TTCT - Xu hướng chuyển sang ôtô hơn “xanh” hơn cùng với các quy định ngày càng cao về kiểm soát khí thải đã làm tăng nhu cầu kim loại quý trong các thiết bị chống ô nhiễm trên xe hơi và đưa phương tiện đi lại cá nhân này vào tầm ngắm của kẻ gian. Ảnh: The HustleViệc tìm chỗ đậu xe sao cho an toàn giờ là cơn đau đầu mới của người Mỹ, bởi không ngày nào mà không có tin tức về các vụ trộm bộ chuyển đổi xúc tác (catalytic converter) - một thiết bị gắn gần ống xả, có tác dụng biến khí thải của động cơ thành khí ít độc hại hơn với môi trường. Mới hôm 15-11, trang web của đài địa phương KROC ở bang Minnesota còn giật tít hết hồn: “Số vụ trộm bộ chuyển đổi xúc tác [của bang] đã tăng 425% trong năm 2021”.Trên toàn quốc, theo số liệu của Cơ quan Phòng chống tệ nạn của Liên đoàn Bảo hiểm quốc gia Mỹ (NICB), năm 2018 chỉ có 108 vụ trộm bộ chuyển đổi, đến năm 2020 đã tăng lên 1.203, tức 11 lần. Đây là con số được trình báo, thực tế sẽ cao hơn vì nhiều khổ chủ chỉ ngậm ngùi đưa xe đến gara thay mới chứ không báo công an.“Hiện giờ riêng tiệm tôi là 60 - 70 chục chiếc rồi. Đa số khách hàng của tôi không hiểu tại sao lại có người làm thế?” - Andrew Reichenbach, thợ sửa xe cho một cửa hàng ở thành phố Minneapolis (Minnesota) nói với Washington Post. “Làm thế” ở đây là canh chủ xe khuất dạng thì lăn xuống gầm xe, dùng cưa điện cắt và cuỗm bộ chuyển đổi, tất cả chỉ mất vài phút, còn nguyên nhân thì hóa ra lại liên quan đến COVID-19, như bao nhiêu chuyện xấu xa khác đã bùng nổ trong gần 2 năm qua. Ảnh: How Stuff WorkTrước hết, trộm tăng cường săn lùng thiết bị này vì chúng rất được giá - đắt hơn vàng theo đúng nghĩa đen. Trong mỗi bộ chuyển đổi bằng kim loại đều có một cấu trúc dạng tổ ong, đóng vai trò bộ lọc khí thải. Mang tổ ong này đi phân tách sẽ thu được 3 loại kim loại: bạch kim (platinum), paladi (palladium) và rhodi (rhodium), toàn thứ vốn đã đắt đỏ nay càng có giá trong đại dịch. Cụ thể, một ounce (gần 30g) rhodi cách đây 3 năm chỉ có giá xấp xỉ 2.000 USD, còn trong mùa xuân 2021 đã vọt lên 30.000 USD, đắt hơn vàng 15 lần và dư mua một chiếc xe hơi; giá paladi cũng tăng gấp 3 trong cùng thời gian. Tổ ong đầy kim loại quýCả rhodi và paladi đều là sản phẩm phụ của quá trình khai thác bạch kim. Trong 1 thập niên trước khi có COVID-19, lượng platium khai thác được đang thừa nên các công ty khai mỏ không có động lực tăng sản lượng, vì thế nguồn cung 2 sản phẩm phụ kia dần khan hiếm. Khi đại dịch xảy ra, nhiều mỏ platinum ở Nam Phi - nơi cung cấp 80% rhodi cho thế giới - phải đóng cửa trong 8 tháng liền, khiến nguồn cung rhodi và paladi càng thêm thiếu hụt, trong khi nhu cầu của chúng lại tăng vì các quốc gia từ Á sang Âu bắt đầu áp dụng các quy chuẩn cao hơn về phát thải. Cung không đủ cầu thì giá tăng là đương nhiên.Tully Lehman, người phát ngôn của NICB, chỉ ra nguyên nhân khác cũng liên quan COVID: nhiều người dân mất thu nhập vì đại dịch, thành thử bần cùng sinh đạo tặc, trong khi nguồn lực cảnh sát trong thời dịch giã cũng hạn chế.Theo James Wellsted, người phát ngôn của Sibanye-Stillwater, nhà sản xuất bạch kim và rhodi lớn nhất thế giới, mỗi bộ chuyển đổi xúc tác thường chứa số rhodi trị giá khoảng 400 USD. Tội phạm thường bán chúng cho các mối thu mua sắt vụn, còn khổ chủ thì phải nhìn 1.000 - 4.000 USD đội nón ra đi để thay hàng mới, nếu không có bảo hiểm. Các bộ chuyển đổi bị trộmVề mặt giải pháp, theo Tổ chức Pew Charitable Trusts, ít nhất 11 bang đã ban hành luật giải quyết các vụ trộm cắp hoặc mua bán bộ chuyển đổi xúc tác. Các biện pháp bao gồm cấm bán thiết bị chuyển đổi mà không có bằng chứng về quyền sở hữu, thắt chặt các yêu cầu lưu trữ hồ sơ của các đại lý thu mua sắt vụn và tăng mức phạt hình sự cho người mua lẫn kẻ bán. Minnesota đã thông qua chương trình thí điểm, chi 400.000 USD để chủ xe khắc số chứng minh thư hoặc đánh dấu vĩnh viễn lên thiết bị để có thể nhận dạng nếu bị cắt rời.Các giải pháp ngăn chặn vẫn chưa phát huy tác dụng. Trang The Hustle cho rằng chừng nào mà kim loại như rhodi hay paladi còn bán được giá cao thì chủ xe sẽ còn nơm nớp lo lắng mỗi khi rời xế cưng. Trước mắt có lẽ chỉ còn cách lạc quan tếu như gợi ý của tờ New York Times: “Xe chạy hoàn toàn bằng điện không cần bộ chuyển đổi xúc tác. Vì thế, một khi cả nước chuyển hoàn toàn sang ôtô cắm điện, quý vị sẽ không cần phải lo chuyện kẻ trộm cuỗm mất thiết bị của mình khi gà chưa gáy”. Tags: Môi trườngXe hơiKhí thảiTrộm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.