TTCT - LTS: Một liên hoan phim khá lạ vừa kết thúc: Liên hoan quốc tế phim nhân học, lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM từ ngày 10 đến 14-11-2012. Tựa bài nêu lên một trong những điểm cốt lõi nhất của liên hoan: tìm hiểu các tiểu văn hóa từ những góc nhìn mật thiết gắn bó với con người.

Phóng to

Đó là bởi tình yêu!
Ít tiền vẫn làm được festival

Hầu hết khán giả đều cảm thấy xa lạ với khái niệm phim nhân học nhưng sau những ngày xem phim, kết quả thu nhận được là những trải nghiệm và khám phá mới mẻ không chỉ nằm trong phạm vi hiểu biết về một dạng phim, mà còn là những thông điệp về các khía cạnh sống của con người trên các bình diện khác nhau về địa lý, văn hóa, chủng tộc, xã hội, tín ngưỡng...

Phim Nhân học - Xem rồi hiểu

“Bạn có thể học hỏi về một nền văn hóa khác nhưng bạn không thể thuộc về nó”

Chủ đề "Xã hội hiện đại và các tiểu văn hóa" của liên hoan phim phần nào khiến người xem liên tưởng đến sự khác biệt và có thể gây xung đột, nhưng tất cả không chỉ dừng lại ở đó.

Nhìn chung có thể chia các phim thành ba nhóm chính, nhóm thứ nhất là tập hợp các phim nói về các nền văn hóa độc đáo như Chim chết (Dead birds, 1963) đề cập đến bộ tộc Dani vẫn sống biệt lập trong nền văn hóa thời kỳ đá mới ở New Guines; hay Huyền thoại biển Nam (Myths from the South Seas, 2005) ghi lại những khám phá về lịch sử của các hòn đảo thuộc quần đảo Micronésia hiện chỉ còn lại các tàn tích; như phim Trận cầu bùn (Ball competition, 2010) giới thiệu trò chơi dân gian của người làng Vân, Bắc Giang, Việt Nam; hoặc phim Những người ở Fajăs (Gente de Fajăs, 2009) phản ánh di sản văn hóa của cư dân vùng Địa Trung Hải... Nhóm phim này gần gũi với khái niệm dân tộc học nhất, nơi khởi nguồn cho các sáng tạo mang tính nhân học về sau - khi vượt qua phạm vi phim tài liệu với sự phát biểu của các tác giả để thay vào đó là tiếng nói của chính các nhân vật trong phim.

Nhóm thứ hai là các phim vừa đề cập đến các giá trị truyền thống vừa ghi nhận sự biến dịch hoặc phản ứng của nó trước các tác động của cái mới, tiêu biểu có các phim Rễ đắng - Sự kết thúc của huyền thoại Kalahari (Bitter roots - The ends of a Kalahari Myth, 2010) nêu lên sự mâu thuẫn giữa chính sách ưu tiên bảo tồn các khu hoang dã theo hướng du lịch trong khi bỏ qua nhu cầu sinh kế chính đáng của tộc người Bushmen ở đông bắc Namibia thuộc Nam Phi; phim Toum Yai - Bẫy cá ở đông bắc Thái Lan (Toum Yai - Fishing trap in North Eastern Thailand, 2010) nêu lên cuộc đấu tranh của người dân quyết bảo vệ nguồn cá tự nhiên và phương thức đánh cá của tổ tiên trước việc xây đập khiến chính phủ phải nhượng bộ...

Nhóm thứ ba là những lát cắt nhỏ trong đời sống con người mang nhiều tính cá nhân hơn, đó là hai cụ ông già nua người Romania trên một chiếc xe ngựa cũ kỹ thực hiện cuộc hành trình vô định qua các làng mạc kiếm sống bằng nghề sửa thùng ủ rượu trong phim Kiếm tìm (Quest, 2010); là bà nội trợ đứng tuổi Marsha với kế hoạch leo núi Phú Sĩ, Nhật Bản sau thời gian điều trị ung thư trong phim Từng bước, từng bước (Ippo - Ippo, 2010)... Đây cũng là nhóm phim có tính thực tế cao và "thoải mái" nhất về kết cấu kịch bản, bố cục hình ảnh và lời thoại, hầu hết đều tập trung vào nhân vật chính và máy quay chỉ có việc là thích ứng tối đa với hoàn cảnh. Không ít khán giả vặn vẹo trên ghế vì hình ảnh xô lệch và đôi lúc không biết phim sẽ dẫn dắt người xem đến đâu, nhưng đây lại là những phim có sức tác động mãnh liệt vì sự chân thật với những diện mạo mang tính cá thể rõ rệt của nó.

Không thể không suy tư

Tập hợp 43 tác phẩm điện ảnh đến từ 18 quốc gia, trong đó có 8 phim của nước chủ nhà Việt Nam, liên hoan phim do Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức với đối tác chính là Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM và các đơn vị: Sở VH-TT&DL TP.HCM, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu và lưu trữ điện ảnh TP.HCM.

Dù các nhà làm phim cố gắng hết sức để trung thực với thực tế và những nhân vật chính được dành hầu như toàn bộ thời gian để xuất hiện trên phim thì những yếu tố chủ quan vẫn chi phối đến bộ phim.

Trước đây, không ít bộ phim nhân học đầu tiên thường ít nhiều tạo cảm giác về sự lạc hậu, man rợ của các tộc người thiểu số trên thế giới qua con mắt có phần tò mò, "cửa trên" của các tác giả phương Tây.

Ngày nay nguy cơ "tội nghiệp" đó vẫn có thể xảy ra khi nhiều phim tiếp cận những khía cạnh sống của những nhóm cộng đồng nhỏ, dị biệt hay đơn giản là họ không theo kịp sự thay đổi của xã hội hiện đại ngay tại các khu đô thị. Dù bản thân các tác phẩm có sự tôn trọng rõ rệt đối với hiện thực và những người/nhóm người được đề cập tới bằng một hình thức phim khách quan hết mức có thể - thì luôn có những phản ứng nhạy cảm không thể bỏ qua.

Không thể không mủi lòng trước những số phận nhỏ bé, đơn độc thường bắt gặp tại các khu đô thị lớn trên khắp thế giới trong các phim Giấc mơ là công nhân (Wishing to be a worker, 2010, Việt Nam), Những đứa trẻ Digan ở khu 71 (Everyday life of Roma Children from block 71, Serbia), Lời hứa và sự bất an (Promise and unrest, 2010, Scotland)... Tương tự như vậy là cảm giác ấm áp về tình người trong Ánh nhìn cảm xúc (Touching eyes, 2001, Đức), trong Kiếm tìm, trong Người bán đồng nát (Rad - And - Bone Man, 2011, Việt Nam)...

Vì thế không có gì ngạc nhiên khi khán giả đặt câu hỏi với đạo diễn người Đức Bert Schmidt về bộ phim Xe máy (Motor bike, 2010) của ông rằng: Liệu người nước ngoài khi xem những hình ảnh ông ghi lại gồm một mớ hỗn độn những chiếc xe máy ở Việt Nam xuất hiện với âm thanh gầm gào chói tai bên cạnh những vũng nước nhếch nhác và những cảnh sinh hoạt hỗn loạn, thì họ có cảm giác tiêu cực đối với đất nước và con người Việt Nam không?

Bản thân tác giả cho biết ông không đưa vào phim bất cứ lời bình nào để dẫn dắt cảm xúc người xem, nhưng ông thừa nhận rằng cá nhân ông thấy cuộc sống ở Việt Nam vẫn còn rất khó khăn. Tuy nhiên, với tư cách một nhà làm phim nhân học, ông luôn muốn trình bày những góc nhìn thực tế có sự gắn bó mật thiết với con người - mà chiếc xe máy ở đây là một ví dụ sinh động khi nó không chỉ là một phương tiện đi lại, mà còn là một vật thể thân thuộc với mọi sinh hoạt của cư dân đô thị Việt Nam.

Thực tế hầu hết các nhà làm phim nhân học nước ngoài thường làm phim về các nền văn hóa khác, đó là cái nhìn từ bên ngoài, trong khi đó có các nhóm cộng đồng nhỏ không có khả năng hoặc thậm chí không có nhu cầu làm phim về chính mình để có thể trình bày một cái nhìn từ bên trong. Đó có thể là một nguy cơ khiến phim nhân học thiếu đi tính đa dạng của mình, tuy nhiên tình hình đã được cải thiện nhiều khi các dự án làm phim nhân học hiện nay đã nhận được sự tiếp ứng của chính người bản địa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận