Vụ kỳ án văn chương Phạm Thị Lan - "Trải nghiệm Việt Nam của tôi là từ năm 11 tuổi"

TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN 11/01/2010 01:01 GMT+7

TTCT - Sự kiện tiểu thuyết đoạt giải Câu lạc bộ sách Cộng hòa Czech 2009 là một tác giả Czech ký tên Việt Phạm Thị Lan (Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số 6-12 và 13-12-2009) đã tạo nhiều quan tâm trong dư luận. Tác giả Jan Cempirek của Ngựa trắng, rồng vàng đã dành cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần cuộc trao đổi thân tình qua email.


Jan Cempirek

Thắng giải bởi chọn đề tài nóng

* Tại sao ông chọn ký tên dưới tiểu thuyết Ngựa trắng, rồng vàng là Phạm Thị Lan mà không phải là cái tên khác? Và tại sao là cộng đồng Việt, bởi ở CH Czech hiện nay còn nhiều nhóm thiểu số nước ngoài khác sinh sống?

- Câu trả lời đơn giản thôi. Người Việt là nhóm thiểu số đông nhất ở CH Czech (ngoại trừ người anh em cũ của chúng tôi từ Slovakia) mà tôi cũng không hiểu tại sao văn học Czech bỏ qua sự kiện này, đó là một trong những lý do.

Còn tại sao tôi sử dụng tên Phạm Thị Lan? Tôi đã pha hai cái tên vào nhau: một cái tên nữ Việt khá phổ biến và đẹp là Lan, và một phần bút danh một nhà văn Việt Nam nổi tiếng Phạm Thị Hoài (xin lỗi nhà văn Hoài thân mến!).

* Thế nhưng xin lỗi cho câu hỏi thẳng: có người bảo bởi quyển sách ký tên Việt là Phạm Thị Lan nên mới được trao giải. Ông nghĩ sao?

- Một thành viên ban giám khảo có nói với tôi: “Chúng tôi không hề biết tên tác giả trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, vì thế quyển sách có thể được trao giải với tên tác giả người Czech hay người Việt cũng chẳng có gì khác cả. Song do quyển sách trình bày và viết dưới góc nhìn của một cô gái Việt nên chúng tôi cho rằng tác giả là một cô gái Việt. Và dĩ nhiên nếu thế (tác giả là người Việt) thì càng tốt hơn cho việc làm ăn của chúng tôi và đánh động được sự quan tâm của truyền thông Czech”.

Tôi tán thành nhận định này. Lý do chính để quyển sách thắng giải là do đề tài của nó. Giải thưởng của câu lạc bộ văn chương là một trong những giải thưởng văn hóa cao quý của CH Czech. Mỗi năm người ta đều cần những đề tài chính trị nóng bỏng, lịch sử hay xã hội để trao giải.

* Đề tài người Việt được quan tâm như vậy nhưng tại sao, như ông nói, văn chương Czech không có dòng nào về họ, thưa ông?

- Tôi thật sự không biết. Có nhiều tác giả viết rất tốt trên blog, nhưng các nhà xuất bản nhiều năm qua đã bỏ qua. Tôi cho rằng họ quá "mù lòa". Đây không phải là chủ ý của họ, mà chỉ là sự mù lòa nghề nghiệp trước một cơ hội kinh doanh tốt.

* Tiểu thuyết của ông cho thấy sự hiểu biết sâu sắc văn hóa Việt. Ông có thể cho biết bằng cách nào ông có được kho kiến thức đó? Ông có tìm hiểu trong cộng đồng Việt?

- Không may là hiểu biết về Việt Nam của tôi rất buồn cười chứ không phải nghiêm túc. Tình thực mà nói, trải nghiệm đầu tiên của tôi về Việt Nam là khi tôi mới 11 tuổi. Vào thời tươi trẻ đó, tôi rất mê thiên nhiên mà chủ yếu là bọ cánh cứng và bướm. Một trong những người bạn của bố tôi đi Việt Nam về đã mang cho tôi một con bọ cánh cứng to, loại người ta gọi là bọ tê giác. Đó là một trải nghiệm cực kỳ cho nhà khoa học trẻ là tôi khi đó.

Thứ hai, khi đã 27 tuổi, tôi đang quản lý một nhà nghỉ ở thành phố quê hương mình là Ceske Budejovice. Gần nhà nghỉ của tôi có một nhà hàng Việt. Tôi thường cùng khách của mình sang đó dùng cơm. Lâu dần thành quen, ông chủ nhà hàng trở thành bạn bè và chúng tôi đã cùng nhau uống những loại rượu gạo được cất rất ngon khi đó.

* Ông vẫn chưa trả lời về công việc tìm hiểu đời sống Việt cho tiểu thuyết?

- À, tôi có một người bạn Việt làm phiên dịch sống cùng thành phố. Anh ấy giúp tôi về từ vựng Việt, cũng như cho tôi một ít thông tin về xã hội Việt. Nhưng phần lớn thông tin tôi lấy từ Internet cũng như từ “đôi mắt mở rộng” của tôi.

Jan Cempirek tại nhà ga thành phố quê hương ông Ceske Budejovice - Ảnh nhân vật cung cấp

Sống cạnh nhau chứ chưa hòa nhập

* Trả lời báo chí Czech cho câu hỏi vì sao có Ngựa trắng, rồng vàng, ông đã nói muốn thử xem phản ứng của độc giả và truyền thông. Giờ thì ít ra ông đã có câu trả lời từ giới truyền thông, và có người nói ông là một kẻ lừa đảo?

- Dĩ nhiên tôi rất quan tâm phản ứng của báo chí. Và tôi cũng không ngạc nhiên khi đa số phản ứng đó rất đúng đắn về chính trị, những lời bình kiểu như “một quyển sách thú vị và thật hay khi Czech là một xã hội cởi mở”. Chỉ một số ít trong những bài báo đó hiểu được hậu cảnh của câu chuyện, khi có người bình rằng Ngựa trắng, rồng vàng là “một quyển sách với đề tài thú vị, nhưng câu chuyện không quá phức tạp và dường như từ góc nhìn của người Czech”.

Còn câu hỏi về sự lừa đảo của tôi? Từ này chỉ một ít nhà phê bình sử dụng, và tôi nghĩ mình đã mở ra một đề tài thú vị. Nó là thế đó. Tôi chẳng có chuyện gì thêm để nói với các nhà phê bình.

* Một số độc giả Việt đã bình luận trên Tuổi Trẻ rằng: “Nếu tác giả yêu Việt Nam thật lòng, ông ấy nên đặt tên thật của mình dưới tác phẩm ngay từ đầu. Ông thấy sao?

- Tôi muốn sử dụng phương pháp của nhà văn Pháp Boris Vian (*), người 60 năm trước đã giả danh làm một tác giả da đen. Câu hỏi của tôi là: tôi có thể tạo ra một cú chơi khăm như thế 60 năm sau không? Và câu trả lời của tôi là: có thể.

* Vậy ông chọn đề tài Việt Nam để gây chú ý của độc giả lẫn ban giám khảo cho cú chơi khăm của mình, hay thật sự vì ông quan tâm tới đời sống của cộng đồng Việt ở Czech?

- Cả hai. Người Việt và người Czech đang sống cạnh nhau chứ chưa hòa nhập. Không có cú chơi khăm này thì mọi chuyện ít thú vị hơn so với khi có tên giả. Thật đáng tiếc, nhưng đó là sự thật.

* Tiểu thuyết của ông đề cập những kẻ phân biệt chủng tộc. Tháng 11 vừa rồi, có hai cửa hàng người Việt ở Ostrava (CH Czech) bị những kẻ cực đoan phóng hỏa thiêu rụi. Ông nghĩ sao về nạn bài ngoại này?

- Sự kiện hai cửa hàng Việt này thật sự tôi không nghe thấy. Nhưng nhìn chung những chuyện thế này vẫn xảy ra, lúc này hay lúc khác ở CH Czech dù không còn phổ biến như hồi thập niên 1990. Nhưng xin nói thêm: những kẻ cực đoan ở Czech có một mục tiêu ưa thích hơn cho các cuộc tấn công của chúng: người Di gan!

* Kế hoạch tương lai của ông? Ông có định tới thăm Việt Nam?

- Dĩ nhiên. Tôi đã có vài lần tới Đông Nam Á trước đây, và tôi có kế hoạch đi thăm Việt Nam càng sớm càng tốt. Tôi đã gặp nhiều người bạn Việt ở Czech vài tháng gần đây và rất thích nếu có thể chính mình tới thăm Việt Nam.

* Xin cảm ơn và mong sớm gặp ông tại Việt Nam.

(*) Boris Vian (1920 -1959): học giả, nhà văn, nhà thơ và nghệ sĩ Pháp, nhưng ông được nhắc tới nhiều nhất nhờ các tiểu thuyết. Năm 1946, theo yêu cầu của người bạn là một nhà xuất bản vừa khởi nghiệp Jean d’Halluin, Boris Vian đã viết tiểu thuyết J’irai cracher sur vos tombes, được giới thiệu như truyện dịch của một nhà văn Mỹ tên Vernon Sullivan, dù nguyên tác lẫn nhà văn Sullivan đều không tồn tại. 

Quyển sách được viết chỉ trong 15 ngày đã gây nhiều tranh cãi và trở thành một trong các sách bán chạy nhất năm 1947. Trong khoảng năm 1947-1949, Boris Vain đã viết thêm ba tác phẩm dưới tên Vernon Sullivan. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận