Tạp chí Địa lý

TTCT - Pha không có nhu cầu đặc biệt nào với tiền, anh chỉ đơn giản làm những việc mà ai cũng phải làm khi trưởng thành là kiếm tiền. Niềm vui duy nhất của Pha là mỗi cuối tuần đi dọc các phố bán sách cũ, tìm mua các loại tạp chí Địa lý.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

 

1 Năm 1985, Pha tìm cách vượt biên lần cuối. Những lần trước đó, lần nào cũng chỉ chạm chân đến mép nước rồi về.

Lần này có mẹ và em gái đi cùng. Cả nhà chia làm hai ở bến cá. Khi ấy, mọi người chỉ nghĩ đơn giản đó là một quyết định chiến thuật, kiểu như huấn luyện viên bóng đá thay người hay đổi đội hình giữa trận đấu.

Pha xoa đầu em gái, giữ nắm tóc tơ mềm trong lòng bàn tay một lúc khi ngắm đôi mắt mở to của nó. Rồi mẹ bước đến. Pha ngượng nghịu lùi một chút tránh cái ôm, nên mẹ chỉ nhìn và nhắc: Khoác áo vào cho ấm.

Đó là một đêm tháng năm, quãng thời gian thuận lợi cuối cùng để vượt biển trước khi mùa bão bắt đầu từ tháng sáu. Gió nhẹ. Pha cột chiếc áo khoác quanh hông, mẹ nói thế nào thì Pha sẽ làm ngược lại.

Trong khi chờ chiếc thuyền nhỏ quay lại đón, Pha và cha ngồi bó gối trên cái nền nhà cũ nhìn ra khơi; nơi có một dải sáng chập chờn, nơi có lẽ mẹ và em đang được kéo lên chiếc tàu lớn.

Hai cha con không trò chuyện mấy kể từ khi Pha vào tuổi thiếu niên, thế nên những gì cả hai nói trong khi chờ tàu, dù rời rạc, cũng bằng tổng số lượng từ trao đổi hàng năm trời trước đó. Thỉnh thoảng, giữa những quãng lặng im, gió lại nhè nhẹ chạy dọc sống lưng vuốt lên gáy khiến tóc Pha dựng ngược.

Gió đang thổi theo hướng từ đất liền ra khơi, để mờ sáng sẽ từ ngoài khơi thổi ngược vào đất liền và người đánh cá sẽ theo đó mà đưa thuyền vào ra.

Hồi bé, Pha học như thế trong sách giáo khoa mà không hề nghĩ có lúc người ta dùng những cơn gió ấy cho các cuộc ra đi khác.

Pha vẫn còn nhớ cuốn sách ấy, nhớ cả hình thù một số vết mực lem nhem ở trang bìa. Bên trong giấy cũ, mép gấp xoăn lại, ở trang về gió ấy có tranh minh họa vài chiếc thuyền với cánh buồm nhận gió êm đềm. Rừng vàng, biển bạc. Nhớ đến đó, Pha chợt không hiểu vì sao mình ngồi đây, khi vẫn còn yêu nơi chốn này.

- Chỉ là thay đổi về địa lý - cha nói - Không gì phải sợ.

Pha không sợ. Pha chỉ tiếc. Tiếc vì sẽ không bao giờ được ngắm khuôn mặt đẹp đẽ của cô gái vừa xuất hiện trong lớp luyện thi đại học vài buổi chiều qua. Tiếc vì còn chưa biết cô ấy tên gì. Tiếc vì bao nhiêu điều mới mẻ hằng ngày ấy lúc này đang trôi tuột đi, như cát lúc này đang chảy qua những ngón tay.

- Con cần phải học tiếp - cha nói.

Nếu có những gia đình sinh ra để làm chính trị, để làm giàu hay buôn bán nhỏ, thì cả nhà Pha được dẫn dắt bởi việc học. Vào cái thời người người chật vật kiếm ăn mỗi ngày thì cha, dù không có việc làm, vẫn đều đặn bảy giờ ba mươi sáng dắt xe đạp ra cửa.

Ông luôn ăn mặc chỉnh chu, áo bỏ trong quần, dù qua mỗi năm bộ quần áo ấy lại nhạt màu hơn và thêm đôi chỗ giặm vá. Vào cái thời bọn trẻ trong xóm phải ra đường kiếm tiền với ấm trà đá, trên vòi úp chiếc ly nhựa cáu bẩn hoặc với chiếc hộp gỗ toòng teng trước ngực, bên trong xếp kín các gói thuốc lá khui dở thì Pha chỉ có một việc phải làm là đọc hàng loạt sách trong căn phòng tối mờ ấy.

- Sang phía bờ kia, con sẽ được học tùy thích - cha nhắc lại - Chỉ cần sang bờ kia, mọi thứ sẽ khác.

Mọi người đều tin chắc như thế.

Nhưng không có tín hiệu tàu.

Pha biết sẽ không tìm thấy tín hiệu nào nữa khi chân trời ngoài kia ửng hồng...

2 Pha thấy mình may mắn khi rốt cuộc cũng tốt nghiệp đại học.

Trong hai năm cuối, Pha hầu như không đến lớp, mà chỉ tập trung kiếm tiền bằng nghề phiên dịch vào ban ngày và trực đêm ở một khách sạn nhỏ. Những năm đầu 1990, cả Sài Gòn trở nên sống động với sự xuất hiện của hàng loạt nhân vật đầu tư lẫn ăn chơi đến từ Singapore, Đài Loan, Hong Kong.

Người đến phấn khích, người đón cũng phấn khích. Một thời kỳ vàng cho cả hai phía. Tiền kiếm được Pha cũng mua vàng, những khoen nhẫn nhỏ, rồi xâu vào sợi dây treo sau lưng chiếc tủ bếp. Pha nghĩ rốt cuộc mình cũng làm theo mẹ một số việc nào đó.

Mỗi lần ra biển, mẹ lại lấy vàng giấu sau chiếc tủ bếp ấy, chia cho mỗi người một ít trước khi lên đường. Nhìn những cái khoen lấp lánh trên cây đinh cũ gỉ sét, Pha thật sự không biết mình sẽ dùng thứ của cải mới này cho mục đích gì. Cũng thứ kim loại ấy, có khi dùng để đổi phận, nhưng có khi chỉ đong đưa ngày này qua ngày khác, vô vị.

Pha không có nhu cầu đặc biệt nào với tiền, anh chỉ đơn giản làm những việc mà ai cũng phải làm khi trưởng thành là kiếm tiền. Niềm vui duy nhất của Pha là mỗi cuối tuần đi dọc các phố bán sách cũ, tìm mua các loại tạp chí Địa lý.

Những cuốn tạp chí phát hành từ nửa thế kỷ trước với những tấm ảnh chụp trong vũ trụ, sâu vào lòng đất, hay hình ảnh tường tận về sự phát triển trong cơ thể của mỗi loài, nhắc cho Pha biết hiện thực có thay đổi nhanh đến thế nào thì anh vẫn sẽ chết đi trước khi theo kịp thế giới bên ngoài.

Loại tạp chí này thường giúp Pha hiểu hơn những quyết định của cha mẹ nhiều năm trước. Nếu anh có con, anh có từ chối cho chúng một cơ hội được sống ngang bằng với những đứa trẻ khác của thế giới ngoài kia không?

Nhưng không phải bằng mọi giá. Pha sẽ kết ý nghĩ bằng câu ấy, để tránh nghĩ tiếp đến mẹ và em. Không phải bằng mọi giá. Ý nghĩ ấy sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần khi Pha đứng bên cửa sổ, ngắm cây bông giấy bên ngoài ngày càng rậm rạp, bất chấp việc hằng năm bị cắt tỉa tàn bạo.

Rốt cuộc vẫn không gì sánh bằng việc được sống. Cho dù sống khổ, sống cày ải thì trước tiên vẫn phải là sống. Điều quan trọng nhất vẫn là còn có mặt trên đời để hít thở, để động chạm, để nếm ngửi thế giới quanh mình.

Chính nhờ được sống mà giờ đây Pha vẫn có thể tìm đọc TimeNewsweek cũ được nhân viên hàng không, hay văn phòng nước ngoài tuồn ra các hiệu sách cũ trên đường Trần Nhân Tôn. Những cuốn tạp chí nhàu nhĩ cho thấy không có nơi nào là hoàn hảo trong thế giới này.

Bất kỳ đâu cũng có vấn đề và môi trường sống lý tưởng rốt cuộc chỉ là thế giới riêng của mỗi người. Như với cha, đó là căn phòng nhỏ nay tràn ngập bản đồ và tạp chí Địa lý.

- Anh phải chọn hoặc quá khứ, hoặc hiện tại. Anh không đi xa được nếu cứ bị kẹt mãi giữa chuyện đã qua và chuyện hôm nay - Vy nói.

Vy cao một mét sáu mươi tám, áo dài xanh, quần lụa trắng, nhưng thích làm ngân hàng hơn đăng ký thi làm tiếp viên hàng không. Có thể do cô không chịu được độ cao, hay chóng mặt, hoặc do cô có khuôn mặt hơi dài và dẹt so với chuẩn thông thường, hay quá gầy.

Pha không rõ. Dẫu sao, làm việc cho ngân hàng cũng đáng mơ ước không kém gì với hàng không, chưa kể chiều cao ấy của Vy là sự khác biệt lớn với phần lớn các cô gái còn lại. Với Pha, có Vy là một bước tiến dài, bởi trước đó anh chỉ thấy thoải mái với các cô gái cao không quá một mét năm mươi tám.

Tất nhiên Pha không lộ cho cô biết điểm yếu ấy của mình, rằng một cô gái chân dài luôn khiến anh căng thẳng, điều khiến anh thất bại ngay trong lần đầu tiên làm chuyện đó với cô trong phòng khách, trên sàn, bên hai hộp cơm vương vãi.

- Liệu cha anh có nghe?

- Ông đang bận xem bản đồ.

Pha nói, chẳng nghĩ gì. Trong đầu anh vẫn vương âm thanh rất nhẹ của tiếng nhả nút áo. Nghe như tiếng những giọt mưa đầu tiên trên mái. Tách. Tách.

- Cha anh luôn xem bản đồ?

- Luôn như vậy.

Ai cũng nghĩ đến sự mượt mà của chiếc áo dài, không ai nghĩ nó cũng có âm thanh. Âm thanh ấy cũng tinh tế. Tách. Tách.

- Em chẳng thấy bản đồ có gì hay.

- Nó là tiểu thuyết viết bằng những ký hiệu - Pha nói.

Câu chuyện của cha khiến Vy tò mò hơn thất bại thảm hại của Pha. Pha lăn sang một bên, thu người dọn mọi thứ trên sàn.

- Khó so sánh như vậy - Vy nói.

- Đọc tiểu thuyết, ta bị dẫn dắt bởi người viết. Với bản đồ, ta tự viết lấy câu chuyện cho mình.

Cha từng nói chính xác với Pha như thế.

- Anh đúng là người học địa lý.

- Ừm.

- Em cứ nghĩ địa lý là chuyện một thứ vũ trụ đầy sao, tất cả lọt thỏm trong một vũ trụ đầy sao khác. Cứ thế. Cứ thế đến vô cùng.

- Có đủ loại địa lý: kinh tế, chính trị, thổ nhưỡng...

- Vậy thì không phải là thứ gì xa xôi lắm.

- Không, ngược lại, đời ai cũng ít nhiều liên quan đến địa lý.

Vy ngẫm nghĩ.

- Nhưng học ngành ấy không kiếm tiền được.

Những gì mình kiếm được đến giờ chẳng liên quan đến ngành này thật. Pha nghĩ. Có thể quá muộn rồi. Nhưng trên đời có ai chọn được đúng hết mọi thứ để làm.

- Địa lý giúp mình biết nhiều thứ, có thể tưởng tượng được nhiều thứ - Pha nói.

- Em không thích tưởng tượng - Vy nói - Em chỉ thích làm tận tay, đến tận nơi.

Pha không nói gì. Vy cầm tay anh.

- Anh sẽ đi cùng em mọi nơi, phải không?

- Có.

Pha nói thế, như tất cả bọn đàn ông sẽ nói thế, trong tình huống ấy. Pha nói mà không nghĩ gì, trong khi có những điều đang nghĩ lại không nói. Chẳng hạn như việc vì sao trong khi làm chuyện ấy Vy luôn nhếch mép cười.

3 Trong thời gian Pha làm quen với kiểu cười nhạt trong cao trào của Vy, bộ sưu tập tạp chí Địa lý được tích dần đến cuốn thứ hai mươi ba. Nhiều bản đồ mới được cập nhật sau các biến cố lớn. Xem bản đồ là đọc những thứ mình không thấy. Pha nhớ cha nói câu ấy.

Trong lúc cha chăm chú đọc ra những thứ không ai thấy, Pha đưa Vy đi gần một nửa đất nước, thấy những gì không được vẽ trên bản đồ. Pha tìm thấy bậc thềm cũ nhiều năm trước anh cùng cha ngồi suốt đêm chờ tín hiệu của tàu. Giờ đó vẫn là một bậc thềm cũ. Pha ngồi thử lại vị trí cũ, nhìn ra xa.

Trời nắng trắng sáng, không mây, không đèn, không tàu. Pha thử lục tìm lại cảm xúc ngày trước nhưng không thể, tất cả dường như đã tụ về trong căn phòng nhỏ của cha.

- Em tìm thấy cuốn này ở khách sạn - Vy nói.

Trên tay cô là cuốn tạp chí Địa lý, trang bìa in khuôn mặt một thiếu nữ tị nạn người Afghanistan. Đôi mắt xanh biếc.

- Có ai nghĩ ở đây cũng tìm thấy tạp chí này - Vy nói.

Thật lạ. Chính nơi này. Ở chính nơi này.

- Anh xem đôi mắt ấy - Vy nhắc.

Pha cầm lấy cuốn tạp chí, chăm chú nhìn bản in. Tháng sáu, 1985. Gần mười lăm năm trước.

- Chỉ cần ánh mắt dịu lại, cô ấy sẽ rất đẹp - Pha nói.

- Em thấy như thế cũng đẹp lắm rồi.

- Đôi mắt sợ hãi.

- Anh tưởng tượng thế thôi - Vy nói.

Pha đưa lại cô cuốn tạp chí. Vy ngắm và nói.

- Giờ cô ấy hẳn sung sướng.

- Sao em biết?

- Cô ấy đến được nơi cô ấy mơ ước.

- Họ chỉ biết ra đi, chứ chẳng biết nơi mình đến có phải là nơi đáng mơ ước - Pha nói.

- Chẳng ai muốn rời bỏ nơi mình sinh ra - Vy nói - Họ đi khi thấy phía trước không có gì dành cho họ, họ có cảm giác đang ở đáy giếng. Tất cả những gì họ cần là được kéo lên, chứ không đắn đo nơi sắp đến sẽ như thế nào. Cảm giác thoát khỏi giếng là gì? Sung sướng. Em nghĩ thế.

Vy nói, giọng không cảm xúc, như nụ cười bất di bất dịch của cô mỗi khi nằm trên sàn, hai bắp chân thon dài quặp lấy lưng anh và ánh mắt vẫn đóng đinh đâu đó ở trần nhà.

Pha nhớ hồi anh bốn tuổi, cả nhà sống ở Quy Nhơn, dùng chung cái giếng với hàng xóm. Cái giếng nằm giữa bếp hai nhà, chia đôi bằng bức tường mỏng. Một hôm, con mèo của họ rơi xuống giếng.

Pha nhớ cả buổi chiều vang động tiếng kêu gào thảm thiết của nó. Khi hoảng loạn, tiếng con vật nghe như tiếng người, hay đó là hiệu ứng âm thanh vang lên từ thành giếng như phát ra từ miệng loa khổng lồ. Pha không rõ.

Chỉ biết âm thanh ấy khiến hai mẹ con ngồi rúm lại trong góc phòng, trong khi những người đàn ông nói nói cười cười và thả chiếc gàu xuống. Con mèo được kéo lên và từ đó Pha không còn thấy nó nữa.

- Có khi kết quả không phải là sung sướng, mà là biến mất - Pha nói, nghĩ về con mèo.

Vy im lặng một lúc, nói.

- Tất nhiên, cuộc ra đi nào cũng có được mất. Có những người không may.

- Anh đang nghĩ chuyện khác - Pha nói.

- Không, anh luôn nghĩ chuyện đó.

Vy có đôi chân dài hơn tất cả các cô gái khác mà Pha từng quen, nhưng không có nghĩa cô có thể kiểm soát được mọi thứ thuộc về anh. Nhất là ý nghĩ.

- Đúng, anh nghĩ đến một chuyện cũ, nhưng không phải chuyện đó.

- Luôn chỉ một chuyện đó - Vy nói - Anh vẫn giống như cha.

- Ý em là gì?

- Cha không hề biết đọc bản đồ. Ông chỉ dùng nó để sống với một câu chuyện duy nhất.

- Sao em biết?

- Anh cũng thừa biết cha chỉ xem đi xem lại một điểm duy nhất trên bản đồ.

- Thôi đi.

- Anh và em tìm mua bản đồ và tạp chí Địa lý để cha chu du trong tưởng tượng, nhưng mình đều biết cha không hề đi. Trí tưởng tượng của cha đã chết từ lâu. Ông chỉ săm soi một chỗ duy nhất trên bản đồ.

- Em im đi.

- Cha có thể tìm thấy gì trên phần biển in màu xanh ấy?

- Em im đi.

- Cha không thể ngồi hằng giờ, hằng ngày, hằng năm để tìm mẹ và em gái anh với chiếc kính lúp cũ kỹ, trên tấm bản đồ vô tri vô giác ấy được. Anh cũng thế, anh không thể sống với chuyện cũ ấy mãi được.

Giờ có kể cho Vy nghe chuyện con mèo trong lòng giếng năm nào cũng vô ích. Vẫn nét môi như cười ấy, nhưng lúc này là biểu hiện của sự phẫn nộ tích tụ nhiều năm qua. Mỗi người thật ra cũng là một loại bản đồ, mà mình là người đọc rất tệ. Pha nghĩ. Nét cười của Vy là một ký hiệu mà đến giờ mình vẫn không hiểu có nghĩa gì.

- Cha không tìm. Cha đang sống cùng họ - Pha nói.

- Cha muốn chết cùng họ - Vy nói.

- Em chưa trả giá, em không thể hiểu.

- Nhưng em hiểu hiện tại. Còn bao nhiêu thứ ngoài kia. Cha và anh không thể mắc kẹt giữa những chuyện cũ.

Vy ngừng một lúc, thở dài.

- Anh và em không thể dừng lại. Không thể dừng lại khi hai đứa mình vẫn đang sống, đang hít thở khí trời này.

Lần thứ bao nhiêu trong nhiều năm qua Vy nói điều này với anh. Có lẽ cô yêu anh nhiều hơn anh nghĩ. Có lẽ cô cũng quan tâm đến cha nhiều hơn anh nghĩ.

Vy đứng dậy, thả vào lòng Pha cuốn tạp chí.

- Đây là cuốn cuối cùng. Cha cần đọc những thứ khác, vẫn còn thời gian đón nhận những điều khác - Vy nói.

Pha cuộn cuốn tạp chí trong tay.

Pha nặng nhọc đứng dậy, bước theo cô.

Phía trước, Vy đi ngược ánh nắng. Cơ thể cô được nắng tỉa thành một bức tượng đồng mảnh dẻ của Giacometti. Cái đầu nhỏ, cánh tay dài và đôi chân thẳng tắp.

Với một số người, giấu đi nụ cười lại khiến người ta hoàn hảo.

4 Nhờ Facebook mà Pha tìm thấy Vy.

Pha nghĩ cô đã thêm vào cơ thể chừng hai mươi ký. Cô đang chạy bộ. Đôi chân dài giờ đầy đặn và cái bụng căng dưới chiếc áo đẫm mồ hôi. Nhưng anh nhận ra cô ngay lập tức nhờ nụ cười ấy.

Rốt cuộc, đó chính là ký hiệu để anh tìm thấy cô dù có bao nhiêu năm tháng trôi qua và anh tin sẽ nhận ra cô ngay cả ngàn năm sau, nếu ai đó cần đến anh để nhận diện một xác ướp chân dài và thẳng.

Nụ cười ấy giờ hướng thẳng về ống kính máy ảnh. Có thể người chụp là chồng, hay con. Cũng có thể chỉ là một người quen biết. Cô mang đôi giày có đường viền lấp lánh. Đường cỏ dưới chân cô sạch sẽ, được cắt tỉa cẩn thận.

Có thể là một đường chạy nào đó bên bờ đông nước Mỹ, cũng có thể là một khu phố sang trọng nào đó bên kia sông Sài Gòn. Tất cả những gì Pha tìm thấy chỉ là một bức hình đại diện. Có nhiều điều về cô mà Pha không biết, nhưng anh không nghĩ mình cần nhấn nút kết bạn với ai nữa vào tuổi này.

Pha gập màn hình máy tính, nhìn quanh căn phòng nhỏ. Trong chiều nay, anh phải xếp vào thùng tất cả sách và tạp chí Địa lý trước khi giao nhà.

Trên eBay, có quá nhiều người sưu tập tạp chí Địa lý. Từng có quá nhiều người si tình với chúng và nay có quá nhiều người rao bán. Liệu có ai đọc chúng như cha, đọc cả đời với một, chỉ với một chiếc kính lúp nhỏ, di chầm chậm trên tấm bản đồ nhỏ.

Rồi Pha lẩn thẩn nghĩ nếu biết một ngày nào đó ra biển và trôi dạt vào đảo hoang, anh sẽ chọn mang theo thứ gì trong căn phòng này; cuốn tạp chí Địa lý đầu tiên có tấm bản đồ nhỏ, hay chiếc kính lúp cũ kỹ cha vẫn dùng để tìm kiếm con người.■

Gặp lại Phan Triều Hải

Chính xác là 10 năm, kể từ sau tập truyện ngắn Những con đường không đến Seattle (2008), Phan Triều Hải gần như “thất lạc” ở đâu đó. Biên tập kịch bản phim, tham gia làm kịch bản nhạc kịch, thậm chí là dịch Hội hè miên man của E. Hemingway...; Hải làm nhiều việc, dịch chuyển nhiều nơi, như là... cố ý đi lạc.

Đi thật xa, để tìm lại...

Mà may thế, có vẻ như thế, Phan Triều Hải đã tìm được mình và người đọc cũng vừa tìm được anh - cây bút trẻ Sài Gòn của thuở Vào đời (1994) dịu dàng ngơ ngác mà duyên dáng.

Nhưng bấy nhiêu năm vật đổi sao dời, sau những tung tẩy vô tư lự trong Quán bò rừng (1995), Những linh hồn lạc (1995), Có một người nằm trên mái nhà (1997), nhà văn trung niên nay lại vướng bận nhiều hơn với sự mất mát. “Đó có thể là sự bỏ đi của một người, sự phai nhạt tình yêu, hay những sai lầm không có cơ hội sửa chữa” - Hải nói vậy về những truyện ngắn mới nhất của mình.

Nên Tạp chí Địa lý mà bạn đang đọc chỉ là một ví dụ về những được - mất như thế trong tập truyện ngắn Mỗi người một chỗ ngồi của anh. Viết chỉ trong 4 tháng, với năm giờ viết mỗi ngày tại một thư viện nhỏ có tên Mecklenburg Sugar Creek ở North Carolina của nước Mỹ, tập truyện thứ 6 của Phan Triều Hải sẽ được NXB Trẻ phát hành đầu năm 2018. T.N.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận