3 tại chỗ: Lồng ấp mong manh

TRUNG TRẦN 01/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Thực tế của chiến thuật 3 tại chỗ - ăn ở tại chỗ, sinh hoạt tại chỗ và sản xuất tại chỗ - được áp dụng lần đầu tiên nhằm chống dịch ở các khu công nghiệp tại Bắc Ninh và Bắc Giang. Việc cách ly hoàn toàn nhân lực đảm bảo sức khỏe để duy trì sản xuất là một giải pháp chính xác và kịp thời, nhưng có một thực tế là từ khi ra văn bản chính thức đến khi áp dụng chỉ có 3 ngày.

Một cuộc chạy đua cho việc đăng ký nhân sự ở lại bắt đầu: xây dựng, thỏa thuận chế độ chính sách và làm công tác tư tưởng cho công nhân, lên kế hoạch mua sắm trang thiết bị cho việc ăn ở sinh hoạt, thi công khu ăn ở tạm, khu cách ly... đáp ứng các tiêu chí kiểm tra của ban quản lý khu công nghiệp, rồi tiến hành xét nghiệm, chuẩn bị triển khai vắc xin cho tất cả công nhân.

Không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ không gian và nguồn lực để triển khai 3 tại chỗ.

 

Nhiều việc trong số đó nếu ở trạng thái bình thường mất không dưới một tuần để được phê duyệt, tỉ như xin công ty mẹ ở nước ngoài duyệt kinh phí hỗ trợ công nhân ở lại mùa dịch. 

Bắc Giang và Bắc Ninh phải nói là đã thoát hiểm ngoạn mục vào thời điểm dịch bùng phát cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa rồi. Phần lớn các nhà máy sản xuất lớn đều có thể duy trì hoạt động và bắt đầu phục hồi từ tháng 7, tháng 8.

Tình trạng tương tự đã xảy ra ngay sau đấy một tháng với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Ngày 13-7, thành phố có công văn yêu cầu 3 tại chỗ với các doanh nghiệp, ngày 15-7 áp dụng. Với Đồng Nai là ngày 22-7. Tất cả cũng chỉ có 3 - 4 ngày.

Nhiều doanh nghiệp đã chạy đua kịp, nhờ sự khuyến cáo, nhắc nhở của các ban quản lý khu công nghiệp như HEPZA hay SHTP, cũng như sự nhạy bén và kiên quyết của các chủ doanh nghiệp. 

Ở một số doanh nghiệp sản xuất tư nhân là nhà thầu phụ của các hãng lắp ráp lớn mà tôi biết, ngay đầu tháng 7 chủ doanh nghiệp đã vào công ty ngủ lại - trước khi kêu gọi công nhân 3 tại chỗ.

Một số doanh nghiệp - áp dụng kinh nghiệm của Bắc Ninh và Bắc Giang hoặc các công ty đối tác ở Thái Lan, Malaysia... - đã chủ động chuẩn bị chế độ chính sách cho nhân viên để khi có yêu cầu, các nguồn lực gần như đã sẵn sàng.

Tỉ lệ các doanh nghiệp có thể đảm bảo 3 tại chỗ để tiếp tục sản xuất là bao nhiêu, không có con số chính xác, nhưng nếu lấy con số ngày 23-7, toàn thành phố có 618 doanh nghiệp áp dụng 3 tại chỗ và tỉ lệ trong ngành dệt may là 15%, thì con số lạc quan nhất là khoảng 30%.

Cần lưu ý, một doanh nghiệp 3 tại chỗ duy trì tốt nhất cũng không thể hoạt động quá 50% công suất so với quy mô trước dịch. Có thể từ đó tính ra một con số tương đối: Quy mô sản xuất đang chỉ còn 15% trong mùa dịch này. Nền công nghiệp sản xuất đang bị đe dọa thực sự.

Một thực tế đang diễn ra là bản thân các nhà máy thực hiện 3 tại chỗ cũng đang rơi vào tình trạng lưỡng nan. 

Họ không đủ khả năng kiểm soát năng lực nhà thầu phụ trong việc bảo đảm 5K và 3 tại chỗ, nên nhà thầu phụ có thể bị ngừng giao hàng bất cứ lúc nào, dẫn đến nhà máy không đủ nguyên vật liệu để sản xuất, công nhân vào nhà máy ngồi không đợi nguyên liệu.

Một thực trạng nguy hiểm hơn là tình trạng không kiểm soát được công tác xét nghiệm và cách ly trong nhà máy. Có nhiều nơi, Nhà nước không đủ nhân lực để tiến hành xét nghiệm và trả kết quả trong 2 - 3 ngày, công nhân xét nghiệm xong phải đợi, thời gian đợi đấy, không ai kiểm soát được họ di chuyển những đâu.

Nên bản thân những người đã vào 3 tại chỗ, khi trở thành F0 lại không được phát hiện sớm, lây nhiễm phát sinh ngay trong nhà máy. Khi số lây nhiễm cao, công nhân không còn ổn định tâm lý, các chế độ chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp không thể theo kịp, họ sẽ ngừng sản xuất.

Bản thân chủ doanh nghiệp cũng có những khó khăn không thể giải quyết ngay được. 

Công ty rơi vào tình trạng áp dụng 3 tại chỗ nhưng vẫn không sản xuất được, công nhân ở trong nhà máy, không được về, các điều kiện an toàn, ăn ở, vệ sinh, kiểm soát lây nhiễm không được thực hiện tốt vì không có nhân sự chuyên trách, y tế địa phương không thể hỗ trợ kịp thời, tinh thần công nhân đi xuống...

Nhà máy lúc này có nguy cơ biến thành một ổ dịch. Thực trạng này, đáng tiếc là đang xảy ra không ít ở Bình Dương, nơi mà rất ít đối tượng trong khu vực sản xuất được tiêm vắc xin cho đến thời điểm giữa tháng 7.

Dịch bệnh còn có thể kéo dài và việc làm sao để có thể duy trì sản xuất là một trong những bài toán khó nhất. Bài toán này, nhiều nhà máy, địa phương, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, đã làm không chuẩn xác ngay từ đầu. Việc sửa chữa, do đó không dễ.

Nó còn phụ thuộc các hệ thống y tế cơ sở có đủ lực lượng để triển khai xét nghiệm đầu vào hiệu quả hơn, công nhân tuân thủ 5K và hạ tầng cơ sở của nhà máy có đảm bảo các yêu cầu kiểm soát không. Một lần nữa đây là vấn đề đã tái diễn ở hầu như mọi lĩnh vực của xã hội Việt Nam: Những quy trình cơ bản và đơn giản đã không được thực hiện căn cơ và đúng ngay từ đầu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận