"Đạo văn là ăn cắp cộng với đạo đức giả"

TRẦN NHÃ THỤY 28/04/2010 18:04 GMT+7

TTCT - Vụ ban nhạc Ngũ Cung đạo nhạc (báo Tuổi Trẻ, 18-3-2010) chưa lắng thì thêm chuyện nực cười “mượn thơ dự thi” ở Kiên Giang (báo Tiền Phong, 7-4-2010), ngay cả hình chụp studio, bìa đĩa nhạc cũng được người ta đua nhau “đạo” (Tuổi Trẻ, 14-4-2010)... TTCT trò chuyện với tiến sĩ Ngô Tự Lập từng quan tâm nghiên cứu và viết về “Nguồn gốc văn hóa của đạo văn”...


Tiến sĩ Ngô Tự Lập - Ảnh: Minh Trí

“Việc chấm bài hiện nay là... đề cao trình độ đạo văn”

* Thưa ông, với quan sát cá nhân, ông đánh giá vấn nạn đạo văn tại VN đang ở mức độ như thế nào?

- Tôi cho rằng đạo văn hiện đang rất phổ biến và đó là điều đáng xấu hổ. Với tư cách một nhà giáo, thú thật là tôi rất xấu hổ về tình trạng đạo văn ở nhà trường VN. Nhưng không chỉ có sinh viên đạo văn. Rất nhiều người nổi tiếng, trong đó có cả nhà văn, nhà giáo cũng có đạo văn dưới nhiều hình thức khác nhau.

Ngoài những hình thức đạo văn thông thường, còn có những hình thức “kín đáo” hơn, chẳng hạn lấy ý kiến của người khác rồi viết lại y như mình nghĩ ra. Hay việc một vị PGS ở Hà Nội không biết tiếng Pháp đi thuê một học giả nổi tiếng ngoài 80 tuổi dịch một tác phẩm lý luận, sau đó đứng tên “đồng tác giả” mà lại đặt tên mình lên trước.

* Vậy đạo văn bắt nguồn từ đâu?

- Như tôi đã viết trong bài “Nguồn gốc văn hóa của đạo văn”, nguyên nhân sâu xa của tình trạng đạo văn là truyền thống giáo dục áp đặt và giáo điều mà cho đến tận ngày hôm nay chúng ta vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu. Phương pháp giáo dục của chúng ta hiện nay vẫn vậy. Các thầy cô giáo đọc sách rồi truyền đạt cho học sinh và đòi hỏi các em phải nhớ. Em nào thuộc lòng và chép lại chính xác bài giảng của thầy sẽ được điểm cao - một ví dụ là bài văn được điểm 10 trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2006.

Những bài viết không hoàn toàn giống với bài giảng của thầy sẽ được điểm thấp hơn. Về bản chất, dạy học như vậy chính là dạy đạo văn, và việc chấm bài cũng đề cao... trình độ đạo văn.

* Như thế, đạo văn là hệ quả của cách dạy “đọc - chép”. Nhưng cũng có nghĩa là không đạo văn thì không xong?

- Đúng vậy. Lối dạy “đọc - chép” khiến cho các em nhầm tưởng rằng các kiến thức trong sách hay trên mạng đều là vô chủ hoặc là sở hữu chung, ai cũng có thể sử dụng mà không cần phải quan tâm đến tác giả của chúng. Cũng có thể xem việc thiếu sách là một nguyên do nữa. Nếu cả thầy và trò chẳng có gì để đọc ngoài cuốn giáo trình thì thử hỏi các em sẽ học như thế nào nếu không học thuộc lòng?

Còn không đạo văn cũng không xong ư? Tôi cho rằng đạo văn xuất phát từ lòng tham, nhưng sâu xa mà nói đạo văn phản ánh sự tự ti. Vì không dám tin là mình có thể làm một điều gì đó có giá trị, không dám dấn thân trong khi lại muốn nổi tiếng, muốn thăng quan tiến chức, vậy là làm liều.

Về mặt đạo đức, đạo văn chính là sự ăn cắp, nhưng là thứ ăn cắp tồi tệ hơn ăn cắp thông thường. Bởi ăn cắp thông thường chỉ là chiếm đoạt một cách vụng trộm tài sản của người khác. Còn đạo văn là ăn cắp cộng với đạo đức giả.

“Đang tràn lan sự vô cảm”

* Phải chăng những người càng giỏi thì lại “đạo” nhiều, hay nhờ “đạo” nhiều mà giỏi?

- Tôi không nghĩ như vậy. Không hề có chuyện người càng giỏi càng “đạo” nhiều. Theo tôi, đạo tác phẩm nhiều nhất là những người “chân không đến đất cật không đến giời”. Nghĩa là anh ta không phải hạng dốt nát, cũng có đôi chút kiến thức và thường là có bằng cấp hoặc ít nhiều danh tiếng. Nhưng anh ta không phải người có tài lớn, ít nhất là ở mức anh ta mong muốn.

Dưới áp lực của việc phải có “tác phẩm” xứng với cái danh (và nhiều khi kèm theo là chức vụ), anh ta không chống chọi lại được cám dỗ và tặc lưỡi làm liều.

* Cách xử lý của một số nước trên thế giới về chuyện đạo văn như thế nào?

- Ở các trường đại học Pháp, Mỹ mà tôi từng biết, sinh viên đạo văn sẽ bị đuổi học, giáo sư đạo văn sẽ bị đuổi việc. Đó là cách xử lý thông thường ở mọi nơi, trừ ở VN.

* Còn ở VN, rất nhiều vụ đạo văn cuối cùng chỉ dừng lại ở “nghi án” rồi chìm xuồng. Không có một nơi nào, một hội đồng nào làm công việc xử lý những vụ đạo văn.

- Đúng là ở ta có tình trạng đó. Có nhiều lý do nhưng tôi muốn nói đến những lý do sau:

* Trước hết, trong xã hội ta hiện nay đang lan tràn sự vô cảm đối với bất kỳ những thứ gì thuộc về cộng đồng. Có lẽ đó là phản ứng về việc chúng ta đã nói quá nhiều và quá hình thức về tinh thần tập thể chăng? Ông ta có đạo văn thì đạo văn ai đó, và có là vẩn đục đời sống tinh thần nhưng đời sống tinh thần là của chung thì có chết ai?

Lý do tiếp theo là tình trạng đạo đức xuống cấp một cách phổ biến. Trong một xã hội không ít nạn tham nhũng, hối lộ, nơi hễ dựng xe là sợ mất, nơi mà ngay cả nông dân cũng để dành rau sạch cho nhà mình và bán rau phun thuốc trừ sâu cho người khác..., thì chuyện đạo văn cũng được xem là “chuyện nhỏ”.

* Xem đạo văn là “chuyện nhỏ” và ứng xử với nó cũng bình thường. Theo ông thì có bình thường không?

- Rất nhiều điều bình thường ở nước ta lại rất không bình thường ở những nước khác. Không chỉ đạo văn, mà cả đi muộn, vượt đèn đỏ, tiểu bậy, lấn chiếm đất công, hối lộ cảnh sát, ném chuột chết ra đường, chạy trường, mua điểm, rồi còn chạy chức, chạy giải thưởng, chạy giáo sư... Tôi không thể kể hết được.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Có nguồn gốc từ... nhà trường!

Sao chép văn tự của người khác không phải bây giờ mới có, xưa kia người ta cũng làm, nhưng người xưa sao chép để học tập, không cốt để nổi tiếng hay làm ăn. Người viết cũng khiêm nhường, không coi mình là sáng tác mà chỉ là thuật lại. Ngay Khổng Tử cũng nói rằng mình “thuật nhi bất tác” (thuật lại chứ không sáng tác).

Tôi thấy người xưa làm văn, làm thơ ban đầu cũng sao chép, bắt chước, như là một lối học, gọi là tập cú. Nhưng có một điểm rất khác biệt, người xưa chú trọng việc giáo dục nhân cách, lòng tự trọng, chính nhân, nên ai chép thì bảo mình chép, không lợi dụng sang việc khác. Đặc biệt ở những người làm thuốc thì đương nhiên người nọ phải chép của người kia mà thực nghiệm.

Việc đạo văn hay tranh bây giờ nằm trong hoàn cảnh khác hẳn, việc tham nhũng hối lộ là phổ biến, trộm cắp cũng không hiếm, nên người ta dễ coi việc chép văn, chép tranh còn “sang trọng” hơn. Nguồn gốc của đạo văn có lẽ bắt đầu từ trong nhà trường với cách dạy dỗ có nhiều bất cập.

Trong những năm đi dạy học (trong ngành văn hóa nghệ thuật) tôi có để ý như sau: trước những năm 1990, hơn 90% sinh viên tự viết được luận văn, chứng tỏ việc học ở phổ thông và ý thức tự giác khá tốt.

Từ năm 1990-1995, tỉ lệ này xuống 50%, nghĩa là còn lại một nửa sinh viên phải sao chép nhằng nhịt, khâu vá cho thành bài.

Từ sau năm 1995, chỉ có 30% tự làm được hoàn toàn, 30% xào xáo nhưng còn biết cách chép, 30% hoàn toàn không viết nổi một bài văn ngắn cho đúng câu cú. 10% còn lại rất khá, có nhiều kiến thức và độc lập suy nghĩ, nhưng tiếc rằng họ lại thường không được khuyến khích, thậm chí rất vất vả để tốt nghiệp.

Hiện chương trình giáo dục đại học rất cứng nhắc, các vị giáo sư tiến sĩ chủ chốt đều dừng học hành từ năm 1960, 1970, 1980 (trong các ngành văn hóa nghệ thuật). Phần lớn họ không hay biết gì học thuật hiện tại và cập nhật. Do đó họ cũng không muốn sinh viên khám phá sáng tạo hay đưa ra ý kiến mới gì. Cái này rất phù hợp với xu hướng an phận thủ thường chiếm đến hơn nửa sinh viên bây giờ.

Tôi biết hiện các trường đại học được phép thay đổi từ 20-25% chương trình, tỉ lệ đó cũng không nhỏ, nhưng đại bộ phận giáo viên lại chẳng dùng đến cái quyền đó (vì đã không được gì lại lôi thôi).

Thế thì thôi cứ những đề tài thế này mà làm cho dễ và không bao giờ sai: Tính hiện thực trong văn học cách mạng; Hình tượng người phụ nữ trong hội họa Việt Nam hiện đại; Tính dân tộc trong tranh dân gian Đông Hồ, chùa Tây Phương, chùa Bút Tháp... Đó là những bài thuốc thập toàn đại bổ, chẳng làm chết ai nhưng chẳng tác dụng gì, gọi là tham khảo cho hay.

Theo tôi, để hạn chế đạo văn, nhà trường nên cho sinh viên làm luận văn theo hướng không thể chép được ở đâu, miễn là tôn trọng ý kiến cá nhân và phê phán của họ.

NGÔ TỰ LẬP


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận