TTCT- Như những tấm “đề can” trang trí trong đời thực, các sticker ảo thay lời cảm xúc cho các đoạn chat hay hình ảnh, video trên Internet đang trở nên sống động hơn bao giờ hết khi công nghệ thực tại tăng cường được tận dụng. Ảnh thực ảo lẫn lộn nhờ AR Stickers Trò chơi di động Pokemon Go đã mang khái niệm thực tại tăng cường (AR) - tạo ra trải nghiệm hòa trộn cái ảo và thật - phổ biến hơn với người dùng đại chúng. AR giờ đây lại là cuộc đua mới giữa các đại gia công nghệ trong việc “mang phép thuật” đến với camera của người dùng di động. Ai cũng có thể làm ảo thuật Bức ảnh bạn tạo dáng trong phòng khách sẽ hút “like” trên Facebook hơn bao giờ hết nếu bên cạnh là chú robot nhỏ BB-8 trong loạt phim lừng danh Star Wars. Bạn bè cũng sẽ xuýt xoa nếu bạn đăng lên Instagram đoạn video mình sải bước giữa những chú lính Stormtrooper bồng súng. Ngày 12-12, Google thông báo mẫu smartphone mới do họ sản xuất, Pixel 2, khi chạy trên nền Android mới nhất (Oreo) sẽ được trang bị tính năng AR Stickers, giúp việc tạo ra các bức ảnh hay video “chất” như trên chỉ bằng vài cú chạm. AR Stickers tích hợp vào camera của Pixel 2, cho phép người dùng chụp hay quay phim bối cảnh thật và chèn nhân vật ảo từ hai bộ phim Star Wars: The Last Jedi và Stranger Things để “khoe” trên mạng xã hội. Ngoài hai bộ stickers “đinh” nói trên, còn có các hình ảnh thông thường khác hay những đoạn chữ 3D. Điều quan trọng là các nhân vật ảo kia phải có cử động sống động như thật, chứ không phải đứng yên một chỗ như được chèn photoshop vào. Google đã khéo chọn Star Wars để quảng bá AR Stickers, nhưng còn một lý do khác khiến gã khổng lồ công nghệ thu hút được chú ý: tính năng này được tích hợp sẵn vào camera của Pixel 2, nghĩa là người dùng không cần phải tải và cài đặt app của bên thứ ba. Điều này có thể xem là lợi thế của Google, khi những nhà tiên phong trong lĩnh vực AR camera đều phát triển công nghệ này trên nền tảng riêng và buộc người dùng phải cài thêm app, như Facebook Messenger hay Snapchat. Ảnh thật và ảnh được AR biến hóa. -Ảnh: cdn0.tnwcdn.com Google không phải người tiên phong Sticker, bắt nguồn từ ứng dụng nhắn tin Line ra mắt ở Nhật hồi năm 2011, thường được thiết kế theo các nhân vật đồ họa có tác dụng biểu đạt cao hơn các ký tự như :-) hay biểu tượng emoji của smartphone, vì chúng có thể diễn đạt cảm xúc không chỉ qua gương mặt mà còn cử chỉ cơ thể, có thể cử động và phát ra âm thanh. Trong thời mạng xã hội chia sẻ hình ảnh như Instagram hay Snapchat, khi camera được xem là “bàn phím mới của smartphone”, sticker còn được “dán” (stick) lên ảnh chụp hay video để thỏa thích sáng tạo, chứ không chỉ đưa vào các đoạn chat. AR Stickers thực ra giống tính năng AR Bitmoji ra mắt hồi tháng 9-2017 của Snapchat, cho phép người dùng quay cảnh sân nhà mình rồi chèn vào khung cảnh thực đó nhân vật bé trai (ảo) đang tập yoga, hay quay góc phố và đưa vào hình ảnh cô bé chơi ván trượt ngoạn mục. Ngày 13-12, Facebook công bố ứng dụng chat Messenger của mình đã có World Effects, tính năng chèn vật thể ảo AR vào bối cảnh thật khi chụp hình hoặc quay phim, giống hệt như Snapchat. World Effects là kết quả của việc Facebook mở cửa nền tảng AR của mình cho lập trình viên trên toàn thế giới tham gia tạo sticker và hiệu ứng, với mục đích không có gì khác là đánh bại Snapchat. Các đại gia công nghệ không bao giờ ngừng lao vào các cuộc chạy đua mới, và lần này không khó nhận ra AR là mặt trận mới nhất. Google có “đồ chơi” là nền tảng ARCore ra mắt vào tháng 8-2017, đọ sức với ARKit lộ diện hồi tháng 6 của Apple và AR Studio do Facebook giới thiệu hồi tháng 4. Ngày 14-12, Snapchat chính thức cung cấp Lens Studio, công cụ tạo AR trước giờ chỉ “lưu hành nội bộ”, cho cộng đồng lập trình viên để có thêm nhiều hiệu ứng độc lạ nhằm giữ vị thế cạnh tranh. Không cần biết ai thắng ai thua, AR chắc chắn khiến các bức ảnh không bao giờ như trước nữa, như cách Instagram với các bộ lọc màu (filter) từng thay đổi quan niệm về khoe ảnh chụp trên mạng xã hội.■ Tags: Sống ảoẢo và thựcẢo diệu hơn
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Nhìn thành phố từ buồng lái: Cảm nhận đặc biệt của nữ lái tàu metro CHÂU TUẤN 18/12/2024 Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu đầu tiên của tàu điện tuyến metro số 1 - đã chia sẻ những cảm nhận của mình.
Chuyên gia: Vụ ám sát Trung tướng Nga Igor Kirillov có 2 mục đích chính THANH BÌNH 18/12/2024 Ukraine dường như muốn gửi đi 'thông điệp rõ ràng' tới những ai chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Cuối năm, phạt loạt doanh nghiệp 'ém', công bố thông tin sai lệch trên thị trường chứng khoán BÔNG MAI 18/12/2024 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên tiếp phạt loạt doanh nghiệp vi phạm trong công bố thông tin, nhằm bảo vệ lợi ích nhà đầu tư và củng cố lòng tin thị trường.
Mờ mắt đột ngột, cảnh giác có thể dấu hiệu cảnh báo đột quỵ TƯỜNG VY 18/12/2024 Rất nhiều người khi xuất hiện dấu hiệu nhìn mờ lại chủ quan cho rằng đó là vấn đề về mắt như cận thị, viêm mắt... mà không nhận ra rằng đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.