TTCT - Điều gì đã khiến các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra hẳn một Tuyên bố về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á vào cuối năm 2023? Ảnh: Nikkei AsiaTrước giờ các nước ASEAN vẫn tỏ ra thận trọng, thậm chí như chưa hiệp ý về tình hình ở các vùng biển khu vực, nhưng nay đã cùng nhau tuyên bố: "Chúng tôi theo dõi sát sao và quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông", để rồi cùng nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an toàn, an ninh, ổn định và tự do hàng hải và hàng không trong không gian hàng hải của Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông".Quan ngại tự do thông thươngQuả thật, việc tất cả ngoại trưởng 10 nước ASEAN cùng quả quyết: "Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ trong quan ngại những diễn biến gần đây ở biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông)", và cho rằng những diễn biến đó "có thể gây phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực", là một chuyển biến mới mẻ. Các lãnh đạo ASEAN cho thấy giờ đây họ là "ngôi thứ nhất số nhiều", cùng xưng hô "chúng tôi", cùng thể hiện là chủ từ của hành động "theo dõi", và cùng chung cảm nhận "quan ngại".Đây không phải một diễn biến đột ngột, mà đã được chuẩn bị từ trước nhằm đáp ứng một tình hình bất ổn đã lâu. Chính vì thế, Tuyên bố chung ngày 30-12-2023 của các ngoại trưởng ASEAN đã "nhắc lại Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM lần thứ 56) ngày 11 và 12-7-2023", trong đó các ngoại trưởng ASEAN "thừa nhận sự cần thiết phải duy trì và tăng cường sự ổn định trong lĩnh vực hàng hải trong khu vực của chúng ta và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác hàng hải và khám phá các sáng kiến mới hướng tới mục tiêu này sao cho thích hợp".Tất nhiên, các ngoại trưởng ASEAN đang và mới chỉ bày tỏ bằng Tuyên bố chung này quan ngại về tự do thông thương trên biển và trên không ở khu vực Biển Đông, đặc biệt là "việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực" (đoạn 1 của Tuyên bố chung), còn các vấn đề như tranh chấp chủ quyền hay bồi đắp các bãi đá..., thì chưa được đề cập. Dẫu sao, đây cũng là sự nhất trí đầu tiên của cả ASEAN, chớ không "phân mảng" như trong Thông báo chung AMM-56 hồi tháng 7-2023: "Chúng tôi đã thảo luận về tình hình trong biển Nam Trung Hoa, trong đó một số quan ngại đã được một số bộ trưởng bày tỏ".Tính trung tâm của ASEANMới đây, trên Eurasian Times 13-12, giáo sư quan hệ quốc tế kiêm nhà báo Ấn Độ Prakash Nanda đã đặt câu hỏi về thực chất của "tính trung tâm" mà ASEAN vẫn hay nói tới: "Nhiều vụ va chạm hàng hải giữa tàu bè Philippines và Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp gần bãi cạn Second Thomas (bãi Cỏ Mây của Việt Nam) trong thời gian gần đây dường như đã làm dấy lên lo ngại về việc liệu khái niệm "tính trung tâm của ASEAN" có đủ vững chắc để quản lý các xung đột khu vực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung, và Biển Đông nói riêng hay không".Ảnh: CNBCTheo Prakash Nanda, điều khiến các nước ASEAN dị biệt với nhau nhiều nhất là làm sao đối phó với các yêu sách chủ quyền ngày càng tăng của Trung Quốc về Biển Đông. Nhiều nghiên cứu cho thấy các nước ASEAN có những đánh giá rất khác nhau về vấn đề này cả trên phương diện thách thức (an ninh) và cơ hội (kinh tế), do mỗi nước có những lợi ích riêng. Sự dị biệt này còn khó vượt qua bởi yêu cầu phải có đồng thuận mới thông qua được một quyết định chung của cả khối, Prakash Nanda nhấn mạnh.Trong khi đó, Trung Quốc từ lâu đã triển khai chiến thuật "vùng xám" nhằm đạt được các mục đích chiến lược mà không phải gây xung đột trực diện, thông qua lực lượng hải cảnh (CCG) và các tàu đánh cá - dân quân chẳng hạn. Cũng phải nhắc rằng Luật Hải cảnh năm 2021 của Trung Quốc cho phép CCG sử dụng vũ lực với tàu đánh cá và tàu nước ngoài nói chung hoạt động trong các khu vực Trung Quốc yêu sách chủ quyền.Một trong những lý do khiến Tuyên bố 30-12 của các ngoại trưởng ASEAN được coi là một cột mốc là bởi trước kia, ASEAN đã ít nhiều thể hiện những khó khăn trong đạt được đồng thuận. Tỉ như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Vientiane (Lào) cuối tháng 7-2016.Lần đó, các quốc gia Đông Nam Á đã không thống nhất được về các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông sau khi Campuchia chặn bất kỳ đề cập nào đến phán quyết của tòa án quốc tế trong vụ kiện của Philippines năm 2015.Hội nghị đó diễn ra ngay sau khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết có giá trị pháp lý bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc với tuyến đường biển chiến lược, nơi hơn 5 nghìn tỉ USD giá trị thương mại toàn cầu đi qua mỗi năm. (Trung Quốc nói phán quyết này không ảnh hưởng đến quyền của họ trên biển coi phán quyết là không có giá trị, theo Reuters 26-7-2016). Tại hội nghị đó, các nhà ngoại giao ASEAN nói với Reuters rằng Philippines và Việt Nam cùng muốn thông cáo chung sau cuộc họp đề cập đến phán quyết và sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế.Trước đó bốn năm, tức năm 2012, Reuters nhắc lại, Campuchia từng phản đối việc đề cập này. Thời điểm năm 2016, phía Trung Quốc cũng chưa chịu bàn luận về Biển Đông. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết ông nghĩ việc truyền thông tập trung vào vấn đề Biển Đông là "rất kỳ lạ". Ông nói: "Đây không phải là vấn đề Trung Quốc - ASEAN", đồng thời nói các tranh chấp cần được giải quyết giữa các bên liên quan.Trên đây là tình hình ASEAN về Biển Đông năm 2016. Nay thì tình hình có vẻ đã khác. Cách đây một năm, Thitinan Pongsudhirak, nguyên viện trưởng Viện Khoa học và an ninh quốc tế (Đại học Chulalongkorn, Thái Lan), đã cảnh báo trên The Japan Times 13-10-2022 rằng "thế giới phân cực có nghĩa là ASEAN sắp kết thúc", nếu như không vượt qua được "những thay đổi địa chính trị toàn cầu bộc lộ sự chia rẽ mới".Theo tác giả, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á 55 tuổi nay đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện sinh, do bất đồng nội bộ về cuộc chiến Ukraine, cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, và các vấn đề khác. Tầm nhìn của Hiến chương ASEAN 2007 về hội nhập chính trị, kinh tế, an ninh và văn hóa xã hội sâu sắc hơn không còn nữa. Vấn đề đặt ra là để cứu vãn những gì còn lại, sẽ phải chấp nhận thực tế này và tập hợp lại cho phù hợp.Trong thực tế, ASEAN đã sớm thực hiện còn hơn cả mong ước trên khi cả 10 ngoại trưởng cùng ra Tuyên bố 30-12, qua đó khẳng định ngay điều 1 như là ưu tiên cơ bản: "Chúng tôi nhắc lại và tái khẳng định cam kết chung trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như giải pháp hòa bình cho các vấn đề tranh chấp, bao gồm cả việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao mà không cần viện tới đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật biển (UNCLOS)". Điều sau cùng này, viện dẫn UNCLOS, trước kia thường được nêu ra phía cuối các văn kiện của ASEAN. Tỉ như trong Thông báo chung AMM-56 năm nay, ý này được ghi ở tận điều 138 của văn kiện. Có thể do đã có những thay đổi ở đây kia, mà đã có một sự gắn bó trở lại?■ Trung Quốc mềm mỏng hơnNgoài những động thái dàn hòa với Mỹ, như qua cuộc gặp thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình vào cuối năm ngoái, Trung Quốc cũng đã có những động thái mềm mỏng hơn với các nước láng giềng.Ngày 3-1, China Daily có bài viết "Ngoại giao láng giềng mang tới lợi ích cho tất cả" điểm lại những hoạt động đối ngoại của ông Tập năm vừa qua. "Trung Quốc coi trọng láng giềng không phải là khẩu hiệu suông, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo hoặc quan chức cấp cao của nhiều nước láng giềng châu Á hằng tháng trong suốt 12 tháng qua", báo này nhận định.Số liệu từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy nước này hiện là đối tác thương mại lớn nhất của 18 nước láng giềng và năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Trung Quốc với các nước này đã vượt mức 2,17 nghìn tỉ USD. "Bắc Kinh hướng tới hành động và hết sức chân thành trong phát triển quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng", ông Hứa Lợi Bình, nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á ở Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nói. Cụ thể, theo China Daily, Trung Quốc đã đóng góp vào những tiến triển mới nhất trong quan hệ ba bên Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc, cũng như hợp tác khu vực sông Lan Thương - Mekong. Các dự án hạ tầng do Trung Quốc đầu tư ở hàng loạt nước Đông Nam Á cũng đã được điểm qua trong bài báo.Tuy nhiên, như Al Jazeera 26-12 bình luận, định hướng ngoại giao mới này của Trung Quốc cũng có liên hệ với những khó khăn kinh tế trong nước: tăng trưởng dưới mức mục tiêu, thất nghiệp ở thanh niên, và lần đầu tiên đầu tư trực tiếp nước ngoài suy giảm. "Kế hoạch kinh tế toàn cầu của Trung Quốc đòi hỏi một chính sách ngoại giao ít hung hăng hơn, giảm bớt đối đầu", Al Jazeera viết. Tags: Đông Nam ÁTự do hàng hảiAseanNgoại trưởng ASEANBiển Đông
Sóc Trăng dừng tổ chức đoàn xổ số kiến thiết đi học tập kinh nghiệm ở châu Á BỬU ĐẤU 09/10/2024 Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản hỏa tốc yêu cầu dừng tổ chức đoàn xổ số kiến thiết đi học tập kinh nghiệm các nước châu Á.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Hà Nội rực rỡ trong nắng thu vàng mừng Ngày Giải phóng thủ đô NGUYỄN HIỀN 09/10/2024 Những ngày đầu tháng 10, Hà Nội sôi động lại thêm lung linh với cờ hoa rợp phố trong nắng thu vàng mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô 10-10.
Công an triệu tập ngoại binh cũ của CLB Hoàng Anh Gia Lai QUANG THỊNH 09/10/2024 Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai gửi đơn tố cáo ngoại binh Martin Dzilah lên Công an tỉnh Gia Lai, sau khi cầu thủ người Ghana kiện đội bóng lên FIFA.