Ngành xuất bản đang thay đổi như thế nào?

MAI THỤY 25/03/2018 16:03 GMT+7

TTCT - “Mặc dù chưa có một nghiên cứu chính thức hay báo cáo cụ thể về tác động của Hội sách TP.HCM nhưng tôi cho rằng sự kiện này đã thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của ngành xuất bản trong những năm qua để đáp ứng nhu cầu của công chúng” - ông Lê Hoàng, phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, giám đốc Công ty Đường sách Nguyễn Văn Bình, người gắn bó với công tác tổ chức Hội sách TP.HCM nhiều năm qua, chia sẻ với TTCT khi hội sách lớn nhất nước với 30 triệu bản sách đang diễn ra (từ ngày 19 đến 25-3).

Ngày đầu tiên khai mạc Hội sách TP.HCM lần thứ X đã thu hút nhiều bạn trẻ đam mê sách.  Ảnh: XUÂN HƯNG
Ngày đầu tiên khai mạc Hội sách TP.HCM lần thứ X đã thu hút nhiều bạn trẻ đam mê sách. Ảnh: XUÂN HƯNG

 Lượt người đến hội sách tăng dần qua các năm, điều này có phản ánh năng lực đọc sách của người dân được cải thiện không, thưa ông?

Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của công chúng đối với sách, đặc biệt là các em học sinh sinh viên - đối tượng mua sách chính trong những năm qua. Báo cáo doanh thu của hai hệ thống phát hành sách lớn nhất hiện nay là Fahasa và Phương Nam Book sau hội sách cho thấy tỉ lệ tăng có thể dao động từ 10-15%. Số bản in lần đầu, nối bản, tái bản cũng ngày một nhiều hơn.

Nếu trước đây, khoảng năm 1997, một cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh in lần đầu cao nhất chỉ chừng 20.000 bản thì hiện nay con số đó có thể lên đến hàng trăm ngàn. Nhưng tôi cho rằng chúng ta vẫn không đủ cơ sở để phân tích và khẳng định năng lực đọc sách của người dân đã được cải thiện nhiều so với những năm trước.

Có phải sự không chắc chắn này đến từ thực tế lượng sách bán ra trong hội sách vẫn có sự chênh lệch rất lớn giữa các thể loại?

Những sách bán chạy nhất trong các lần hội sách đa số thuộc dòng văn học. Các tập tản văn của những cây bút trẻ như Hamlet Trương, Tùng Leo hay thơ của Phong Việt khai thác những câu chuyện nhẹ nhàng, gần gũi với nhu cầu tìm hiểu chính mình của các bạn trẻ.

Dòng sách văn học này chiếm một tỉ trọng đáng kể trong tủ sách của giới trẻ. Số lượng sách của dòng này cũng tăng lên vượt trội trên thị trường. Tuy nhiên, cũng có thể lý giải là do sự gia tăng lượng người trẻ tiếp cận với chúng.

Có thể nhiều bạn đọc hiện nay cũng có sự “dễ dãi” nhất định khi đọc sách chỉ để đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần nhưng điều đó không cho thấy các thể loại sách khác đang bị “lép vế” trong hội sách. Những tác phẩm nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kỹ năng… vẫn có chỗ đứng riêng và số lượng sách của các dòng này vẫn tăng đều qua mỗi năm.

Mặc dù độc giả của các thể loại sách nghiên cứu kể trên không chiếm phần lớn trong công chúng và cũng không tạo được các hiện tượng vượt trội so với dòng văn học trẻ nhưng điều này là hết sức bình thường trong một nền văn hóa đọc không phát triển như Việt Nam.

Trong số 360 triệu bản sách được in mỗi năm, nếu trừ các loại sách giáo trình, giáo khoa thì chỉ còn lại 70-80 triệu bản sách nghiên cứu văn hóa, lịch sử… dành cho công chúng, nghĩa là chưa đến một cuốn sách/người. Có thể thấy sức đọc của người Việt là quá thấp so với thế giới và từ trước đến nay luôn thấp như vậy. Không thể nói văn hóa đọc của người Việt đang xuống cấp bởi vì xưa nay chưa từng đạt được vị trí “cao cấp” bao giờ cả.

Gắn bó nhiều năm với ngành xuất bản, ông thấy hội sách đã tác động thế nào đến lĩnh vực xuất bản thời gian qua?

Tôi có thể chắc chắn rằng hội sách đã thay đổi mạnh mẽ phương hướng của ngành xuất bản nói chung và các đơn vị xuất bản nói riêng. Đây là dịp để họ trình diễn khả năng của mình trước công chúng, khả năng này có thể là sự đầu tư tâm huyết vào các tựa sách được cho ra mắt. Hội sách cũng là “hàn thử biểu” giúp nhà xuất bản đo lường sức hút của các thể loại sách và tìm ra thị trường ngách cho mình.

Trong quá trình làm việc tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, tôi cũng thấy được những thay đổi rõ rệt trong phương thức kinh doanh của các nhà xuất bản. Nhiều đơn vị sau khi nghiên cứu thị trường đã đi theo hướng phát hành những dòng sách nghiên cứu, chuyên đề. Điều đó giải thích được sức sống của các thể loại sách kén người đọc trước sự cạnh tranh thị trường. Ở quy mô của hội sách, tác động có thể sẽ lớn hơn rất nhiều. Những điều chỉnh của các đơn vị xuất bản sẽ ngày càng phù hợp nhu cầu đa dạng của công chúng.

Nhìn từ những hội sách với quy mô ngày càng lớn, ông kỳ vọng gì trong tương lai?

Hiện nay các doanh nghiệp xuất bản tư nhân trong hội sách đang dần chứng minh được năng lực và sự chuyên nghiệp của mình trong việc ứng xử với công tác bản quyền. Họ cũng mua được những tác phẩm tốt từ các nhà xuất bản danh tiếng ở nước ngoài, nâng cao số lượng, chất lượng xuất bản phẩm. Theo tôi, sự cạnh tranh giữa các nhà xuất bản và những doanh nghiệp xuất bản tư nhân này sẽ định hình công chúng và ngành xuất bản trong tương lai về thị hiếu, bản quyền…

Qua hội sách, động lực cạnh tranh sẽ giúp chúng ta bước vào hành trình khám phá thế giới vô tận của sách và tri thức.

Xin cảm ơn ông.■

 "Tôi cho rằng chu kỳ tổ chức hội sách hai năm một lần hiện nay là vừa đủ để biến đây trở thành ngày hội văn hóa của người dân, vừa giúp các nhà xuất bản đầu tư đủ tâm huyết vào các đầu sách của mình, vừa tạo nên sự háo hức trong tâm lý người đọc. Qua 20 năm tổ chức, hội sách đã hòa nhập vào đời sống tinh thần của công chúng và các đơn vị xuất bản để trở thành hội điểm văn hóa của thành phố.

Tuy nhiên, hình thức tổ chức phải đa dạng hơn. Như hội sách này, tôi chưa thấy những chương trình có thể tạo được điểm nhấn. Đa phần chỉ là các hoạt động ra mắt sách, giao lưu ký tặng như mọi năm chứ không có hoạt động nào nổi trội cho công chúng đến tham quan". (Ông Lê Hoàng)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận