Wagner làm gì ở Belarus?

TƯỜNG ANH 09/07/2023 15:12 GMT+7

TTCT - Nga đã đầu tư đáng kể vào việc biến công ty quân sự tư nhân Wagner PMC thành một công cụ quân sự và đối ngoại quan trọng. Việc Minsk tận dụng cuộc nổi loạn bất thành 24-6 và cho Wagner lập căn cứ ở Belarus đang làm thay đổi cán cân quân sự

Vụ dấy loạn đã thay đổi vai trò của Wagner. Ảnh: AP

Vụ dấy loạn đã thay đổi vai trò của Wagner. Ảnh: AP

Kênh Telegram của giám đốc Wagner Yevgeny Prigozhin hôm 1-7 đưa tin một trong ba doanh trại cho Wagner vừa hoàn thành ở Belarus. 

Ảnh vệ tinh chụp ngày 30-6 cho thấy 303 lán quân được dựng trong một doanh trại ở quận Osipovichi (đông nam Minsk), diện tích khoảng hai sân bóng đá, tổng sức chứa 15.000 người. 

Cổng thông tin Amalantra.ru dẫn lời Thứ trưởng thứ nhất Bộ Thông tin Cộng hòa Donetsk Daniil Bezsonov nói hai trại Wagner nữa sẽ được đặt "ở các khu vực phía tây Belarus, do Ba Lan có luận điệu hiếu chiến, mặc dù nhiệm vụ chính của Wagner là huấn luyện chiến đấu chuyên nghiệp cho lực lượng an ninh Belarus".

Ảnh chụp vệ tinh được cho là khu căn cứ mới của Wagner vừa được xây dựng tại Belarus.  Ảnh: Reuters

Ảnh chụp vệ tinh được cho là khu căn cứ mới của Wagner vừa được xây dựng tại Belarus. Ảnh: Reuters

Belarus: "Được vũ khí hạt nhân lẫn Wagner"

Người thắng lớn trong cuộc nổi loạn bất thành của Wagner chính là Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko, người đã cho thấy "gừng càng già càng cay" như thế nào trong tình thế tưởng chừng bế tắc ở nước Nga ngày 24-6. Trong lễ thăng quân hàm cho các sĩ quan cao cấp Belarus vào ngày 27-6, ông Lukashenko đã tường thuật cuộc đàm phán của ông với ông Prigozhin trong suốt ngày 24-6:

Nhận "thông tin đáng báo động" về các sự kiện ở Nga vào 8h sáng

24-6, ông Lukashenko quyết rằng "mối nguy hiểm không phải ở bản thân vụ nổi loạn mà là những hậu quả sau đó". Ông gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin sau bài phát biểu 10h sáng của ông Putin trên truyền hình. 

Trong cuộc điện đàm, theo lời ông Lukashenko, "tôi hiểu một quyết định tàn nhẫn đã được đưa ra: đánh nhau tới nơi. Tôi nói ông Putin chớ vội, một nền hòa bình xấu còn hơn bất kỳ một cuộc chiến nào, hãy để tôi nói chuyện với Prigozhin. 

Khi đó ông Putin nói: "Nghe này, Sasha (tên thân mật của ông Lukashenko), vô ích thôi. Ông ta thậm chí còn không nhấc điện thoại, không nói chuyện với bất kỳ ai".

Tuy nhiên, ông Putin cũng đồng ý để ông Lukashenko làm trung gian. Giúp Lukashenko kết nối với Prigozhin là giám đốc FSB Alexander Bortnikov và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Yunus-Bek Yevkurov (ông này đã đích thân gặp Prigozhin vào sáng 24-6). 

Cuối cùng, vào 11h trưa 24-6, Lukashenko đã có thể nói chuyện với người sáng lập Wagner. Trong vòng đàm phán đầu tiên, Prigozhin "chửi thề váng trời" suốt nửa tiếng về việc "doanh trại Wagner bị quân đội Nga pháo kích", và thông báo cho Lukashenko kế hoạch "tuần hành" đến Matxcơva.

"Tôi nói với Prigozhin: "Cậu biết Putin không thua gì tôi. Ông ta không thương lượng đâu… Nửa đường, họ sẽ nghiền nát các cậu như một con bọ, mặc dù thực tế là quân Nga (Putin đã nói với tôi khá lâu về điều này) đang phải chia sức ngoài mặt trận". 

Sau một hồi lâu, Lukashenko mới thuyết phục được Prigozhin khi ngả bài Belarus sẽ góp phần bảo vệ Matxcơva "như hồi năm 1941". "Cậu biết đấy, cậu có thể làm bất cứ điều gì cậu muốn. Nhưng đừng giận tôi. Một lữ đoàn Belarus đã sẵn sàng được đưa đến Matxcơva".

Prigozhin đồng ý rút lại các yêu cầu chính (đòi giao nộp Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu và Tổng tham mưu trưởng quân đội Valery Gerasimov), chịu đàm phán để thoát khỏi tình trạng hiện tại, với sự đảm bảo cá nhân của tổng thống Belarus. 

Kết cục, một "thỏa thuận có lợi" cho Prigozhin đã được đưa ra: quân Wagner được an toàn chuyển sang Belarus, bản thân ông Prigozhin cùng các tay súng nổi loạn sẽ thoát án hình sự.

Ngay trong tối 24-6, công trạng của ông Lukashenko đã được các kênh truyền thông Nga tán tụng. Đích thân ông Putin cảm ơn ông Lukashenko giúp Nga thoát khỏi cuộc huynh đệ tương tàn. 

"Được vũ khí hạt nhân lẫn Wagner" là thành tích mà các nhà bình luận quân sự khen ngợi ông Lukashenko, khi cũng tại buổi lễ thăng hàm nêu trên, ông thông báo một phần đáng kể vũ khí hạt nhân của Nga đã được đưa vào Belarus.

Vũ khí hạt nhân của Liên Xô đã được rút khỏi Belarus năm 1996. Tuy nhiên, ông Lukashenko không phá hủy cơ sở hạ tầng cần thiết. Tháng 11-2021, ông nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus, lưu ý rằng có tất cả các điều kiện cần thiết cho việc này bởi Minsk không phá hủy các kho chứa. 

Trong cao điểm cuộc chiến của Nga ở Ukraine, khi London hứa chuyển đạn xuyên giáp bằng uranium nghèo cho Ukraine, ngày 25-3-2023, Matxcơva và Minsk đồng ý triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Khi đó, ông Putin nói Nga không chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Belarus, mà "chỉ làm điều tương tự như Hoa Kỳ đã làm nhiều thập niên với các đồng minh. Hoa Kỳ không chuyển (vũ khí hạt nhân) cho các đồng minh. Họ chỉ đào tạo các thủy thủ đoàn của các tàu sân bay. Chúng tôi cũng sẽ làm như vậy". 

Ngày 25-5, ông Lukashenko tuyên bố Nga bắt đầu chuyển vũ khí hạt nhân phi chiến lược sang lãnh thổ Belarus. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu nói đã chuyển giao hệ thống tên lửa tác chiến - chiến thuật Iskander-M cho Belarus và cho biết thêm quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân và quyết định sử dụng vẫn thuộc về Matxcơva.

Wagner về đâu?

Wagner nổi lên với việc tham gia vào các xung đột bên ngoài Nga ở Ukraine, châu Phi, Syria... từ 2014. Hiệu quả chiến đấu và kinh nghiệm của họ đã thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia đang tìm cách tăng cường khả năng phòng thủ. 

Mức độ thiện chiến của Wagner thể hiện qua chính đánh giá về đội ngũ này từ các lực lượng đối địch. Sau khi ngã ngũ kết cục của Wagner tối 24-6, người đứng đầu cơ quan tình báo Ukraine Kyrylo Budanov thở phào: "Wagner sẽ không còn chiến đấu ở Ukraine", giải tỏa bớt một mối lo cho Kiev. 

Theo đánh giá của ông Budanov, "đây là đơn vị hiệu quả nhất của Nga đã khéo léo đạt được thành công bằng bất cứ giá nào". Nhưng cũng chính vì vậy, số phận của Wagner hậu nổi loạn 24-6 được đặc biệt quan tâm.

Ông Putin đã đưa ra ba lựa chọn cho các tay súng Wagner: gia nhập quân đội chính quy, trở về với gia đình, hoặc chuyển đến Belarus mà không bị trừng phạt. 

Lực lượng Wagner lưu vong muốn duy trì sự thống nhất. Với họ, "lựa chọn Belarus" có nghĩa không tiếp tục chiến đấu trực tiếp cho Nga, nhưng cũng không xếp giáo về hưu. Tạp chí Toàn Cảnh Quốc Tế của Dzen.ru nêu ba kịch bản tương lai của Wagner:

(1) Được đưa vào lực lượng vũ trang Belarus. Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin gọi đây là ý tưởng "hữu ích", vì về mặt lý thuyết, nó sẽ làm tăng đáng kể tiềm năng quân sự của Minsk. Tuy nhiên, sự hội nhập như vậy có thể vấp phải phản đối trong quân đội cũng như xã hội Belarus, từ kinh nghiệm xương máu đã thấy trong vụ dấy loạn 24-6 ở Nga.

(2) Wagner có thể biến thành đơn vị lính đánh thuê của Belarus, dưới sự lãnh đạo mới với tên gọi khác, nhưng vẫn "chính thức liên kết" với bộ máy quyền lực Minsk để đảm bảo an ninh cho chế độ, chống lại các tổ chức tình nguyện Belarus đang chiến đấu cho Ukraine và đòi "giải phóng Belarus" bằng vũ lực.

(3) Lính đánh thuê Wagner có thể tập hợp lại mà không có bất kỳ mối liên hệ chính thức nào, tương tự nhà nước Nga trong một thời gian dài đã phủ nhận có liên quan đến "công ty tư nhân" này (đến khi ông Putin thừa nhận Nga đã nuôi đội quân này trong chiến dịch quân sự Ukraine).

Ảnh: The Daily Beast

Ảnh: The Daily Beast

Dù ông Lukashenko khẳng định sẽ không cho Wagner đặt trung tâm tuyển dụng ở Belarus, ông cũng không cấm người Belarus tham gia Wagner khi tuyên bố "ai muốn gia nhập Wagner tự khắc sẽ tìm ra cách". 

Theo kịch bản này, các tay súng đánh thuê lại có thể xuất phát từ Belarus để hoạt động khắp thế giới, theo lệnh gián tiếp từ Matxcơva. Ông Lukashenko ám chỉ Belarus có thể trở thành quốc gia trung chuyển để Prigozhin và Wagner chuyển đến nơi khác, để "làm việc ở châu Phi" chẳng hạn. 

Cần nhắc là cho đến năm 2020, Belarus đã tham gia vào vai trò trung tâm hậu cần cho các hoạt động của Wagner ở Tây Phi.

Bất chấp tình trạng pháp lý vẫn chưa rõ ràng của các công ty thuộc sở hữu ông Prigozhin, Wagner tiếp tục tuyển dụng "tại hơn 50 thành phố của Nga", theo kênh RVvoenkor Telegram. 

Tại Novosibirsk, các áp phích đã được treo gần tầng hầm nơi diễn ra tuyển dụng, và trong thành phố, các biển quảng cáo của Wagner bị dỡ bỏ trước đây đang được khôi phục. 

Các trại dã chiến của Wagner vẫn còn ở Lugansk. Prigozhin vẫn "thoắt ẩn thoát hiện", khi tối 24-6 ông rời Nga, nhưng tới 30-6 lại có tin "một người giống Prigozhin" đã được nhìn thấy ở Saint Petersburg.

Hiện quân Wagner vẫn chưa sang Belarus. Họ đang dưỡng quân ở Lugansk và vẫn liên lạc với Bộ Quốc phòng Nga, theo giám đốc Viện các nghiên cứu chính trị Sergey Markov. 

Trước nhiều câu hỏi về hiện trạng của Wagner, một thành viên của tổ chức này Brest (tên giả) nói trên kênh Telegram của ông chủ Prigozhin ngày 2-7: "Cứ để mọi người đoán xem chúng tôi đang làm gì: xả hơi, giúp quân Belarus hay đào khoai. Đã đến lúc dừng tranh cãi xem ai đúng, mà nên đoàn kết quanh mục tiêu chính: bảo vệ lợi ích và hỗ trợ quân đội".

Nga được hay mất?

Dưới góc nhìn phương Tây, việc Wagner chuyển sang Belarus không mang lại gì tốt đẹp cho phe đối lập Minsk cũng như các láng giềng Belarus. Belarus giáp giới với Ba Lan, Litva và Latvia, việc các tay súng thiện chiến Wagner triển khai gần ở Belarus là một mối lo mới với các nước này. 

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 30-6 tuyên bố Warsaw muốn Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan. "Câu hỏi đặt ra: mục đích của động thái này (thỏa thuận Wagner rút sang Belarus) là gì? Ý định thực sự của nhóm Wagner, cụ thể là ở Belarus, là gì? Đây là một hình thức đe dọa tiềm ẩn đặc biệt đối với các quốc gia chúng tôi, các nước NATO, Ba Lan", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói trong chuyến thăm Kiev.

Báo Rzeczpospolita (Ba Lan) nói việc triển khai ở Belarus ít nhất 10.000 lính đánh thuê vũ trang hạng nặng, những người "chỉ trong vài giờ đã chiếm đóng thành phố hơn 1 triệu dân Rostov, là một tin xấu, còn tồi tệ hơn tin triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật", bởi "Lukashenko sẽ có các đơn vị chiến đấu tùy ý sử dụng…, trở thành công cụ mới của chế độ trong quan hệ với các nước láng giềng "thù địch"".

Ngày 2-7, Ba Lan quyết định củng cố an ninh tại biên giới với Belarus bằng cách cử thêm 500 cảnh sát từ các đơn vị chống khủng bố, bổ sung vào 5.000 lính biên phòng Ba Lan và 2.000 binh sĩ đã được triển khai. Từ Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng chỉ thị tăng cường bảo vệ biên giới với Belarus.

Phương Tây lo ngại rằng Wagner hoặc một tổ chức kế thừa có thể được sử dụng để mở một mặt trận phía bắc chống Ukraine từ Belarus. Doanh trại Osipovichi nằm cách biên giới chỉ 200km. Cả Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Litva, nơi sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 11 và 12-7, đã nói rõ họ coi Wagner là mối đe dọa và "sẵn sàng tự vệ".

Cổng thông tin Newsfol.ru thì nhận định: Wagner sang Belarus khiến Matxcơva mất đi đội quân hiệu quả nhất của mình. Wagner đã được công nhận là một trong những tài sản chính của Nga trong lĩnh vực quân sự. Nếu không có thế mạnh này, Nga có thể phải đối mặt với nhiều thách thức với các mục tiêu và lợi ích trong chính sách đối ngoại.■

Báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ) ngày 29-6 nói các động thái mới nhất của Prigozhin có thể ảnh hưởng đến tình hình ở châu Phi và Trung Đông, nơi lính đánh thuê Nga đã hiện diện những năm gần đây. "PMC Wagner đã giúp Nga củng cố ảnh hưởng và Chính phủ Nga không muốn từ bỏ điều đó", WSJ trích lời John Peter, cựu đặc phái viên của Mỹ về khu vực Sahel Tây Phi. Tờ này cho biết đại diện Bộ Ngoại giao Nga đã khẩn trương bay tới Syria, Cộng hòa Trung Phi và Mali, trong nỗ lực "dường như cố chiếm đoạt mạng lưới lính đánh thuê rộng lớn của Prigozhin […] nhưng vẫn chưa rõ khả năng này là bao nhiêu và nó có thể xảy ra nhanh như thế nào". WSJ cũng dẫn lời một số chuyên gia quốc tế cho rằng Mỹ có thể lợi dụng tình hình hỗn loạn và cố gắng giành ảnh hưởng ở những quốc gia nơi Wagner hoạt động.

Giám đốc Viện Nghiên cứu chính trị đương đại (Nga) Anton Orlov trên tạp chí Expert cho rằng ông Lukashenko, thông qua Wagner, đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng của Belarus ra lục địa châu Phi. Lựa chọn của Belarus có thể là giúp đỡ chính phủ các quốc gia châu Phi trong cuộc chiến chống nạn đói, tình trạng khẩn cấp và phiến quân, đến xuất khẩu công nghệ cao mà Belarus có để đổi lấy các ưu đãi trong khai thác mỏ.

Hiện nay, theo yêu cầu của cơ quan công tố Nga, các nguồn lực truyền thông của Yevgeny Prigozhin như RIA FAN, Narodnye Novosti, Politika Segodnya… đang bị phong tỏa. Mạng xã hội YaRus, cũng thuộc sở hữu của Prigozhin, đã thông báo ngừng hoạt động do "tình hình chính trị bất ổn". Hiện chỉ có kênh Telegram chính thức của Wagner về tuyển dụng "Wagnernew" là còn hoạt động.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận