​Alessandra đã mang Việt Nam đến Ý như thế...

TRƯƠNG ANH NGỌC 08/05/2015 03:05 GMT+7

TTCT - Tôi biết Alessandra Chiricosta cách đây đã nhiều năm. Các fan bóng đá Ý ở Hà Nội ngày đó cứ nhắc mãi về một cô giáo dạy tiếng Ý mê đội AS Roma một cách điên cuồng. Đến khi gặp chị ở Roma mới hiểu rằng chị và người bạn đời, nhà báo Roberto Tofani, còn yêu Việt Nam hơn thế. Chẳng có gì ngạc nhiên khi chị vừa cho ra đời một cuốn sách về cổ tích và truyền thuyết Việt Nam.

 

Đối với những người Ý, đặc biệt trẻ con Ý như những đứa trẻ có mặt trong buổi giới thiệu “Việt Nam, huyền thoại và các câu chuyện” tại một thư viện nhỏ ở khu Portuense ngoài rìa Roma, đó là buổi kể chuyện thú vị về một dân tộc ở một nơi rất xa xôi mà chúng chưa hề biết.

KỂ CHUYỆN MỘT VIỆT NAM GIÀU BẢN SẮC

Với không ít người Ý khác, Việt Nam thường là tên gọi của một cuộc chiến tranh đã kết thúc và vốn hiểu biết của họ về Việt Nam không nhiều. Cuốn sách của một nữ trí thức Ý từng nhiều năm gắn bó với Việt Nam trên nhiều cương vị khác nhau - hoặc giáo viên tiếng Ý ở Trường đại học Hà Nội, hoặc là nhà hoạt động trong một tổ chức phi chính phủ tại miền núi phía Bắc Việt Nam - giúp họ biết được nhiều hơn.

“Ý tưởng ra đời cuốn sách này được thực hiện khi tôi đã trở về Ý vào năm ngoái, sau một thời gian sống và làm việc ở Việt Nam. Cuốn sách được viết ra như một món nợ tôi phải trả cho đất nước mà tôi rất yêu mến ấy” - Chiricosta nói về quyển sách mà chị và cộng sự Maurizio Gatti đã biên soạn công phu.

Qua cuốn sách, Việt Nam hiện lên từ những câu chuyện về bánh chưng - bánh dày, về chú Cuội ngồi trên cung trăng, chuyện Từ Thức gặp tiên, Tấm Cám, chàng Trương Chi, Chử Đồng Tử, sự tích hồ Gươm, những mẩu chuyện về Hai Bà Trưng, bà Liễu Hạnh... Chiricosta tỉ mẩn chú giải từng chi tiết nhỏ liên quan đến những thuật ngữ về văn hóa và truyền thống Việt.

“Tôi chọn lọc những câu chuyện đã gắn bó sâu sắc với người Việt như truyền thuyết về Âu Cơ - Lạc Long Quân, sự tích hồ Hoàn Kiếm hay hồ Tây và cố gắng chuyển tải chúng bằng một ngôn ngữ dễ hiểu, đơn giản và dễ nhớ để những người Ý chưa đến Việt Nam cũng có thể hiểu được những điều mô tả trong sự tích là gì. Chẳng hạn về những con rồng theo góc nhìn Á Đông khác với phương Tây như thế nào - chị nói - Người nước ngoài khi viết về Việt Nam thường thể hiện góc nhìn của họ, nhưng tôi làm cuốn sách này theo cách thể hiện của ngôn ngữ Việt, như chính người Việt đang kể chuyện cho độc giả bằng tiếng Ý vậy”.

LẤP KHOẢNG TRỐNG VỀ VIỆT NAM     

Alessandra Chiricosta sinh năm 1974, là một nhà nghiên cứu triết học, lịch sử và văn hóa khu vực Đông Nam Á, có nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam. Hiện Chiricosta đang giảng dạy ở Trường đại học Tor Vergata tại Roma.

 

Trong nhiều thập niên qua, sách về Việt Nam ở Ý không nhiều, chủ yếu về chiến tranh. Những cuốn sách về cuộc chiến tranh Việt Nam từng một thời trở thành hiện tượng văn học và thời sự ở nước này. Tiziano Terzani, nhà báo nổi tiếng người Ý, với các tác phẩm Da báo và Giải phóng, đã cung cấp cho độc giả Ý một cái nhìn chân thực, sống động và nhiều chiều về cuộc chiến, giúp họ tăng thêm thiện cảm với cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Nhưng sau cuộc chiến là một khoảng trống lớn về Việt Nam. Dù những thông tin về văn hóa và con người Việt Nam đã được bà Sandra Scagliotti, một người yêu Việt Nam hết lòng, biên soạn và công bố trong những tập san mà Trung tâm nghiên cứu về Việt Nam do bà đứng đầu, phát hành.

Trong những năm 1960, một số nhà nghiên cứu là đảng viên cộng sản Ý từng biên soạn một cuốn sách về văn hóa và lịch sử Việt Nam, nhưng cuốn sách mà Chiricosta làm chủ biên đầy đặn, chi tiết, công phu và dễ hiểu hơn, gần gũi hơn. Cuốn sách đã trở thành một cẩm nang tri thức về lịch sử và dân gian Việt Nam, là nhịp cầu văn hóa đặc biệt giữa Việt Nam và Ý.

Người bạn đời của chị, anh Tofani - được coi là một trong những nhà báo Ý hiểu biết nhiều về Việt Nam nhất - đã viết rất nhiều bài báo về Việt Nam. Căn nhà của họ ở Roma giống như một góc của Hà Nội, với rất nhiều đồ lưu niệm họ mang từ Việt Nam về. Chiricosta có thể nói và hiểu tiếng Việt. Con của chị và Tofani là Iris, nhưng còn có một cái tên Việt là Hà. Họ nói về ý định trở lại Việt Nam trong những chuyến đi tới và nếu có thể sẽ sống lâu hơn trên mảnh đất họ yêu mến, thực hiện vài dự án cá nhân về Việt Nam mà họ đang ấp ủ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận