“Chọn một cách đen tối để kể chuyện tình”

CÁT KHUÊ 16/04/2015 19:04 GMT+7

TTCT - Trước khi ra mắt khán giả Việt, Dịu dàng đã được biết đến bởi chu du qua nhiều liên hoan phim. Một đạo diễn Việt kiều sống ở Mỹ, một câu chuyện Việt lấy cảm hứng từ một truyện ngắn Nga được quay bởi một quay phim người Pháp. Hẳn nhiều người muốn biết Lê Văn Kiệt đã làm ra sao?


Đạo diễn Lê Văn Kiệt (phải) với diễn viên Dustin Nguyễn (vai Thiện) trong một cảnh quay Dịu dàng - Ảnh nhân vật cung cấp

Tôi có lòng tin vào khán giả Việt

Lựa chọn câu chuyện của một nhà văn rất Nga là Dostoyevsky, anh nghĩ rằng mình đem được bao nhiêu tinh thần của tác giả vào phim?

- Ngay từ khi bắt đầu tôi đã cố gắng hết sức nắm bắt cảm xúc của cái cớ để Dostoyevsky viết câu chuyện. Tôi không muốn bị ảnh hưởng bởi bất kỳ bộ phim nào từng chuyển thể câu chuyện này (có sáu phim đã chuyển thể truyện Một sinh vật dịu dàng của Dostoyevski). Vì vậy, tôi cố giữ đúng nguyên bản được chừng nào hay chừng đó trong khả năng có thể.

Câu chuyện được viết từ điểm nhìn của một người đàn ông (Thiện), trong suốt câu chuyện khi ông cố gắng để đối mặt với cái tôi của mình. Điều này làm cho câu chuyện có nhiều lớp lang và đôi khi anh ta lại là một người kể chuyện không đáng tin. 

Tôi nghĩ Dostoyevski muốn tạo ra một người kể chuyện thông thái, biết rõ mọi chi tiết nhưng không thể quyết định được việc đổ lỗi cho mình hay cho thế giới. Điều đó đối với tôi giống như nhận thức của con người về Chúa. Và đây cũng chính là lý do tôi muốn đưa đề tài đức tin vào kịch bản của mình.

Đó là nguyên nhân tại sao kịch bản mà tôi viết cố gắng khai thác ý tưởng rằng mặc dù anh ta (Thiện) biết tất cả chi tiết trong cuộc đời mình, anh ta vẫn không thể nào tha thứ cho bản thân vì câu chuyện bi thảm này. Tôi không nghĩ mình sẽ có thể hiểu được cảm xúc thật sự của tác giả một cách chính xác bởi vì tôi tin mỗi nghệ sĩ có quyền đối với tác phẩm của mình và có một cách hiểu, cảm nhận tác phẩm của riêng mình. Vì vậy, tôi coi bộ phim này như một tác phẩm của mình với cái nhìn riêng của tôi nhưng cũng là sự cùng hợp tác và chịu ảnh hưởng bởi một nhà văn giống như sáu tác giả phim khác đã từng làm...

Truyện ngắn Một sinh vật dịu dàng của Dostoyevsky là câu chuyện tự kể của một người xưng tôi là chủ tiệm cầm đồ sau cái chết của cô vợ 16 tuổi. Phim Dịu dàng của Lê Văn Kiệt khá trung thành với nguyên mẫu truyện ngoại trừ sự sáng tạo thay vì quá khứ của chủ tiệm cầm đồ trong truyện của Dostoyevsky là một thời gian đi lính, sống trong một trung đoàn thì quá khứ của Thiện lại là thời gian sống ở trường dòng. 

Dịu dàng là một phim thiên về bi kịch nội tâm, phim ít thoại (ngoại trừ những đoạn liên quan đến hai bà dì của Linh), bối cảnh hẹp và tù túng, diễn viên ngoại trừ Dustin Nguyễn, còn lại là những người ít biết mặt, thậm chí là quá mới như Thanh Tú. 

Phim rõ ràng là một “cuộc chơi” có chủ ý của đạo diễn khi không màng đến những chiêu trò quá câu khách như mời ngôi sao, sử dụng yếu tố hài hước hoặc bạo lực hoặc sex để lôi kéo khán giả. Vì thế Dịu dàng kén người xem và cũng vì thế mà sau khi ra mắt báo chí ở TP.HCM, Kiệt có nói đùa với người viết: “Bây giờ tôi phải đi làm phim thương mại đây, hiểu rồi ha”. 

Trong thời buổi phim thương mại hiện nay, tại sao anh lại làm Dịu dàng, như anh từng xác định sẽ làm phim “không dành cho số đông khán giả”?

- Tôi không thể chắc rằng mình có thể dự đoán những gì khán giả thích hoặc không thích. Nhưng tôi có lòng tin vào khán giả Việt. Tôi tin khán giả đã được xem hầu như tất cả các thể loại phim mà thế giới có, và tôi thấy khán giả Việt cũng rất tinh tế khi xem phim như bất kỳ khán giả ở nước nào.

Vì vậy, tôi tin là phim của tôi không phải là sự thách đố với họ. Tất nhiên tôi đồng ý là dẫu sao điều tôi tin tưởng cũng không thể ấn định cho tất cả mọi người. Tôi chỉ nghĩ như một nhà làm phim rằng tôi cần phải thành thực với chính mình càng nhiều càng tốt bởi vì khi đó khán giả sẽ cảm nhận được cảm giác đó.

Nhưng lý do gì anh xây dựng hình ảnh hai bà dì “xôi thịt”? Vì theo một số khán giả yêu tinh thần Nga trong các truyện của Dostoyevsky thì hai bà dì trong Dịu dàng của anh quá “chủ nghĩa tự nhiên”, phá hỏng ít nhiều cảm xúc của phim?

- Câu chuyện của hai bà dì trong truyện của Dostoyevsky với tôi rất là kinh điển. Họ đóng vai trò như cái neo trong sự tồn tại của Linh. Tôi cảm thấy vai trò mạnh mẽ của họ vì họ như một thứ để nhắc nhở rằng số phận của Linh lẽ ra nên như thế nào, trong một thế giới tự nhiên và căn bản. 

Đây là sự tương phản mạnh với thế giới tâm lý lặng lẽ của Thiện, nơi anh ta dùng sự mâu thuẫn làm lý lẽ. Ý tưởng đẩy hai bà dì (ồn ào, đanh đá) đến mức cùng cực nhưng hơi phóng đại một chút là để tôi xây dựng một hình ảnh tương phản cho thế giới mà tôi muốn khám phá.

 

 

Hay vì bản chất của câu chuyện nằm ở chỗ sự xung đột không thể tìm lối thoát của hai cách sống, hai văn hóa mà Linh và Thiện là đại diện?

- Bộ phim đã được biên tập và dàn dựng như một trò “roulette Nga” với cuộc chơi bắt đầu ngay từ đầu bằng chính mối quan hệ của Linh và Thiện. Khán giả có thể thấy đi thấy lại nhiều lần hình ảnh cánh tay cầm khẩu súng đang ngắm bắn. Và khi khán giả thấy lần cuối cùng nòng súng đang ngắm bắn thì chính khán giả có thể quyết định rằng viên đạn có nằm trong nòng súng hay không...

Tôi không muốn bộ phim của mình là một bài văn bình luận về một cuộc hôn nhân thất bại. Tôi muốn mang đến cho khán giả câu chuyện về hai con người đang cố gắng tìm một tình yêu chung trong một thế giới với quá nhiều tương phản. Nhưng cuối cùng, cốt lõi cơ bản của phim là một câu chuyện tình yêu. Thiện và Linh thật sự rất yêu nhau và họ luôn cố gắng để xây dựng và duy trì mối quan hệ này. Nhưng họ cần phải hi sinh cái gì đó trong cá nhân họ để có thể tồn tại bên nhau. Sự hi sinh - cuối cùng đã được Linh “thực hiện” và Thiện khi đó mới được “đánh thức”, nhưng anh ta đồng thời cũng phải chịu tan vỡ trái tim mình.

Đó kể ra đúng là một cách đen tối để kể một câu chuyện tình yêu nhưng lại là cách mà tôi nghĩ sẽ đem lại sự tranh cãi thú vị về thứ tình yêu phức tạp dù ban đầu nó có vẻ như đến một cách khá dễ dàng...

Thường thì người ta sẽ có những ám ảnh liên quan, trong trường hợp của Dịu dàng, ám ảnh của anh là gì?

- Những hình ảnh ấn tượng nhất mà tôi có trong bộ phim là sự câm lặng, sự câm lặng có thể rất tàn độc và ép người ta xuống. Đó là lý do tại sao tôi tập trung nhiều vào hình ảnh của bộ phim này, vì tôi muốn có một bộ phim nói được rất nhiều điều mà không bằng sự ồn ào của đối thoại, âm nhạc hoặc phải sử dụng đến các hiệu ứng âm thanh. Tôi đã luôn muốn chuyện phim được chuyển tải thông qua những hình ảnh mạnh mẽ.

Bằng cách đặc biệt nào đó, phim tôi thường rủi ro! 

 Trước khi ra rạp Việt, Dịu dàng đã là một trong năm đại diện VN được liên hoan phim quốc tế lớn nhất châu Á - Busan (Hàn Quốc) chọn trình chiếu world premiere (từ ngày 2 đến 11-10-2014), sau đó phim đến Liên hoan phim quốc tế Warsaw (Ba Lan, từ ngày 10 đến 19-10-2014) và Liên hoan phim quốc tế Cairo (Ai Cập, từ ngày 9 đến 11-11-2014). 

Kiệt còn làm hai phim Bẫy cấp ba và Rừng xác sống (không được chiếu ở VN). 

Anh làm rất nhiều thể loại phim thường với mức kinh phí không cao. Tại sao anh sẵn sàng làm vậy thay vì chờ đợi để “chơi” một cú thật tốt như một phim có nhiều tiền thỏa sức mà sáng tạo?

- Tôi chưa từng nghĩ về điều này và đây là một câu hỏi hay đấy. Có lẽ tôi nên đòi hỏi nhiều tiền hơn cho những lần làm phim sau (cười). 

Trên thực tế, mỗi bộ phim là một cuộc phiêu lưu khác nhau. Nó cũng giống như việc thai nghén một đứa trẻ và cách bạn nuôi dạy nó như thế nào sẽ quyết định việc nó trưởng thành ra sao. Kinh phí cho một phim kinh dị đương nhiên sẽ khác với một phim tâm lý hay hành động. Tôi không làm phim vì kinh phí. Tôi nghĩ mọi người làm phim đều sẽ làm bộ phim mà chính họ cũng muốn đi xem.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn làm một bộ phim mà đông đảo khán giả sẽ muốn xem. Nhưng những phim tôi đã làm cho đến nay còn hơi mới ở VN và đặc biệt cách tôi làm dường như đôi khi là rủi ro. 

Vì vậy, một cách tự nhiên, mọi kinh phí làm phim phải được tính toán hợp lý cho cả những rủi ro nữa. Nhưng thật ra tôi thấy điều này cũng bình thường và đúng ra thì một bộ phim cũng chính là một sản phẩm thương mại mà cuối cùng phải thu lại được vốn...

Anh thấy vấn đề nào của khán giả Việt là vấn đề lo ngại với người làm phim? Và ngược lại, họ có gì là những may mắn cho người làm phim?

- Tôi nghĩ việc sản xuất phim đã từng khó khăn nhưng chính vì khó khăn này mà chất lượng phim đã trở nên tốt hơn. Tôi cũng nghĩ khán giả chỉ mới bắt đầu cảm thấy thoải mái với việc có thể thấy chính họ trong các bộ phim. Và điều này lại làm các nhà làm phim đôi khi rất lo lắng bởi các đạo diễn thường không đoán trước được phản ứng của khán giả. 

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm tuyệt vời để khám phá và thể hiện cảm xúc bởi vì khán giả cần thấy câu chuyện của họ được nói ra và tôi tin rằng nhu cầu ấy sẽ trở nên mạnh mẽ hơn qua thời gian.

Tôi vẫn luôn xem mình như một sinh viên điện ảnh phải học tập hằng ngày về cách làm sao có được một bộ phim hay từ một nền tảng kỹ thuật và nghệ thuật mà mình có. Làm một bộ phim luôn là việc khó ở bất kỳ quốc gia hoặc môi trường nào, điều này sẽ không thay đổi.

Anh sẽ còn muốn tác phẩm văn chương nào lên màn ảnh? Và lý do là...?

- Tôi đã luôn muốn chuyển thể với câu chuyện của một nhà văn VN. Tôi từng tiếp cận một câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư và tôi nghĩ đó có thể là một câu chuyện phim của mình trong tương lai. Nhưng tôi cũng đang tìm kiếm và khám phá những nhà văn khác.

Tôi biết có rất nhiều nhà văn lớn ở VN và họ có những câu chuyện tuyệt vời để tôi có thể chuyển thể. Tôi đã học được rất nhiều từ việc chuyển thể Dịu dàng, và tôi cảm thấy tự tin rằng mình có thể chuyển thể thành phim một câu chuyện Việt khác. Lý do quan trọng là bởi tôi đã được hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều để “cảm giác Việt” chính xác và tin cậy.

Cảm ơn anh.      

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận