Văn xuôi Nga: "Từ khổ đau thể xác đến chai cứng tinh thần"

PHAN XUÂN LOAN 09/12/2023 11:09 GMT+7

TTCT - V. Krupin đã đóng góp cho sự hồi sinh và bảo tồn các giá trị tinh thần và lịch sử của Nga qua văn xuôi.

Vladimir Nikolaevich Krupin sinh năm 1941, nhà văn và nhà báo, đồng chủ tịch Hội đồng Nhà văn Nga. Ông là một đại diện tiêu biểu của "văn xuôi làng quê" Nga.

Tháng 9-2023, ông được giải thưởng Nước Nga của tôi, hạng mục văn xuôi, "vì những đóng góp cho nền văn học nước nhà, cho sự hồi sinh và bảo tồn các giá trị tinh thần và lịch sử của Nga".

Ông được biết đến chủ yếu qua tuyển tập truyện "Ngũ cốc" và các tác phẩm Nước của cuộc sống, Hãy tha thứ cho anh, vĩnh biệt…, Hãy yêu anh như anh yêu em.

Nhà văn V. Krupin.

Nhà văn V. Krupin.

Con đường sáng tạo của ông trải qua nhiều thăng trầm, có thời gian ông hoàn toàn bị lãng quên.

Ngày nay, sách của ông được xuất bản đều đặn. "dựa trên các tác phẩm của Vladimir Krupin, một ngày nào đó người ta sẽ đánh giá nhiệt độ cuộc sống trong kỷ nguyên đáng nguyền rủa cuối thế kỷ và nhiệt độ này dần chuyển hóa từ đau khổ thể xác thành chai cứng về tinh thần như thế nào" - nhà văn Valentin Rasputin nhận xét.

Giải thưởng văn học và lịch sử toàn Nga "Nước Nga của tôi" lần đầu tiên được trao năm 2023, đánh dấu một trong những giai đoạn khó khăn nhất của nước Nga trong lịch sử hiện đại.

Giải thưởng mới này do Liên hiệp các nhà văn Nga thành lập, đảm nhận một nhiệm vụ mà cho đến gần đây vẫn nằm ở ngoại vi của quá trình trao giải văn học: "hỗ trợ các tác giả quyết định trở thành người ghi chép về thời kỳ hỗn loạn của nước Nga, biến chúng thành tác phẩm của các sự kiện mà tất cả chúng ta đã chứng kiến và tham gia trong ba hoặc bốn thập kỷ qua" (báo Văn Học Nga).

Tranh

Tranh "Old couple in a rustic interior" của Willem van Herp

Trân trọng giới thiệu một tác phẩm của ông:

TRUYỆN NGẮN: CỖ QUAN TÀI CHO VỢ

Vào buổi trưa, tôi và Arkasha đi vào rừng. Không thấy nấm, chúng tôi hái quả tầm xuân. Mà biết đâu lại hay hơn: chúng nhanh khô, dễ vận chuyển. Chuyện trò của Arkasha thì luôn vậy, chỉ có một đề tài: tính ghen tuông của bà vợ. Những năm qua tôi đã nghe các câu chuyện của lão cả trăm lần và không muốn nghe thêm nữa.

Nhưng hôm nay có chuyện mới.

Lúc nào mụ ta cũng muốn chết, lúc nào cũng đau khắp mình mẩy. Và luôn kêu tôi làm cho một cái quan tài. Tôi can. Nhưng mụ ta cứ khăng khăng: "Tôi muốn như một nữ tu, họ luôn làm vậy". Mụ ta đọc được ở đâu đó.

"Thôi được, tôi sẽ làm. Và làm cả cho tôi nữa". Ván tôi mua đắt lắm. Tốt nhất là tự làm cho mình, chứ mua hàng chợ đóng sẵn thì ẩu tả lắm, tôi là thợ mộc tôi biết.

Tôi bào ván trước mặt mụ ta, nhưng tôi không đo người mụ, mà đo theo cái giường, lúc mụ ta không có ở đó. Tôi nhớ chân mụ ấy không chạm được tới thành giường.

Thế rồi mụ ta đi bệnh viện khám sức khỏe. Mụ chẳng để tiền lại cho tôi để tôi khỏi uống. Nhưng uống thế nào là việc của tôi chứ. Mùa thu, vườn rau, tôi có con ngựa, cậu nói gì vậy! Để tôi khỏi uống vài lần trong ngày, đặc biệt là vào buổi tối à. Cậu phải coi thường bản thân thế nào nếu tỉnh táo đi lại vào mùa thu chứ.

Nhưng tôi vẫn nhớ lời hứa. Tôi đóng một phát, như đồ chơi. Thậm chí tôi có thể làm cả cái chốt nữa, tôi thấy trên ti vi ấy mà, nhưng chả biết chôm nó ở đâu.

Mụ ta về, tôi bảo: "Yêu cầu của mụ đã được thực hiện". "Yêu cầu gì?". – Tôi đưa mụ ta vào nhà kho. "Đây quà cho mụ đây". Tôi chỉ mụ ta xem. Mụ ta bật khóc nức nở: "Ông muốn tôi chết!". - "Ủa, chính mụ đòi mà". - "Tôi thử ông". Thôi được. Tôi vác nó lên gác mái. Buổi sáng mụ ta bảo "Tôi không ngủ vầy được: lúc nào cũng có cái quan tài trên đầu mình".

Tôi khiêng nó trở lại nhà kho. Mụ ta lại tiếp: "Giờ làm sao tôi ra sân được chứ? Trong nhà kho có cái hòm". "Được rồi, tôi sẽ đốt nó". "Ông sao vậy, ván mắc như thế". "Thôi được rồi, tôi sẽ nới rộng nó cho chính mình".

Mụ ta đồng tình với việc cái quan tài sẽ là cho tôi. Vậy ông sẽ nới nó ra à? Cậu sao vậy, ba trợn rồi à, làm hư đồ tốt như vậy. Tôi giấu nó đi rồi. Sẽ có lúc cần.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận