“Xê dịch ảo” trong giãn cách

TRỌNG NHÂN 18/08/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Dịch COVID-19 tưởng chừng làm đứt gãy mối liên kết giữa sinh viên Việt và bạn trẻ bốn phương, nhưng thực tế đã hình thành một cách thức giao lưu qua máy tính đầy sáng tạo.

Mỹ Quý (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) trong hoạt động giao lưu do Đại học thành phố Yokohama tổ chức vừa qua. Ảnh NVCC

 

Những cái ôm qua màn ảnh nhỏ

Nguyễn Hồ Mỹ Quý (20 tuổi), sinh viên năm 2 khoa đô thị học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), vừa khép lại những ngày “ăn ngủ” cùng nhóm bạn ngoại quốc mới quen trong chuỗi sự kiện về phát triển đô thị do Đại học thành phố Yokohama (Nhật) chủ trì. 

Hằng năm, hoạt động được liên kết tổ chức, tạo điều kiện cho bạn trẻ trong ngành đô thị học ở Đông Á và Đông Nam Á có dịp hội ngộ. 

Hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những cuộc gặp gỡ truyền thống ấy buộc di dời từ những thành phố như Yokohama, Bangkok (Thái Lan) hay TP.HCM sang điểm hẹn mới là Internet. 

Đại học thành phố Yokohama vẫn là đầu mối, nhờ vậy những sinh viên có tinh thần quốc tế như Mỹ Quý có cơ hội làm quen và học hỏi từ bè bạn và những người thầy ngoài biên giới Việt Nam ngay trong những ngày phải ngồi nhà vì giãn cách.

Quần áo chỉnh tề, Quý ngồi trước máy tính, bật phần mềm ban tổ chức chuẩn bị. Do các sinh viên sống ở nhiều nước, có múi giờ khác nhau, chủ nhà chọn giờ phù hợp nhất: bắt đầu vào 9h30 giờ Nhật, tức 8h30 giờ Trung Quốc, 7h30 ở Việt Nam, Thái Lan và 6h30 ở Malaysia, thuận tiện cho tất cả. 

Ở mỗi buổi, các giáo sư sẽ cập nhật những xu hướng mới nhất về đô thị toàn cầu. Họ cùng mổ xẻ từng góc cạnh trong mô hình đô thị thông minh, nhấn mạnh tới khả năng chống chịu trước dịch bệnh và sự kiến tạo những nếp sống mới. Một bức tranh về các thành phố hậu đại dịch dần được phác họa với nhiều thách thức sẽ phải đối mặt như quá tải rác thải, tiêu thụ năng lượng tăng mạnh, ô nhiễm nguồn nước...

Đây là lần đầu tiên Quý gặp mặt qua mạng với nhiều bè bạn đến thế. Ban đầu, Quý e ngại tiếng Anh chưa tốt sẽ khó giao tiếp khi mỗi người mỗi nẻo. Nhưng qua màn hình, cô đỡ ngại hơn mỗi lần phát biểu. Nghe giảng trên máy cũng rõ ràng hơn ngồi chung trong hội trường cả trăm người.

Quý được phân vào nhóm với một bạn Malaysia, một Thái Lan và hai bạn người Nhật. Ngót một tuần lễ, nhóm của Quý như hình với bóng. Sau mỗi phiên toàn thể buổi sáng, nhóm kết nối thâu đêm, tìm tài liệu, thảo luận, làm đồ họa cho phần thuyết trình vào ngày kế tiếp. Ngăn cách về không gian như được xóa bỏ nhờ hàng loạt ứng dụng công nghệ.

Ngoài chuyên môn, họ kể chuyện cho nhau nghe. Người bạn từ Thái Lan kể về khu phố của mình chịu tác động ra sao vì COVID-19. Bạn người Nhật chia sẻ thông tin về kỳ Olympic Tokyo vắng bóng khán giả. 

Chuỗi hoạt động giao lưu trực tuyến do Đại học thành phố Yokohama (Nhật) tổ chức vào tháng 7-2021. Ảnh: TRỌNG NHÂN

 

Người bạn Nhật còn “dắt” cả nhóm một vòng qua các địa danh nổi tiếng của xứ mặt trời mọc, hướng dẫn cách đi lại, ăn chơi khi đến tham quan. “Đến nay chúng mình vẫn thường xuyên tâm sự với nhau về học hành và cuộc sống”, Quý nói.

Văn Công Tiến Quốc (21 tuổi) cũng là một trong ba sinh viên khoa đô thị học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn tham gia chương trình của Đại học Yokohama. 

Những ngày “xê dịch ảo”, dù không visa, không hộ chiếu, không được chụp ảnh, không nếm thử các món ăn địa phương, Quốc vẫn thấy đây là một trải nghiệm tuyệt vời cho những người ưa khám phá. Hành trang thu về là kiến thức, kinh nghiệm và các mối quan hệ, như thực sự đã đặt chân sang Nhật.

Buổi cuối, ban tổ chức thống kê các kênh Facebook, Instagram... của các thành viên, giúp mọi người giữ liên lạc. Phút chia tay, những bạn trẻ từ khắp nơi trao nhau những lời tạm biệt, những cái “ôm online” thắm thiết, hứa hẹn những ngày dịch qua đi sẽ ghé thăm nhau, tay bắt mặt mừng. 

“Tôi được một bạn Thái Lan gợi ý sang Thái học cao học. Tôi cũng thấy hợp lý và sẽ theo đuổi trong thời gian tới”, Tiến Quốc nói.

Để online tiệm cận offline

Theo ThS Đặng Nguyễn Thiên Hương, giảng viên khoa đô thị học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, các cuộc giao lưu trực tuyến nối kết sinh viên trong và ngoài nước đã trở thành một điểm nhấn trong hai năm COVID-19. Từ những bước đầu còn nhiều bỡ ngỡ, hình thức này ngày càng hoàn thiện.

Năm 2020 chương trình của Đại học thành phố Yokohama cho sinh viên các nước nghe giảng từ xa kéo dài nguyên ngày khá mệt mỏi, nhưng năm nay gói gọn trong một buổi sáng. 

Thời gian còn lại trong ngày, ban tổ chức để các nhóm tự do sinh hoạt theo các dự án riêng. Phần thuyết trình cũng được tăng thêm, tạo động lực cho các thành viên hợp tác nhiều hơn.

Lê Minh Viễn luyện tập thuyết trình cho buổi trình bày trực tuyến với bạn bè quốc tế tại Diễn đàn Thanh niên ASEAN 2021 (AYF 2021) diễn ra vào ngày 13-8 tới. Ảnh: CTV

 

Tăng tương tác để bù đắp khoảng cách địa lý là thử thách chung cho những ai thiết kế hoạt động giao lưu online. Lâm Bích Vân (20 tuổi), sinh viên khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), là trưởng ban tổ chức một buổi giao lưu với sinh viên Đại học Kebangsaan (Malaysia) đầu tháng 8-2021. 

Theo Vân, thách thức lớn nhất là làm sao giữ được nhịp trong suốt thời gian buổi giao lưu diễn ra, tránh những phút trầm lắng do ngồi trước màn hình quá lâu. 

Vì vậy, ban tổ chức phải chọn lọc những nội dung cuốn hút, gần gũi và tính toán thật kỹ khi nào phải thêm trò chơi, khi nào cần chia nhỏ thảo luận, khi nào cần thuyết trình... để ai cũng hào hứng.

Việc chọn ai tham dự cũng quan trọng không kém. Khách mời phải cam kết hòa nhập, không được “im re” những khi cần lên tiếng. Những bạn không giỏi tiếng Anh nhưng cởi mở vẫn đóng góp được rất nhiều cho chương trình. Trái lại, sự lặng thinh sẽ không mang lại giá trị cho tập thể, cho những người đã bỏ thời gian tham dự.

“Mùa dịch các sinh viên như bị mất kết nối với bên ngoài. Vì vậy chúng tôi xây dựng buổi giao lưu quốc tế trực tuyến đầu tiên để giúp các bạn bước ra thế giới ngay cả khi dịch bệnh đang phức tạp. 

Theo tôi, dù trực tiếp hay trực tuyến, những chuyến giao lưu cũng sẽ cho bạn biết mình đang ở đâu so với bạn bè xung quanh, để bạn không tự ti, cũng không tự cao, giúp bạn tiếp tục phấn đấu những năm tuổi trẻ”, Bích Vân nói.

Giảm thời gian, kinh phí

Lê Minh Viễn (22 tuổi), Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, là một trong nhiều diễn giả của Diễn đàn Thanh niên ASEAN 2021 (AYF). Tại đây, Viễn chia sẻ một số kỳ bầu cử vừa qua ở Việt Nam qua lăng kính của người trẻ, đồng thời liên hệ đến một số nước khác trong khu vực.

Từng tham gia một số chương trình giao lưu online, Viễn cho rằng hình thức này tiết kiệm được khá nhiều thời gian. Chỉ cần máy tính, có thể tham gia mọi lúc, mọi nơi với bất cứ vai trò gì: từ khán giả, khách mời đến điều phối viên. Đồng thời, sinh viên cũng không bỏ dở một số chương trình học, công việc, dự án riêng... khi xuất ngoại giao lưu.

Trong khi đó, ThS Đặng Nguyễn Thiên Hương cho biết giao lưu trực tuyến giải quyết được mối lo nhất khi mỗi lần đưa sinh viên đến các đại học quốc tế: kinh phí. Dù có tài trợ, từng nhóm tham gia cũng phải xoay thêm nguồn tài chính, hoặc bỏ tiền riêng. Với giao lưu online, tốn kém gần như bằng 0. 

“Tuy nhiên nói gì thì nói, những gì bạn thu được khi đến tận nơi, trải nghiệm tận mắt, vẫn có ý nghĩa rất lớn mà máy tính hay mạng Internet không thể thay thế hoàn toàn”, ThS Thiên Hương thừa nhận. 

Thời của EdTech

Bà Lê Trương Quỳnh Tương, giám đốc điều hành tại thị trường Việt Nam của ứng dụng dạy - học trực tuyến ClassIn, cho rằng trước khi có COVID-19, nhiều đại học lớn cũng gieo những hạt mầm đầu tiên cho giao lưu quốc tế trực tuyến. Thậm chí, có trường còn tổ chức được cả một trại hè quy mô lớn trên mạng. Đại dịch chỉ là chất xúc tác tăng tốc cho phương thức này lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Đó cũng là áp lực thúc ép quá trình chuyển đổi của các công ty công nghệ giáo dục (EdTech) trong và ngoài nước. Bài toán đặt ra cho EdTech là phải cung ứng được những công cụ mới trong cùng một ứng dụng để tối ưu hóa trải nghiệm của người tham gia. Rõ ràng chỉ nghe - nhìn qua màn hình sẽ mau chán, nên các phần mềm hiện tích hợp rất nhiều công cụ như chia phòng thảo luận, tạo trò chơi, thêm tương tác...

Theo bà Tương, bản thân các doanh nghiệp EdTech cũng đang chủ động “đánh chiếm” thị trường trên nhiều mặt trận từ nền tảng số đến nội dung số. Nhờ vậy, hiện nay gần như mọi trải nghiệm học thuật trực tiếp đều có thể dịch chuyển sang online, ngay cả vẽ tranh, làm thí nghiệm vật lý, hóa học.

“Online sẽ không thay thế hay cạnh tranh với offline, mà sẽ bổ trợ để hoàn thiện. Xu hướng tới đây sẽ là mô hình kết hợp. Ví dụ, một nhóm sinh viên cùng trong một hội trường ở Mỹ sẽ đồng thời thảo luận với các bạn từ nhiều quốc gia khác. Hay trong một sự kiện trực tiếp tại Việt Nam, ban tổ chức sẽ kết nối song song với các giáo sư nước ngoài dự khán”, bà Tương nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận