AI cứu người, AI hại người?

NGUYỄN VŨ 03/10/2022 09:16 GMT+7

TTCT - Việc "cứu" một người thoát cảnh tù tội có thay đổi được cái nhìn về công nghệ nhận dạng gương mặt, vốn thường được xem là "hại người" hay không?

AI cứu người, AI hại người? - Ảnh 1.

Ảnh: Shutterstock

Clearview AI - công ty công nghệ nhận dạng gương mặt của Mỹ, vốn bị xem là bất hợp pháp ở Canada, Úc và nhiều nước ở châu Âu vì vi phạm các đạo luật về quyền riêng tư - vừa "cứu" một người thoát cảnh tù tội. Điều này có thay đổi được cái nhìn về kiểu công nghệ thường được xem là “hại người” này không?

Một đêm tháng 3-2017, Andrew Grant Conlyn ngồi trên chiếc Ford Mustang hai cửa, do người bạn say xỉn cầm lái, chạy 160km/h trên con đường giới hạn tốc độ tối đa 56km/h, đánh võng đủ kiểu, rồi cuối cùng mất lái ở một góc cua, đâm vào cột điện, lao tiếp vào ba thân cây mới xoay vòng dừng lại.

Conlyn bất tỉnh một lúc. Khi tỉnh lại, người bạn đã biến mất, xe đang bốc cháy, dây an toàn kẹt cứng không tháo ra được, cửa phụ ép sát thân cây. May sao có một người qua đường can thiệp kịp thời, cạy được cửa phía ghế tài xế, kéo được Conlyn ra khỏi xe. 

Khi cảnh sát đến, người bạn đã chết sau khi bị hất tung ra khỏi xe. Conlyn được đưa vào bệnh viện, người qua đường tốt bụng sau khi khai báo sơ qua cũng đã rời đi và không để lại tên tuổi.

Ba năm sau ngày xảy ra tai nạn, Conlyn bị truy tố tội lái xe bất cẩn gây ra chết người vì phía công tố cho rằng chính anh là người lái chiếc Mustang vào đêm đó chứ không phải người bạn. Lý do là có một số nhân chứng đến sau người tốt bụng khai rằng Conlyn được kéo ra khỏi xe bằng cửa tài xế. Cảnh sát thấy máu của Conlyn trên ghế phụ nhưng cũng có trên túi khí tài xế.

Trong một vụ kiện dân sự do gia đình người bạn kiện Conlyn đã gây ra cái chết của con họ, công ty bảo hiểm của Conlyn đồng ý dàn xếp ngoài tòa vì họ không có bằng chứng chắc chắn Conlyn không lái xe. Nếu ra tòa hình sự, Conlyn đối diện với mức phạt 15 năm tù giam. 

Vấn đề của Conlyn là tìm cho ra người tốt bụng đã cứu anh để làm chứng anh đang ngồi bên ghế phụ thì tai nạn xảy ra.

Với chút manh mối của người ơn do camera của cảnh sát ghi nhận, gồm gương mặt ông này, tay trái có xăm hình, mặc áo màu cam, đi chiếc bán tải màu đen, Conlyn lên mạng xã hội rồi kênh truyền hình địa phương cầu xin mọi người giúp anh tìm ra tông tích người tốt bụng. Luật sư anh thuê phái người đi lùng khắp khu vực gần tai nạn, ghé các tiệm xăm để tìm. 

Mọi nỗ lực không đem lại kết quả. Conlyn gần như vô vọng cho đến khi anh nghe nói về Clearview AI - công ty cung cấp dịch vụ nhận diện khuôn mặt chủ yếu cho các cơ quan công lực ở Mỹ khi họ cần truy lùng một nghi phạm nào đó.

Cảnh sát địa phương, FBI rồi cả Bộ An ninh nội địa Mỹ từng nói Clearview AI giúp họ điều tra các vụ án từ trộm cắp đến án mạng, từ ăn cắp danh tính đến lừa đảo thẻ tín dụng, thậm chí các vụ xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, giới bảo vệ sự riêng tư lo ngại phần mềm và thuật toán của Clearview AI nếu rơi vào tay kẻ xấu có thể gây hại cho mọi người.

Trả lời phỏng vấn của báo New York Times, CEO Clearview AI, một người gốc Việt tên Hoan Ton-That, cho biết ông thường xuyên nhận các yêu cầu giúp đỡ tìm người thân và hầu như đều từ chối, khuyên họ nên đến trình báo với cảnh sát để được hỗ trợ. 

Công ty này nhiều lần bị kiện nên cuối cùng buộc phải tự hạn chế dịch vụ truy tìm tông tích cho các cơ quan công lực, chứ không cung cấp cho các công ty tư nhân trừ một số trường hợp ngoại lệ đặc biệt.

AI cứu người, AI hại người? - Ảnh 2.

Clearview AI biểu diễn khả năng tìm người bằng chính hình ảnh của Hoan Ton - That, CEO công ty

Cũng may cho Conlyn, khi luật sư của anh gởi thư cho Hoan Ton-That, ông này đồng ý giúp, có lẽ phần nào muốn dùng vụ này để xóa bớt tiếng xấu cho Clearview AI. Cho hình ảnh người tốt bụng lên ứng dụng, chỉ trong chốc lát, cơ sở dữ liệu đã tìm ra một website đăng hình giống đúc hình người tốt bụng tại một câu lạc bộ. 

Mặc dù website này không có tên của người tốt bụng, nhưng có đủ thông tin liên lạc của một người bạn đứng cạnh đó. Sau khi liên lạc với người này qua Facebook, luật sư của Conlyn đã có tên tuổi của ân nhân: Vince Ramirez, một công nhân xây dựng, chỉ sống ở gần khu xảy ra tai nạn mấy tháng thì chuyển đi qua bang khác. 

Ramirez lại cứu Conlyn thêm một lần nữa khi đứng ra làm chứng đã cứu anh từ ghế phụ kéo qua cửa phía tài xế vì cửa phía ghế phụ bị thân cây chắn ngang. Anh từng kể câu chuyện cứu người này cho bạn bè nghe nhưng không hề biết mọi người truy tìm anh ráo riết như thế nào. Sau đó, mọi cáo buộc với Conlyn được hủy bỏ và anh được tự do.

AI cứu người, AI hại người? - Ảnh 3.

Ảnh: Getty Images

Trong khi Clearview AI qua vụ này muốn mở rộng đối tượng khách hàng là các hãng luật công bào chữa do chỉ định, sự lo ngại về quyền riêng tư vẫn còn đó. Thông thường các cơ quan công lực sử dụng Clearview AI chỉ xem kết quả trả về như manh mối để điều tra thêm chứ không thể chỉ dựa vào đó để bắt người. Sự mơ hồ cũng làm nhiều người lo ngại, lỡ như máy đọc sai và đưa mình vào danh sách tình nghi suốt đời thì sao.

Chỉ tính riêng ở Mỹ, hiện có hơn 200 công ty chào mời dịch vụ nhận diện gương mặt với độ chính xác rất khác biệt. Công nghệ này đã có những bước tiến rất xa ở Trung Quốc và đang được sử dụng rộng rãi tại đây. 

Dù sao vụ Clearview AI cứu một người thoát cảnh tù tội là một minh chứng cho thấy công nghệ nói chung và công nghệ nhận diện gương mặt nói riêng đang tác động trực tiếp lên cuộc sống của chúng ta, không thể lẩn tránh nó, nên cần tìm cách sống chung với nó và buộc nó đóng vai công cụ cứu người chứ không làm hại người do sai sót.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận