Ba câu chuyện của gã lang thang

TTCT - Khi đã say, con nhỏ nói rằng mình là hậu nhân đời thứ mấy... không nhớ nổi của một vị phi tần từng theo đức Gia Long bôn tẩu. Nó nhấn mạnh chữ đức rồi giơ nắm đấm dứ dứ vào mặt thằng ngồi bên cạnh khi thằng này buột miệng: Nguyễn Ánh đó hả?

Chuyện thứ nhất: Phần còn lại của giai thoại

Minh họa: Mặc Tuân

Khách “nghe đồn”: kinh Chắc Băng, rạch Bà Đặng, Thới Bình thôn... còn nhiều nữa, trên đường bôn tẩu, đức Ngài “thường xuyên” bỏ rơi (hai từ này ngày xưa mà thốt ra vừa đến cổ họng thì chắc đầu đã lìa khỏi cổ!) đâu đó vài bà phi hoặc cung nữ. Chuyện này được người đời sau ưa dùng để lý giải vì sao nhan sắc của phụ nữ ở nơi ấy “coi ngộ” hơn những nơi khác.

Sắc vóc cỡ nó mà cũng dám tự nhận là hậu nhân của phi tần thì ở xứ này huơ tay một cái, dám đựng không dưới mười bồ lúa. Bà chủ của cái quán nhậu cóc ổi nhếch mép. Rồi bà thì thầm nho nhỏ, vừa đủ để… khách nghe không sót một câu. Tui đây nè, mới chính gốc là chít của bà phi đức Ngài.

Khách ngẩng đầu nhìn về phía góc quán, nơi bóng đèn chữ U vừa được bà chủ quán nâng lên để ánh sáng hắt vào mặt bà. Bắt gặp ánh mắt thất vọng não nề của khách, bà thì thầm tiếp như để phân bua: Hồi còn con gái, tui đẹp nhứt vùng đó chú. Ngặt nỗi, lấy nhầm thằng chồng say xỉn lại còn vũ phu...

Rầm! Chén đũa, ly muỗng trên bàn chỗ thằng có cái bản mặt cô hồn đang ngồi nảy tưng lên, nó chụp lấy cây muỗng còn đang lơ lửng rồi đâm thẳng xuống miếng cá khô trước mặt. Y như trong phim kiếm hiệp.

“Giai nhân hỡi, khóe mắt em u hoài...”, giọng một gã say lang thang ngoài bờ kinh lè nhè vang lên như trêu ngươi.

***

Qua bển cực còn hơn trâu! - Con nhỏ say kia hét toáng lên, rồi gục đầu xuống bàn khóc nức nở. Đám cưới của nó từng được tổ chức rình rang nhất chợ huyện từ trước đến nay, cô dâu miệng lúc nào cũng cười tươi rói bên chàng rể còn già hơn cha vợ. Ai biểu ông già mày ham giàu, bán con! Bà chủ quán nhậu lại lẩm bẩm. Việt kiều về nước gì mà tối ngày nhậu rượu đế, không lòi ra được một cắc cho người ta nhờ!

Bộ bà tưởng qua bển tui đi ăn cướp hả? Con nhỏ ngẩng phắt đầu dậy, mắt nó long lên. Có đứa con, nó cũng bắt lại, không cho đem về…Nó lại nức nở khóc.

Khách ngồi bàn bên cạnh dường như cũng sụt sùi…

Cái thằng cô hồn đằng kia, tự dưng cũng sùi sụt…

Nước mắt của phụ nữ vốn có khả năng “mềm hóa” lòng dạ của những gã đàn ông sắt đá nhất, huống chi đấy lại là nước mắt hậu nhân của một trong những giai lệ ngày xưa (?!).

Con nhỏ ngồi nhậu ở hàng còng ven kinh Chắc Băng mỗi tối, chắc nó nghĩ mình là phần còn lại của giai thoại - thứ mà đã được gieo sâu vào trí não của không ít con gái Thới Bình thôn khi họ vẫn còn nằm trong bụng mẹ.

Ôi trời ơi, nhan sắc! Gã say khật khưỡng tiến lại gần chỗ con nhỏ, đột nhiên ré lên. Mai tao gả mày qua Đài Loan lấy tiền trả nợ tiếp tục nghen con… Thằng có cái bản mặt cô hồn ra hiệu đám thanh niên xung quanh “phụ” mình khiêng gã quăng trở ra đường, tiện tay thoi luôn mấy cái. Vợ tao cũng là dòng dõi vua chúa đó nghen, coi chừng chém đầu hết tụi bây… Gã say vẫn không thôi lải nhải.

Khách chợt thấy bà chủ quán nhậu bỗng nhiên nước mắt chảy dài trên mặt. Con nhỏ trở nên hí hửng: Gã say đó là chồng của bà chủ quán chớ xa lạ gì đâu, bữa nào cũng tới phá đám, đến khi nào bả đong thêm vài xị mới chịu đi…

Nhà ở đâu anh đưa em về! Thằng ngồi bên cạnh đặt tay lên đùi con nhỏ.

Ở đâu hả? Hỏi bà già em đi! Con nhỏ hất mặt.

Phía góc quán, bà chủ quán mân mê con dao sắc lạnh làm thằng kia chột dạ, thảy tiền lên bàn rồi lên xe dông thẳng. Con nhỏ ưỡn ngực, vuốt ngược mái tóc về phía sau, qua lờ mờ ánh đèn, khách thấy lộ ra một vết sẹo chảy dài từ gò má đến tận cằm.

***

Có giai thoại rằng trên đường trốn khỏi sự truy bức, đức Ngài đã bỏ rơi một số bà vợ của mình.

Nhờ vậy, gái xứ này mới đẹp “lạnh lùng sương gió” (lời gã say).

…Chỉ phần còn lại của giai thoại, chưa từng có ai kể đến.

Chuyện thứ hai: Số 9

Cách rốn năm thốn về phía dưới là huyệt gì?

Nghe không hiểu, Thoa quay sang hỏi đứa ngồi bên cạnh, cũng là ma mới như mình. Tao cần quái gì biết huyệt hay mộ, chỉ biết đó là cái mà mình có nhưng ông thầy không có, thằng đàn ông nào cũng chết mê chết mệt chớ cái gì. Đứa này cười nhăn nhở.

Thoa nghe mặt mình nóng ran. Suốt buổi sáng học lý thuyết, nó không dám ngước nhìn lên trên màn hình bài giảng thêm lần thứ hai.

Bà chủ cơ sở matxa hạng siêu vip hứa với nó là sau khi dự xong cái lớp tập huấn xoa bóp này sẽ được nhận vào làm nhân viên chính thức. Lương cứng là ba triệu mỗi tháng, chưa kể tiền thưởng của khách - phần này thì được hưởng trọn. Chiếu cố nó là gái quê nên bà trả vậy, vả lại cũng tội nghiệp bà già của nó đang bệnh nằm ở nhà chờ tiền mua thuốc.

Hết phần lý thuyết điếc đặc tai thì đến phần thực hành. Ông thầy bảo cần có người xung phong đóng vai khách để ông thị phạm. Cả lớp, mười đứa con gái đứa nào đứa nấy mặt mày đỏ rần, chỉ có một đứa giơ tay, là đứa ngồi cạnh Thoa. Nó cởi đồ tỉnh queo trước mặt ông thầy như người ta lột vỏ chuối.

Xoa, ấn, vân, vê, vỗ, miết… Động tác nào thịt cũng dính sát vô thịt. Chỉ là lý thuyết với thực hành trên lớp thôi mấy cưng ơi, còn trên thực tế thì chỉ có nghề dạy nghề thôi. Giọng ông thầy bỗng trở nên dài thượt đến kinh dị.

Thoa đứng dậy, muốn bỏ về ngay lập tức nhưng cái cảnh bà mẹ già đang nằm ho rũ rượi ở nhà, cùng cái giá tiền lương ba triệu một tháng đong đưa trước mắt giống như một cục mồi béo ngậy, rịt nó phải ngồi trở xuống. Thoa run rẩy tự cởi đồ, mấy đứa khác cũng vậy, bắt cặp luân phiên thực hành.

Học viên nào cũng phải ít nhất một lần thực hành trước mặt ông thầy mới được cấp chứng chỉ đủ điều kiện gia nhập vào đội ngũ nữ nhân viên ở các cơ sở matxa xoa bóp nằm lềnh khênh hai bên con đường vào khu công nghiệp.

***

Tao mới bán được mười chai. Số tám rút trong cọc tiền thảy lên bàn mấy tờ. Chia cho tụi bây một ít, muốn xài gì đó thì xài. Nó cố lấy giọng nhẹ hẫng như không.

Mấy đứa kia ré lên tranh nhau giật.

Bán cái gì mà nhiều tiền vậy? Thoa ngơ ngác.

Ngu thiệt hay ngu giả bộ vậy mậy? Là cái mà xài cả đời vẫn không mòn, nhưng chỉ có giá ở lần đầu tiên, giống như tụi mình; cỡ bà chủ kêu cho không, người ta còn chửi vô mặt!

Ê, số tám, cái thằng mua đó, nó xài đồ ra sao? Không đợi câu trả lời, cả đám ôm nhau cười sặc sụa không để ý đến đứa được gọi bằng số tám vừa khép cổ áo che đi những vết bầm tím ngang dọc trên ngực.

***

Thoa được gắn số chín. Chỗ của bà chủ, các nữ nhân viên matxa được gọi bằng số thay cho tên gọi, hễ đứa nào lỡ miệng gọi tên người khác thì bị trừ mười phần trăm lương tháng. Ở đây, mỗi đứa ít nhất cũng một lần bị trừ. Riêng Thoa thì không hiểu sao chưa từng bị trừ, có lỡ miệng thốt ra thì bà chủ cũng giả vờ không nghe thấy.

Lại được ưu tiên cho nghỉ ngơi bất cứ lúc nào khi Thoa yêu cầu. Đó là “phương pháp vỗ béo cua thịt”. Giọng số tám đắng nghét. Là sao? Giống như tao vậy nè, vỗ béo xong, gặp mối mua được giá thì bán.

Số tám là đứa cuối cùng trong đám nữ nhân viên cũ được bà chủ giữ lại vì bà “thương nó như con ruột, giữ lại để bảo ban đám nhân viên mới, còn lạ nước lạ cái”. Tụi kia tức là từ số một đến số bảy, nay cộng thêm số tám là “đồ ăn cháo đá bát, không đáng nhắc tới, nghe nơi khác rủ rê lương cao hơn là cuốn gói không một lời từ giã”.

Số chín là đứa thường xuyên được bà tỉ tê tâm sự, vì nó cũng là “đứa con ruột thứ hai” của bà, sau số tám.

Thoa nghe mà lạnh cả xương sống, chân lông dựng ngược. Đêm qua, dù cửa phòng trên lầu của bà chủ đóng kín nó vẫn nghe được tiếng the thé của bà lệnh cho gã quản lý thực hiện điều gì đó không rõ. Rồi tiếng kêu gào thảm thiết của số tám, chửi rủa đòi lại số tiền đã nhờ bà cất giùm. Sáng ra, chiếc bảng treo các số thứ tự đám nhân viên nữ của cơ sở matxa siêu vip đã bị ai đó gỡ mất số tám.

Bà ôsin già thì thào với Thoa rằng hồi tờ mờ sáng, khi quét dọn trên lầu bà quét được một nùi tóc bê bết máu, chẳng biết tóc của ai.

***

Có lần, vào ban đêm, Thoa nhìn thấy số tám với cái đầu trụi lủi đứng bên vệ đường, cạnh gốc cây còng đổ bóng đen thẫm. Đúng là số tám. Thoa gọi thật lớn nhưng nó không hề nghe thấy mà bước lên ngồi sau yên xe một lão già khọm. Ờ, một xị thì một xị, chủ yếu là kiếm tiền trầu cau, hỏi hoài vậy ông nội… Thoa vẫn còn nghe vọng lại cái giọng gắt gỏng của số tám với lão già kia.

***

Lần nào đi khách, số tám cũng kể chuyện về Thoa - con nhỏ được gắn số chín ở cơ sở matxa siêu vip nhảy lầu tự tử khi bà chủ bắt nó phải bán trinh cho một thằng khựa làm ở khu công nghiệp. Thoa nhảy từ lầu năm của khách sạn, nó rớt thẳng xuống thùng xe tải chở đá, trên mình còn mặc nguyên bộ đồ lót. Số tám còn nói lần nào đứng ở gốc còng đợi khách nó cũng nghe tiếng Thoa gọi tên mình.

Con gái còn trinh chết linh phải biết.

Khách nghe như có một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng.

Minh họa: Trương Tiến Trà

Chuyện thứ ba: Sợi dây

Ở thị xã này không ai là không biết tiếng của vợ chồng Ba Bò. Vợ làm lò bóng đá. Chồng cho vay bạc góp. Chiều chiều, cữ bốn năm giờ là nhà Ba Bò dậy động bởi tiếng của hàng chục xe hai bánh đủ các loại phân khối, nẹt pô gầm rú trước sân, là tụi đàn em của Ba Bò đến nhận lệnh từ anh chị Ba để đi dằn mặt những con nợ lì lợm.

Hết Premier League thì tới Champions League, quay đi quay lại, thoắt đã Euro, World Cup… Vợ Ba Bò bận bịu còn hơn chủ tịch FIFA. Tính toán ăn đứt nhà cái William Hill. Nhưng đáng nể nhất là khả năng điều khiển một lũ âm binh dưới trướng, đâu vào đó như tướng ngoài trận.

Vợ Ba Bò khôn ngoan quỷ quyệt bao nhiêu thì chồng lại “lớ ngớ” bấy nhiêu. Mang tiếng là cho vay bạc góp sừng sỏ trong giới nhưng mọi mánh khóe thủ đoạn đều một tay vợ bày vẽ. Lãi tiền đứng 50 phân, gặp con nợ là phụ nữ thì chỉ còn 30 hoặc 10 phân, có khi cũng xuề xòa chủ động đề nghị thu hồi vốn, lãi thì được tính theo “cách khác” giữa chủ nợ và con nợ… ở một nhà nghỉ nào đó. “Lớ ngớ” là cách nói giữ thể diện cho chồng của vợ Ba Bò chứ nói thẳng thì là: tới chết vẫn không bỏ cái tật “mê cái”.

Chuyện làm ăn của vợ chồng Ba Bò nếu kể ra, về độ dài cũng không thua “Một ngàn lẻ một đêm” là mấy, nhưng có một chuyện mà cả thị xã ai cũng truyền miệng suốt một thời gian dài, vì nó có liên quan đến mạng người.

Con nợ dai dẳng nhất là vợ của một thằng đàn em đang ở tù vì đánh người gây thương tích, theo lệnh của anh Ba. Thằng này đang thiếu vợ Ba Bò cả trăm triệu tiền cá độ bóng đá. Chồng ở tù nhưng nợ vẫn còn đó, anh Ba lo cho chồng mày thì lo nhưng nợ của chị Ba thì phải trả, cái nào phải ra… cái nào - vợ Ba Bò tuyên bố lạnh tanh.

Cùng đường, vợ thằng đàn em cầu cứu Ba Bò mỗi khi đến hạn đóng lãi. Đương nhiên, anh Ba chỉ vô tư giúp đỡ lúc đã xong việc ở trên giường. Tiền từ tay anh lại chảy về túi chị. Đây là kế thứ ba mươi bảy của Tôn Tử: “giết trống bắt mái”. Sau lưng chị Ba, tụi đàn em cười hô hố.

Chẳng rõ thằng đàn em nào của Ba Bò không biết giữ mồm giữ miệng, nội tình đến tai chị Ba. Hậu quả là cơn lôi đình của chị Ba bằng tất cả các đòn ghen từ trước đến nay trong thị xã này cộng lại. Anh Ba là người trong nhà nên chỉ trầy vi tróc vẩy chút đỉnh: bị buộc sám hối bằng cách cả ngày chỉ được di chuyển lòng vòng từ nhà trước ra nhà sau.

Ở lâu trong nhà sinh buồn chán, Ba Bò lôi tiền ra đếm, sáng trưa chiều tối ba lượt. Gã lại sinh khoái cảm với tiếng sột soạt từ mấy tờ xanh đỏ. Sờ từng tờ tiền, Ba Bò tưởng như mình chạm vào lần áo bằng vải gấm của vợ thằng đàn em mà mình từng lần mò mở cúc áo bằng… môi răng lưỡi. Ước gì lúc bà chằn lửa đó đi vắng mà gặp lại cố nhân thì còn gì bằng.

Cầu được ước thấy. Ba Bò vừa dứt suy nghĩ, vợ thằng đàn em đột ngột xuất hiện như xuyên qua mấy lần cửa sắt, tàng hình trước mắt bầy béc-giê hung dữ.

Em đến gặp anh lần cuối cùng trước khi vĩnh biệt. Nàng đẩy chiếc túi mang theo về phía Ba Bò rồi thút thít ngồi che một bên mắt còn bầm tím. Với lại, em xin trả đủ tiền còn thiếu, nhờ anh chuyển cho chị Ba giùm.

Làm gì mà sầu thảm vậy cưng, đời sung sướng của tụi mình còn dài, để từ từ anh tìm cách. Như nắng hạn gặp mưa, Ba Bò vội kéo nàng vào lòng hôn hít nhưng hễ động đến chuyện đó là nàng giãy nảy, cự tuyệt. Năm bảy lượt, Ba Bò đâm bực. Gã vờ dọa: Anh chịu hết nổi con quỷ cái ở nhà, chỉ còn mình em, em cứ vậy hoài là anh treo cổ tự vận luôn cho rồi.

Anh mà dám. Sau trận đòn ghen, vẻ ngúng nguẩy của nàng vẫn còn đáng yêu lắm. Em có đem sẵn theo sợi dây đây nè. Nàng rút trong giỏ ra sợi dây điện màu đỏ, dứ dứ trước mặt như thách thức.

Chẳng hiểu lúc đó ma xui quỷ khiến thế nào, Ba Bò giật phắt sợi dây từ tay nàng bắc ghế cột lên xà nhà, rồi chui đầu vào. Cảm giác lúc đó thật đáng sợ. Không gian đông cứng, lạnh lẽo như dưới đáy mồ lại thêm tiếng kèn trống, tiếng khóc than lởn vởn xung quanh. Tay chân Ba Bò tự dưng không thể động đậy được, ngó sang phía tình nhân thì thấy nàng ta cứ ngồi im mà nét mặt lại có vẻ ra chiều khích lệ. Gã đạp ghế.

Huỵch! Sợi dây điện cột không chặt, Ba Bò rơi thẳng xuống nền gạch đau điếng. Gã lồm cồm ngồi dậy, cổ họng đau thắt. Ngước mắt nhìn lên xà nhà, sợi dây điện màu đỏ vẫn còn đong đưa trên đầu.

Cái con điên, khi không đi tự tử để cho tui phải bị công an mời mấy lượt! Vợ Ba Bò thở hào hển ngồi xuống ghế. Cái túi của ai để đây?

Ba Bò choàng tỉnh. Bà nói ai tự tử?

Thì con quỷ giựt chồng chớ ai! Nó treo cổ bằng sợi dây điện. Vợ Ba Bò vói tay lấy chiếc túi, vừa mở ra, mụ đã hét lên thất thanh. Trời ơi là trời, ở nhà bộ rảnh lắm sao mà lôi thứ này về để ám!

Ba Bò lật đật chạy lại. Trong chiếc túi dám có đến cả “trăm triệu” cột thành từng cọc xếp ngay ngắn, rành rành dòng chữ “Ngân hàng địa phủ”.

***

Từ đó đến nay, tôi không dám ở trong nhà của mình. Vì sợi dây ấy, hễ sáng tôi quẳng hoặc đốt đi thì đến chiều lại thấy mình cầm trên tay. Nghe nói phải sử dụng đúng mục đích mà nó được gửi gắm hoặc đích thân mang trả tận tay chủ nhân thì mới vĩnh viễn thoát khỏi được.

Giọng khách trở nên run rẩy, rút trong túi áo của mình ra một đoạn dây điện đỏ như máu. Ở đây, trong số quý vị, có ai dám mang sợi dây này đem trả giúp tôi không?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận