Xin lỗi, nhưng đó là thực tế

LÊ QUANG 12/10/2016 16:10 GMT+7

TTCT- BYUNG-CHUL HAN được coi là ngôi sao băng trong làng triết gia, “chỉ dùng vài câu là xô đổ cả một tòa nhà tư tưởng” - lý do để người ta tôn vinh hoặc căm ghét ông. Trích phỏng vấn của báo ZEIT WISSEN.

Byung-Chul Han
Byung-Chul Han

ZEIT WISSEN: Xét cụ thể, tư duy là gì?

- BYUNG-CHUL HAN: Tư duy là nhận biết sự giống nhau. Tôi thường đột nhiên nhận ra sự giống nhau giữa các sự kiện, giữa sự kiện hiện tại và sự kiện quá khứ. Tôi nhận biết mối tương quan giữa nhiều điều khác nhau đang xảy ra hay đang được ưa chuộng, ví dụ Brazilian Waxing, tượng của Jeff Koons và iPhone.

Ông so sánh việc triệt lông với smartphone và tác phẩm nghệ thuật?

- Rất dễ nhìn thấy điểm chung: nhẵn bóng. Sự nhẵn bóng là đặc tính của thời hiện tại. Ta hãy xem cái điện thoại di động “G Flex” của LG, nó được phủ một lớp tráng đặc biệt, mỗi khi có vết xước là lát sau lành ngay. Một lớp da tự lành, gần như da hữu cơ vậy, khiến vỏ luôn nhẵn bóng.

Tôi tự hỏi: tại sao người ta ghét vết xước trên đồ vật? Vì sao muốn mặt ngoài nhẵn bóng? Vậy là có tương quan giữa cái smartphone trơn bóng, nước da nhẵn và tình yêu!

Sao lại tình yêu?

- Lớp vỏ ngoài nhẵn bóng của smartphone là lớp da không thể bị tổn thương. Có đúng sự thật là trong tình yêu hôm nay ai cũng muốn tránh tổn thương? Người ta sợ và tránh bị tổn thương. Người ta cần đầu tư nhiều cho tình yêu, nhưng lại ngại đầu tư vì nó làm tổn thương.

Chúng ta sống trong thời đại “Like”. Facebook không có nút “Dislike”, chỉ có “Like”, và “Like” làm tăng tốc độ truyền thông, trong khi “Dislike” hãm truyền thông lại. Sự tổn thương cũng khiến truyền thông chậm lại. Ngay cả nghệ thuật thời nay cũng không muốn gây tổn thương nữa.

Các tác phẩm tạo hình của Jeff Koons không làm đau, làm gãy, không có vết rách, vết nứt, không có cạnh sắc hay đường nối. Tất cả tan chảy mềm mại và trơn nhẵn. Các góc được mài tròn, đánh bóng - nghệ thuật của Jeff Koons hướng tới vỏ ngoài nhẵn bóng. Hôm nay ra đời một văn hóa làm hài lòng, tôi cũng có thể gán sang chính trị cũng được.

Tác phẩm Con chó bong bóng của Jeff Koons
Tác phẩm Con chó bong bóng của Jeff Koons

 Chính trị nhẵn bóng?

- Chính trị bây giờ cũng không muốn đầu tư nhiều, mà chỉ muốn làm hài lòng. Chính trị gia nào có thể làm ví dụ? Angela Merkel chẳng hạn. Bà ấy rất được mến mộ. Thực sự bà ấy không có niềm tin kiên định, không có tầm nhìn xa trông rộng.

Bà ấy ngó ra phố và tùy theo nhiệt độ ngoài phố mà thay áo lập trường. Sau thảm họa hạt nhân ở Fukushima, đột nhiên bà phản đối điện nguyên tử. Có thể nói là bà ấy trơn tuột như lươn. Nhưng hành động chính trị theo nghĩa quyết liệt cần tầm nhìn xa và đầu tư mạnh.

Nó phải được phép làm tổn thương. Nhưng nền chính trị nhẵn bóng hôm nay không có khả năng đó. Không chỉ Angela Merkel mà các chính trị gia hôm nay đều không có khả năng đó. Họ chỉ là kẻ thừa hành ngoan ngoãn của hệ thống.

Họ sửa chữa nơi hệ thống bị lỗi, trong hào quang của sự độc nhất vô nhị. Song chính trị phải đưa ra nhiều lựa chọn, không thì chẳng khác gì nền độc tài. Hiện chúng ta đang sống trong nền độc tài của chủ nghĩa tự do mới. Trong chủ nghĩa tự do mới, mỗi người kinh doanh chính mình. Chủ nghĩa tư bản thời Karl Marx từng có một cơ cấu lao động khác hẳn.

Nền kinh tế bao gồm chủ nhà máy và công nhân, và không công nhân nào kinh doanh chính mình. Ngày xưa người này bóc lột người khác, hôm nay ta tự bóc lột ta trong ảo tưởng là ta tự kiến tạo đời mình.

Chủ nghĩa tự do mới thể hiện rất rõ trạng thái của xã hội hôm nay, vì mục đích ở đây là bóc lột sự tự do. Hệ thống này muốn liên tục tăng sức sản xuất, do đó nó chuyển từ người này bóc lột người kia sang tự bóc lột, như thế sẽ sinh ra hiệu suất và sức sản xuất cao hơn, và tất cả những việc đó được đậy dưới lớp vỏ của tự do.

Cách phân tích của ông làm người ta bi quan quá. Ta tự bóc lột ta, ta không dám chịu rủi ro - trong tình yêu cũng như trong chính trị, ta không muốn bị tổn thương và làm tổn thương.

- Xin lỗi, nhưng đó là thực tế.

Từng cá thể trong xã hội này phải làm gì để tìm được hạnh phúc cho mình? Ta có nên phấn đấu hơn nữa cho các lý tưởng của ta?

- Hệ thống này ngăn ta làm việc đó. Ta còn không tự biết ta muốn gì. Những nhu cầu mà tôi tưởng là của tôi thì lại không phải là nhu cầu của tôi. Lấy ví dụ cửa hàng bán quần áo giá rẻ Primark. Người ta tổ chức các chuyến xe buýt đi mua vì không phải thành phố nào cũng có Primark.

Người ta đến nơi, xô vào mua như cướp hàng. Tôi đã đọc về một cô gái nghe nói Primark mở một cửa hàng ở trung tâm Berlin, cô ta rú lên sung sướng và nói nếu có Primark ở đây thì cuộc đời mới hoàn hảo. Liệu cô gái sẽ có cuộc đời hoàn hảo hay chỉ là ảo tưởng do văn hóa tiêu thụ tạo ra?

Ta thử nhìn kỹ xem. Các cô gái mua một trăm cái áo dài, giá mỗi cái chỉ 5 euro - riêng cái giá ấy đã điên rồ rồi, vì để làm ra những cái áo ấy thì ở những nước như Bangladesh có người bỏ mạng khi nhà máy bị sập. Các cô mua một trăm cái áo và không mặc mấy khi. Vậy làm gì với chúng?

Đem khoe trên YouTube.

- Chính xác, và thế là họ làm quảng cáo. Quay vô số video để khen cái áo mà họ đã mua và đóng vai người mẫu. Mỗi video trên YouTube được click nửa triệu lần. Người ta mua áo rồi không mặc, chỉ làm quảng cáo, và quảng cáo kích thích tiêu thụ.

Tức là sinh ra một dạng tiêu thụ chỉ để tiêu thụ, hoàn toàn tách rời mục đích sử dụng. Các doanh nghiệp không tự quảng cáo mà đẩy việc quảng cáo sang người tiêu dùng. Một hệ thống hoàn hảo.

“Tự do sẽ chỉ là một giai thoại”, như ông từng viết. Vì sao?

- Tự do là ngược với cưỡng ép. Khi người ta vô thức tuân thủ sự cưỡng ép mà người ta cho là tự do thì đó là dấu chấm hết của tự do. Chúng ta đang trong một cuộc khủng hoảng, cuộc khủng hoảng tự do, nó sinh ra khi chúng ta nhận thức cưỡng ép là tự do. Lúc đó sẽ không thể có đối kháng nữa.

Khi anh cưỡng ép tôi làm điều gì, tôi có thể chống lại sự cưỡng ép từ bên ngoài đó. Nhưng khi không thấy ai cưỡng ép tôi làm điều gì thì tôi không thể chống lại. Do đó tôi đặt phương châm cho cuốn sách của tôi là “Protect me from what I want” (Hãy bảo vệ tôi trước những gì tôi muốn)! Một câu nổi tiếng của nữ nghệ sĩ Jenny Holzer.

Chúng ta phải tự bảo vệ mình trước chính chúng ta?

- Khi một hệ thống tấn công tự do thì tôi phải bảo vệ tôi. Cái xảo trá là hôm nay hệ thống không tấn công tự do mà biến nó thành công cụ.

Ví dụ: hồi thập niên 1980 nhà nước tổ chức thống kê dân số và tất cả đổ ra chiến lũy. Có cơ quan nhà nước còn bị đánh bom. Người dân xuống đường vì có một kẻ thù, đó là nhà nước làm trái ý dân, muốn đoạt hết thông tin từ người dân.

Hôm nay chúng ta trưng ra nhiều thông tin cá nhân hơn ngày xưa nhiều. Vì sao không ai phản đối? Vì trái với ngày xưa, chúng ta cảm thấy chúng ta tự do. Chúng ta tự nguyện cung cấp mọi thông tin cá nhân.

Có thể vì điện thoại thông minh đem lại nhiều lợi ích khiến chúng ta đánh giá lợi ích cao hơn thiệt hại.

- Có thể thế, nhưng xét về cấu trúc thì xã hội này không khác gì xã hội phong kiến Trung cổ. Chúng ta đang ở trong chế độ nô lệ. Các địa chủ phong kiến kỹ thuật số như Facebook cho chúng ta ruộng và nói: cày bừa đi, các người được nhận miễn phí. Và chúng ta cày bừa như hóa rồ mấy miếng ruộng ấy. Cuối cùng địa chủ đến và thu hết hoa trái. Đó là sự bóc lột của truyền thông.

Chúng ta giao lưu với nhau, và lúc giao lưu ta thấy ta tự do. Giới địa chủ thu lãi từ sự giao lưu đó. Còn bên tình báo giám sát giao lưu. Hệ thống này cực hữu hiệu. Không hề có sự phản đối, vì chúng ta đang sống trong một chế độ bóc lột sự tự do.

Cá nhân ông xử trí vấn đề này ra sao?

- Như mỗi người trong chúng ta, cứ không nối mạng là tôi thấy như bị chặt tay, đúng vậy. Tôi cũng là nạn nhân. Thiếu toàn bộ truyền thông kỹ thuật số này thì tôi không thể hành nghề ở cương vị giáo sư và viết sách. Ai cũng bị trói buộc, bị lệ thuộc.

Công nghệ Big Data (Dữ liệu lớn) đóng vai trò gì?

- Một vai trò quan trọng, vì Big Data không chỉ được dùng để giám sát, mà trước hết để điều khiển hành vi của con người. Và khi hành vi con người bị điều khiển, khi các quyết định ta đưa ra - với cảm giác ta có tự do - bị điều khiển hoàn toàn thì ý chí tự do của ta bị đe dọa. Big Data đối kháng với ý chí tự do của chúng ta.

Ông viết, Big Data làm xuất hiện một xã hội mới có giai cấp.

- Xã hội kỹ thuật số hôm nay không phải xã hội không giai cấp. Lấy ví dụ công ty dữ kiện Acxiom: nó chia con người thành 70 hạng mục, một dạng catalogue mà trong đó con người như hàng hóa cho mỗi nhu cầu.

Hạng thấp nhất là “Waste” (rác rưởi). Người tiêu dùng với giá trị thị trường cao được xếp vào hạng “Shooting Stars” (Sao băng), đó là những người từ 26 đến 45 tuổi, năng động, dậy sớm để chạy thể dục, không con cái, có thể có gia đình, ưa ăn chay, du lịch, xem phim nhiều tập “Seinfeld” trên tivi.

Acxiom xử lý dữ kiện của khoảng 300 triệu công dân Mỹ, tức gần 100%. Hôm nay Acxiom biết nhiều về các công dân Mỹ hơn FBI (Cục Điều tra liên bang), có lẽ hơn cả NSA (Cơ quan An ninh quốc gia). Big Data làm xuất hiện một xã hội mới có giai cấp như thế đấy.■

BYUNG-CHUL HAN
BYUNG-CHUL HAN

Byung-Chul Han sinh năm 1959 ở Seoul (Hàn Quốc). Ông là giáo sư triết và lý thuyết truyền thông ở Đại học mỹ thuật Karlsruhe và Berlin. Ông học triết, thần học Kitô giáo và văn học Đức ngữ. Ông làm luận án tiến sĩ về Martin Heidegger, viết nhiều tác phẩm triết luận gây tranh cãi như Triết lý của thiền tông, Tính siêu văn hóa - văn hóa và giải trí, Xã hội mệt mỏi, Xã hội minh bạch, Sơn trại - hủy hoại kiểu Tàu...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận