TTCT - Năm 2014, tôi đã ở biên giới Ba Lan, tận rìa thị trấn Rava Russkaya, miền tây Ukraine - nơi lính biên phòng Xô Viết chúng tôi đánh trận đầu tiên với quân phát xít vào ngày 22-6-1941. Năm 2014, tôi đã ở biên giới Ba Lan, tận rìa thị trấn Rava Russkaya, miền tây Ukraine - nơi lính biên phòng Xô Viết chúng tôi đánh trận đầu tiên với quân phát xít vào ngày 22-6-1941. Đầu tiên tôi tưởng đây chỉ là một vùng cỏ dại um tùm. Nhưng bước vào cỏ, tôi phát hiện đó là một ngôi mộ tập thể lớn, chỉ được đánh dấu bằng những thanh bê tông chìm trong cỏ. Và thấy đã lâu chẳng ai tới đó. Vài ngày sau, tôi trở lại với những quả táo - tôi đã mua năm ký táo, bày chúng thành hàng, cách nhau một mét. Theo tính toán của tôi, như vậy sẽ đủ cho mỗi người một quả. Cái chính là tôi muốn nói "Không đúng nhé, rằng không ai đến thăm các vị".Ảnh: Business InsiderVài năm sau, tôi đến tỉnh Smolensk để viết về những ngôi làng Nga bị bỏ hoang, và phát hiện trong một ngôi làng một bà lão 94 tuổi. Bà sống một mình, tất cả những người khác đã biến mất, còn những ngôi nhà sụp vào đất như chưa từng có. Mạng di động ở đó không hoạt động, bà lão thì mù. Cách nhà bà hai cây số, băng qua một cánh rừng, là dòng sông Dnepr, và cánh rừng ngay lập tức thu hút bởi tiếng xạc xào.Buổi sáng tôi ngồi trên băng ghế với cụ bà. Bà chăm chú nhìn tôi bằng đôi mắt đã lòa, kể chuyện người Đức đã tới đây và bà với mẹ đã chạy trốn sang chiến hào của chúng tôi ra sao. Bà kể quân Đức đã treo cổ binh lính chúng tôi, rồi buộc họ - người già và trẻ em - phải xem cảnh đó. Khi ấy, mẹ đã thì thầm với bà: "Con gái, đừng nhìn vào đó, nhìn xuống đất đi". Nhưng bà đã không nhìn xuống đất, mà nhìn vào những người lính của chúng tôi.Một tiếng trước, Baba - bà lão bảo tôi gọi bà như thế - xua đuổi không cho tôi vào nhà, còn giờ bà nói đến độ không thể ngăn lại. "Bởi ta đã im lặng với chính mình quá lâu rồi" - bà giải thích.Tôi đứng dậy khỏi băng ghế và căng thẳng đi qua đám cỏ chưa cắt. Baba mới kể với tôi trận chiến trên sông Dnepr, ở bến phà Ratchinskaya. Bà nói quân ta chết ở đó nhiều vô kể. Sau đó bà cùng mẹ ra chỗ cánh đồng, ở đó những người lính của chúng tôi ngồi giữa những vòng hoa cỏ dại. Họ đông lắm, tất cả đều đã chết.Tôi mường tượng ra cảnh đó rất rõ ràng, tất cả xuyên thấu vào tôi, và giờ đây hình ảnh đó vĩnh viễn bên tôi. Baba chỉ về phía rừng, nơi không ai dọn dẹp các tử thi. Chỉ có điều giờ ở đó không còn là cánh đồng, mà đã là rừng rậm. Chúng mọc lên từ thịt xương những người lính của chúng tôi.Đến giờ ăn trưa, một nhân viên xã hội đến và đề nghị đưa tôi về bến phà Ratchinskaya. Tôi đồng ý. Dọc đường, chị kể với tôi những câu chuyện bí ẩn rằng hằng đêm, đặc biệt khi mưa, họ thường mặc áo mưa đi lại. "Ai đi?" - tôi hỏi. "Thì ai đó - những người lính". Khu rừng xào xạc. Nó vắng vẻ và yên tĩnh đến nỗi nếu lắng nghe tiếng sột soạt hồi lâu thì người ta bắt đầu phân biệt được âm thanh, âm tiết, từ ngữ. Nếu muốn, có thể ghép thành câu. Buổi tối, tôi trở lại nhà bà lão. Nhân viên xã hội đi bộ năm cây số về ngôi làng bỏ hoang của mình, tôi ở lại một mình với sự trống trải, cánh rừng lắm lời và bà cụ mù lòa."Baba, tại sao Tamara kể họ đi lại ở đây?" - tôi bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà cũ nát.Baba rất minh mẫn. Đầu óc sáng rỡ trong mọi chuyện - dù bà nói về chính trị, nhớ lại cuộc chiến hay nói về quá khứ, tương lai, hiện tại. Tôi phải ở lại đây một hay hai đêm, không có mạng di động. Những nỗi sợ hãi không hiểu được đến cùng với sự hoang vắng, đặc biệt vào đêm. Tôi muốn nghe giọng nói sáng suốt điềm tĩnh của bà - "Có ai đi ở đây đâu - không người chết cũng chẳng người sống. Ở đây hoang vu mà"."Việc gì con la lên như vậy? - Baba đáp, quay về phía tôi - Vậy họ còn đi đâu nữa, nếu họ chết ở đây? Họ chẳng động chạm gì con, nên con đừng làm ồn. Đừng sợ".Buổi sáng, tôi thức dậy cùng bà - sáu giờ sáng. Tôi không ra khỏi giường, không động đậy dõi theo bà, xem bà ngồi bên cửa sổ và nhìn nó chăm chú, gật đầu với ai đó, mấp máy môi. Trí tưởng tượng của tôi qua giấc mơ vẽ nốt bức tranh hiện ra trước đôi mắt mù của bà - đó là những bức tranh của quá khứ. Bà nói chuyện với ai vậy? Ai đến gặp bà vậy? Và làm sao bà có thể sống ở đây không sợ hãi, chỉ một mình?Khi tôi rời đi, Baba trùm khăn trắng ngồi ở băng ghế. Tôi cứ ngỡ tay bà đang cầm một sợi dây. Tôi cứ tưởng họ lại đến gặp bà, đứng quanh hàng rào - những ai mà bà nhìn khi họ bị hành hình. Và sợi dây đó chính là kết nối. Rằng Baba không ở đó một mình. Và khi Baba còn giữ sợi dây, sẽ không có chiến tranh.***Ngày 25-8-2022 tại Riga, tượng đài Chiến sĩ Giải phóng đã bị phá bỏ. Khi rơi xuống, tấm bia cao đập vào khoảng nước tù đọng tối tăm, làm bắn lên một đài phun những tia trắng xóa. Những tia nước mọc lên dọc hai bên tấm bia, vươn thẳng, trở nên mạnh mẽ và trong khoảnh khắc tưởng như chúng sẽ nhấc tấm bia lên và mang nó đến những con chim sếu. Một ảo ảnh thị giác như thế được sinh ra vào lúc di tích bị phá hủy - ai cũng thấy được. Nếu Baba nhìn nó, có lẽ, bằng đôi mắt mù của mình, bà sẽ nhìn thấy chuyện tiếp nối, một điều gì đó hơn thế nữa. Và nếu bà nhìn thấy cảnh tháo dỡ tượng đài xe tăng T-34 ở Narva, bà sẽ thấy điều gì đó lớn hơn, bởi bà có quen biết riêng với họ - những người đã ngã xuống của chúng tôi. Khi đó bà mới mười một tuổi, bà và mẹ ngồi trong chiến hào, và họ đã chết trước ánh mắt trẻ thơ vẫn còn thấy được, vì bà. Và bà cũng biết người Đức - khi chị bà bị bắt sang Đức, chị đã bỏ chạy, trốn trong đầm lầy; người Đức đến nhà bà tìm chị, giải cha bà ra bắn, người cứ lẩm bẩm : "Tôi không biết con gái ở đâu. Tôi không biết con gái ở đâu".Đôi khi, đặc biệt là những ngày gần đây, tôi tưởng tượng ra cuộc nói chuyện của tôi với Baba. Tôi ngồi cạnh bà trên băng ghế. Dưới chân là cỏ dại. Tôi nói : "Những người đã ngã xuống của chúng ta, họ không chỉ là những người lính đã đánh bại một nước Đức nào đó. Lấy ví dụ những người nằm bên sông Dnepr tại bến phà Ratchinskaya. Hay trong ngội mộ tập thể ở Rava Russkaya. Họ không đơn giản là chiến thắng. Họ đã chết, để chiến thắng. Bởi trong những ngày đó, trong cuộc chiến tranh đó, trong cái ác lên đến đỉnh điểm, không thể sống sót mà chiến thắng". Khu rừng sẽ thì thầm. Baba, người chưa bao giờ biết mặt tôi, sẽ nhìn tôi chăm chú, siết chặt gì đó trong tay; còn tôi có lẽ sẽ tiếp tục suy nghĩ của mình về việc không phải Liên Xô đụng độ với một nước Đức nào đó trong tuổi thơ của Baba mà với cái ác đang kéo cỗ máy địa ngục đi qua một nửa thế giới, hủy diệt loài người ở quy mô công nghiệp. Nhưng nhiều khả năng tôi sẽ không nói tất cả những điều này với chính Baba. Baba là một cụ bà dung dị, và bà tiếp nhận cái ác một cách giản đơn hơn. Tốt hơn là tôi nói: "Cháu đã đặt những quả táo ở đó, cho họ". "Cháu đã làm đúng" - Baba sẽ nói thế. Tôi đã quên nói với bà điều đó. Nói chung tôi chỉ gặp bà có vài ngày và chỉ tiếp nhận gần như là lời xưng tội cuối cùng của bà về chiến tranh. Tôi không biết liệu việc ấy có cho tôi quyền đoán xem bà sẽ nói gì nếu biết về việc các di tích bị phá hủy hay không. Nhưng khi tôi quay lại trong đầu cuộc nói chuyện không thành của chúng tôi, vì lý do nào đó mà tôi tưởng tôi sẽ biết câu trả lời của bà.***"Con gái - tôi nghe thấy giọng bà - Con không nghĩ rằng họ đang làm mọi thứ đúng chứ, những người châu Âu đó?""Vâng, có nghĩ" - tôi sẽ đáp vậy."Lính chúng ta nằm xuống không đúng lúc. Con biết đó"."Con biết" - tôi sẽ đáp vậy."Còn về những tượng đài con đừng lo" - Baba sẽ bảo vậy, trí óc của bà rất sáng rỡ. "Tượng đài chính là khu rừng đó, cánh đồng đó và cây cỏ đó"."Và những cây táo nữa, có lẽ mọc ở biên giới Ukraine và Ba Lan, cách nhau một mét" - tôi sẽ nghĩ thế. Và không đúng nhé, rằng không ai đến với họ."Vậy nên đừng sợ" - Baba sẽ nói vậy.Baba mất ngày 6-2-2022. Bà không còn giữ sợi dây.■PHAN XUÂN LOAN (dịch)Marina Akhmedova là nhà báo, nhà văn, blogger, viết cho tạp chí Phóng viên Nga và Chuyên gia, từng tác nghiệp ở Bắc Caucasus, 2014-2018 đưa tin về cuộc xung đột quân sự ở Ukraine và Donbass, tác giả của tám đầu sách. Năm 2012, cuốn Nhật ký của một kẻ đánh bom liều chết. Khadija của cô vào danh sách rút gọn cho Giải thưởng Văn học Booker của Nga. Sách của cô được dịch ra nhiều thứ tiếng châu Âu. Từng giành hai giải thưởng "Tia lửa" - giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực báo in ở Nga. Tags: Baba sẽ nói gì?Chiến tranh Nga UkraineTượng đàiXô ViếtThế chiến II
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất nền tảng bán hàng xuyên biên giới không hiện diện ở Việt Nam cũng bị đánh thuế NGỌC AN 22/11/2024 Với các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số của doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế dù không có hiện diện.
Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM sẽ thành sàn diễn thời trang HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Hạnh phúc - Happy Forever là chủ đề show diễn thời trang thứ hai trong năm 2024 của nhà thiết kế Vũ Ngọc Tú và Đinh Trường Tùng, sẽ tổ chức ở Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;