Anton Tsvetov: Phép thử bằng cơ bắp của Trung Quốc

DUY VĂN THỰC HIỆN 19/05/2014 20:05 GMT+7

TTCT - Anton Tsvetov là chuyên gia của Hội đồng Nga, một tổ chức có nhiệm vụ tư vấn đối ngoại cho các cơ quan Chính phủ Nga.

Ngay sau vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam, Anton Tsvetov đã viết bài trên trang web của Hội đồng Nga (*)

Ông Anton Tsvetov


Ông trả lời câu hỏi của TTCT qua email.

* Đã hơn 10 ngày trôi qua từ sau vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam, nhưng Bộ Ngoại giao Nga vẫn im lặng. Ông cho rằng đây là cách thể hiện sự trung lập?

- Khó thể nói Bộ Ngoại giao Nga im lặng chính vì lý do gì. Dĩ nhiên, nếu không đưa ra một quan điểm nào thì đơn giản nhất là thể hiện sự trung lập. Cuối cùng thì một tuyên bố thuần túy hình thức kêu gọi tuân thủ công pháp quốc tế và kiềm chế sử dụng vũ lực cũng sẽ không giúp được gì, bởi cả Việt Nam lẫn Trung Quốc trong tình hình này đều khẳng định đã hành động nghiêm ngặt theo luật pháp quốc tế.

Sẽ là một việc khác với Nga nếu đơn giản bày tỏ Nga quan tâm tới những gì đang diễn ra trong khu vực và những gì đang xảy ra trong quan hệ giữa các đối tác chiến lược của mình. Chuyển từ trung lập thụ động sang (trung lập) chủ động là một nhiệm vụ quan trọng cho chính sách ngoại giao hướng Đông của Nga. Và thực tế mà chị đặt câu hỏi cho tôi đã nói về việc sự im lặng của Nga có thể bị hiểu sai, trong đó có ở Việt Nam.

* Ông viết rằng Trung Quốc muốn kiểm soát xem họ có thể đi xa tới đâu trong trò chơi cơ bắp. Theo ông, với tình hình này, khi các ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố chỉ trích hành động Trung Quốc thì nước này đang muốn đi xa tới đâu?

- Tôi cho rằng rất tốt khi các ngoại trưởng ASEAN có thể đưa ra một tuyên bố riêng.

Với các nước Đông Nam Á, sự thống nhất trong cuộc tranh cãi ở biển Đông vẫn là một vấn đề rất phức tạp. Có một sự phân chia rõ rệt giữa các nước mà vấn đề này thật sự quan trọng và các nước mà hợp tác với Trung Quốc lại quan trọng hơn. Trong bối cảnh này tôi cho rằng hợp tác kinh tế trong khối càng mạnh thì Việt Nam và Philippines càng có hi vọng về một sự ủng hộ thật sự từ các nước khác trong ASEAN.

Nhưng ngay cả sự kiện (hạ đặt giàn khoan) cũng tạo cho ASEAN điều kiện và khối này đang sử dụng. Dĩ nhiên không thể chờ đợi những tuyên bố lên án Trung Quốc mạnh mẽ. Nhưng đừng quên là Bắc Kinh không muốn bị ai chỉ trích. Hơn nữa, họ còn muốn đừng ai nói gì về chuyện này, không chỉ ngoài khuôn khổ biển Đông mà thậm chí trong ASEAN, vì quan điểm của Bắc Kinh là chẳng có gì để nói ở đây cả. 

Vì vậy tôi cho rằng việc thông qua được văn kiện trên là một thắng lợi lớn của ASEAN.

* Ông có thể giải thích thêm cho ý của ông rằng Bắc Kinh bắt chước Nga để lấy điểm trong nước, dù hoạt động trên biển Đông chắc chắn làm xấu hình ảnh Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế. 

- Hãy nhìn xem: bất kỳ cuộc khủng bố nào nổ ra, người dân bắt đầu lo ngại về việc nhà nước có bảo vệ được họ không. Cần dẹp bỏ những lo ngại này và để làm điều đó cần thể hiện sức mạnh, chỉ ra rằng Trung Quốc là một quốc gia có ảnh hưởng, có thể thực hiện sự toàn quyền của họ trên lãnh thổ mà họ cho là của mình. Như người ta hay nói trong bóng đá “phòng thủ tốt nhất là tấn công”. Nhưng luôn rất khó để nói nhà cầm quyền Trung Quốc hành động vì những chủ đích gì.

* Ông còn viết khi tình hình Ukraine bình ổn rồi, Nga sẽ phải tính toán việc các công ty Nga quay lại làm ăn ở biển Đông. Vậy Nga sẽ ứng xử như thế nào khi Việt Nam và Trung Quốc đều là đối tác chiến lược? 

- Chính vấn đề là ở đó, người Nga cần phải làm tất cả để không phải chọn lựa. Với Nga, mối quan tâm lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là kinh tế. Vì vậy một hướng tiếp cận tích cực ở đây là không pha trộn chính trị và kinh tế. Đó sẽ là quyết định thực dụng nhất.

Và đã có đủ những thí dụ cho sự việc phân tách này. Bất chấp cuộc tranh cãi lãnh thổ, Nga vẫn hợp tác kinh tế thành công với Nhật, và với Việt Nam và Trung Quốc (Nga có) những quan hệ chặt chẽ nhất ở mọi lĩnh vực kinh tế.

Chính vì vậy Nga rất quan trọng sao cho việc làm ăn của các công ty trong khu vực minh bạch và đơn giản. Bởi đối với đa số nước, chính sách đối ngoại trước tiên là công cụ tạo dựng những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Và điều đó cực kỳ quan trọng cho Nga và Viễn Đông của Nga. 

* Xin cảm ơn ông.

“Có cảm giác Bắc Kinh dường như đang thăm dò tình hình, kiểm tra xem giới hạn chịu đựng của các nước trong khu vực và Mỹ. Thêm vào đó, Việt Nam thuộc những nước mà Washington mới chỉ chuẩn bị thiết lập hợp tác quân sự chứ chưa đề cập đến các quan hệ đồng minh. Có thể vì vậy mà hành động này nhằm chống lại Việt Nam chứ không phải chống Philippines. Trung Quốc muốn kiểm soát xem họ được phép đi xa tới đâu trong trò chơi cơ bắp”. 

ANTON TSVETOV(trích từ bài viết “Khủng hoảng mùa xuân”)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận