Một ghi chép về Giáng sinh năm 1942: Giáng sinh ở Tokyo

MAX HILL 25/12/2019 23:12 GMT+7

TTCT - Viên cai ngục bỏ tôi lại, đóng sầm cửa. Tôi xuống giường và quỳ xuống một tấm nệm. Tôi đặt cái cây vào một góc phòng rồi lấy các món đồ trang trí và những sợi kim tuyến ra khỏi hộp. “Giáng sinh vui vẻ,” tôi nói với mình, rồi bắt đầu treo đồ trang trí và quấn kim tuyến lên cây

 

Ngày diễn ra trận Trân Châu Cảng, tôi bị gán cho một con số, 867, rồi bị nhốt vào một phòng giam có kích thước 1m7 x 2m9 ở nhà tù Sugamo mà người Nhật gọi một cách nhạt nhẽo là Tokyo Kochisho, hay trại giam Tokyo. Tháng 5, khi vẫn còn ở Sugamo, tôi bị xử và bị kết tội đã gửi cho hãng Associated Press, với tư cách là thông tín viên, những câu chuyện mà theo viên thẩm phán phóng đại là đã “gây bất lợi cho chính sách ngoại giao Nhật Bản”. Tôi bị kết án 18 tháng, nhưng bản án bị đình chỉ khi Chính phủ Mỹ cương quyết đòi trao trả mọi thông tín viên trong đợt trao đổi tù nhân đầu tiên giữa hai nước, và tôi rời khỏi Sugamo vào tháng 6 khi được đưa đến một trại tập trung tương đối tự do hơn, rồi được đưa lên tàu Gripsholm về New York, nên tổng cộng tôi ngồi tù sáu tháng. Sáu tháng ở một nhà tù tại Tokyo có thể là rất tẻ nhạt.

Phòng của tôi có tường ximăng và một cái cửa sổ rất bé có chấn song. Đồ đạc trong phòng có một cái giường, một cái bồn rửa mặt, một cái cầu tiêu, một cái chổi và hai tấm tatami, tức nệm rơm. Chưa đến giờ đi ngủ thì không được phép ngồi hay nằm trên giường, và nếu muốn ngồi thì tôi phải ngồi trên sàn hay ngồi lên cầu tiêu. Phần nhiều là tôi chọn ngồi lên cầu tiêu. Hằng ngày tôi bị đánh thức lúc năm giờ sáng. Sau đó tôi phải quét phòng và dọn giường. Lúc sáu rưỡi sáng một viên cai ngục sẽ mang bữa sáng vào, mười một giờ là bữa trưa, và ba giờ là bữa chiều, cả ba bữa lúc nào cũng chỉ có một bát nước ấm, một bát rong biển hoặc canh củ cải, và một bát cơm nguội độn với lúa mạch. Lúc bốn giờ chiều cửa phòng giam được khóa hai lớp và một lúc sau chuông reo, báo hiệu cho các tù nhân đã đến giờ đi ngủ. Đèn điện trong phòng được bật suốt đêm, chiếu thẳng vào mặt tôi. Nhiệt độ trong phòng hầu như luôn dưới không độ; tôi chắc chắn điều đó vì nước trong chậu đặt dưới cái ống thoát nước bị rỉ của bồn rửa mặt lúc nào cũng phủ một lớp băng mỏng. Chỉ ở trên giường tôi mới có cơ hội làm tan băng cho mình chứ không dám nói là sưởi ấm. Vì thế mà hầu như cả ngày tôi chỉ ngóng cho đến bốn giờ chiều.

Tôi mới ở Sugamo vài ngày thì mắc phải một lỗi vì không hiểu phong tục Nhật Bản khi cố gắng giữ ấm cho đôi bàn chân. Người Nhật luôn cởi giày trước khi bước lên tấm tatami và họ mong đợi những người khác cũng phải làm như thế. Tôi quan tâm đến việc giữ cho đôi chân khỏi bị đông đá hơn là giữ gìn mỹ tục, và thường xuyên, khi đi trong căn phòng, tôi bước qua tấm tatami mà không cởi giày. Có một lần tôi đang mạo phạm như thế thì một viên cai ngục răng bọc vàng đang đi tuần hành ngoài hành lang bắt được. “Damé”, hắn gầm lên khi bước vào phòng. Thế có nghĩa là “không tốt”. Rõ là hài lòng với kết quả của cuộc đi tuần ngoài hành lang gió lùa, hắn lệnh cho tôi cởi giày rồi tóm lấy mang đi. Đến tận bốn tháng sau tôi mới được trả lại giày. Trong thời gian đó tôi đã phải đi khắp nơi mà chỉ có độc đôi tất trên chân. Ưu điểm duy nhất của chuyện này là nó cho tôi thêm một việc để giết thời gian. Tìm cách giữ ấm cho đôi bàn chân, tôi có thể ngồi hàng giờ trên cái bồn cầu để ngoe nguẩy những ngón chân.

Nếu không thì tôi có hai cách chính để giết thời gian. Một là đếm các cành cây thông tôi có thể nhìn thấy qua cửa sổ. Số cành đếm được thay đổi từ 150 đến 200 và không có hai lần liên tiếp nào đếm được như nhau. Nhưng để thấy cái cây, trước tiên tôi phải quỳ trên bồn cầu trong một tư thế vô cùng kỳ quặc, rồi mở một bên kính mờ ở phần dưới cửa sổ, ngoẹo cổ, rồi ép cái đầu sang một bên để dòm ra ngoài. Tôi có thể đóng khung toàn bộ cái cây trong cái hình tam giác nhỏ xíu mà cửa sổ mở ra. Cách thứ hai là nhớ lại tên của 48 tiểu bang. Tôi theo dõi số bang nhớ được bằng những mẩu rơm bẻ ra từ cây chổi. Suốt ba tháng ròng tôi chỉ nhớ được có 47 tiểu bang, bất kể tôi bắt đầu từ vùng nào của lục địa Bắc Mỹ. Trong tâm trí tôi có thể thấy rõ bờ Đại Tây Dương, nên thường thì tôi bắt đầu từ những tiểu bang bên bờ Đại Tây Dương, rồi đi về phía Tây theo từng hàng tiểu bang, lấy ngón tay lần theo tấm bản đồ tưởng tượng trên tường. Nhưng đôi khi tôi lại thử lần theo từng cái tên qua vùng Ngũ Đại Hồ, hoặc bắt đầu từ Tây Bắc Thái Bình Dương. Dù đi theo đường nào tôi cũng chỉ nhớ được có 47 tiểu bang. Tiểu bang cuối trở thành một nỗi ám ảnh. Nó làm phiền tôi hơn cả viên cai ngục răng bọc vàng luôn bốc mùi khói thuốc làm tôi thèm được một điếu - ngay cả thuốc Nhật Bản có vị như cỏ ôi tôi hút hồi còn nhỏ. Đến cuối tháng thứ ba tôi chợt nhớ ra tiểu bang thứ 48. Đó là Mississippi. Tôi thấy nhớ được nó là một chuyện đáng ăn mừng, và tôi uống một cốc nước lạnh mừng Mississippi.

Âm thanh ở Sugamo rất kỳ quái. Tôi không thể thì thầm mà không làm viên cai ngục đi từ phòng của hắn ở tận đầu bên kia hành lang đến để điều tra. Chuyện đếm cành thông hay nhớ tên các tiểu bang không bao giờ làm hắn mảy may bận tâm, nhưng có một lần, hồi tôi mới vào tù, tôi đã làm một việc mà dường như đã thực sự làm cho hắn lo lắng. Đó là lần đầu tôi nghĩ đến việc Giáng sinh sắp đến. Hôm ấy là 15 tháng 12. Để làm gì, tôi nghĩ, chỉ còn bảy ngày nữa để sắm sửa là đến Giáng sinh, và tôi bật cười. Viên cai ngục phi ngay đến phòng của tôi để xem đang có chuyện gì. Hắn thấy tôi vẫn đang cười. Giải thích cho hắn cái gì buồn cười cũng chẳng có ích gì nên tôi không nói gì. Hắn đứng một lúc, nhìn tôi với vẻ mặt khó hiểu rồi lầm lì bỏ đi.

Ngày thứ 17 tôi ở tù là ngày trước lễ Giáng sinh. Đó là một ngày đặc biệt lạnh và đặc biệt buồn. Quét dọn phòng xong và không có gì làm vui, ngay cả chuyện đếm cành, vì đêm hôm trước tuyết rơi và những bông tuyết mềm đã che đi những đường nét của cây thông. Tôi ngồi trên bồn cầu, ngoe nguẩy những ngón chân cả ngày. Như thường lệ, tôi lên giường ngay sau bốn giờ chiều, còn rất lâu mới đến đêm Giáng sinh. Ngủ được khoảng hai tiếng thì tôi nghe thấy tiếng ổ khóa lách cách. Tôi ngồi dậy. Cửa rít mở và viên cai ngục răng bọc vàng bước vào. Hắn nhe răng và cầm theo một hộp giấy cỡ hộp đựng mũ. Hắn mở nắp hộp và liếc nhìn. Đến giường tôi hắn cúi người, nói “Dozo” (“Xin mời”), và đặt cái hộp vào tay tôi. Bên trong có một vật có hình dạng kỳ lạ được bọc bằng giấy lụa. Tử tế quá, tôi nghĩ, và tôi nói, “Dom-arigato” (“Cảm ơn rất nhiều”). Tôi kéo tấm giấy lụa ra. Bên dưới là một cái cây Giáng sinh nhân tạo cao chừng ba chục phân, đặt trong một chậu nhỏ màu trắng; những cành cây xanh cứng ngắc được phủ tuyết giả lấp lánh trong ánh đèn điện. Rải trong hộp giấy là những sợi kim tuyến và một số món đồ trang trí - một trái tim nhỏ màu bạc, một bức tượng ông già Noel nhỏ xíu, và một ngôi sao.

“Ano-ne” (“Anh biết đấy”), viên cai ngục lưỡng lự nói. Rồi, đưa cho tôi một mẩu giấy nhỏ màu trắng, hắn giải thích cái cây là do ban quản ngục gửi đến, và hắn cần tôi đánh dấu lên mẩu giấy để họ có thể trừ tiền mua cái cây một cách hợp thức từ chỗ tiền mặt mà họ giữ của tôi. Cái cây sẽ tốn của tôi hai yen, tương đương khoảng 50 xu. Tôi đánh dấu lên mảnh giấy. Tôi hỏi hắn ban quản ngục lấy cái cây từ đâu? Đây là một trong hàng trăm cái cây, hắn đáp, do tù nhân làm đã lâu để bán cho người Mỹ. Tôi đoán chiến tranh đã đặt dấu chấm hết cho mối kinh doanh ấy và hiển nhiên tôi là triển vọng tốt nhất mà họ còn có, mà có khi còn là đối tượng duy nhất.

Viên cai ngục bỏ tôi lại, đóng sầm cửa. Tôi xuống giường và quỳ xuống một tấm nệm. Tôi đặt cái cây vào một góc phòng rồi lấy các món đồ trang trí và những sợi kim tuyến ra khỏi hộp. “Giáng sinh vui vẻ,” tôi nói với mình, rồi bắt đầu treo đồ trang trí và quấn kim tuyến lên cây. ■

Nguyễn Huy Hoàng dịch

 

Max Hill làm việc cho Associated Press với tư cách thông tín viên ở Tokyo trong thời kỳ Thế chiến thứ II. Bài viết này được đăng trên tờ The New Yorker số 26 tháng 12 năm 1942.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận