​Những cơn mưa

TRẦN HUIỀN ÂN 17/12/2014 04:12 GMT+7

TTCT - Những cơn mưa giữa đêm. Sáng ra thấy sân vườn ướt đẫm nhưng phương đông trời hồng. Rồi mưa kéo dài đến sáng.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

Nắng mưa là chuyện của trời. Mỗi hiện tượng đều đem lại cho con người niềm vui và nỗi buồn.

Hình như nắng có nhiều vui và mưa có nhiều buồn, nhưng các thi sĩ luận về mưa nhiều hơn về nắng. Có thể vì yếu tính của nghệ thuật nghiêng về nỗi buồn. Hay do người đời thích đọc thơ mưa hơn, thuộc nhiều hơn nên cảm thấy phong phú hơn. Hồi năm xưa, tuần báo Nghệ Thuật có làm một trang thơ mưa, góp một số bài hay.

Nơi phố phường hầu hết mỗi “căn hộ” chỉ có một mặt tiền trông ra đường, chỉ biết mưa ở phạm vi ấy: những lằn nước đổ xuống song song hoặc tạt nghiêng trong khung hình chữ nhật. Bên kia đường cũng những khung hình tương tự. Thảng hoặc đôi ba buổi chiều mưa nhỏ, đôi ba cặp thanh niên khoác chiếc áo mưa mỏng đi bên nhau tìm chút hơi lạnh chỉ vừa đủ lạnh...

Ở thôn quê nhìn mưa khắp bốn phía nhà. Thấy cây lá trong vườn reo vui hay vật vã, thấy đám thổ nước tràn lên, băng bờ, tạo trổ, thấy những đám ruộng phẳng láng chờ đúng tiết gieo sạ. Một thời nhiều người, nhiều nhà không có đồng hồ. Trẻ con đội mưa đi học về vẫn còn tiếc rẻ chuyện dầm nước đứng nơi hiên giơ tay giơ chân hứng những giọt mưa mềm dịu, êm mát. Con gà cồ chọn mô đất cao đập cánh gáy vang.

Không ít đứa trẻ thôn quê ấy mang theo trong trí nhớ những cơn mưa buổi thiếu thời trên suốt cuộc hành trình từ tuổi trưởng thành.

Ngôi trường nằm trên lưng đồi cao nhìn xuống quốc lộ, từ xa tưởng như mái dựng giữa tầng mây. Mưa ào ào trên mái tôn nhưng trong lớp hoàn toàn im lặng. Học trò đang làm bài. Ông thầy ra ngoài hiên vời trông. Mưa giăng trắng trời trắng đất, xóm làng, đồng nội, núi non xóa nhòa một màu xanh bạc. Những chiếc xe ca hiệu Mỹ An Thành Lập, xe rờ-nôn hiệu Phi Long Tiến Lực, “anh hùng xa lộ” thời đó, vun vút lao nhanh như ngốn ngấu đường trường.

Phụ huynh học sinh luôn luôn sẵn sàng cho các thầy giáo ở trọ miễn phí, dành cho cả gian phía tây quá rộng rãi. Gặp hôm chủ nhật trời mưa, một mình ta với một cõi trời riêng. Ngoài kia nước trong lòng mương dẫn thủy mấp mé tràn bờ, lòng ta cũng tràn đầy những niềm vui không tên không tuổi.

Ta đọc thơ cho ta nghe, hưng phấn khác nào khi vắng vẻ nơi đỉnh đèo, chân dốc đọc cho bạt ngàn cổ thụ cùng nghe. Mưa khỏa lấp phần âm thanh mờ đục, mưa chọn lọc và khuếch đại phần âm thanh trong trẻo tươi giòn. Thơ mưa vốn buồn nhưng lòng ta không buồn nên thơ chiều ý dễ dàng thành vui.

Tuổi mười tám đôi mươi, giã từ phong cách thiếu niên để vào đời mong tập làm người lớn. Hồn nhiên với chính ta và với những tâm hồn bằng hữu qua sách báo, thư từ (viết cho nhau mỗi ngày một lá)... Thơ không ngồi học mà thuộc, người chưa gặp gỡ đã cảm mến.

Thời đại hôm nay là thời đại công nghiệp. Chắc trẻ con không còn giơ tay giơ chân hứng nước mưa tìm chút thi vị. Thầy cô theo sát ba bước lên lớp trong thời gian mỗi tiết, cấm cháy giáo án, đâu có thể an nhiên đứng nơi hiên trường nhìn mưa.

Cuộc sống thành thị vội vàng gấp rút từng giây phút: “Này nhé! Này nhé! Mau lên!”, xe phân khối lớn lấn từng tấc đường. Mặt mũi che kín không thấy ai, không biết ai, không chào hỏi, không mỉm cười thân thiện. Cá nhân độc lập được đề cao.

Thành thị hơn thôn quê nhiều mặt, nhưng chắc chắn thua đứt thôn quê về khung cảnh mưa (thiên nhiên) và thưởng thức mưa (con người). Mưa mở rộng không gian, trút đổ xối xả, bao nhiêu khối nước tích lũy trời cao tuôn hết xuống mặt đất, vạn vật nép mình dưới mưa.

Riêng ai đó, năm ba người, lòng thật tĩnh trong cái động, không cớ nào xui khiến mà tự nhiên quên hết sự đời, vui buồn phút chốc tiêu tan, chẳng bận tâm bất cứ chuyện lớn chuyện nhỏ gì, mới đủ tư cách hòa đồng với mưa.

Mong rằng đây không phải là cảm nghĩ lan man của một người tuổi già viết cho báo Tuổi Trẻ, cũng không phải chỉ là sự đồng thuận hạn hẹp của thế hệ tuổi già đọc báo Tuổi Trẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận