Umberto Eco: Để nói tiếng công dân …

PHAN XUÂN LOAN (TRÍCH DỊCH) 03/03/2016 02:03 GMT+7

TTCT - “Thành tựu của văn minh chính là biết giữ mình trong khuôn khổ và không lơi lỏng cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay chủ nghĩa phát xít” - Umberto Eco nói trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Konstantin Milchin, tờ Expert (*) của Nga.

Nhà văn Umberto Eco
Nhà văn Umberto Eco

Sách với nhà hoạch định chính sách

Ông là một trong những trí thức có ảnh hưởng nhất ở nước Ý, và có thể trên toàn châu Âu. Liệu ở phương Tây, giới trí thức có quyền lực thật sự?

- Ít hơn nhiều so với tưởng tượng của các anh. Ảnh hưởng của họ hiện nay bằng 0. Đấy, mới đây người ta gửi cho tôi bức thư trong đó các nhà văn kêu gọi hòa bình cho Syria.

Dĩ nhiên, nếu ở Syria người ta biết Alain Badiou (triết gia Pháp gốc Morocco 73 tuổi - ND) đòi hòa bình cho Syria, rằng chính Bernard Henri Levy (nhà báo, nhà văn, đạo diễn Pháp 67 tuổi - ND) kêu gọi hòa bình cho Syria, các hoạt động chiến sự sẽ chấm dứt ngay! Nhân tiện tôi cũng đã ký vào bức thư này...

Nhưng liên quan đến quá khứ và tương lai thì ở đây nhà văn quả thực có thể mang tới ích lợi lớn. Họ tác động mạnh vào những gì con người tưởng tượng về quá khứ và tương lai. Mặc dù ý tưởng của Plato rằng giới trí thức khi kiểm soát thế giới sẽ làm nó tốt hơn - chỉ là một giấc mơ vô nghĩa.

Vậy ông ký tên vào thư kêu gọi hòa bình cho Syria để làm gì?

- Vì ký thì đơn giản hơn phải giải thích tại sao anh không muốn ký.

Có thể vai trò của trí thức là ở chỗ tư vấn những quyển sách cần đọc cho các nhà hoạch định chính sách?

- Vâng, tôi đã luôn nói rằng nếu G. Bush chịu đọc chỉ vài quyển sách về Afghanistan mà người Nga và người Anh viết, chắc ông ta sẽ chẳng can thiệp vào đó. Ông ta đã có thể nhận ra rằng tất cả đều bại trận ở vùng núi đó, cả Alexander đại đế cũng phải lui binh.

Nhưng chẳng có trí thức nào khuyên ông ta điều đó. Hay như Hitler, nếu như ông ta biết từ biên giới đến Matxcơva dài bao nhiêu cây số, nếu như ông ta đã biết thời tiết Nga vào mùa đông, chắc ông ta đã chẳng tấn công Liên Xô. Chỉ cần đọc Chiến tranh và hòa bình là đủ.

Roosevelt khi bắt đầu chiến tranh với Nhật Bản đã tìm đến nhà nhân chủng học Mỹ nổi tiếng nhất thời đó là Ruth Benedict để nhờ phân tích chi tiết về xã hội Nhật. Và bà này đã viết quyển sách Hoa cúc và thanh kiếm.

Tất cả các tướng lĩnh và đô đốc đã được yêu cầu phải đọc nó. Người ta tin rằng đây là lý do vì sao cuối cuộc chiến người Mỹ không đánh bom Kyoto, một Vatican của nước Nhật. Nếu không thì nền văn minh Nhật đã bị hủy diệt rồi. Dẫu sao đó cũng chỉ là giả thiết. Nhưng không nghi ngờ gì việc quyển sách của Benedict đã giúp người Mỹ tìm hiểu tâm trạng người Nhật, điều đó đã giúp họ. Cho nên không phải tất cả các chính khách đều là những kẻ ngốc.

Vậy ông có thể liệt kê một danh sách nhỏ sách cần đọc cho các chính khách mới vào nghề?

- Không có một danh sách phổ quát, tất cả phụ thuộc vào tình hình. Vâng, có thể là Thánh Kinh.

Nhưng George Bush chắc chắn có đọc Kinh Thánh.

- Đọc không kỹ.

Ở Ý vừa xuất bản một quyển sách của ông về nghiên cứu hình ảnh kẻ thù, thật sự là “kẻ khác”. Vậy ai là “kẻ khác” đầu tiên trong cuộc đời ông?

- Thuở nhỏ tôi luôn chia mọi người thành hai loại: “ngài” và “người”. Giữa họ là sự khác biệt lớn. Ngài luôn có mũ phớt và cà vạt. Còn người thì có mũ lưỡi trai. Hồi nhỏ khi chạy tới cửa tôi luôn biết chính xác ai đến nhà mình, người hay ngài. Người thì ví dụ như ông hàng thịt.

Đó là những ám ảnh xã hội đầu tiên của một tư sản bé. Có lần tôi hỏi mẹ cách mạng là gì? “Đó là khi công nhân chặt đầu tất cả những nhân viên, như cha của con”. Có nghĩa là “các người” chặt đầu “các ngài”. Vì vậy, “kẻ khác” đầu tiên của tôi là đại diện một tầng lớp xã hội.

Còn người với màu da khác?

- Hồi bé tôi không biết chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là gì, bởi tôi không gặp phải những người khác màu da mình. Người da đen đầu tiên mà tôi gặp trong đời là một người lính Mỹ, tức lúc đó đã là cuối chiến tranh.

Nhìn chung quả là lạ lùng khi tuổi thơ tôi trôi qua trong thời người Ý sở hữu thuộc địa ở châu Phi. Nhưng cư dân các thuộc địa này không tới Ý.

Còn đối với tuyên truyền của phát xít thì “người khác” là người Pháp và Anh. Thời tôi còn nhỏ có một xướng ngôn viên đài phát thanh mà mỗi buổi phỏng vấn đều kết thúc bằng những lời này: “Hãy để Chúa tiêu diệt bọn Anh đáng nguyền rủa”.

Hay để nhấn mạnh Chúa trời căm thù người Anh tới đâu, ông ta giải thích họ ăn tới năm bữa trong ngày, khác hẳn với người Ý nghèo khó và khiêm tốn hơn. Mọi thứ cứ thế cho đến một ngày đẹp trời tôi phát hiện tôi cũng ăn năm lần trong ngày. Đầu tiên là bữa sáng, sau đó tôi được ăn qua loa ở trường, rồi ăn trưa vào giữa ngày, sau đó là năm giờ chiều, rồi ăn tối.

Còn người Nga? Ông có căm thù họ? Nước Ý từng trong tình trạng chiến tranh với Liên Xô.

- Chúng tôi không có tuyên truyền chống cộng và chống Xô viết. Vì theo chính quyền phát xít, nước Ý từ lâu đã xong việc với chủ nghĩa cộng sản nên không cần phải nói về nó dù ở đâu chăng nữa. Tôi nhớ thời chiến tranh đã xuất hiện các biếm họa đầu tiên chống Stalin, trong đó có thơ cười nhạo “những người khổng lồ Điện Kremlin”.

Nhưng chúng tôi không sợ chủ nghĩa cộng sản và cũng không tô vẽ những kinh hoàng của nó.

Người Mỹ có mùi khác

Thế kỷ 19, kẻ thù (của Ý) từng là các tu sĩ dòng Tên, thành viên Hội Tam điểm và người Do Thái. Sau đó là người Anh và Pháp. Vậy giờ đây ai là kẻ thù của người Ý? Cơ chế làm giả tài liệu để kích động hận thù vẫn còn hiệu lực như ngày trước sao?

- Vâng, dĩ nhiên. Cơ chế này hoạt động không ngừng nghỉ. Nó cũng giống như thời Simonini (1). Nhân tiện tôi muốn nói thêm là chính nó đã buộc công bố việc mà tất cả đều rõ, những trích đoạn từ các hồ sơ mật.

Nhờ WikiLeaks mà chúng ta biết trong các hồ sơ mật ở các cơ quan ngoại giao có những điều nhiều lần được in trên báo. Chẳng hạn WikiLeaks công bố báo cáo nhanh về các cuộc xung đột giữa Berlusconi (cựu thủ tướng Ý - ND) với người đứng đầu hiệp hội công nghiệp - chúng đơn giản là những trích đoạn từ báo chí. Nó là gì nếu không phải là công việc của Simonini? Ông ta lao động không ngơi nghỉ.

Nhưng dẫu sao thì ai hiện đang là kẻ thù chính của Ý?

- Với một nửa người Ý thì kẻ thù số 1 chính là Berlusconi. Về ông ta, người ta in khá nhiều chuyện thật lẫn điều bịa đặt. Còn với những kẻ thù khác của nước Ý, tôi có một câu chuyện về đề tài này mà tôi hay kể lại.

Chuyện xảy ra ở New York. Tôi đi taxi, sau tay lái là một người Pakistan, ông ta nói rất nhiều. “Ông từ đâu tới? Nước Ý của ông ở đâu? Ở Ý nói tiếng gì? Tại sao ông biết tiếng Anh? Kẻ thù của ông là ai?”. “Ông có ý gì?” - tôi ngạc nhiên.

“Thì kẻ thù. Kẻ mà các ông phải chiến đấu trong suốt nhiều thế kỷ. Kẻ mà các ông giết và giết các ông”. Tôi suy nghĩ: “Trong thời đầu của thế kỷ 19 kẻ thù đó là Áo, nhưng sau đó chúng tôi lấy Triest từ họ và nguôi ngoai. Vào thời đầu của cuộc chiến tranh cuối cùng, chúng tôi có một kẻ thù và đã kết liễu họ khi chiến đấu chống lại một kẻ thù hoàn toàn khác. Giờ thì dường như những kẻ thù như thế không còn nữa”.

Ông ta nhìn tôi như thể tôi thú nhận với ông ta mình là người đồng tính vậy. Sau đó tôi nghĩ mãi về cuộc trò chuyện này và hiểu: trong suốt lịch sử, Ý luôn có chiến tranh giữa các thành phố. Thành phố này căm thù thành phố khác. Có nghĩa kẻ thù của chúng tôi là từ bên trong.

Và giờ hãy lắng nghe Bossi nói gì (Umberto Bossi - lãnh đạo “Liên minh phương Bắc” đấu tranh đòi tự trị và độc lập cho những tỉnh công nghiệp giàu có phát triển ở Bắc Ý). Kẻ thù của ông ta ở bên trong nước Ý. Đất nước chúng tôi không bao giờ thống nhất, sau khi sáp nhập chúng tôi đã nhận được sự căm thù tương tàn này: các thành phố từ lâu đã không còn là thành phố của quốc gia, mà tiếp tục là những kẻ hận thù nhau.

Tôi rất kinh ngạc khi thấy người Pisa căm ghét người Livorno và người Livorno căm ghét người Pisa. Mà đó là hai thành phố nhỏ nằm cạnh nhau.

- Ồ vâng, vùng Toscana ấy. Người Livorno cho rằng thà có người chết trong nhà còn tốt hơn có người Pisa ngoài cổng! Mặc dù hiện nay sự mâu thuẫn giữa người Livorno và người Pisa, giữa người Lucca với những người Toscana khác từ lâu đã biến thành một trò đùa nào đó.

Nhưng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa phát xít đã không phải là một trò chơi. Và ở chúng tôi cũng có. Tôi đã nói khi tôi còn nhỏ, nước chúng tôi nhìn chung không có người nhập cư.

Nhưng 30 năm trước tôi đi tàu lửa từ Bologna và đoàn tàu không hiểu sao không dừng ở nhà ga trung tâm mà lại đỗ ở một ga ngoại ô. Lúc đó đã 11g30 đêm, tất cả taxi đã biến mất và trong toàn toa tàu tôi là người da trắng duy nhất. Lần đầu tiên chuyện đó xảy ra với tôi trên đất Ý.

Chúng ta ít nhiều đều là những kẻ phân biệt chủng tộc và phát xít khi nói đến “người khác”, nhất là khi họ sống gần với chúng ta. Người Eskimo không gây cho chúng ta những cảm giác mạnh đó vì họ sống quá xa chúng ta.

Hay chẳng hạn những kẻ phát xít sẽ không tấn công thổ dân Úc. Nhưng người Albania thì xin mời! Sau Thế chiến thứ hai bất ngờ chúng ta nhận ra rằng những người Ý - phát xít không ưa người Romania, Serbia và Croatia. Chủ nghĩa phát xít luôn không hợp lý, nó dựa trên những sự kiện rời rạc. Nhiều người nhập cư đến Ý không giấy tờ, trong số họ cũng có tội phạm. Nhưng chẳng lẽ không có tội phạm giữa những người da trắng? Nhưng phát xít không nghĩ tới điều đó.

Vậy chúng ta phải làm sao với điều đó? Với chủ nghĩa bài ngoại từ trong chính mình?

- “Những người khác” các kiểu lúc nào cũng sẽ luôn có. Chẳng hạn mùa hè trên chuyến tàu chật ních người, anh sẽ luôn nhận ra người Mỹ theo mùi của họ. Bởi người Mỹ không giống chúng ta.

Mùi của người da đen cũng không giống chúng ta, trong khi với họ dường như chúng ta cũng có mùi khác. Người Nga cũng có mùi khác người Pháp. Thành tựu của văn minh chính là biết giữ mình trong khuôn khổ và không lơi lỏng cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay chủ nghĩa phát xít.

Cuối cùng thì chúng ta đâu để tiếng gọi tình dục khiêu khích với mỗi phụ nữ ta gặp đâu! Mà chuyện đó tưởng hết sức tự nhiên...

Ông thường xuyên dùng từ “trí thức”, nó có ý nghĩa thế nào với ông?

- Thuật ngữ này xuất phát từ ngôn ngữ của chúng tôi, sau đó trong ngôn ngữ của các bạn nó có thêm nghĩa mới. Không hiếm hoi gì chuyện này... Tôi dùng từ này trong một ý nghĩa hơi mỉa mai để nói về một tầng lớp có học. Đồng thời, mức độ khôi hài của tôi cũng tùy vào bối cảnh.

Năm trước cánh tả thắng lợi lớn ở Milan trong cuộc bầu cử mà ứng viên của họ trở thành thị trưởng, thay thế người được Berlusconi bảo trợ. Sau đó đã có một cuộc mittinh lớn có ông tham dự. Người trí thức có chỗ trong cuộc mittinh không?

- Không, đó không phải là chỗ cho người trí thức. Đó là chỗ cho công dân. Ca sĩ, cầu thủ hay tiểu thuyết gia... đều nổi tiếng hơn những công dân còn lại. Họ có thể và cần phải sử dụng vị thế của mình để giành được những mục tiêu xã hội quan trọng. Vì thế tôi ở đó không phải trong vai trò một trí thức. Tôi sử dụng sự nổi tiếng của mình với tư cách một người trí thức nhưng để phát biểu như một công dân.■

(1): Simone Simonini, nhân vật chính trong Nghĩa địa Praha, sinh năm 1830 ở Turin. Simonini học luật và được một luật sư bất lương dạy cho kỹ thuật giả mạo giấy tờ. Sự “tinh xảo nghề nghiệp” của Simonini khiến anh ta được mật vụ chính phủ chú ý và được sử dụng như một điệp viên chính phủ.

(*): http://expert.ru/russian_reporter/2011/46/kto-vash-vrag/.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận