Với Hằng Nga, ta không bao giờ chịu vỡ mộng

T.L. 21/09/2021 02:05 GMT+7

TTCT - Một thực tế của Mặt trăng mà đến người tỉnh táo nhất cũng bất chấp, bỏ qua...

 
 6 ký họa Mặt trăng của Galileo.

 Kiona N. Smith là một cây viết về khoa học. Trong một bài viết trên Forbes, cô nhắc lại một câu chuyện vào một đêm tháng 11-1609.

“Đêm ấy, nhà thiên văn học Galileo Galilei lần đầu tiên chĩa ống kính viễn vọng do ông tự chế về Mặt trăng. Thứ ông nhìn thấy trong kính đã đảo ngược mô hình cổ xưa về vũ trụ đang thống trị thời ấy. Vào năm 1609, hầu hết các triết gia (và cả khoa học gia) đều nhất tề nhìn vũ trụ theo cách mô tả của triết gia Hy Lạp Aristotle vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên: rằng Trái đất là một hình cầu “đồi bại”, là địa hạt của đời sống hữu tử thay đổi không ngừng; xoay quanh nó là các thiên thể hình cầu mượt mà hoàn hảo, không biến đổi.

“Rõ ràng trong khi đó, bằng mắt thường người ta cũng thấy bề mặt của Mặt trăng không hề nhẵn nhụi mà nhợt nhạt, gồ ghề với những mảng đậm nhạt. Aristotle đổ lỗi do Trái đất cùng sự “hư hỏng” của nó đã làm “hư lây” vị hàng xóm gần gũi nhất ấy. Về sau, các triết gia có rụt rè đề xuất, rằng những mảng sáng tối ấy là do khác biệt về độ đặc của những vật chất làm nên Mặt trăng...”.

“Nhưng đêm đó, khi quan sát qua kính viễn vọng, Galileo nhận thấy các mảng đổ bóng có thay đổi độ rộng tùy theo góc chiếu của Mặt trời lên Mặt trăng, hệt như dưới Trái đất: bóng đổ của cái cây sẽ ngắn lại khi Mặt trời lên cao đỉnh đầu, hay dài ra khi chiều muộn và Mặt trời hạ thấp dần. Vốn có tài vẽ, lại rất rành về đổ bóng, Galileo hiểu rằng điều này có nghĩa là: không phải do vật chất đặc hay không đặc mà làm nên những mảng sáng/tối kia, mà bản thân bề mặt Mặt trăng phải có thứ gì đó nhô lên thụt xuống mới đổ bóng được; thứ đó là gì?

“Galileo không phải là người đầu tiên cho rằng đất đá ở Mặt trăng cũng tương tự của Trái đất. Trước ông khoảng 1.500 năm, triết gia Plutarch đã mô tả thung lũng và núi non trên Mặt trăng, đồng thời cho rằng giống như Trái đất, Mặt trăng cũng có người sống. Nhưng quan điểm của Aristotle vào thời của Plutarch còn quá mạnh...

“Vài tháng trước cái đêm quan sát lịch sử ấy của Galileo, tháng 7-1609, nhà thiên văn học người Anh Thomas Harriot cũng dùng một kính viễn vọng để nghiên cứu Mặt trăng, nhưng có vẻ như ông chẳng thấy gì đặc biệt nên sau đó không thấy công bố bản vẽ nào cũng như ghi chú nào. Trái lại, Galileo đã công bố sáu bức ký họa và kết luận của ông về Mặt trăng, rằng trên đó không bằng phẳng mà có nhiều núi non và miệng núi lửa. Kết luận ấy khiến nổ ra tranh cãi om sòm, và giáo hội nhanh chóng chấp thuận cái ý kiến rằng Mặt trăng đúng là lồi lõm.

“Tuy nhiên, một ý kiến khác của Galileo khi công bố trong chuyên luận thiên văn Sidereus Nuncius đã khiến giáo hội phiền lòng. Ông cho rằng Trái đất và các hành tinh khác quay quanh Mặt trời chứ không phải như học thuyết cũ kỹ cho rằng Thượng đế đã sắp đặt cho Trái đất nằm ở trung tâm vạn vật, còn mọi thứ phải quay xung quanh. Vào đầu những năm 1600, tuyên bố ấy bị nâng quan điểm lên thành dị giáo, và do Galileo quyết không chịu rút lời, ông phải chịu án quản thúc cả đời”. Giờ đây, cái gì quay quanh cái gì thì ta đã biết...

Ngay cả khi Galileo đã cho biết một sự thật rằng kém thi vị về Mặt trăng thì điều đó vẫn chẳng ảnh hưởng gì đến sự tưởng tượng của con người về Mặt trăng. Trăng ở đủ xa để ta coi những hình ảnh khô cằn xám xịt trên đó là “không liên quan”, chẳng là gì so với ánh sáng vằng vặc hoặc mơ màng của nó (tùy thời tiết); nhưng trăng lại đủ gần để ta cảm giác như nó là chứng nhân duy nhất giữa trời đêm, cho những việc thiện cũng như bất thiện của ta. Vai trò đó của trăng rõ nhất là trong hội họa.

 
 Bức tranh "Lễ Sabbath của các phù thủy"

 Ví dụ, danh họa Tây Ban Nha Fracisco Goya đã diễn tả điều này trong bức Lễ Sabbath của các phù thủy (Witches’ Sabbath - 1789) với một con dê quỷ sừng đeo vòng hoa, bao quanh là đám phù thủy tăm tối, có lẽ là trong một lễ hiến sinh một trẻ nhỏ. Tất cả quây quần trong một quầng sáng như đèn sân khấu. Bầu trời cao tăm tối phải nhìn kỹ mới thấy rất nhiều dơi chập chờn.

Nhưng ở góc phải, Goya cẩn thận vẽ một vầng trăng khuyết. Vẻ lạnh lùng rất “đúng khoa học” của vầng trăng ấy khiến quang cảnh bên dưới thêm đáng sợ vì sự dửng dưng của trăng bên trên và sự u mê của loài người bên dưới.

Kể từ lúc có con người, Mặt trăng đã phải chứng kiến bao nhiêu sự u mê ấy, và bản thân Mặt trăng cũng là đối tượng của sự u mê; như trong một bài viết trên tờ MutualArt có nhắc, sau Thế chiến II, có tin đồn rằng quân Đức đã thiết lập một cơ sở bí mật trên Mặt trăng, rằng Hitler đã giả chết và sau đó tẩu thoát mà lên đó sống!

“Mặt trăng-kẻ chứng kiến” có lẽ là chủ đề phổ biến trong hội họa, và dĩ nhiên tài năng hay không là sự miêu tả trăng đã chứng kiến việc gì và lúc đó trăng như thế nào. Năm 1838, danh họa Anh J. M. W Turner vẽ một bức tranh mô tả con tàu chiến Temeraire được một con tàu nhỏ lai dắt trên sông Thames.

 
 Bức tranh "The Fighting Temeraire".

 Temeraire được hạ thủy năm 1798, đã chiến đấu quả cảm trong suốt cuộc đời chinh chiến của mình. Sau nhiều hư hại không sửa chữa thêm được nữa, hải quân Anh đành bán Temeraire để người ta phá dỡ lấy phế liệu.

Bức tranh mô tả chặng đường cuối của Temeraire trên đường đến cầu tàu Rotherhithe, nơi phá dỡ. Người anh hùng lừng lững và gần như trắng toát trôi về nơi kết liễu mình. Đó là lúc Mặt trời đang lặn và trăng lưỡi liềm đang lên, là hai thiên thể đã từng là điểm tựa và bầu bạn của Temeraire trong 40 năm rong ruổi. Hai kẻ vĩ đại ấy của bầu trời cùng lặng lẽ chứng kiến.

Không cái gì cứu được Temeraire: Mặt trời bắt buộc phải lặn, còn Mặt trăng như một mảnh ngọc trong veo không còn tròn nữa. Cả mặt nước cũng tịch mịch không phản kháng. Tất cả đều im lặng, chỉ con tàu kéo phía chạy phía trước là ồn ào - những kẻ không hiểu đời thường rất ồn ào; nó năng nổ phun lên trời một cột khói rất đen.

Turner không bao giờ chịu bán bức tranh này dù với bất kỳ giá nào. Khi mất, ông tặng lại cho nước mình. Bức tranh hiện được treo ở Bảo tàng Quốc gia (National Gallery) London. Trong một cuộc trưng cầu ý kiến năm 2005, nó được bầu là bức tranh được ưa thích của nước Anh. Giờ thì bạn có thể gặp lại Temeraire ở khắp nơi nơi vì bức tranh đã được in lên tờ tiền 20 bảng.

 
 

 Liệt kê ra những bức tranh có vẽ trăng và bình luận chúng có lẽ là việc khôn cùng. Giữa sự mơ mộng của con người với Mặt trăng có một mối quan hệ kỳ lạ, phải gọi là sắt son tuyệt đối. 

Mặc cho những nhà khoa học như Galileo hay các hình ảnh đến chi tiết của Thư viện NASA mà giờ ta có thể tìm thấy dễ dàng trên mạng cho thấy bề mặt lồi lõm và xám xịt của Mặt trăng, hay sự cứng nhắc đến tàn nhẫn thể hiện ở việc dấu giày của phi hành gia Neil Armstrongs trên Mặt trăng vào năm 1969 đến một triệu năm nữa cũng vẫn y nguyên thế, do nơi đó không có tí gió nào để thổi dấu giày ấy mờ đi; thì con người vẫn chỉ tin vào những gì tốt đẹp mình đang thấy, bằng mắt thường, và quyết bám vào đó để mơ mộng. 

Các nhà thơ quyết không xem trăng trong tài liệu, chỉ nhìn trăng trên trời để tiếp tục làm thơ. Các nhạc sĩ cũng thế. Và các họa sĩ và nhiếp ảnh gia lại càng thế... Chưa có sự cứng đầu nào đáng yêu như thế.

Năm nay vì đại dịch, ta đón Tết Trung thu không có bánh trung thu, không có đèn lồng cùng những món đồ trang trí vẽ cung nguyệt với chị Hằng. Các siêu thị không còn mở cửa với những quầy bánh sáng đèn, lời bài hát “Cuội ơi ta nói mày nghe, ở trên cung ấy làm chi... Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to...” vang vang từ sáng tới tối. 

Ngồi trong nhà, qua cửa sổ hoặc nơi bancông nhìn ra trời, nếu may mắn không mưa (vì thường đúng Trung thu lại có mưa) ta sẽ lại thấy Mặt trăng hiện ra tròn trịa, vừa như một chứng nhân cho một Trung thu kỳ lạ trong đời, vừa như “món” chủ chốt nhất của cỗ Trung thu, luôn luôn đúng hẹn và không suy suyển, mà sánh được với độ bền bỉ ấy chắc chỉ có sự lãng mạn của con người. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận