Bán đảo Triều Tiên: Cuộc đôi co nguy hiểm

DANH ĐỨC 13/11/2022 05:37 GMT+7

TTCT - Cuộc đôi co giữa CHDCND Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ đã kéo dài gần ba tuần. Tất cả diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang cần hồi phục kinh tế - xã hội hậu COVID.

Bán đảo Triều Tiên: Cuộc đôi co nguy hiểm - Ảnh 1.

Cuộc tập trận không quân rầm rộ "Bão cảnh giác" giữa Mỹ và Hàn Quốc. Ảnh: pacom.mil

KPA bày tỏ sự bực tức trước "cuộc tập trận không quân hỗn hợp Mỹ - Hàn lớn nhất từ trước đến nay, được tổ chức từ 31-10 đến 5-11 với hàng trăm máy bay chiến đấu cùng máy bay ném bom chiến lược hạt nhân". 

KPA gọi cuộc tập trận là "sự khiêu khích công khai nhằm cố tình làm leo thang căng thẳng trong khu vực, và là cuộc diễn tập chiến tranh nguy hiểm có tính chất gây hấn rất cao nhắm trực tiếp vào CHDCND Triều Tiên", rồi kết luận đây là "sự cuồng loạn quân sự liều lĩnh của Mỹ và Hàn Quốc", cũng như phê phán cuộc tập trận "là không thể dung thứ".

Tập trận và phóng tên lửa

Hôm 5-11, Bộ chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) ra thông cáo: "Hôm 5-11, máy bay ném bom B-1B và máy bay F-16 của Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã tiến hành tập trận song phương với máy bay F-35A của Hàn Quốc trong cuộc tập trận "Bão cảnh giác" hằng năm đã được công bố trước để thể hiện năng lực răn đe và hợp tác của hai nước chúng tôi".

Nhưng KPA không nghĩ vậy, và Triều Tiên đã đáp trả. Thông cáo của KPA cho biết từ 2-11 đến 5-11, KPA đã mô phỏng một cuộc tấn công vào căn cứ không quân của "kẻ thù". 

Cụ thể, ngày 2-11, các đơn vị tên lửa ở tỉnh Bắc Pyongan đã bắn 4 tên lửa đạn đạo chiến thuật mang đầu đạn phân tán và đầu đạn khoan sâu tại một hòn đảo hoang ngoài khơi biển tây. Ngoài ra, các đơn vị tên lửa phòng không trên vùng biển phía đông và tây đã bắn 23 tên lửa đất đối không trong khi diễn tập tiêu diệt mục tiêu trên không ở các độ cao và cự ly khác nhau.

Có thể thấy nay Triều Tiên đã vượt qua giai đoạn các tên lửa Scud B và C, nguồn gốc từ Liên Xô, được cải tiến thành tên lửa Nodong tầm bắn 1.000km (năm 1993), rồi Taepodong-1 (2.000km, 1998), Taepodong-2 (10.000km, 2012), để tiến tới giai đoạn tấn công đối phương bằng đầu đạn phân tán, tức nhiều đầu đạn phóng đi từ một đầu đạn "tổng", mỗi cái nhỏ nhắm một mục tiêu khác nhau - kỹ thuật mà cho tới nay chỉ Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ làm chủ được, còn Pakistan và Israel đang ngấp nghé; và bằng bom khoan sâu (phá hủy hầm ngầm).

Đến buổi chiều, tình hình trở nên vô cùng căng thẳng. Theo KPA, do Seoul cho rằng một tên lửa Triều Tiên đã rơi gần lãnh hải Hàn Quốc, nên Hàn Quốc bắn trả bằng các tên lửa dẫn đường không đối đất và bom lượn có điều khiển vào vùng biển của phía Triều Tiên. 

Để đáp trả, KPA bắn tiếp 2 tên lửa hành trình chiến lược tầm bắn 590km từ tỉnh Bắc Hamgyong vào vùng biển khơi cách bờ biển thành phố Ulsan của Hàn Quốc 80km.

KPA lần này đặc biệt giải thích rất rõ mục đích mới của các cuộc diễn tập tên lửa: "Theo yêu cầu của Học viện Khoa học quốc phòng, trong ngày thứ hai của chiến dịch, KPA đã tiến hành thử nghiệm quan trọng với tên lửa đạn đạo để kiểm tra độ tin cậy trong chuyển động của một đầu đạn có chức năng đặc biệt làm tê liệt hệ thống chỉ huy tác chiến của đối phương". 

Giờ đã rõ thực lực tên lửa của Triều Tiên: không còn ở giai đoạn phóng thử coi có bay được không, bay xa tới đâu, bay trúng mục tiêu không, mà là bay trúng mục tiêu và "loại khỏi vòng chiến" không bằng lượng thuốc nổ mang theo, mà bằng kỹ thuật chế áp điện tử do giới khoa học quân sự nước này chế tạo.

Chiều 3-11, Bình Nhưỡng đã bắn 5 tên lửa phóng hàng loạt (MLM) siêu lớn, tên lửa đạn đạo chiến thuật đa nhiệm vụ, và 46 tên lửa phóng hàng loạt tầm xa vào vùng biển phía đông bán đảo, theo thông cáo của KPA. 

Tên lửa phóng hàng loạt tầm xa và siêu lớn này, chưa rõ tên hiệu, có thể được xếp vào nhóm các MLRS (rocket phóng hàng loạt) hiện đang được sử dụng trong cuộc chiến Ukraine - Nga. Có thể thấy trong ngày thứ nhì, KPA nhắm hai mục đích: kiểm tra hiệu quả tên lửa có chức năng làm "tê liệt" đối phương, và tên lửa hàng loạt kiểu đang được đưa vào tác chiến ở Ukraine.

Thử nghiệm tiếp tục trong ngày thứ tư của chiến dịch diễn tập, 5-11: KPA phóng hai tên lửa đạn đạo mang theo đầu đạn phân tán (nhiều đầu đạn) cùng hai siêu đầu đạn bắn hàng loạt cũng từ hòn đảo hoang ngoài khơi vùng biển tây Triều Tiên. Mục tiêu là giả định tấn công hủy diệt căn cứ không quân của đối phương.

Đó là diễn tập tấn công, còn diễn tập phòng thủ thì trong ngày thứ ba 4-11, không quân Triều Tiên đã xuất kích với hơn 500 máy bay các loại trong vòng gần 4 tiếng. 

KPA tổng kết: "Các lực lượng vũ trang CHDCND Triều Tiên đã đáp trả trọn vẹn các cuộc diễn tập không quân liên hợp của đối phương, nâng cao lòng tự tin trong việc vô hiệu hóa "lý thuyết ưu thế" của không quân đối phương, khẳng định hoàn hảo thế trận và năng lực quân sự đầy tự tin của không quân [Triều Tiên]".

Nỗi lo kinh tế

Tình hình hiện phức tạp gấp bội vì những diễn tiến ở cách Triều Tiên một quốc gia, nhưng cũng là cả một châu lục: cuộc chiến Ukraine. 

Sáng thứ ba 8-11, Thông tấn xã KCNA của Triều Tiên trích tuyên bố của phó tổng cục trưởng Tổng cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng nước này, cho rằng việc gần đây Hoa Kỳ liên tục tung ra "tin đồn vô căn cứ về giao dịch vũ khí" giữa Triều Tiên và Nga là "âm mưu chống lại CHDCND Triều Tiên trong nỗ lực bằng mọi giá biến nước này thành kẻ đồng phạm". 

Chuyện có cung cấp vũ khí cho Nga không "hồi sau sẽ rõ", song trước mắt, có vẻ như Bình Nhưỡng đang rất "quan ngại" các nghị quyết trừng phạt mới do Mỹ vận động.

Tình hình kinh tế của Triều Tiên có vẻ không mấy sáng sủa hai năm qua, một phần quan trọng vì dịch COVID và chính sách phong tỏa vẫn được duy trì ở Trung Quốc. 

"Không ai ngạc nhiên khi thương mại của Triều Tiên với Trung Quốc, vốn đã giảm nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, lại giảm tiếp 24% trong tháng 1 và 2-2020, theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên giảm xuống còn 198 triệu USD và nhập khẩu từ Triều Tiên giảm 74% xuống chỉ còn 10 triệu USD", trang 38north.org cho biết vào tháng 4-2020.

Trang này cũng cho biết tình hình nguồn cung dầu thô cho Triều Tiên trong hoàn cảnh bị trừng phạt theo nghị quyết 2375 của Hội đồng Bảo an ngày 11-9-2017, sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 6: 

"Vận chuyển dầu thô của Trung Quốc qua đường ống được đánh giá là khoảng 50.000 tấn một tháng, trị giá 10-20 triệu USD theo giá hiện hành. Triều Tiên tự hào về khả năng tự cường kinh tế của mình, nhưng mức độ ngoại thương này khó bền vững". 

Một đồng minh khác của Triều Tiên là Nga cũng tìm cách hỗ trợ: "Phần lớn thương mại của Triều Tiên đi qua Trung Quốc, nhưng Nga cũng là một đối tác quan trọng tiềm năng, đặc biệt là cung cấp dầu mỏ. Matxcơva đã phủ nhận việc vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ, nhưng các tàu chở dầu của Nga bị cáo buộc đã hỗ trợ xuất khẩu dầu sang Triều Tiên".

Ngoài dầu mỏ, lương thực là một vấn đề hay được nhắc tới khi nói đến kinh tế Triều Tiên. Cần nhớ rằng nước này chỉ có khoảng 18% tổng diện tích đất canh tác được, tương đương 2,2 triệu ha. 

Phần lớn diện tích còn lại là địa hình núi hiểm trở, trong khi thời tiết thay đổi rõ rệt theo độ cao, thiếu mưa và đất bạc màu khiến từ 400m trở lên không thích hợp cho các mục đích khác ngoài chăn thả gia súc. Chính vì vậy vấn đề ngũ cốc ở Triều Tiên đã là tâm điểm bao lâu nay.

Các tác giả Jiang Luguang và Liu Ye, Viện khoa học địa lý và nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên, Viện Khoa học Trung Quốc, trong nghiên cứu "An ninh ngũ cốc trong bối cảnh địa chính trị hiện tại và chính sách nông nghiệp ở CHDCND Triều Tiên" công bố cuối tháng 7 vừa rồi, cho biết: "Dữ liệu cho thấy CHDCND Triều Tiên về cơ bản tự cung tự cấp ngũ cốc trước năm 1995, nhưng sau đó đã không thể đáp ứng nhu cầu, phụ thuộc vào nhập khẩu và quốc tế".

Các tác giả căn cứ theo Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) cho biết để bảo đảm an ninh năng lượng, các quốc gia phải đạt mức ngũ cốc 400kg/người mỗi năm. 

Từ đó so sánh thì giai đoạn 1961 - 1994, Triều Tiên đủ sức tự cung cấp ngũ cốc, một số năm thậm chí lên đến gần 490kg. Nhưng từ 1995, sản lượng bắt đầu giảm, tính cả nhập khẩu và hỗ trợ quốc tế, sở hữu ngũ cốc bình quân đầu người ở mức khoảng 260kg thời gian này.

Vì dân số Triều Tiên tăng trưởng nhanh chóng, áp lực với nguồn cung ngũ cốc cũng tăng lên. Các tác giả nhấn mạnh: "Đảm bảo nguồn cung ngũ cốc đầy đủ vẫn là vấn đề lớn cần được giải quyết trong tương lai". ■

Thông tấn xã Triều Tiên KCNA cho thấy thành tựu của Triều Tiên không chỉ có tên lửa, qua những mẩu tin như: "Tiến bộ đạt được trong gặt đập ngũ cốc ở CHDCND Triều Tiên" đề ngày 22-10-2022.

Bản tin mô tả rất cụ thể: "Các trang trại ở CHDCND Triều Tiên đang nỗ lực thực hiện quyết định của cuộc họp Bộ Chính trị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Nhờ sự nỗ lực tận tâm của cán bộ, công nhân nông nghiệp trên cả nước, công tác thu hoạch lúa, ngô của Ủy ban Nông nghiệp đã đến giai đoạn cuối và kết quả thu hoạch ngày một tăng".

Kết quả là "công nhân nông nghiệp ở một số tỉnh đã thu hoạch xong lúa, ngô và đang hối hả tuốt lúa".

Riêng tỉnh Bắc Hwanghae đã "kết thúc vụ mùa" như mẩu tin cùng ngày của KCNA: "Công nhân nông nghiệp ở huyện Unpha đi đầu trong việc thu hoạch lúa. Họ đã huy động tất cả máy móc nông trại để thực hiện vượt kế hoạch hằng ngày tới 120%. Hwangju, Pongsan và các huyện khác cũng hoàn thành thu hoạch lúa trước thời hạn".

Bắc Hwanghae (và Nam Hawnghae) nằm trong số vài tỉnh dẫn đầu về năng suất nông nghiệp ở Triều Tiên, nên mới được "lên báo".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận