TTCT - Những năm 1960, vỉa hè Hà Nội được chia ra làm ba loại rõ ràng. Những tuyến phố cũ trước hòa bình lát gạch chỉ khía vạch chéo chống trơn đỏ au sau mỗi trận mưa rào. Bờ hè được cạp bằng đá xanh. Những viên đá cắt chéo hạ dốc xuống bằng mặt đường nhựa ngay ngắn gọn gàng ở lối xe lên. Phố Thợ Nhuộm còn có những đoạn đường nhựa lẹm sâu vào vỉa hè làm chỗ tránh cho xe cộ. Phóng to Một đoạn vỉa hè Hà Nội thời bao cấp - Ảnh: Ảnh tư liệu Hà Nội chỉ vài phố như thế, và cầu Long Biên. Đó là chỉ dấu đầu tiên báo hiệu cho những người đi bộ trong thành phố nhận biết vị trí khiêm nhường của mình. Những tuyến phố được lát gạch vỉa hè sau hòa bình không nhiều. Đa số nằm trên những con đường lớn kéo dài từ trong trung tâm mà ra. Gạch ximăng vuông ba mươi phân xám xịt một màu lổn nhổn những viên sỏi trắng. Ximăng lúc ấy quý hơn gạo và dầu thắp đèn bởi không có phiếu nào mua được. Xin đâu đó một cân bỏ vào vỏ hộp sơn đậy điệm kỹ càng. Thỉnh thoảng mang ra pha loãng để quét chống thấm cho chiếc thùng phuy đựng nước nhà nào cũng có. Và thùng phuy nào thì cũng rò rỉ. Những năm chiến tranh phá hoại, vỉa hè Hà Nội bâng khuâng vắng. Lại một lần nữa “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi). Nhưng lần này thì chẳng có nổi một câu thơ nào hay đến thế. Thật ra lúc ấy Hà Nội cũng không đủ người để đi bộ trên vỉa hè. Người lớn sơ tán theo các cơ quan nhà máy. Đám trẻ sơ tán thỉnh thoảng được bố mẹ cho về thăm nhà ngơ ngác không nhận ra những vỉa hè sôi động trò chơi và bạn bè. Nhiều đứa vừa về đã nằng nặc đòi đi sơ tán tiếp. Mãi đến năm 1969, khi Mỹ chính thức ngừng ném bom đợt đầu học sinh mới được quay về những vỉa hè thân thương của mình. Nhiều đứa đã lớn phổng. Có thể mượn xe đạp người lớn dạo quanh bờ hồ xuôi xuống Hàng Bài, phố Huế tán gái. Đám con gái cũng vừa ở nơi sơ tán về đang ra sức tập tành lại tác phong yểu điệu phố phường. Số còn lại dĩ nhiên vỉa hè. Năm năm sơ tán đã có nhiều đứa được sinh ra và lớn lên. Giờ ra chơi trước cổng trường đông nghịt. Tranh giành nhau từng ô đất trống bày trò. Chen lẫn những hàng rong ô mai, lạc rang, táo dầm, bánh gối, chín tầng mây, kẹo kéo và bi don don. Trẻ trai nhễ nhại đá cầu đá bóng. Trẻ gái nhảy dây chơi chuyền. Vỉa hè trở nên chật chội không chỉ ở cổng trường. Vài chục mét lại một quán nước chè năm xu ngồi la liệt ghế gỗ con thấp tè sát đất. Thuốc lá cuốn giấy Con Gà bó chục đựng trong những lọ thủy tinh rộng miệng. Chiếc điếu cày hút thuốc lào thửa mãi trong Ngọc Trạo, Thanh Hóa phát ra tiếng kêu giòn tinh gọi khách. Góc ngã tư nào cũng có một vài bác thợ sửa xe đạp án ngữ treo những chiếc lốp hỏng lên thân cây làm biển hiệu. Vá săm lốp, lau dầu, lộn xích, cân vành. Vài đứa trẻ thôi học cũng ra đường bơm xe. Ăn nhau ở chỗ đứa nào có cái bơm Nga nhãn hiệu Molotova mới đắt khách. Chúng nghĩ ra cách nhún bơm nhịp nhàng không mất sức và cũng là phù hợp với cân nặng trẻ con. Mới đấy mà đã như xa lắc. Hình hài cái vỉa hè đã muôn phần đổi khác. Không còn được chia ra làm ba loại như trước. Tất cả đều đã được lát gạch nhiều kiểu dáng màu sắc. Rất tùy hứng. Khát vọng tự do hình như dân phố đạt được đầu tiên là ở vỉa hè. Dân giàu có chọn gạch cho vỉa hè trước cửa nhà mình chẳng giống ai. Lại hứng chí bày thêm hai chậu cây lộc vừng tổ bố giữa lối đi. Thành phố cho lát đá xanh thí điểm vài con phố xám sì thấp gần sát mặt đường nhựa. Khổ nhất các cụ già “lỡ bước sang ngang”. Ngật ngưỡng giật mình loạng choạng. Độ cao vỉa hè và độ nhám của gạch lát đã ăn sâu trong trí nhớ các cụ gần hết cuộc đời nay chẳng dùng vào việc đi đứng được nữa. Vỉa hè Hà Nội bây giờ rất hiếm trẻ con chơi đùa. Một phần do trẻ con ít đi và phần lớn do không còn chỗ nào đủ trống cho chúng chạy nhảy. Trường học khóa cổng im ỉm suốt trong giờ học sinh ở trường. Hàng quán lè phè đuổi đâu chạy đấy nhưng thật lạ vẫn ngày càng nhiều lên. Xe máy ngổn ngang chiếm trọn vỉa hè những phố không cấm. Tang ma cưới xin tự do dựng rạp căng lều như ở làng. Khai trương khánh thành hàng quán nhà cửa còn có cả ban nhạc sống và các vũ nữ cầm quả bông ngoáy mông loạn xạ giữa thanh thiên bạch nhật vỉa hè. Sợ nhất cái phát minh vĩ đại mang tầm thế kỷ là chiếc biển sắt ba chân sơn đỏ dựng trên vỉa hè đề dòng chữ “Vỉa hè dành cho người đi bộ”. Nó ngang nhiên chiếm chỗ trên vỉa hè và cũng cản trở ít nhất hai người nắm tay nhau đi bộ? Tags: Tạp bútVỉa hè
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) 02/07/2025 1943 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
Ông Trump 'giảm đáng kể thuế quan' với Việt Nam, chuyên gia nói về điểm mấu chốt BÌNH KHÁNH 03/07/2025 Chuyên gia cho rằng vấn đề mấu chốt lúc này là mức thuế cụ thể sẽ được áp dụng ra sao sau tuyên bố 'giảm đáng kể' từ ông Trump.
Bỏ phạt tử hình với 8 tội danh: Người phạm tội bị tuyên tử hình trước 1-7 xử lý thế nào? THÀNH CHUNG 03/07/2025 Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự quy định từ 1-7 bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh.
Sun Group đề xuất đầu tư khu thể thao quốc gia Rạch Chiếc, khu đô thị Trường Thọ ĐỨC PHÚ 03/07/2025 Sun Group đề xuất nghiên cứu đầu tư một số dự án hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trọng điểm tại TP.HCM theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Lệ phí đăng ký ô tô ở tỉnh Bình Dương, Vũng Tàu cũ tăng từ 1 triệu lên 20 triệu đồng MINH HÒA 03/07/2025 Sau khi sáp nhập với TP.HCM, lệ phí đăng ký ô tô con lần đầu của người dân ở tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ tăng từ 1 triệu lên 20 triệu đồng.