Cha, con và xe buýt và thành phố...

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN 07/02/2018 02:02 GMT+7

TTCT - .... Và rồi soi vào mắt trẻ thơ để thấy rằng người ta đâu thể tự đắc mình thấu hiểu thành phố chỉ bằng những kinh nghiệm, định kiến hay thậm chí bằng tri thức.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

 

“Ba, hồi nãy ba huýt gió bài gì mà sao cô đó la ba dữ vậy?”.

“Ba huýt gió một bài hát vui, nhưng chắc cổ không thích nghe”.

“Cổ nói đi xe buýt mà huýt gió là xui. Đúng không ba?”.

“Không phải đâu. Chỉ là lúc đang căng thẳng, người ta không cần đến những thứ như âm nhạc...”.

Đó, một chuyến lang thang trong thành phố bằng xe buýt đôi khi kết thúc chẳng có hậu chút nào. Lòng trí kẻ lãng du đang thơ thới, chu miệng huýt sáo một khúc nhạc vui liền bị bà nhân viên thu tiền xe buýt tiến đến mắng sa sả: “Có hú huýt gì thì về nhà đóng cửa mà hú huýt. Ngồi hú huýt trên xe bộ kêu ma kêu quỷ hả cha nội?”.

Thằng con ngồi đưa mắt ngó cái mặt sượng sùng đang thuỗn ra của cha, ngó sang ánh mắt long sòng sọc của bà già kia, miệng nó mếu theo hình một dấu hỏi nằm ngang.

Từ hồi bạn nhỏ được ba tuổi, cứ mỗi cuối tuần, hai cha con thường xếp đồ đạc vô balô, nhảy lên xe buýt đi lang thang thăm thú nơi này, nơi kia trong thành phố, coi như đây là lớp học ngoại khóa một thầy một trò. Các chuyến đi thường không có kịch bản, đi thấy vui ở trạm nào thì nhảy xuống, ngó nghiêng, hỏi han, ăn uống đủ món... Cuộc rong chơi đó lâu dần hình thành thói quen ưa thích khám phá nơi bạn nhỏ.

Nhưng trước hết là tạo cho bạn nhỏ một số kỹ năng: biết lên xe buýt thì mua vé, nói chuyện với người soát vé thế nào, khi xuống xe phải la lớn “có em bé” và cẩn trọng ra làm sao, biết tự chuẩn bị những gì cần thiết cho một chuyến phiêu lưu nho nhỏ, một tour bỏ túi.

Người cha, đổi lại, tìm được cảm giác bình yên khi nhìn vào đôi mắt trong trẻo háo hức của con trai lúc ngắm nghía thành phố trôi ngoài cửa sổ xe buýt, khi nó hỏi han cái nọ cái kia với sự hứng thú, hiếu kỳ và ngạc nhiên. Cửa nhà, đường sá, công viên, sông rạch, con người... tất cả, thành phố đang đi vào giác quan của một đứa trẻ bằng mùi vị, thanh âm, hình ảnh, có thể sờ chạm và cảm nhận thật gần gũi, thân thương (dù đôi khi có chút trục trặc không như ý!).

Thành phố không còn là những thứ xa lạ nằm ngoài khả năng nắm bắt, mà thành phố đang sống, được hiểu và thanh lọc trong đôi mắt của trẻ thơ, của một thị dân bé nhỏ. Mọi quan hệ chao chát, gắt gỏng giữa con người trở nên hồn nhiên, hòa ái, mọi hiện tượng đời sống chộn rộn bất an được hóa giải trở nên trong veo, thiện lành...

Một hôm, bạn nhỏ hỏi: “Ba thấy tòa nhà Bitexco giống cái gì?”. “Giống cái máy hút bụi”. “Con lại thấy giống củ cà rốt”. Ngẫm lại thấy củ cà rốt chẳng phải ngọt ngào bổ dưỡng hơn cái máy hút bụi trong não trạng người cha luôn ám ảnh bởi đủ thứ chất lượng môi trường đó sao?

Rồi cũng hiểu rằng cái cách mà biểu tượng thành phố lớn lên cùng con mắt những thị dân nhỏ tuổi có khi chỉ đơn giản là vậy, bắt đầu từ hình hài một củ cà rốt, chẳng có gì to tát, chẳng mảy may định kiến gì. Sự đổi thay của một thành phố trong con mắt một đứa trẻ thơ ngộ nghĩnh, chẳng giữ lấy một gai nhọn tri kiến nào!

Hoàng Tử Bé với gã phi công rơi máy bay trong sa mạc trong văn của Antoine de Saint-Exupéry, hay chú lừa Platero và gã chủ nhân thi sĩ trong văn Joan Ramón Jiménez có lẽ cũng đã có những cuộc đối thoại tương tự, dù bối cảnh có thể là bầu trời, nơi những tinh cầu lang thang hay ngôi làng bình yên, xa vắng ở xứ Tây Ban Nha.

“Ba, sao người chú kia vẽ quá trời hình những con thú hung dữ vậy ba?”, “Ba, sao công viên thì có nhiều cây?”, “Ba, vì sao kẹt xe vậy?”, “Ba, sao mấy chú tài xế xe buýt hay hầm hầm cái mặt vậy ba?”, “Ba, vì sao người ta không ở trên cây như mấy con chim mà phải xây nhà cao như vậy?”... Tại sao và tại sao.

Liên tục những câu hỏi đòi hỏi khả năng ứng đáp theo một tư duy trẻ thơ, lắm khi đánh đổ mọi thứ xác quyết bấy lâu cứ tưởng đã “giải quyết xong trong nhận thức” của người cha có đến nửa thời gian cuộc đời sống quen với phố xá. Những trang sách thực tế mới mẻ, đầy xúc cảm về thành phố vẫn đang mở ra trong mắt con trẻ. Thành phố sống động và linh hoạt, cởi mở và đầy tinh nghịch.

Và rồi soi vào mắt trẻ thơ để thấy rằng người ta đâu thể tự đắc mình thấu hiểu thành phố chỉ bằng những kinh nghiệm, định kiến hay thậm chí bằng tri thức.

Vậy thì cái lớp học một trò một thầy trên xe buýt vào mỗi sáng thứ bảy có khi kẻ được phân vai làm học trò phải là đứa bé tuổi gần bốn mươi. Học sự tươi mới, hồn hậu trong cuộc sống, học sự háo hức rộn ràng để mở ngỏ đón nhận những gì lạ lẫm trong cái thế giới đô thị mà mỗi người lớn đang có nguy cơ tự đóng mình vào những chiếc khuôn nhàm chán năm này qua tháng khác. Muộn phiền bực dọc hay những chộn rộn bức xúc nhất thời tạm gác lại, để cảm nhận cuộc sống với con mắt khác, chiều kích khác.

Dần dà, trong những chuyến du ngoạn ngắn ngủi đó, người cha nhận ra mình cần làm mới mẻ hình ảnh thành phố trong chính tâm hồn mình, vì cuộc sống đang là một chuỗi tuyệt mù những tiếp biến. Còn bạn nhỏ ấy (nay đã 5 tuổi!) vẫn không ngừng muốn biết nhiều thêm về cái thế giới lạ lùng và hấp dẫn có tên “thành phố”; không ngừng đặt ra những câu hỏi về “tinh cầu” nó đang lớn lên, gắn bó. Và từ đây, sẽ khởi sự những cuộc du hành đến những thành phố khác trên mặt địa cầu...

Thành phố vẫn trôi bên ngoài cửa kính xe buýt, bồng bềnh, gập ghềnh, xao động, huyên náo, đổi thay...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận