Xin tiền nhân mách bảo

PHAN CẨM THƯỢNG 22/04/2010 03:04 GMT+7

TTCT - Những năm 1980, các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện một đạo quân bằng đất nung, kích thước như thật trong khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An, Thiểm Tây. Người ta cho rằng chính vị hoàng đế tàn bạo đốt sách chôn học trò lại là người chấm dứt tục tuẫn táng.

Phóng to
Minh họa: Phan Cẩm Thượng

Tục lệ tuẫn táng (chôn theo người sống) và tùy táng (chôn theo đồ vật) vốn có từ thời thái cổ, tất nhiên tuẫn táng chỉ giới hạn trong tầng lớp quý tộc giàu có, nhiều thê thiếp, người hầu, khi chết mong được họ phụng sự ở thế giới bên kia. Tục lệ man rợ đó được chuyển hóa thành hình nhân thế mạng, như đạo quân đất nung kể trên, và sau này người ta có thể nặn tượng nhỏ hơn, miễn là có hình ảnh như thật, rồi cuối cùng làm bằng giấy, in hình nhân trên giấy.

Có những lăng mộ quý tộc phương Đông chôn theo hàng ngàn pho tượng đồng nam và đồng nữ, nặn rất tài khéo, đặc biệt người ta chú trọng bộ phận kia của các cậu bé, cô gái, sao cho toát ra chúng còn trinh bạch, đi kèm theo là rất nhiều gà, vịt, lợn, dê, bò và các mô hình nhà bằng đất nung. Xem ra loài người đã văn minh hơn, nhưng thói quen cũ vẫn còn và sự dị đoan thì chưa giảm được bao nhiêu.

Có người bạn nhờ tôi xem hộ một gia phả, trong đó có một khế ước, bà cô tổ của họ chồng con đều mất cả, bà cho một số phu coi điếm thu hái hoa quả từ hai trang trại của bà, đổi lại sau khi bà chết họ phải hằng năm cúng giỗ chu đáo, gồm phù lưu thanh thủy, trai bàn cụ soạn phẩm vật chi nghi (trầu cau, nước trắng, cỗ chay và các vật cúng tế), lại không quên đốt cho bà những 200 viên tướng cưỡi ngựa uy phong (bằng đồ mã).

Cứ thế, người đời từ Tây sang Đông tuy bỏ tục tuẫn táng nhưng chấp nhận tục tùy táng cho đến tận bây giờ, tùy theo hoàn cảnh, cấp độ của tập tục. Tối thiểu là vài kỷ vật cá nhân của người khuất núi. Ở mức độ cuối cùng này là hoàn toàn chấp nhận được. Hư vô vẫn còn đó, nhiều bí ẩn của thế giới tâm linh chưa được giải thích, tình cảm của người trần và âm cũng sâu sắc, có thể không phai nhạt theo tháng năm.

Lại xin kể chuyện của riêng mình. Sinh thời, cha tôi có một bản chép tay Truyện Kiều kèm nhiều hình vẽ minh họa trông rất ngộ. Mặc dù Truyện Kiều của Nguyễn Du được in nhiều lần và không khó kiếm, nhưng cha tôi vẫn giữ bản chép tay đó. Một lần ông ốm nặng, tôi thấy ông nằm trên gường bệnh ôm khư khư quyển Kiều chép tay và một cuốn kinh Phật nhỏ trong lòng. Sau này dù rất tiếc cuốn sách đó, nhưng tôi cũng hóa theo cho ông.

Tôi đã ở Đông Hồ, một làng chuyên làm vàng mã nhiều năm, lại xem đồ vàng mã ở nhiều đền phủ, thấy đó thật sự là một nghệ thuật. Và đã hướng dẫn vài sinh viên làm luận văn tốt nghiệp về nghệ thuật đồ hàng mã nhưng tôi vẫn ngờ ngợ, có nên tốn kém và lãng phí quá như vậy không? Vào những năm 1990, người ta thống kê bình quân mỗi năm có thể người Việt dùng tới 200 triệu đồng để đốt vàng mã, đến nay số tiền vàng mã có thể tăng lên gấp bội. Chao ôi, các vị tiền nhân, nếu các vị có linh thiêng hãy mách bảo con cháu mình đốt ít thôi và đem bớt số tiền còn lại cho người nghèo thì hay biết bao nhiêu!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận