Bóng đá Việt Nam: Phải nghĩ lớn hơn SEA Games!

NGUYỄN NGUYÊN 14/12/2019 18:12 GMT+7

TTCT - Người Thái 16 lần vô địch SEA Games, nhưng thua tan nát ở những giải đấu châu lục. Chúng ta hãy nhìn vào tấm gương đó để vạch cho mình một con đường khác.

60 năm sau chiếc HCV SEAP Games lần 1-1959, bóng đá Việt Nam mới trở lại ngôi vô địch sau trận chung kết thứ 6 của riêng mình. Một trận chung kết với chiến thắng giòn giã 3-0 trong một thế trận làm chủ hoàn toàn.

Ông Park Hang Seo đã rất mát tay với bóng đá Việt Nam. Ảnh: Nguyên Khôi
Ông Park Hang Seo đã rất mát tay với bóng đá Việt Nam. Ảnh: Nguyên Khôi

Ông Park mát tay

Chức vô địch hoàn toàn thuyết phục với 7 trận bất bại, trong đó có 6 chiến thắng (duy nhất một trận hòa 2-2 với Thái Lan). Chuỗi bất bại này gắn liền với cái tên Park Hang Seo hơn hai năm qua: kể từ khi được mời về dẫn dắt bóng đá Việt Nam, ông thầy người Hàn Quốc chưa từng thua trong các cuộc đối đầu với đối thủ ở khu vực Đông Nam Á.

Xét về lịch sử SEA Games và cả tiền thân là SEAP Games thì bóng đá Thái Lan đã lên ngôi vô địch đến 16 lần, còn với Việt Nam là hai lần cách nhau 60 năm. Khó có thể mang những lần vô địch của một giải khu vực thay đổi xoành xoạch ra để luận anh hùng, nhưng với bóng đá Việt Nam thì chức vô địch tại Manila đêm 10-12 là chức vô địch của sự khát khao qua nhiều thế hệ cầu thủ, kể từ ngày bóng đá Việt Nam hội nhập và phát triển.

Từ thời Nguyễn Văn Dũng, Đinh Thế Nam, Lưu Tấn Liêm, Hà Vương Ngầu Nại... (SEA Games 16-1991) đến thời Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Minh Chiến, Quốc Cường, Công Minh... (SEA Games 1995 tới 1999), trong đó có hai trận chung kết hoàn toàn dưới cơ người Thái. Sang đến những SEA Games chỉ có các đội U23 với những lứa Văn Quyến, Phan Thanh Bình, Minh Phương, Công Vinh... kéo dài đến năm 2009 với hai trận chung kết một thua đậm Thái Lan 0-3, một mất vàng vào phút chót trước Malaysia bởi bàn đốt lưới nhà. Tiếp đến là lứa Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn..., chưa một lần vào chung kết, dù kỳ vọng vàng năm nào cũng được đặt rất cao.

Phải đến thời ông Park thì khát vọng vàng của bóng đá Việt Nam mới thành hiện thực. Nói đó là thế hệ cầu thủ mới thì không hẳn, bởi SEA Games 29 2017 tại Malaysia đã xuất hiện những cái tên như Đoàn Văn Hậu hay Nguyễn Quang Hải. Cái tên Park Hang Seo tưởng đã bỏ đi ở Hàn Quốc (như lời HLV này tâm sự) lại trở thành của hiếm và là một ông thầy rất mát tay với bóng đá Việt Nam. Ông đến đúng vào thời điểm bóng đá Việt Nam đang tuột dốc và mất niềm tin rất lớn sau hàng loạt thất bại.

Sự hồi sinh bắt đầu thật ấn tượng từ vòng chung kết U23 châu Á ở Thường Châu. Giải đấu mà cả Đông Nam Á chỉ có Việt Nam vào vòng trong và chơi đến tận chung kết. Tiếp đến là Asian Games, Asian Cup, là chức vô địch AFF Cup 2018, những trận đấu tưng bừng ở vòng loại World Cup, gần đây nhất là bộ HCV SEA Games mà bóng đá Việt Nam mòn mỏi chờ suốt 60 năm.

Nói ông Park tài tình và mát tay mà quên đi những lò đào tạo kiên trì thì không công bằng. Những lò đào tạo như PVF, Viettel, Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai, Becamex Bình Dương... dù mỗi nơi làm một kiểu nhưng rõ ràng phần bột mà ông Park gột nên hồ đã được tuyển chọn từ đấy. Nó là sự cộng hưởng cần thiết ở phần nền tảng, và bộ sậu của ông Park thực hiện công việc của người sàng lọc và phát huy những tài năng đã có.

Những SEA Games trước, nhiều thế hệ cầu thủ vào chung kết cứ phải cắn răng đá bằng tinh thần. Còn bây giờ, thế hệ cầu thủ này vừa vững chãi về tinh thần, vừa có thể áp đảo đối thủ cả về bản lĩnh, kỹ chiến thuật, lẫn thể hình, thể lực. Họ có thể chưa hơn hẳn Thái Lan nhưng đã dứt hẳn tâm lý tự ti, sợ thua khi đối đầu với đối thủ từng thống trị khu vực gần như tuyệt đối. Các cuộc chạm trán gần đây ở vòng loại U23 châu Á, vòng loại World Cup 2022 hay gần nhất là SEA Games 30 khẳng định điều đấy.

Tiếp theo là gì?

Sau hai năm vàng của bóng đá Việt Nam (AFF Cup và SEA Games), bước tiếp theo sẽ là gì?

Chúng ta rõ ràng không cần phải thỏa mãn cuộc rượt đuổi để quân bình “tỉ số” vô địch SEA Games với người Thái. Thậm chí cũng không thể cứ quanh quẩn tự hào với danh hiệu “vua Đông Nam Á”. Người Thái đã từng như thế, để rồi khi bước ra những sân chơi lớn thật sự, như một lần hiếm hoi họ vào được tới vòng loại thứ ba của World Cup, thì lại thua tan nát và ra về trong cay đắng trước những đối thủ lớn thật sự, những đội hàng đầu châu Á.

Ông Park khi thương thảo hợp đồng với những người làm bóng đá Việt Nam thì điều khoản khiến ông rất khó chịu là chức vô địch SEA Games cùng lứa cầu thủ U22+2. Cho đến khi ông ngồi lại với những cấp cao hơn của ngành thể thao thì ông mới hiểu được vì sao chiếc HCV SEA Games, dẫu ít quan trọng trong mắt một nhà chuyên môn như ông, lại là then chốt với cả giới lãnh đạo liên đoàn bóng đá lẫn không ít người hâm mộ. Thậm chí ông từng thốt lên rằng tại sao ở Việt Nam người ta lại mong mỏi chiếc HCV SEA Games hơn là đi dự World Cup!

Đêm 10-12 thì cái điều khoản từng làm ông Park rất khó chịu kia đã được thỏa mãn. Giờ vị HLV người Hàn Quốc hẳn sẽ yên tâm hơn để hi vọng bóng đá Việt Nam được đầu tư nhiều hơn, tạo ra đòn bẩy để chinh phục từng nấc thang cao hơn, cũng chính là điều ông thực sự nhắm đến.

Đã vô địch AFF Cup và SEA Games thì tiếp theo là nấc thang nào cho bóng đá Việt? Bóng đá Thái Lan từng thừa mứa những ngôi vô địch khu vực như thế và từng nghĩ xa hơn, tới các giải châu Á hay World Cup, những điều tới giờ vẫn chưa thành hiện thực, thậm chí là xa vời.

Bóng đá Việt Nam thì đã thay đổi bản đồ bóng đá Đông Nam Á, nhưng để tránh được vết xe đổ Thái Lan ở những sân chơi được nâng tầm không phải là chuyện dễ. Ông Park, sau những thành công với bóng đá Việt Nam, rất thường nhắc đến hệ thống đào tạo trẻ ở Hàn Quốc quê hương ông, với cả trăm lò đào tạo. Con số đó ở Việt Nam lúc này mới chỉ đếm trên đầu ngón tay và sự tồn tại của những lò này vẫn phụ thuộc vào sự yêu ghét có thể trở nên thất thường của các ông bầu.

Thời điểm này, chúng ta đang là đội bóng số 1 Đông Nam Á, nhưng điều quan trọng không phải là giữ ngôi số 1 đấy bằng cách so đọ với các quốc gia Đông Nam Á khác. Những người làm bóng đá sẽ cần phải nghĩ xa hơn và đầu tư nhiều hơn cái khuôn khổ bóng đá khu vực mà lâu nay nhiều người vẫn lấy làm thước đo thành tích để báo cáo thành công hay thất bại của cả một nền bóng đá.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận