Du lịch hạng sang đã thay đổi

LÊ MINH NGUYỄN (BỈ) 25/12/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Dân ghiền xi nê ở Việt Nam hẳn biết những bộ phim khá đình đám của Holywood: The tourist (Du khách), Murder on the Orient Express (Án mạng trên tàu Orient Express) với các tên tuổi gạo cội Angelina Jolie, Johnny Depp, Penélope Cruz… Điều thú vị, du lịch hạng sang (luxury tourism) phản chiếu rất chi tiết và sinh động trong những phim này.

 
 Hotel Santa Caterina

Ngoài cốt truyện hấp dẫn, tài tử trứ danh, khán giả còn bị cuốn hút bởi những yếu tố ngoại cảnh: khách sạn Danielli thuộc hạng lâu đời và đắt đỏ nhất ở Venice (Ý), tàu lửa Orient Express lừng danh về những hành trình xuyên lục địa thời thượng mà mỗi chuyến đi vài ngày trị giá vài chục ngàn euro. 

Rồi những chi tiết về cách chào đón khách cẩn trọng và giữ lễ, từ động tác đỡ mâm, bê ly rượu, cách bước chân, giữ khoảng cách riêng tư ở chốn công cộng… được thể hiện trong phim khá tinh tế.

Du lịch hạng sang được hiểu một cách biểu tượng như thế.

Ông già Nam kỳ ở Santa Catarina

Những năm đầu mới vào nghề, có lần tôi đi công tác đến khách sạn Santa Catarina, thuộc hạng tăm tiếng bậc nhất ở Ý. Khách sạn có từ thế kỷ 19, không nổi tiếng vì sự xa hoa lộng lẫy, mà là nơi “ẩn nấp” của những hào quang muốn lui về hậu trường, tìm lại sự yên tĩnh cho tâm hồn. 

Khách tới đây có thể kể những tên tuổi: Churchill, Caruso, gia đình Clinton, Pavarotti…

Một buổi sáng đẹp trời bên bờ biển Amalfi xanh biếc, tôi vào khách sạn, làm thủ tục nhận phòng. Sảnh chờ vắng lặng, ngập gió và nắng. Nhân viên lễ tân đi đâu mất. 

Một ông già xỏ đôi giày lười (không vớ), quần áo vải thô, da sạm nâu, mặt chi chít nếp nhăn…thân ái đón tôi, rót cho tách trà, ân cần hỏi có mệt không rồi dẫn đi một vòng, say sưa kể về vườn chanh năm nay quả sai lắm, tí nữa ăn trưa nhớ phải thử limoncello ông tự làm…

 Tôi quên khuấy mất mình là khách, chỉ thấy giống như đang về quê. Và ông thì giống như ông nội mình ngày xưa. Vài hôm sau, tôi mới biết ông là chủ, là hậu duệ đã góp phần gìn giữ tiếng tăm của khách sạn huyền thoại này tại Ý và châu Âu.

Ông làm tôi liên tưởng đến chuyện ông già miền Tây thời Pháp thuộc, bận đồ bà ba cũ, chống gậy vào hãng xe hơi ở Sài Gòn mua một trong ba chiếc xe mắc tiền nhứt Nam Kỳ thời đó!

Trong khi khách hàng còn “choáng ngợp” với luxury như thấy trong phim ảnh, chữ “luxury” trong ngành du lịch lại đang âm thầm dịch chuyển sang một nghĩa khác. 

Hiểu đại khái, nó phải đem lại những trải nghiệm mới mẻ nhưng lại gần gũi, khai thác được những niềm vui sâu kín của khách mà chính họ đôi khi cũng không biết. 

Từ “luxury” trở thành cái gì đó không nhìn thấy được, không sờ mó được, chỉ có thể cảm nhận được bởi cá nhân du khách đó. Ngôn ngữ điện ảnh không mô tả được những cảm nhận “luxury” này.

Cách nay hơn hai mươi năm, khi mới tập tễnh bước chân vào nghề du lịch ở châu Âu, tôi lúc đấy choáng ngợp với du lịch hạng sang nhưng đã sớm “giác ngộ”.

Six Senses Zil Pasyon, Seychelles

 

Truyền thống và hiện đại

Du lịch luxury thường được hiểu theo những khái niệm, tạm gọi: giá cao (expensive), quý hiếm (rarity), đặc quyền dành riêng (exclusivity), thế giá (status), danh vọng uy tín (prestigious), phục vụ đặc biệt (indulgence). Tôi gọi đây là những khái niệm về luxury truyền thống, tạm dịch là hạng sang.

Còn du lịch luxury hiện đại thoát thai từ luxury truyền thống để tạo ra một phân khúc khác, mang yếu tố tinh thần nhiều hơn, với những khái niệm: trải nghiệm (experiment), tính nguyên bản chơn thật (authenticity), giá trị đạo đức (ethics) và tính bền vững (sustainability).

Thoát thai nhưng không đoạn tuyệt, luxury hiện đại vẫn vay mượn vài đặc điểm của luxury truyền thống. Vay mượn đặc điểm nào, vay nhiều hay vay ít… rồi trộn lẫn với những yếu tố luxury hiện đại, trộn nhiều hay ít, gia giảm thế nào tùy theo xu hướng. 

Nhưng chắc chắn, du lịch luxury ngày nay không còn xem tiêu chí “hạng sang” là những yếu tố cần nhấn mạnh - cần thiết nhưng không quan trọng. Điểm chung giữa truyền thống và hiện đại, đó là giá cao, nếu không thì đã không còn gì là…“luxury”!

Vì vậy khái niệm “luxury” trong ngành du lịch ngày nay thật khó định nghĩa chính xác trong vài từ ngắn ngủi, và cũng không biết dịch sang tiếng Việt thế nào, đành giữ nguyên là “luxury” theo nguyên bản. 

Nó thậm chí đã trở thành môn học trong ngành du lịch, có đại học còn đưa ra chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành luxury tourism. 

Tuy nhiên, tính học thuật - academic trong các tài liệu giảng dạy vẫn còn thiếu sót nhiều, chủ yếu là góp nhặt những bài khảo cứu từ giới nghiên cứu. Du lịch luxury cần thời gian để định hình và hoàn thiện.

Hotel Santa Caterina

 

Gắn liền với nguyên bản và chơn thật

Theo truyền thống, du lịch hạng sang là các dịch vụ mà khách hàng trả tiền để người khác làm cho họ, thì với luxury hiện đại, nhiều công đoạn khách sẽ phải tự làm. Ngoài ra, vài phân khúc khách hàng cũng không còn nhu cầu giao tiếp mặt đối mặt nữa. 

Self check-in (không cần tiếp tân), mọi dịch vụ, sắp xếp tiện nghi được điều hành với one touch (chỉ với cú vuốt màn hình). Tóm lại, cắt bỏ càng nhiều càng tốt mọi giao tiếp giữa người và người là xu hướng thời thượng.

Khái niệm phục vụ mà như không phục vụ này nhằm thu hút, lôi cuốn nhóm khách hàng trẻ trung hiện đại, lao đầu vào kiếm tiền bất kể thời gian, bây giờ muốn có năm ba ngày vui chơi theo kiểu riêng của mình, bất cần những giao tiếp rườm rà khách sáo.

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều người tha thiết tiếp xúc đời thật (real life contact). Chuyện về một du khách người Việt, mà tôi đã giới thiệu anh đến nghỉ ở resort khuất nẻo trên núi ở Ubud (Bali), mà tôi nghĩ là phù hợp với anh, là một ví dụ.

Phong cảnh nơi đây thua xa Đà Lạt, Hà Giang. Anh du khách Việt là một nhà khoa học và doanh nhân thành đạt, đi hội nghị, hội thảo, tiệc tùng, khách sạn 5 sao ở nước ngoài là chuyện thường. 

Bước ra khỏi môi trường kinh doanh, anh lại là người ăn mặc xuề xòa, không ưa khách sáo, thích ngồi cà phê, quán nhậu vỉa hè, ăn mì gõ, khi đi du lịch cá nhân lại thích ở mini hotel rẻ tiền để lê la hỏi chuyện chủ nhà… và cũng là dân ghiền đọc sách, văn học cổ điển, triết học… 

Người như thế, nghe đến “luxury” là ớn rồi! Tôi thuyết phục, anh đồng ý với điều kiện chỉ ở một đêm, nếu thích sẽ tính sau. Kết quả, anh ở hai đêm và gửi tin nhắn cho tôi từ Bali, “Đáng đồng tiền!” (giá phòng khoảng 1.500 usd/đêm, không kể phí đưa đón từ sân bay).

Du lịch luxury không đánh giá khách qua bề ngoài. Khách cuốc bộ, cỡi xe đạp hay đi limousine đều nhận được sự ân cần, kính trọng như nhau. Nhân viên của luxury tourism chuyên nghiệp biết một khách hàng xuề xòa có thể là khách giàu nhất và tiềm năng nhất của khách sạn.

Quay lại chuyện người bạn ở trên, vài tháng sau gặp lại, tôi tò mò phỏng vấn. Anh hào hứng: “Tiện nghi khách sạn cũng thường thôi, chưa phải đẳng cấp cao nhất. 

Resort Alila Ubud, Bali

 

Buổi chiều, tôi đi lững thững, ngắm mấy ngọn núi thấp lè tè (cười khẩy), kiếm chỗ ngồi đọc sách. Chợt thấy mấy xe điện chở khách gần sảnh tiếp tân. 

Tôi hỏi, tôi có thể lái xe chạy lòng vòng được không. Bác tài rất vui vẻ, "Yes, Sir ", nhưng tôi không biết lái xe hơi - "No problem" - bác nói rồi lên ngồi cạnh tôi hướng dẫn. Cứ thế tôi chở bác tài đi lòng vòng mọi ngóc ngách trong resort. Đến cổng ra vào, tôi nhảy xuống xe, "Thank you sir", bác tài cũng cười đáp lại rất hài hước".

Rồi tôi thả bộ ra cánh đồng ngay cạnh cổng, ngồi bệt bên bờ ruộng đọc sách, ngắm vợ chồng anh nông dân đang trồng lúa. Lát sau, họ lên bờ, nhìn tôi cười, gật đầu chào. 

Thế là tôi bắt chuyện - Anh biết tiếng Indo? - Không, tụi tôi trò chuyện bằng tay. Tôi hỏi nhà ở đâu, anh trỏ vào chiếc xe máy cũ xì gần đó, rồi lại chỉ về phía mấy nóc gia xa xa, giơ 5 ngón tay - 5 phút lái xe. Hiểu hết mà! Tôi tưởng tôi đang ở miệt Đồng Tháp, chứ không phải trên núi đảo Bali.

Buổi tối ăn ở nhà hàng của khách sạn, tôi gọi món babi guling. Cô phục vụ, sorry không có. Tôi đành gọi món khác nhưng làu bàu, dọc đường từ phi trường đến đây, tôi đã ăn món đó, ngon hơn món thịt quay ở nước tôi! 

Nghe thế, cô gái mắt sáng rỡ lên, món đó là đặc sản của quê cháu. Quê cô ở đâu? - Ở Ubud, Bali, ngay gần đây. 

Cô dọn món cho tôi, thỉnh thoảng vãn khách cô lại đến bàn tôi, kể cách làm babi guling với vẻ tự hào, rồi thêm nhiều món ăn khác ở làng cô nữa, lại còn hỏi ngược lại, quê chú có món gần giống thế không? Cứ chạy bàn, rảnh lại ghé qua tôi kể tiếp. 

Tôi không biết ai là khách, ai là phục vụ. Thiệt vui, tôi uống tới mấy lon bia. Cứ như mình đang ở quán heo hút nào đó tại miền Tây, hỏi cách làm món ăn là bà chủ hào hứng kể mọi chi tiết…”.

Tôi đã từng đi đánh giá (inspection) khách sạn này nên biết rõ. Ở miệt quê này, nông dân vẫn cấy lúa sát khách sạn sang trọng. Họ niềm nở, chân thành mà tự trọng đón du khách. Họ gửi con cái đi làm ở luxury hotels với niềm vui được chia sẻ và bảo tồn văn hóa, truyền thống của mình.

Khách sạn này ở Bali trân trọng sự nguyên bản - tính cá nhân hóa - sự chân thực và phục vụ theo đúng phong cách du lịch luxury “hàng thiệt”. Chính sự trân trọng này đã chinh phục được ông bạn xuề xòa nhưng khó tính của tôi. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận