AFF Cup: Sân chơi đã lỗi thời?

SĨ HUYÊN - HOÀI DƯ 06/01/2023 09:19 GMT+7

TTCT - Việc FIFA tăng số đội dự World Cup từ 32 lên 48 từ năm 2026 hứa hẹn sẽ tạo nên một làn sóng mới ở những khu vực bị xem là vùng trũng của làng bóng đá.

Từ 4 vé rưỡi thông thường, các đại diện châu Á sẽ có tổng cộng 8 và 1/3 vé ở kỳ World Cup diễn ra 4 năm sau.

AFF Cup: Sân chơi đã lỗi thời? - Ảnh 1.

Các trận cầu ở AFF Cup kém chất lượng, thừa bạo lực. Ảnh: HOÀNG TÙNG

Cơ hội cho vùng trũng

Điều đó có nghĩa gì? Có thể thử lấy kết quả vòng loại World Cup 2022 để đối chiếu. Khi đó Oman, đội xếp thứ 4 bảng B ở vòng loại thứ 3, sẽ có lần dự World Cup đầu tiên trong lịch sử. Iraq và UAE cũng trở lại ngày hội bóng đá thế giới sau hơn 40 năm vắng mặt. 

Trung Quốc và Syria sẽ dự loạt trận play-off liên lục địa (6 đội tranh 2 vé). Ngay cả với Việt Nam, tấm vé play-off chỉ cách vỏn vẹn 2 điểm.

Giấc mơ World Cup hoàn toàn có thật, khi mà giờ đây bóng đá Việt Nam có 4 năm chuẩn bị. Tất nhiên, một khi cơ hội đã rộng mở, các nền bóng đá khác cũng sẽ làm mọi cách để tiến gần tấm vé quý như vàng đấy.

Nếu mặc định 5/8 suất trực tiếp thuộc về Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran và Úc - năm nền bóng đá vượt trội trong khu vực, thì 3 vé còn lại sẽ là cuộc đua sôi động của một nhóm rất đông đúc có thực lực không quá chênh lệch mà ta có thể kể tên: UAE, Iraq, Syria, Qatar, Oman, Jordan, Kuwait, Lebanon, Bahrain, Uzbekistan, Trung Quốc và vài đại diện Đông Nam Á.

Kết quả vòng loại thứ 2 World Cup 2022 cho thấy các đội Đông Nam Á có quyền nuôi hy vọng. Ngoài Việt Nam, Thái Lan thắng 1, thua 1 khi đối đầu UAE. Malaysia cũng ít nhiều gây được khó khăn cho đội bóng Ả Rập này. 

Tôn chỉ của FIFA - mang bóng đá đến mọi ngóc ngách của thế giới - cũng trực tiếp hướng về Đông Nam Á. Khu vực lâu nay bị xem là vùng trũng của bóng đá đỉnh cao lại cũng là khu vực hâm mộ bóng đá vào loại cuồng nhiệt nhất với dân số gần 700 triệu người. 

Phải có một đại diện Đông Nam Á dự World Cup 2026 thì kế hoạch bành trướng của FIFA mới gọi là trọn vẹn.

Mệt mỏi vì chất lượng giải đấu

Nhưng sự tự tin của người hâm mộ Đông Nam Á có lẽ sụt giảm ít nhiều khi họ theo dõi AFF Cup đang diễn ra. Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 2022 khiến cả giới chuyên môn lẫn CĐV phải ngao ngán vì chất lượng mọi mặt, từ cầu thủ, chiến thuật đến công nghệ, thể lệ, năng lực tổ chức…

Trận cầu đinh của bảng B Việt Nam - Malaysia trên sân Mỹ Đình là "điển hình" cho chất lượng nghèo nàn của AFF Cup. Diễn ra trên mặt sân tồi tệ, đội chủ nhà đang dẫn bàn thì đột ngột mất người vì một lỗi tranh chấp không đáng có. 

Malaysia dù hơn người nhưng mãi không tổ chức được đường tấn công nào đáng kể. Tiếp đó, hai đội vẫn lao vào nhau bằng những pha bóng bạo lực, tiểu xảo xấu xí, mà nếu trọng tài xử lý chính xác có lẽ phải có thêm kha khá thẻ đỏ được rút ra.

Chỉ có điều, khi thẻ đỏ được rút ra thì đó lại là một tình huống gây tranh cãi dữ dội. Trong một pha va chạm ở rìa sân bóng, hậu vệ Azmi Murad của Malaysia sau đó đạp vào mặt Văn Hậu của Việt Nam khi bóng đã được phất lên. Murad lãnh thẻ đỏ, còn Việt Nam được hưởng… phạt đền. 

Tình huống này gây tranh cãi dữ dội vì không lọt vào ống kính truyền hình. Trọng tài chính Sato Ryuji cũng phải nghe tư vấn từ trọng tài biên trước khi rút thẻ. Hầu hết người hâm mộ Việt Nam không hiểu vì sao đội nhà được hưởng phạt đền!

Quyết định của ông Sato sau đó được báo chí ca ngợi là hoàn toàn chuẩn xác, đặc biệt việc cho Việt Nam hưởng phạt đền cũng đúng luật. Nhưng mặt khác, ông Sato lại sai khi không thổi phạt Văn Hậu - người đã phạm lỗi lộ liễu với Murad trước đó, dẫn đến việc hậu vệ Malaysia trả đũa.

Camera, yếu tố không thể thiếu trong bóng đá hiện đại, cũng góp phần vào tranh cãi khi không cung cấp được góc quay nào cho tình huống ngoài biên. Thậm chí khi các cầu thủ Malaysia vây kín trọng tài gây áp lực, ống kính truyền hình của nhà đài vẫn vô tư chĩa vào nhóm các CĐV nữ.

Tất cả tạo nên một giải đấu chất lượng cực thấp, đặc biệt khi người hâm mộ bóng đá vừa mới trải nghiệm tiêu chuẩn World Cup. 

Điều đáng nói, Đông Nam Á lại là khu vực có lượng CĐV bóng đá vào loại đông đảo nhất thế giới: thống kê của Tập đoàn CK Hutchinson Holdings năm 2021 cho biết có khoảng 3,5 tỉ người hâm mộ bóng đá toàn cầu, và Đông Nam Á chiếm đến 10%.

Xem nhẹ ao làng

Đông Nam Á không phải không có sân vận động đẹp, nhưng Singapore đã từ chối sử dụng sân bóng quốc gia ở khu phức hợp Sports Hub (trị giá 1 tỉ USD) mà chỉ tổ chức AFF Cup trên sân cỏ nhân tạo. 

Nhiều người hâm mộ đồng tình với quyết định của Singapore, khi những sân cỏ nhân tạo của đảo quốc sư tử có vẻ cũng đã quá tốt với mặt bằng chung của AFF Cup.

Sau trận đấu nhiều tranh cãi giữa Việt Nam và Malaysia, báo chí Indonesia đặt lại vấn đề nên đưa VAR vào sử dụng ở AFF Cup. Dù vậy, đây bị xem là chuyện thừa thãi khi giải đấu của Đông Nam Á diễn ra theo thể thức không giống ai. 

Không có đội chủ nhà, giai đoạn vòng bảng diễn ra ở tất cả các quốc gia (mỗi đội đá sân nhà hai trận), còn bán kết và chung kết lại đá lượt đi lượt về.

Để AFF Cup có VAR, đến cả các sân bóng ở Brunei, Lào hay Campuchia cũng phải lắp đặt hệ thống công nghệ này, với chi phí khoảng 3.000 USD mỗi trận. Đây là sự lãng phí không cần thiết với những nền bóng đá nhỏ và cũng không khả thi với một giải đấu chật vật tìm nhà tài trợ. 

Cả Đông Nam Á hiện mới có Thái Lan từng lắp đặt hệ thống VAR nhưng thực ra vẫn chưa đưa vào sử dụng. Hơn nữa, VAR liệu sẽ giải quyết được gì khi mặt bằng chung cả giải đều quá thấp?

Cũng như SEA Games, hủy bỏ AFF Cup là vấn đề đã được đặt ra từ lâu. Nhìn rộng ra các nền bóng đá khác, giải vô địch cấp khu vực vẫn tồn tại. 

Tiêu biểu như East Asia Cup của khu vực Đông Á, với sự tham dự thường xuyên của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và một đội khách mời. Nhưng đây mặc định là giải đấu dành cho cầu thủ trẻ hoặc chơi ở giải quốc nội. 

Nó giúp các HLV trưởng tuyển quốc gia có thêm lựa chọn cho đội hình chính ở giải đấu lớn, thay vì chỉ tập trung theo dõi những ngôi sao ở châu Âu. Giải năm 2022, cả Nhật và Hàn Quốc đều mang đến đội hình chỉ gồm những cầu thủ chơi bóng ở châu Á.

Khu vực Tây Á thậm chí có đến ba giải đấu khu vực diễn ra thường xuyên: Giải vô đich Tây Á (WAFF, dành cho các đội vùng Tây Á), Arabian Gulf Cup (các đội thuộc khối Ả Rập ở châu Á), và FIFA Arab Cup (thêm một số đội châu Phi). 

Nhưng dù là giải đấu, các đội tuyển mạnh như Iran, Saudi Arabia hay Morocco cũng không triệu tập đội hình mạnh nhất. Họ chỉ xem những giải khu vực là bước đệm để hướng đến những mục tiêu xa hơn. Trong khi đó, AFF Cup vẫn cứ là "đỉnh cao muôn trượng" với hầu hết các đội bóng Đông Nam Á. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận