Bản nhạc của biển

TTCT - Người ta nói rằng trong thôn có những người chỉ là linh hồn mà thôi. Họ không có thực. Họ chỉ là những linh hồn lang thang rày đây mai đó. Và họ nói rằng lão cũng chỉ là một linh hồn trong số những linh hồn lang thang ấy.

Minh họa: Trương Tiến Trà

“Thực ra tao không muốn làm những điều đó. Tao không biết nữa, chúng thật bỉ lậu”. Lão vừa nói vừa đưa chiếc vỏ ốc biển lên miệng. Năm nay tôi vừa tròn mười ba tuổi. Tôi nghe lão nói nhiều về những người lính hành quân dưới lòng đại dương. “Những người bạn của tao đã sống dưới lòng đại dương suốt quãng đời còn lại” - lão nói. “Vì sao họ không trở về?” - tôi vói tay lấy chiếc vỏ ốc biển trên tay lão và hỏi. Lão lại nhìn về phía những dãy núi điệp trùng ấy và bắt đầu với những điệu cười của lão.

“Ông chơi bản Ngủ giữa biển sâu được không?”. Tôi nói và nhìn vào đôi mắt đục ngầu của lão. Lão không nói, lão nhìn xuống cái vỏ ốc biển trên tay hồi lâu. Và giờ thì lão bắt đầu chơi bài Ngủ giữa biển sâu. Tôi đu mình theo những điệu nhạc.

Biển sâu, biển sâu. Biển ở trong tim ta. Biển ru những giấc mơ của ta yên ngủ và biển hát lên bản hoan ca khi ta và những người anh em của ta ngã xuống. Biển sâu, biển sâu. Biển và huyền thoại về những giấc mơ ấy sẽ ở trong tim ta, cùng ta hân hoan điệu đàn…

Người trong thôn nói rằng tôi không nên chơi với lão. Không nên chơi với một lão già linh hồn bệnh hoạn. “Những lời văng tục và những câu chuyện ma quái của lão sẽ nuốt chửng mày đấy”. Họ nói với tôi như thế. Và cha tôi, người đàn ông có những vết thẹo kéo dài trên trán, cũng đã nhiều lần chửi bới tôi về việc suốt ngày cứ quấn lấy lão già bệnh hoạn cùng với cái vỏ ốc biển của lão.

“Lão không điên”. Tôi đã rống lên với cha tôi như thế và cũng nhiều đêm, tôi đã bỏ nhà ra ngủ với lão ngoài đồng. Tôi thích ngủ ngoài đồng với lão. Tôi sẽ ngậm một vài lá cỏ và nhìn lên các vì sao rồi nghe lão nói về những đoàn quân đang chiến đấu dưới lòng biển hơn là ở nhà để nghe cha tôi thao thao bất tuyệt về những vần thơ dở tệ “mới ra lò” của ông.

“Bọn tao để lại những giấc mơ trong biển. Biển che chở cho bọn tao. Thật đấy, bọn tao đã từng mơ những giấc mơ rất đẹp ở trong biển. Giấc mơ về một cuộc sống không khói súng, không đạn bom. Bọn tao đã từng mơ tới những ngôi làng xanh mướt, những làn khói bay lên từ những nóc nhà bằng lá. Và rồi bọn tao đã chết. Mày biết đấy. Chiến tranh mà. Chiến tranh không giống như trò đánh trận giả của chúng mày trên đồng đâu” - lão nói.

“Mày ngủ à?” - lão hỏi. “Tao muốn nói lại với mày là tao không ý thức được những điều mà ngày hôm qua tao đã làm. Thật đấy, tao không biết. Lúc ấy tao muốn gào rú. Tao thấy những người anh em của tao gào rú trong biển sâu và thế là tao gào rú. Tao nhảy lên trên chiếc xe bò của mụ già thối hoắc ấy và bắt đầu gào rú. Bắn đi, bắn chúng đi. Đừng giẫm lên chúng. Mìn đấy. Anh em ơi, hãy băng qua mọi thứ. Đạp lên những con sóng kia đi. Nào, xung phong…

Thế đấy, chiều hôm qua tao đã gào rú như thế. Tao không biết vì sao tao lại như thế. Lúc ấy có một tia sét đánh vào đầu tao và tao thấy những khuôn mặt đầy máu của anh em tao ở trong biển và thế là chúng tao lâm trận... Mày ngủ à. Ừ thì ngủ đi. Mong sao trong những giấc mơ của mày không có những tiếng nổ ấy”.

Lão nói cho tới khi tôi chìm vào giấc ngủ. Và trong giấc mơ của tôi. Tôi lại đi đánh trận. Tôi lại băng qua những cột sóng khổng lồ đầy khói súng và tiến về phía quân thù. Tôi sẽ là một người hùng. Tôi lại mơ tới viễn cảnh huy hoàng ấy. Viễn cảnh tôi trở thành một chàng trai trẻ đi giữa đoàn hùng binh trên mặt đại dương sóng vỗ và có ai đó đứng trên những đám mây rải những cánh hoa rơi xuống trên tóc tôi.

Người trong thôn nói rằng lão thường chui vào nhà họ trong đêm khuya. Rồi lão hỏi họ về những người anh em của lão. “Cút đi, anh em nào? Hả?”. Họ nói với lão như thế trong khi lão cứ thao thao về những người anh em của lão.

“Những người anh em ngủ trong lòng biển. Máu họ đã chảy, lửa và máu của chúng tôi đã trộn lẫn vào nhau. Họ đâu rồi? Hãy nói cho tôi biết đi. Tôi muốn thổi một bản tình ca bằng chiếc vỏ ốc biển này cho những người anh em của tôi im ngủ. Để họ không buồn trong đêm nơi biển sâu hoang lạnh. Nào, nói đi...”.

Lão rống lên như thế. Khi người ta túm cổ lão lôi ra khỏi nhà họ thì lão lại hát. Trong đêm, tiếng hát và tiếng nhạc từ cái vỏ ốc của lão cuộn lấy những hạt mưa vang xa ngút ngàn vô tận.

Một buổi chiều ráng hồng nhuốm máu trên đê, người ta thấy lão trở về quê với đôi chân tật nguyền của lão. Lúc ấy tôi chưa ra đời. Người ta nói rằng trong chiếc balô của lão đầy rong biển. Ngày ấy tóc lão chưa có những sợi bạc. Lão trở về rồi ngồi xuống trên bờ đê và hỏi về người thân của lão. Lão gào khóc khi người ta nói mẹ già của lão đã bỏ đi biệt xứ.

Rồi những đêm sau đó người ta nghe lão cười. Người ta nghe lão gào khóc và gọi tên những người anh em của lão. Và những tháng năm về sau không ai muốn gần gũi với lão. Người ta kháo nhau rằng lão chỉ là một linh hồn. Lão cô đơn và làm bạn với cái vỏ ốc biển lão mang về từ dưới lòng đại dương.

“Bao nhiêu năm rồi tao không thấy anh em - lão nói - Tao chơi bản Ngủ giữa biển sâu cho mày nghe nhé. Được không? Và mày hãy im lặng. Làm ơn. Tao muốn mọi thứ im lìm như trong thẳm sâu biển cả vậy” - lão nói rồi lại hát:

Biển sâu, biển sâu. Biển ở trong tim ta. Biển ru những giấc mơ của ta yên ngủ và biển hát lên bản hoan ca khi ta và những người anh em của ta ngã xuống. Biển sâu, biển sâu. Biển và huyền thoại về những giấc mơ ấy sẽ ở trong tim ta, cùng ta hân hoan điệu đàn...

“Giấc ngủ của tao nằm lại trong biển. Không có ở đây đâu. Mày đừng tìm kiếm” - lão nói. “Biển nào?” - tôi nói.

“Tao không nhớ. Tao và những người anh em của tao đã ngủ trong biển sau những lần hành quân kéo dài vô tận. Những người anh em của tao đã ngủ rất lâu và họ không bao giờ thức giấc. Bọn tao từng mơ về những ngôi nhà bằng lá, những vườn cau và những vườn cà. Bọn tao muốn thấy hòa bình màu xanh bay lượn trên biển. Bọn tao thường hát cho nhau nghe trong lòng biển sâu để tránh đi những cơn khát. Bọn tao thường giả vờ tiếng sóng biển để thôi khỏi buồn đau bởi sự ác hiểm của quân thù. Và những người anh em đã ở lại, còn tao thì trở về. Mày thấy mẹ tao đâu không?” - lão nói.

“Tôi không biết” - tôi nói. “Hẳn là bà ấy cũng đã ngủ lại đâu đó ở trong lòng biển”. Lão nói rồi hai chúng tôi im lặng lắng nghe tiếng giun dế trong lòng đất và tiếng cỏ cây trên ruộng đồng trong đêm khuya khoắt.

“Thực ra tao đã chết rồi. Tao đã chiến đấu trên biển. Tao và những người anh em của tao đã ngủ lại dưới lòng đại dương để cho mặt biển không có khói súng của quân xâm lược. Tao và anh em của tao đã chiến đấu để mặt biển nở đầy hoa”. Lão nói và tôi thì không bao giờ hoài nghi về những điều lão nói. Với tôi, ai cũng là một chiến binh vĩ đại và tôi cũng sẽ trở thành một chiến binh vĩ đại trên đại dương.

Tối nay, cha tôi lại hục hặc ho rồi nói với tôi về lão già ấy. “Mày đừng chơi với lão. Điên đấy, những tiếng nhạc từ cái vỏ ốc ma ám của lão sẽ xâm hại ruột gan mày đấy, Phong à”. Cha tôi nói và lại hục hặc ho. “Lão không điên” - tôi nói. “Lão không cô độc, lão có những người anh em của lão trong lòng biển. Họ đang ngủ trong biển và sẽ thức giấc vào một ngày nào đó để nhấn chìm quân xâm lược”.

Tôi nói trong khi cha tôi rống lên cười. Mắt cha tôi trở nên sáng quắc và ông lại bắt đầu ngâm nga những vần thơ của ông: Hỡi những chàng trai! Hãy bỏ lại sau lưng những luống cày/Hãy bước đi trên mặt đại dương sóng vỗ/Hãy bằng những bản hùng ca át đi tiếng súng của quân thù.

Tôi không thích việc cha tôi suốt ngày làm thơ cùng với cái thói mơ mộng nhà quê ấy. Tôi không thể chấp nhận việc mẹ tôi cứ suốt ngày cắm đầu ngoài ruộng trong khi cha tôi cứ mơ về những viễn cảnh huy hoàng. Mẹ tôi thường nói với tôi rằng hãy để cha tôi yên. “Cha mày có nhiều vết thương lắm đấy”. Mẹ tôi thường nói thế. Nhưng tôi thì không thấy bất cứ một vết thương nào trên thân thể cha tôi. Hẳn là sẽ có những vết thương nào đó nơi ông mà tôi không nhìn thấy.

“Lớn lên rồi mày cũng có những vết thương như thế. Phong à, lớn lên rồi mày mới biết”. Tôi không hiểu mẹ tôi nói gì, nhưng tôi thì vẫn không bao giờ thích những vần thơ của cha. Tôi muốn nghe những vần thơ mạnh mẽ hơn nữa.

Chiều nay, lão tới nhà tôi. Lão đứng ngoài thềm trong khi cha tôi đang đi lại ngâm nga những vần thơ của ông. “Những cánh hồng rải xuống trong tim tôi/ Tôi không còn là kẻ cô độc khi một mình tôi lang thang trên mặt đất hoang vu này. Hỡi những người anh em của tôi, hãy cùng tôi bay trên biển cả...”. Khi nghe thấy tiếng vỗ tay của lão thì cha tôi dừng lại. “Thơ hay, thơ hay...” - lão nói.

Cha tôi nhìn vào đôi chân tật nguyền của lão rồi bước lại cúi xuống gõ vào ống chân bằng gỗ bên phải của lão. “Cứng đấy” - cha tôi nói. “Bị thương năm nào?” - cha tôi hỏi. “Thỉnh thoảng vẫn đau chứ?” - cha tôi hỏi. Và lão thì cười. “Tôi thổi một bản cho anh nghe nhé. Được không?”. Lão vừa nói vừa thò tay vào túi áo của lão và lấy chiếc vỏ ốc biển ra.

“Được đấy. Thổi được bản Vết thương vĩnh cửu không?” - cha tôi hỏi. Và giờ thì lão thổi bài Vết thương vĩnh cửu cho cha tôi nghe. Cha tôi nhắm nghiền mắt rồi ngồi xuống bên thềm đu đưa theo điệu nhạc mê hoặc ấy.

Đêm dần buông xuống, Những cánh dơi chao liệng trong khoảnh khắc giao nhau giữa sáng và tối. Cha tôi nói với lão rằng hãy ở lại nhà tôi. Lão uống rượu với cha tôi. Lão nói về những vần thơ của cha tôi. Lão nói rằng lão thấy những giọt nước mắt trong thơ của cha tôi, những suối nguồn đã cạn trong nỗi lòng của cha tôi và những vướng mắc của cha tôi khi ông không có được đôi cánh màu trắng ấy.

Lão nói với cha tôi về những đôi cánh và về những chân trời không có người bay. Lão phân trần với cha tôi rằng lão không muốn thế. Lão không muốn gào rú trong đêm. Lão không muốn lang thang dưới mưa rồi ta thán bằng những bản nhạc bi thảm đó. Lão nói rằng trong đêm, những mảnh đạn trong người lão nhảy múa và sấm sét chạy đi trong óc lão.

Những lúc như thế lão lại thấy những khuôn mặt đầy máu của những người anh em, của những người đã cùng lão chiến đấu rồi ngủ và mơ ở trong lòng biển.

Lão nói rằng lão không biết vì sao lão lại bị những nỗi đau ấy ám ảnh lão. Lão không biết vì sao những tiếng đạn năm xưa lại theo đuổi những cơn mê của lão. Lão nói về những bến bờ và những ước vọng. Lão nói về những tiếng quát tháo và tiếng nguyền rủa của mọi người dành cho lão. Lão khoe khoang với cha tôi về những vết thương của lão.

Cha tôi lại đưa rượu lên môi rồi nói với lão hãy im ngủ. Cha tôi nói với lão hãy đón bình minh, rồi tiếng chim sẽ về và lòng ngực lão sẽ được mở ra. Rồi cha tôi chếnh choáng. Cha tôi nói về những giới hạn của đường chân trời. Lão cũng bắt đầu gào rú. Lão chỉ tay về phía cha tôi và làm giả tiếng súng. Cha tôi đứng lên ghế và vỗ hai tay như chim vỗ cánh rồi nói với lão rằng hãy ở lại với mặt đất tối tăm này.

“Bắn đi. Đừng sợ. Anh em ơi. Bắn đi. Nào. Đừng giẫm lên những chiếc lá đó. Mìn đấy anh em, quay lại đi. Bùm... muộn rồi. Trời ơi... muộn mất rồi...”. Cha tôi và lão cùng gào rú trong đêm.

Mẹ tôi thì vẫn lặng im dưới bếp. Bà đang cúi xuống thổi lửa cho nồi cám lợn. Khi bà ngẩng mặt lên thì tôi nhìn thấy những ngọn lửa đang nhảy múa trong những giọt nước mắt không ngớt trào ra nơi khóe mắt đỏ hoe của bà. Mẹ tôi luôn thế, bà thường khóc rồi xâu những giọt nước mắt thành một chuỗi hạt và đó là niềm vui thú của bà. Một niềm vui thú lặng lẽ, cô độc và đối với bà đó là một niềm an ủi trong những giấc mơ mong cầu bình an.

Chiều nay, tôi và lão lại nằm trên cỏ và nói về những đoàn hùng binh trên đại dương. “Ai cũng có giấc mơ của mình” - lão nói với tôi. “Nhưng những giấc mơ đẹp nhất tao đã bỏ lại trong biển cùng thân xác và linh hồn của những người anh em của tao”. Lão nói trong khi một con kiến đang bò đi trên lá cỏ dưới chân chúng tôi. Tôi hỏi lão vì sao những người anh em của lão không trở về. Lão lặng câm nhìn về phía có những dãy núi chìm khuất trong mây.

“Họ chết rồi, thân xác họ đã nằm lại ở biển sâu và linh hồn của họ lang thang trong lòng biển lạnh. Mày biết đấy, những vết thương vĩnh cửu sẽ cho mày lớn khôn” - lão nói. “Và mày lớn khôn đi, rồi mày sẽ là một chiến binh trên biển. Mày sẽ lấy hoa thay cho máu và hòa bình sẽ trở về với đôi cánh màu trắng của nó” - lão nói với tôi. “Hãy cầm lấy chiếc vỏ ốc này và hãy thay ta thổi lên những bản nhạc ấy”. Lão nói và đưa chiếc vỏ ốc cho tôi. Tôi nhìn nó như nhìn một vì sao đầy ánh sáng.

Rồi người ta đem lão lên núi. Tôi không tin là mình sẽ khóc trong đám tang của lão. Tôi không biết thực hay không khi người ta nói lão chỉ là một linh hồn. Nhưng thật sự nước mắt tôi đang ứa ra. Tôi nghĩ đến lão. Nghĩ đến những giấc mơ và những cơn điên của lão giữa đêm khuya. Tôi nghĩ tới những bài hát của lão. Những khúc tình ca mà lão viết cho anh em của lão.

Người ta đang nói về cái chết của lão. Lão chết trong mưa, giữa đêm khuya lão gào thét rồi lão ra đi vĩnh viễn. Lão hú trong đêm mưa gió. Lão gọi tên những người anh em của lão. Lão hát bài Ngủ giữa biển sâu trong đêm tối. Sáng ra người ta thấy lão nằm bất động trên đồng. Linh hồn lão đã bay đi. Tôi biết rằng linh hồn lão đã bay về phía những người anh em của lão. Nơi ấy lão lại mải mê với những bản nhạc của biển.

“Chúng ta vừa chôn xong một linh hồn”. Người ta nói thế.

“Một linh hồn tuyệt diệu của đại dương” - tôi nói và òa khóc. Tôi vẫn nắm chặt chiếc vỏ ốc của lão trong lòng bàn tay. Nước mắt tôi vẫn chảy. Tôi thề rằng tôi sẽ trở thành một chiến binh vĩ đại bước đi trên biển cả với những bản tình ca có trong chiếc vỏ ốc này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận