hầu hết lao động trở về đều thất nghiệp hoặc làm trái nghề. Trong một cố gắng, tập đoàn đã xây dựng nguồn dữ liệu về các tu nghiệp sinh để giới thiệu cho các doanh nghiệp Nhật đang và sẽ đầu tư ở Việt Nam.

Đó là cách mà người Nhật “vác tù và hàng tổng” khi làm luôn vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động Việt Nam kể cả khi họ đã về nước - một trách nhiệm mà lẽ ra chính người Việt Nam phải lo. Ngược lại, với thị trường Hàn Quốc, hầu hết người lao động về nước đều thất nghiệp hoặc mất phương hướng tìm việc, trong khi tại Việt Nam có trên 2.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư.

Doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam vào cuộc

Theo Công ty XKLĐ Suleco, tháng 4-2012 họ đã giới thiệu được nhiều lao động về từ Nhật cho các công ty Nhật tại KCX Tân Thuận và KCN Long Hậu (Long An). 

Dự kiến tháng 8 sẽ có 20 lao động của công ty hoàn thành hợp đồng về nước, Suleco đã liên hệ với các doanh nghiệp Nhật sản xuất phụ tùng xe hơi tại KCN Long Hậu để lo việc làm cho toàn bộ số lao động này. Một cán bộ của Suleco cho biết các lao động này đều được trả mức lương 600-800 USD/người/tháng.

Đại diện Công ty XKLĐ Esuhai cho biết ngày 11-5 họ khai trương trường đào tạo nhân lực nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cho công tác XKLĐ. Họ cũng sẽ đào tạo thêm các kỹ năng quản lý, khởi sự doanh nghiệp cho những lao động về nước có nhu cầu. 

Esuhai đã tạo hai trang web (www.esuhai.comwww.vieclamnhatban.com) cho người lao động tại Nhật trước khi về nước đăng ký tìm việc phù hợp tại Việt Nam, họ sẽ là bên liên hệ tạo cầu nối với doanh nghiệp.

Còn Công ty cổ phần dịch vụ nhân lực Toàn Cầu (Gmas) “săn” những đơn hàng của các công ty ở Malaysia có mở nhà máy tại Việt Nam để thực hiện cam kết “sau ba năm về, người lao động được vào làm cho chi nhánh tại Việt Nam”.

Ông Đàm Trung Bắc, tổng giám đốc Gmas, cho hay công ty đang có đơn hàng tuyển dụng 3.000 lao động sang Malaysia làm việc trong lĩnh vực điện tử với cam kết “Khi trở về, lao động sẽ được giới thiệu vào làm cho Nhà máy điện tử Jabil tại Khu công nghệ cao Q.9, TP.HCM”.

Những cố gắng này của các doanh nghiệp XKLĐ, dù rất đáng kể so với tiềm lực của họ, vẫn chỉ như muối bỏ bể nếu Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan hữu trách không xây dựng hay triển khai được một chiến lược hậu XKLĐ sâu rộng. Bởi nếu không, sẽ vẫn là những lãng phí nguồn lực rất lớn trong khi đất nước đang thật sự cần họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận