TTCT - Những thiên tai mà ASEAN đã trải qua trong năm 2013 sẽ còn tiếp diễn trong năm 2014. Vấn đề là ASEAN đã, đang và sẽ đối phó với thiên tai như thế nào? Phóng to Hơn một tháng rưỡi sau siêu bão Haiyan, những đứa trẻ sống sót ở thị trấn Marabut, tỉnh Samar, vẫn đi tìm nước bằng những chiếc xe đẩy tự chế - Ảnh: Reuters Siêu bão Haiyan đổ bộ vào ngày 7 và 8-11-2013 khiến ít nhất 6.102 người thiệt mạng và 1.779 người mất tích (AFP 22-12-2013) mới chỉ là cơn bão thứ 30 của “mùa bão nhiệt đới 2013”, với cơn bão Sonamu xuất hiện ngay từ ngày đầu năm cũng ở Philippines. Một tháng rưỡi sau cơn bão khủng khiếp này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon phải đến ủy lạo, trấn an người tị nạn ở thị trấn ven biển Fatima: “Chớ tuyệt vọng! Liên Hiệp Quốc ở đằng sau các bạn. Thế giới ở sau lưng các bạn”. Thị trấn 220.000 dân đó trở thành bình địa sau “cơn bão y hệt sóng thần”, theo cách gọi của AFP. Chỉ trong hai ngày, trên nửa triệu căn nhà sụp đổ, 10 triệu người phải sơ tán, 3,5 triệu người trong tình trạng vô gia cư 20 ngày sau cơn bão (1). Trong thảm họa này, ASEAN đã ứng phó như thế nào? Ứng phó không tương thích Nửa tháng trước cơn bão Haiyan, ASEAN đã tổ chức diễn tập ứng phó thảm họa khẩn cấp cấp khu vực (ARDEX-13) với trên 2.500 người thuộc các lực lượng cứu hộ, cứu trợ y tế chuyên nghiệp của các nước ASEAN, do Chính phủ Việt Nam cùng Trung tâm ASEAN điều phối hỗ trợ nhân đạo về quản lý thiên tai (AHA) phối hợp tổ chức. Kịch bản diễn tập là siêu bão có tên Neptune đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng Bắc bộ Việt Nam gây ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng đến hệ thống đê điều làm hàng ngàn người chết, hàng vạn người bị ảnh hưởng do nhà cửa bị sập đổ, lũ lụt chia cắt và cần được hỗ trợ khẩn cấp (The Brunei Times 25-10-2013). Thế nhưng, chỉ 15 ngày sau, thực tế từ siêu bão Haiyan và ngay sau đó là bão Podul (sáng 12-11) đã cho thấy khả năng cứu trợ nhân đạo và thảm họa (HADR) của ASEAN lại không tương thích với quy mô thảm họa. Ba tuần sau cơn bão Haiyan, các nước ASEAN đã họp lại cùng với đại diện của 35 nước trên toàn cầu và của các tổ chức quốc tế liên quan nhằm rút ra những bài học đáng giá từ sự tàn phá của thiên tai. Hội nghị đã nhấn mạnh đến nhu cầu khẩn trương huy động lực lượng cứu hộ các nước dưới quyền kiểm soát của AHA và của ban tổng thư ký ASEAN. Đã có nhiều đánh giá, song ghi nhận đầu tiên là hải quân các nước ASEAN hầu như đã vắng mặt trong thảm họa này, vừa do không có một đáp ứng tập thể như đã được thiết lập qua Thỏa hiệp xử lý thảm họa và tình trạng khẩn cấp của ASEAN (AADMER) ký kết năm 2005 và có hiệu lực từ tháng 12-2009 (2), vừa do độ mỏng của hải quân các nước ASEAN. Trong thực tế, bão đổ bộ vào ngày 6 và 7-11, nhưng đến 10-11 ASEAN vẫn còn ở giai đoạn đánh giá tình hình. Báo The Nation 11-11-2013 của Thái Lan cho biết: “Hôm qua, một toán tăng cường của ASEAN gồm chỉ huy thực địa của AHA và các thành viên Cơ quan đánh giá nhanh tình hình (ERAT) từ Brunei Darussalam, cùng một đại diện của AADMER đã đến Tacloban để đánh giá tình hình. Kết quả đánh giá sẽ được chia sẻ cho các nước ASEAN nhằm giúp các nước này quyết định cách thức hỗ trợ”. 11% độc giả báo The Nation cho biết họ giận dữ trước tin này, 11% khác ngạc nhiên! Có thể thấy qua bài báo trên, AADMER còn chậm chạp trong hành động nên không góp phần cứu trợ khẩn cấp ngay sau sự cố như một số nước đối tác của ASEAN đã làm, chẳng hạn Mỹ. Khi ASEAN mới chỉ đến đánh giá tình hình, từ ngày 8-11 Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra thông cáo: “Bộ chỉ huy Thái Bình Dương và Bộ Quốc phòng đang trong tư thế sẵn sàng cống hiến trợ giúp...” (DOD 8-11-2013), tức đã có chủ trương can thiệp nhân đạo. Đến ngày 10-11, một đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đến Philippines lập bộ chỉ huy tiền phương cho chiến dịch cứu trợ mang tên “Cuộc hành quân Damayan” (DOD 11-11-2013). Các nỗ lực triển khai cứu trợ của quân đội Mỹ vừa kịp cơn bão Podul kế tiếp đổ vào sáng thứ ba 12-11, thành ra cứu trợ nạn nhân của cả hai cơn bão. Tính đến ngày 22-11, Mỹ đã huy động 13.000 quân cho sứ mệnh nhân đạo này. Hải quân Anh, Úc cũng gửi tàu đến tiếp cứu. Cảnh báo nhiều hơn cứu hộ Theo Koh Swee Lean Collin của Viện nghiên cứu quốc phòng và chiến lược Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore), vấn đề ở chỗ hải quân các nước ASEAN chỉ được thiết kế cho nhiệm vụ tuần tra và bảo vệ ven biển chứ không xem nặng nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo và thảm họa (HADR). Thành ra, khi hữu sự thiếu tàu đổ bộ lớn, xuồng đổ bộ và trực thăng vận tải để có thể chở hàng cứu trợ đến những nơi không có bến cảng hay đường băng sân bay. Để so sánh, chiến hạm mới nhất của hải quân Philippines, chiếc BRP Ramon Alcaraz, nặng 3.353 tấn, cũng chỉ chở được 125 tấn hàng hóa cho chuyến cứu trợ đầu tiên. Trong khi đó, tàu cứu trợ HMAS Tobruk của hải quân Úc đã liên tiếp tung ra các xuồng đổ bộ 50 tấn chở theo những chiếc xe tải Unimog giúp thủy thủ lên bờ di chuyển đến bất cứ địa điểm hẻo lánh nào có các cộng đồng dân sơ tán, mang máy lọc nước, máy phát điện, lều bạt, nước đóng chai và nhất là thực phẩm đến cho dân chúng đang gặp hoạn nạn (New.com.au., 18-11-2013). Tất cả những gì mà ASEAN phái tới được là vài chiếc vận tải cơ C-130 và CN-235 của Brunei và Indonesia, theo ghi nhận trên The Diplomat 23-11-2013 của Steven Keithley thuộc Đại học Georgetown. Koh Swee Lean Collin nhấn mạnh rằng không có trong tay đủ năng lực HADR, không những ASEAN sẽ khó lòng đưa AADMER vào hoạt động và đáp ứng được các tình huống tương tự, mà còn cứ phải tiếp tục nhờ cậy hải quân bên ngoài khu vực (The Diplomat 6-12-2013). Có một lý do khác giải thích sự chậm chạp của ASEAN: chính sứ mệnh đặt ra cho Đông Nam Á thành lập AHA vào tháng 1-2011. Bài báo của Viện chiến lược và chính sách công nghệ (NISTPASS) cho thấy điều này: “Các quốc gia Đông Nam Á đã công bố một trung tâm khu vực nhằm điều phối quản lý thiên tai, với trọng tâm là tích lũy và nâng cao kiến thức về khoa học thiên tai... Có trụ sở tại Jakarta, Indonesia, AHA sẽ kết nối tất cả các cơ quan quản lý thiên tai trong khu vực và cung cấp cảnh báo thiên tai bằng cách liên kết những hệ thống cảnh báo sớm. Trung tâm này cũng sẽ kết hợp dữ liệu thiên tai, chẳng hạn các bản đồ những vùng dễ bị tổn thương bởi thiên tai rải rác trên toàn khu vực và phát triển những công nghệ mới nhằm dự đoán và đối phó với thiên tai”. Với sứ mệnh nghiêng về các loại tính toán cảnh báo sớm thiên tai nhiều hơn là cứu hộ, không thể trách tại sao AHA chỉ phản ứng được như thế trong thảm họa Haiyan. Vụ cháy rừng ở Indonesia tháng 6-2013 cũng cho thấy sứ mệnh cảnh báo sớm của AHA là chưa đủ. Từ ngày 19-6-2013 đã có những báo động về việc khói vây Singapore, Malaysia vì rừng cháy ở Indonesia và được phản ảnh trên trang web vnexpress: “Giới chức Indonesia thông báo rằng ít nhất 138 đám cháy đang hoành hành trong các khu rừng trên đảo Sumatra. Những vụ cháy như vậy thường xảy ra vào mùa khô, từ tháng 6 tới tháng 9. Ngoài ra, cháy rừng còn xảy ra do nông dân đốt rừng để trồng cọ. Từ lâu, những lợi ích thương mại tại Indonesia đã lấn át những lo ngại về môi trường”. Một tuần sau, khói lan đến Việt Nam. Đến đây, có thể thấy cái gì thiếu đối với ASEAN trong việc đối phó với thiên tai: một hệ thống quyết định có đủ thẩm quyền trong việc quản lý thiên tai. Joshua Kurlantzick, một chuyên gia về Đông Nam Á, than thở trên Council on Foreign Relations 26-6-2013: “Hầu hết các nhà lãnh đạo Đông Nam Á không nhập cuộc... Khói mù đã có mặt trong chương trình nghị sự các cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao và những nhà lãnh đạo ASEAN cùng các cuộc họp môi trường trong suốt 15 năm nay... Cách nay hơn chục năm, ASEAN đã ký kết một thỏa thuận về khói mù xuyên biên giới, theo đó các nước cam kết làm giảm nạn ô nhiễm do khói mù. Tất nhiên thỏa thuận đó thì mơ hồ, không có cơ chế chấp hành, lại không được Indonesia phê chuẩn nên bây giờ chẳng hữu ích gì”. Chỉ một năm nữa, năm 2015, ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng kinh tế chung (EAC) như cộng đồng kinh tế chung châu Âu ngày nào (EEC). Hi vọng rằng đây sẽ là cú hích để thúc đẩy hơn nữa công tác xử lý thiên tai hiệu quả hơn. (1): SitRep No. 46 Effects of Typhoon “Yolanda” (Haiyan)” (2): http://www.scribd.com/doc/111759996/ASEAN-Agreement-on-Disaster-Management-and-Emergency-Responce-Work-Programme Tags: ASEANThiên taiDANH ĐỨCSiêu bão Haiyan
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...